Từng bước hiện thực hóa mục tiêu chủ nghĩa xã hội trên đất Hồng Lam
TCCS - Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Nhận thức sâu sắc và thấm nhuần quan điểm, tư tưởng đó, suốt nhiều nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã luôn nỗ lực phấn đấu hiện thực hóa với bốn trọng tâm lớn: thu hút đầu tư, xây dựng nông thôn mới - nâng cao đời sống cho nhân dân, phát huy truyền thống văn hóa con người Hà Tĩnh, bảm đảm an sinh xã hội… phấn đấu vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trên đất Hồng Lam.
Chủ nghĩa xã hội - con đường đúng đắn của Đảng và dân tộc ta
Khát vọng lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh đó chính là “…ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”(1). Khát vọng đó đã được Người căn dặn, phát biểu, nói chuyện với đại biểu cán bộ, đảng viên nhân dịp về thăm tỉnh Hà Tĩnh, ngày 15-6-1957. Người căn dặn Hà Tĩnh phải làm sao cho tình hình nổi bật lên; để làm được điều đó, thì một trong những nhiệm vụ trước mắt là phải rất chú ý tăng gia sản xuất... vì đơn giản “có thực mới vực được đạo”, đó là duy vật, là gốc của chủ nghĩa Mác - Lê-nin.
Để khẳng định và chứng minh tính đúng đắn của quan điểm, đường lối về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, trên cơ sở tổng kết 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta đã cụ thể hóa, bổ sung nhận thức mới, ngày càng làm sáng rõ hơn cả lý luận và thực tiễn về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Điều đó được thể hiện rõ trong văn kiện các kỳ đại hội Đảng từ đổi mới đến nay, nhất là Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đặc biệt, trong bài viết: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhấn mạnh: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”(2).
Kiên định, thấm nhuần tư tưởng, các quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng xã hội chủ nghĩa, khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Hà Tĩnh phải làm sao cho tình hình nổi bật lên”, trong mỗi giai đoạn cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh đã không ngừng nỗ lực vượt khó vươn lên, phát huy truyền thống cách mạng, từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội trên mảnh đất Hồng Lam.
Năng động thu hút đầu tư phát triển kinh tế
Hà Tĩnh là tỉnh có xuất phát điểm thấp, khí hậu, thiên tai khắc nghiệt “chảo lửa, túi mưa”, năm 1991, sau khi tái lập tỉnh, mọi thứ hết sức khó khăn, kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ; thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng 1/3 cả nước (69/188 USD), tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm 53%, tổng thu ngân sách trên địa bàn mới đạt 18 tỷ đồng… Sau hơn ba thập kỷ kiên trì thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, tỉnh Hà Tĩnh đã có sự phát triển vượt bậc, quy mô kinh tế tăng gấp 95 lần (đứng thứ 31 cả nước, thứ 3 khu vực Bắc Trung bộ); GRDP bình quân đầu người tăng hơn 100 lần; thu ngân sách nội địa tăng hơn 190 lần; tỷ lệ hộ nghèo còn 3%...(3). Đây chính là thành quả của hành trình viết tiếp truyền thống Xô-viết anh hùng, chắt chiu, nắm bắt mọi cơ hội, vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng vào thực tiễn của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hà Tĩnh thời gian qua.
Từ Đại hội XV (nhiệm kỳ 2001 - 2005), Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh xác định phương hướng từng bước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo một bước đột phá, phấn đấu thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo, vươn lên giàu mạnh. Phương hướng đó tiếp tục được cụ thể hóa qua các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, XVII, XVIII, XIX, khẳng định tính đúng đắn mà các nghị quyết đại hội đưa ra, góp phần đưa Hà Tĩnh từ tỉnh có tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp chiếm gần 70%, đến năm 2022 giảm còn 15,01%(4). Đến cuối Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2015 - 2020), với tinh thần nhất quán và quyết tâm hiện thực hóa chủ trương nghị quyết của các kỳ đại hội, với tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 46% vào năm 2020, ngành công nghiệp đã thực sự đóng vai trò động lực chủ yếu cho sự tăng trưởng của nền kinh tế tỉnh, góp phần nâng tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt gần 15 nghìn tỷ đồng, gấp gần 800 lần so với năm 1991. Tiếp tục kế thừa và phát huy những thành quả mà đại hội trước đạt được, Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2020 - 2025) xác định, công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng là một trong 4 trụ cột trọng điểm phát triển giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn 2045. Trong đó, tỉnh Hà Tĩnh tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để từng bước tạo đà xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng trở thành khu kinh tế đa chức năng, là trung tâm công nghiệp động lực và logistics.
Với quyết tâm chính trị, đổi mới cách tiếp cận thu hút, đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 81 dự án trong nước với tổng số vốn đăng ký hơn 16.500 tỷ đồng và 3 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký gần 2,5 tỷ USD, nâng tổng số dự án đầu tư trên địa bàn đạt gần 1.500 dự án với tổng vốn đầu tư 513.000 tỷ đồng, trong đó có 1.400 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư gần 137.000 tỷ đồng và 68 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư gần 16 tỷ USD(5). Nhiều dự án công nghiệp lớn đã, đang được triển khai trên địa bàn, như nhà máy nhiệt điện Vũng Áng II, nhà máy cell pin VinES, nhà máy Pin Lithium, nhà máy bia Hà Nội - Nghệ Tĩnh… Riêng năm 2022, tỉnh Hà Tĩnh có 19/26 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch. Tổng sản phẩm trên địa bàn toàn tỉnh (GRDP) ước đạt gần 93.000 tỷ đồng, xếp thứ 30/63 cả nước. GRDP bình quân đầu người ước đạt 70,5 triệu đồng/năm, tăng 8,4 triệu đồng/người/năm so với năm 2020, cao nhất khu vực Bắc Trung Bộ.
Hà Tĩnh là một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Trước đó, tháng 6-2023, với chủ đề “Hà Tĩnh - hiện thực hóa tiềm năng và khát vọng”, tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư đã có 15 dự án được chấp thuận đầu tư với gần 10 nghìn tỷ đồng; ký kết 25 biên bản hợp tác đầu tư với gần 220 nghìn tỷ đồng. Nâng tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đạt gần 61% và tỷ lệ đô thị hóa đạt 30,45%, tạo ra hàng vạn việc làm cho lao động trong và ngoài tỉnh. Những thành quả đạt được trong thu hút đầu tư, tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế của tỉnh Hà Tĩnh trong những năm qua là minh chứng sinh động, thuyết phục nhất cho công cuộc đổi mới và những thay đổi to lớn, tốt đẹp của tỉnh.
Nông thôn mới của dân, do dân và vì dân
Với quan điểm nhất quán “đầu tư cho nông nghiệp là đầu tư cho phát triển bền vững”, sau Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5-8-2008, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động xây dựng các chủ trương, chính sách, sớm cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả việc phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2020 - 2025) xác định, mục tiêu xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển, trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ, đến năm 2025 là tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới. Xây dựng nông thôn mới là một quá trình phát triển bền vững, lâu dài, vì vậy, từ 2010 đến nay, cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở luôn trăn trở tìm các giải pháp để phát triển theo chiều sâu, thực chất và mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Một trong những điểm nổi bật, sáng tạo của Hà Tĩnh đó chính là tiêu chí 20 về khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu để xây dựng một nông thôn trù phú, sinh thái, yên bình và mang đậm bản sắc Hà Tĩnh.
Từ khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã hết sức chú trọng các khâu từ khảo sát đánh giá đến ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, ứng dụng số, quan tâm phát triển nông nghiệp an toàn thích ứng biến đổi khí hậu, nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn, chú trọng phát triển các sản phẩm OCOP đặc sản vùng, miền... Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 249/300 sản phẩm, dịch vụ đạt chuẩn OCOP (đạt 83%), trong đó có 14 sản phẩm OCOP chất lượng 4 sao (đạt 5,6%). Dự kiến đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ có trên 300 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó 60 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 15 sản phẩm đạt chuẩn 5 sao. Cùng với đó, tỉnh Hà Tĩnh cũng luôn đặt ra yêu cầu cao trong các tiêu chí, sẵn sàng thu hồi lại kết quả đạt chuẩn nông thôn mới đối với những đơn vị đã được công nhận đạt chuẩn trước đây, nhưng nay kiểm tra, đánh giá lại không đạt(6). Chính cách làm quyết liệt này đã góp phần bỏ bệnh thành tích, hình thức và ngày càng hiện thực hóa rõ hơn mục tiêu xây dựng nông thôn mới trong mỗi khu dân cư.
Từ chỗ Hà Tĩnh không có xã, huyện nào đạt chuẩn, thì đến hết năm 2022, toàn tỉnh đã có 9/13 huyện, thành phố, thị xã đã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn; 177/181 xã đạt chuẩn (98%), 50/181 xã đạt chuẩn nâng cao (27%) (mục tiêu đề án: 50%), 7/181 xã đạt chuẩn kiểu mẫu, đạt 3,87% (mục tiêu đề án: 10%), số khu dân cư kiểu mẫu đạt 66%. Ước tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Hà Tĩnh sẽ có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (181/181 xã); phấn đấu cuối năm 2024, 100% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Việc xây dựng nông thôn mới đi vào thực chất đã giúp Hà Tĩnh chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu lao động nông thôn, góp phần đem đến thu nhập ngày càng cao cho người nông dân. Với mức thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng 4,2 lần (từ 8,6 triệu đồng/người/năm 2008 lên gần 36 triệu đồng/người/năm 2021) đã góp phần nâng mức thu nhập bình quân đầu người chung toàn tỉnh năm 2022 đạt 45,08 triệu đồng/năm, nhiều vùng nông thôn cho thu nhập gần 50 triệu đồng/người.
Vùng nông thôn Hà Tĩnh hôm nay là những làng quê yên bình, trù phú và không ngừng "thay da đổi thịt"; điện, đường, trường, trạm khang trang, hiện đại, những con đường xanh bốn mùa hoa nở, được điểm tô thêm màu đỏ sắc cờ; đêm đến đèn điện sáng bừng mỗi tuyến đường thôn quê… Tất cả những hình ảnh đó giúp mỗi làng, mỗi thôn ở Hà Tĩnh dần trở thành những miền quê đáng sống. Đáng quý hơn, nông thôn mới đưa mỗi người dân Hà Tĩnh đến gần với nhau hơn, phát huy tình thần đoàn kết, cố kết cộng đồng, phát huy các thuần phong, mỹ tục, truyền thống nghĩa tình thủy chung để cùng nhau xây dựng quê hương đẹp giàu. Huy động mạnh mẽ sức dân để mang đến lợi ích thiết thực cho nhân dân. Kết quả của xây dựng nông thôn mới thành công đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi đời sống người dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Đây cũng chính là cách mà Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh hiện thực hóa chủ trương Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.
Phát huy truyền thống văn hóa người Hà Tĩnh
Với sứ mệnh “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, truyền thống văn hóa đã trở thành nguồn sức mạnh nội sinh để nhân dân Hà Tĩnh vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, chiến thắng thiên tai, địch họa, xây dựng quê hương ngày càng phát triển, nhất là trong hơn 30 năm tái lập tỉnh (1991 - 2022), nhiều giá trị văn hóa mới đã được bổ sung và phát triển.
Là địa phương có bề dày về hệ thống di tích với hơn 1.800 di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh. Đặc biệt, Hà Tĩnh đã có 5 di sản văn hóa được UNESCO vinh danh, tiêu biểu như: Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, ca trù, mộc bản Trường học Phúc Giang và Hoàng Hoa sứ trình đồ, Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu… Hà Tĩnh cũng được xem là vùng địa linh nhân kiệt. Từ các thời xa xưa với nhiều tên tuổi danh nhân, anh hùng, nhà toán học, sử học… cho đến thế hệ trẻ ngày nay với những thành tích mới, ghi dấu ấn cả trên “đấu trường” tri thức trong nước và quốc tế. Hà Tĩnh duy trì và khẳng định vị trí top 10 về giáo dục đại trà và thứ 2 về giáo dục mũi nhọn trong cả nước.
Tỉnh Hà Tĩnh đã sáng tạo, cụ thể hóa chuyên đề toàn khóa của Trung ương thành các chuyên đề hằng năm gắn với nhiệm vụ chính trị của tỉnh; chú trọng khơi dậy khát vọng và truyền thống văn hóa, con người Hà Tĩnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID... Từ tinh thần Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Hà Tĩnh tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn tỉnh năm 2022. Đây được xem là diễn đàn quan trọng nhằm tiếp tục triển khai các nội dung Hội nghị Văn hóa toàn quốc và cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa.
Việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" được gắn với việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu đã tạo sức lan tỏa tích cực trong Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, góp phần quan trọng trong xây dựng con người Hà Tĩnh phát triển toàn diện. Đặc biệt là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã tạo nên sự thay đổi căn bản diện mạo từ nông thôn đến thành thị, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, củng cố hệ thống chính trị, nhân lên sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống(7). Điều này đã góp phần khẳng định quan điểm “phát huy dân chủ, đoàn kết, ý chí, khát vọng, giá trị văn hóa và sức mạnh con người Hà Tĩnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước” mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX đã đề ra là hướng đi đúng trong giai đoạn hiện nay.
“Không một ai bị bỏ lại phía sau”
Một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển(8). Với quan điểm “Không một ai bị bỏ lại phía sau”, cấp ủy, chính quyền Hà Tĩnh đã cụ thể hóa thành chương trình hành động phù hợp với tình hình thực tế của địa phương trong từng giai đoạn, từng đơn vị và từng đối tượng bằng các phong trào thi đua yêu nước thiết thực, hiệu quả, như: “Đền ơn đáp nghĩa”, “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Xóa nhà tranh tre dột nát”, “xây nhà đại đoàn kết”, “nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ”(9)… với sự tham gia nhiệt tình của đông đảo các tầng lớp nhân dân, tổ chức rộng khắp, tạo sự lan tỏa tích cực trong xã hội. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền cũng thường xuyên nắm bắt tình hình đời sống người dân trên địa bàn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế còn nhiều khó khăn, vùng lũ, vùng biên để kịp thời ban hành nhiều chính sách về an sinh xã hội phù hợp. Đến nay, tỉnh Hà Tĩnh không còn huyện nghèo, xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, thôn đặc biệt khó khăn miền núi; tỷ lệ hộ nghèo còn 3,79%, hộ cận nghèo còn 4,04% theo chuẩn đa chiều mới. Tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh hiện đạt 75%, mỗi năm giải quyết việc làm mới cho trên 22.000 người. Trong đại dịch COVID-19, Hà Tĩnh là tỉnh đầu tiên trong cả nước tổ chức đón công dân từ Thành phố Hồ Chí Minh về quê bằng tàu hỏa, máy bay. Hà Tĩnh cũng đã cử 2 đoàn bác sĩ, nhân viên y tế giúp các tỉnh Bình Dương và Nghệ An về công tác phòng, chống dịch COVID-19, kịp thời hỗ trợ trên 190 tỷ đồng chi cho 153.000 người lao động bị ảnh hưởng COVID... Gần 1.300 tấn lương thực, nông sản trị giá hơn 20 tỷ đồng được nhân dân Hà Tĩnh quyên góp ủng hộ đồng bào miền Nam. Ngoài ra, tỉnh cũng hỗ trợ hai tỉnh của nước bạn Lào là Bôlykhămxay và Khăm Muộn vật tư y tế phòng, chống dịch COVID-19 với tổng trị giá 2,2 tỷ đồng…
Là một tỉnh thường xuyên ảnh hưởng thiên tai, bão lũ, tỉnh Hà Tĩnh luôn ban hành và triển khai chủ trương “xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ, nhà ở kiên cố cho người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai”. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh Hà Tĩnh huy động xã hội hóa được hàng nghìn tỷ đồng, xây dựng 58 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh, trú bão, lũ; hơn 5 nghìn căn nhà ở kiên cố cho người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai. Hiện toàn tỉnh đang triển khai xây dựng hơn 1.000 nhà ở cho các hộ khó khăn và xây dựng các điểm trường vượt lũ trên địa bàn từ nguồn kêu gọi hỗ trợ của Bộ Công an và các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm; hỗ trợ 220 em học sinh đạt điểm cao, gặp hoàn cảnh khó khăn đi học đại học, bình quân mỗi em từ 80-150 triệu đồng; các đoàn thể thực hiện tốt phong trào “Mẹ đỡ đầu” giúp 3.500 trẻ em mồ côi có cuộc sống ổn định, hòa nhập cộng đồng. Những kết quả bước đầu đạt được trên lĩnh vực an sinh xã hội của tỉnh là minh chứng sinh động nhất cho quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp ở Hà Tĩnh, tạo cơ hội bình đẳng cho các đối tượng vươn lên ổn định cuộc sống; khẳng định tính nhân văn, ưu việt của chế độ chủ nghĩa xã hội.
Kiên trì hiện thực hóa mục tiêu của chủ nghĩa xã hội
“Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người… Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn…”(10). Tư tưởng về mục tiêu chủ nghĩa xã hội đó đã kế thừa và vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn đất nước ta; cũng chính là định hướng, khát vọng để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy những thành quả đạt được, bước vào thời kỳ mới, Hà Tĩnh xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2020 - 2025) là xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, văn hóa phát triển, xã hội tiến bộ, quốc phòng - an ninh bảo đảm, trở thành một trong những cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ; cải thiện toàn diện đời sống nhân dân; đến năm 2025, tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người cao hơn bình quân các tỉnh Bắc Trung Bộ, phấn đấu năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước.
Để bảo đảm nguyên tắc phát triển theo hướng bền vững, trong đó xác định lấy con người làm trung tâm, khoa học - công nghệ là nền tảng, động lực để khơi dậy ý chí, khát vọng và tiềm năng của con người Hà Tĩnh - dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo…, cần tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:
Thứ nhất, tiếp tục tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh; đổi mới, sắp xếp tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy các cơ quan đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Thứ hai, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, quan liêu, tiêu cực. Chú trọng công tác ngăn chặn, phòng ngừa từ xa, từ sớm đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Phát huy vai trò, trách nhiệm, nhất là tính gương mẫu, nêu gương của các thành viên đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đoàn công tác của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp trong thực hiện công tác kiểm tra, giám sát.
Thứ ba, tăng cường ứng dụng, áp dụng khoa học - công nghệ nhằm góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu. Nhất là ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển nền kinh tế số, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ sau thép, dịch vụ cảng biển và logistics, thu hút đầu tư các dự án năng lượng mới, năng lượng tái tạo, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm cho người lao động.
Thứ tư, huy động mọi nguồn lực để tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó chú trọng ưu tiên xây dựng hệ thống giao thông trọng yếu để tăng cường tính liên kết vùng, miền. Tiếp tục huy động xã hội hóa các nguồn lực đầu tư hạ tầng văn hóa, giáo dục, y tế. Tăng cường quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai, tài nguyên gắn với việc làm tốt công tác bảo vệ môi trường, nhất là chủ động trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thứ năm, tiếp tục huy động nguồn lực, đổi mới sáng tạo để tập trung đầu tư phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Chú trọng ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn để hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Thứ sáu, quan tâm đầu tư phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, khoa học, công nghệ... Thường xuyên chăm lo thực hiện tốt chính sách đối với người có công, người nghèo, yếu thế trong xã hội. Không ngừng cũng cố, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Thứ bảy, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là cung cấp dịch vụ công của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh.
Thứ tám, tăng cường và nâng cao năng lực, hiệu quả hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực. Đồng thời chú trọng xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững với ba trụ cột “kinh tế - xã hội - môi trường”.
Năm 2023 là năm bản lề của nhiệm kỳ 2020 - 2025, nhiệm kỳ của không ít khó khăn, thách thức, song cũng chứng kiến những bước phát triển đột phá, vững chắc, tạo đà để Hà Tĩnh tiếp tục phát triển nhanh, bền vững trong các giai đoạn tiếp theo, từng bước hiện thực hóa mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trên mảnh đất Hồng Lam, bằng chính cốt cách, phẩm chất, trí tuệ, văn hóa của con người Hà Tĩnh./.
-----------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 4, tr. 161
(2) Xem: GS. TS. Nguyễn Phú Trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021
(3) Xem: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Hà Tĩnh 30 năm đổi mới và phát triển (1991 - 2021), Công ty CP In Hà Tĩnh, Hà Tĩnh, 2021: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tỉnh Hà Tĩnh, của Cục Thống kê tỉnh Hà Tĩnh, ngày 30-9-2023, theo đó, tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm 2023 của tỉnh Hà Tĩnh ước đạt 7,68%, đứng thứ 2 Bắc Trung Bộ (sau Thanh Hóa) và đứng thứ 15 của cả nước
(4) Xem Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh: Báo cáo Chính trị, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh khóa XV, nhiệm kỳ 2001 - 2005
(5) Xem Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2023 của tỉnh Hà Tĩnh, ngày 30-9-2023
(6) Xem: Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh: Đảng bộ Hà Tĩnh qua các thời kỳ Đại Hội (1930 - 2020), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021: Năm 2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định rút khỏi danh sách đăng kí hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới đối với 5 xã gồm: Phú Gia, Thạch Trung, Đức Vĩnh, Xuân Lĩnh, Đức Thịnh
(7) Xem: Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh: Đảng bộ Hà Tĩnh qua các thời kỳ Đại Hội (1930 - 2020), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021: Trong giai đoạn 5 năm (2015 - 2019), toàn tỉnh Hà Tĩnh đã huy động được 670 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa để tu bổ, tôn tạo các di tích
(8), (10) GS. TS. Nguyễn Phú Trọng, “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Sđd, tr. 19, 14, 15
(9) Xem: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Hà Tĩnh 30 năm đổi mới và phát triển (1991 - 2021), Sđd: Năm 2021, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã huy động các nguồn lực xã hội hóa để xây dựng 41 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão lũ và gần 3.500 nhà ở kiên cố cho các hộ dân với kinh phí xã hội hóa gần 300 tỷ đồng
Bổ sung, phát triển nhận thức lý luận về vai trò và sứ mệnh của văn hóa trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - Những thành tựu nổi bật (Kỳ 2)  (08/11/2023)
Bổ sung, phát triển nhận thức lý luận về vai trò và sứ mệnh của văn hóa trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - những thành tựu nổi bật (Kỳ 1)  (04/11/2023)
Nhận diện, phát huy lợi thế những yếu tố tác động, ảnh hưởng đến Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050  (13/10/2023)
Nhận thức và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn trong quá trình đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam (Kỳ III và hết)  (28/07/2023)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển