Vai trò của kinh tế nhà nước trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế - từ góc nhìn của ngành dệt may, da giày
TCCS - Bài viết tập trung vào vấn đề xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ từ góc nhìn của một ngành xuất khẩu lớn, sử dụng nhiều lao động với quan điểm tổng thể nền kinh tế độc lập, tự chủ dựa trên các trụ cột độc lập của các ngành sản xuất. Dệt may Việt Nam có quy mô xuất khẩu trong tốp 3 thế giới, có năng lực cạnh tranh được đánh giá ở mức khá, có tiềm năng trở nên độc lập hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nếu có chiến lược phát triển bền vững.
Vai trò của ngành dệt may, da giày trong nền kinh tế Việt Nam
Để đạt được mục tiêu Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra và mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt là để có ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, vai trò của các ngành công nghiệp, như dệt may, da giày là hết sức quan trọng, vì đây là nhóm ngành Việt Nam đã tham gia sâu vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu và đã nằm trong tốp 3 các quốc gia xuất khẩu lớn trên thế giới. Theo báo cáo của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), năm 2020, Việt Nam đã vượt Băng-la-đét trở thành quốc gia xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ hai thế giới. Còn theo Niên giám Da giày thế giới, năm 2021, lần đầu tiên Việt Nam chiếm trên 10% thị phần giày xuất khẩu toàn cầu với khoảng 1,2 tỷ đôi.
Năm 2021, ngành dệt may, da giày đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 60 tỷ USD, năm 2022, con số này là 71 tỷ USD, chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, tạo việc làm cho 4,3 triệu lao động, chiếm 30% lao động công nghiệp - xây dựng và 10% tổng lao động trong độ tuổi lao động của cả nước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may năm 2021 đạt 39 tỷ USD, năm 2022 đạt 44 tỷ USD, vượt xa so với năm 2019 - thời điểm trước đại dịch. Trong giai đoạn 5 năm (2015 - 2020), ngành dệt may liên tục tăng trưởng với tốc độ bình quân 17%/năm. Dệt may là ngành công nghiệp lớn thứ năm, da giày đứng thứ sáu trong cơ cấu các ngành công nghiệp cả nước. Nếu tính chung cả 2 ngành dệt may, da giày trong nhóm công nghiệp thời trang nói chung như thông lệ thế giới thì đây là ngành công nghiệp lớn nhất của Việt Nam trên cả 3 tiêu chí: quy mô xuất khẩu, giá trị sản xuất công nghiệp và lực lượng lao động, vượt qua ngành điện thoại, linh kiện điện tử. Theo các giai đoạn phát triển, quy mô sản xuất của ngành luôn được mở rộng và phát triển. Trong giai đoạn 2016 - 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành đạt mức tăng bình quân 10,7%/năm, trong đó ngành dệt đạt 12,5%/năm và sản xuất trang phục đạt 8,8%/năm.
Đặc điểm chung của dệt may, da giày đều là các ngành sản xuất thâm dụng lao động. Tuy nhiên, chính yếu tố lao động tạo ra lợi thế cho nhóm ngành này phát triển bởi Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào (dự báo đến năm 2030 có 105 triệu dân, dân số trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 60%), được đánh giá cao về sự khéo léo, khả năng tiếp nhận công nghệ cao, kỹ năng làm việc tốt hơn so với công nhân các thị trường mới nổi khác. Đây cũng là nhóm ngành hoàn toàn tự vận động, cạnh tranh theo cơ chế thị trường, khác so với ở các quốc gia cạnh tranh nơi có nhiều chính sách hỗ trợ của chính phủ.
Đóng góp của ngành dệt may, da giày trong nền kinh tế
Thứ nhất, góp phần dịch chuyển cơ cấu kinh tế và lao động nông nghiệp, nông thôn.
Dịch chuyển lao động là một xu thế khách quan của quá trình vận động của các nền kinh tế. Quá trình dịch chuyển lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp được đẩy mạnh cùng với quá trình phát triển kinh tế, dịch chuyển cơ cấu ngành và công nghiệp hóa, đô thị hóa. Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, xu hướng dịch chuyển lao động nông nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ và là một trong những chỉ báo cho thấy sự phát triển theo hướng ngày càng hiện đại của nền kinh tế.
Chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn gắn liền với quá trình công nghiệp hóa nền kinh tế. Trong đó, ngành dệt may góp phần quan trọng trong sự dịch chuyển kinh tế từ nông nghiệp, nông thôn sang công nghiệp. Ngành dệt may, da giày là những ngành công nghiệp nhẹ, đem lại thặng dư xuất khẩu cho nền kinh tế; góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông nghiệp, nông thôn và làm tăng phúc lợi xã hội.
Thứ hai, góp phần giải quyết việc làm, tận dụng lợi thế lao động.
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020, cả nước có 10.246 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong ngành dệt may. Đây luôn là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và sử dụng nhiều lao động. Ngành dệt may Việt Nam có năng lực sản xuất cao, đáp ứng nhu cầu may mặc trong nước và có kim ngạch xuất khẩu cao, đồng thời cũng đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do đặc thù công việc trong ngành dệt may cần sự tỉ mỉ, khéo léo nên tỷ trọng lao động nữ nhiều hơn nam (lao động nữ chiếm 73,80%). Theo nhóm tuổi, lao động trong ngành dệt may chủ yếu là lao động trẻ (15 - 35 tuổi), chiếm tỷ lệ 71,92%.
Với lợi thế về năng suất lao động, nên thu nhập hằng tháng của lao động dệt may Việt Nam cao hơn các quốc gia cạnh tranh từ 30 - 70%(1), tuy nhiên đơn giá tiền lương trên một đơn vị sản phẩm của dệt may Việt Nam vẫn khá cạnh tranh, giúp các doanh nghiệp duy trì lợi thế cạnh tranh so với các nước. Theo một nghiên cứu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cứ 1 tỷ USD hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu sẽ tạo thêm khoảng 100.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp, trong đó trực tiếp làm dệt may khoảng 50.000 người.
Thứ ba, góp phần bảo đảm hàng hóa thiết yếu cho người dân.
Năng lực của ngành dệt may, da giày hiện tại chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu, chiếm 90 - 95%, phục vụ nhu cầu thị trường trong nước chỉ chiếm 5 - 10% năng lực, do đó nhu cầu hàng hóa thiết yếu của người dân, như hàng dệt may, da giày hoàn toàn có thể được đáp ứng đầy đủ. Minh chứng rõ ràng nhất là khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, ngành y tế rơi vào tình trạng thiếu, khan hiếm khẩu trang, một mặt hàng vô cùng thiết yếu trong đại dịch. Ngành dệt may đã chuyển đổi linh hoạt và tiến hành sản xuất khẩu trang vải để có thể khắc phục tình trạng thiếu nguồn cung trang thiết bị y tế thiết yếu cho người dân, đặc biệt là mặt hàng khẩu trang vải kháng khuẩn.
Thứ tư, góp phần thúc đẩy lối sống, văn hóa tiêu dùng mới khi tầng lớp trung lưu tăng nhanh gắn với xu hướng thời trang, thẩm mỹ.
Ngày nay, khi nền kinh tế ngày càng phát triển thì đi kèm theo đó là tầng lớp trung lưu tăng mạnh. Xu hướng thời trang của tầng lớp trung lưu ngày càng khắt khe, không chỉ về chất lượng, tính thẩm mỹ, giá cả, mà còn về trách nhiệm xã hội với môi trường, đặc biệt là trong ngành thời trang. Để phổ cập lối sống, văn hóa tiêu dùng, xu hướng mới của ngành thời trang, ngành dệt may đã có những giải pháp để lan truyền thông tin về xu hướng, văn hóa tiêu dùng mới của ngành thời trang thế giới qua các hội chợ, hội thảo, tọa đàm, trình diễn các thiết kế thời trang Việt Nam, bộ thông số nhân trắc người Việt Nam. Qua đó, góp phần thúc đẩy lan tỏa lối sống, văn hóa tiêu dùng tới một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.
Thứ năm, góp phần tạo nguồn thu ngoại tệ xuất khẩu, tạo tích lũy ban đầu.
Trong tất cả các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu hiện nay, dệt may, da giày là ngành có kim ngạch xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng cao và là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực, giữ vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế, chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, luôn duy trì xuất siêu. Năm 2021, thặng dư thương mại khoảng 25 tỷ USD, chiếm 42 - 45% trong tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 60 tỷ USD của hai ngành này, góp phần đáng kể vào thành tích xuất siêu của cả nước trong những năm qua, thu về ngoại tệ và có tích lũy phục vụ tái đầu tư mở rộng sản xuất.
Thứ sáu, góp phần đóng góp cho chuỗi giá trị toàn cầu, gia tăng sức mạnh mềm gắn với mỗi thương hiệu sản phẩm.
Việc tăng cường liên kết dệt may, da giày sẽ tạo điều kiện giảm chi phí do giảm chi phí trung gian, hạ giá thành sản phẩm may, tăng sức cạnh tranh của hàng may mặc do tỷ lệ nội địa hóa được nâng cao. Liên kết dệt - may, da - giày còn có tác dụng giảm bớt nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu nước ngoài, nâng cao giá trị gia tăng, góp phần tăng ngân sách quốc gia. Bên cạnh đó, liên kết dệt - may, da - giày góp phần tạo điều kiện cung cấp nguyên liệu ổn định, chủ động cho khâu may sản phẩm quần áo và giày dép, túi xách xuất khẩu. Ngoài ra, liên kết dệt - may tạo điều kiện mở rộng thị trường ngành dệt, từ đó tăng quy mô sản xuất để đạt lợi thế về quy mô, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng dệt, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng tích lũy để tiếp tục tái đầu tư cho công nghệ mới nhằm đáp ứng yêu cầu của ngành may.
Mặc dù hiện nay, mức độ đóng góp của Việt Nam cho chuỗi giá trị toàn cầu phần lớn nằm ở khâu CMT (gia công thuần túy), tuy nhiên các doanh nghiệp dệt may đã và đang có bước chuyển mình để có thể sản xuất đơn hàng có giá trị gia tăng cao, góp phần không nhỏ vào việc gia tăng sức mạnh gắn với mỗi thương hiệu sản phẩm.
Các nguy cơ, thách thức đối với sự tự chủ của ngành dệt may, da giày
Bên cạnh vấn đề về hiệu quả kinh tế do việc mới chỉ tham gia được nhiều vào khâu giá trị gia tăng thấp, lợi nhuận thấp, việc thiếu tự chủ nguyên vật liệu và thiết kế trong ngành dệt may, da giày còn mang đến các nguy cơ, thách thức sau:
Thứ nhất, khả năng đáp ứng yêu cầu trọn gói của các nhà mua hàng toàn cầu. Xu thế cắt giảm trung gian làm cho các thương hiệu và nhà phân phối toàn cầu có yêu cầu mới về đặt hàng trọn gói tại một điểm đến mà không còn các doanh nghiệp dịch vụ trung gian lo việc thu xếp lựa chọn, mua bán nguyên liệu ở từng khâu và chuyển đến nhà sản xuất như trước. Điều này đòi hỏi các nhà sản xuất lớn, đứng đầu chuỗi cung ứng, giao dịch trực tiếp với khách hàng cần có năng lực điều phối toàn bộ chuỗi các nhà sản xuất để tạo ra sản phẩm cuối cùng. Việc không có được hệ thống sản xuất tương ứng ở trong nước với các mặt hàng chiến lược sẽ đặt các doanh nghiệp trong ngành dưới một rủi ro rất lớn là không thể điều phối hiệu quả chất lượng, tiến độ và giá thành sản xuất. Trong tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ làm gián đoạn khả năng phục vụ, mất đơn hàng, mất việc làm trên diện rộng.
Thứ hai, khả năng bảo đảm việc làm ổn định. Với ngành thâm dụng lao động, hệ luỵ lớn nhất khi đứt gãy chuỗi cung ứng là khả năng phải liên tục biến động lực lượng lao động do phụ thuộc vào khả năng cung cấp nguyên liệu (chỉ thiếu hụt 25% nguyên phụ liệu có thể dẫn tới cả triệu lao động thiếu việc làm). Ảnh hưởng xã hội sẽ rất lớn và trên diện rộng.
Thứ ba, khả năng kiểm soát của Chính phủ. Ngành dệt may có tỷ lệ gần 70% kim ngạch xuất khẩu từ khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đây cũng là khu vực có biến động lao động, dừng việc, nghỉ việc lớn nhất trong giai đoạn đại dịch COVID-19 trong các năm 2020 - 2021 và nhất là trong 6 tháng cuối năm 2022, khi chuỗi cung ứng có nhiều bất ổn. Như vậy, rủi ro về việc làm và thất nghiệp trong khối doanh nghiệp dệt may, da giày đang rất cao và rất khó khăn cho việc kiểm soát của Chính phủ.
Tự chủ trong ngành dệt may, da giày gắn với vai trò của kinh tế nhà nước, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ
Trong các tiêu chí đề xuất về một nền kinh tế độc lập, tự chủ của các chuyên gia, yếu tố đầu tiên được nhấn mạnh là tự chủ các nhu cầu cơ bản. Ngành dệt may, da giày đảm nhiệm việc phục vụ nhu cầu mặc - một nhu cầu cơ bản của người dân. Theo thống kê của thế giới, nhu cầu chi tiêu cho trang phục của người dân các nước đang phát triển vào khoảng 2 đến 2,5% GDP, nếu bao gồm cả giày dép là khoảng 3%. Như vậy, quy mô sử dụng trang phục, giày dép trong nước khoảng 12 tỷ USD đến 15 tỷ USD vào năm 2030. Quy mô sản xuất của ngành dệt may Việt Nam hiện đang khoảng 45 tỷ USD, ngành da giày trên 25 tỷ USD, trong đó gần 40% nguyên phụ liệu có thể sản xuất ở trong nước thì về cơ bản, việc tự chủ cho thị trường nội địa chắc chắn được bảo đảm dù có đứt gãy nguồn cung ứng của thế giới. Ngoại trừ bông tự nhiên Việt Nam nhập khẩu 100% là khâu cần tính toán nhất định cho bài toán tự chủ, còn lại các nguyên phụ liệu khác Việt Nam cơ bản tự chủ được cho nhu cầu riêng trong nước. Tuy nhiên, bông tự nhiên có thể được thay thế bằng nguồn xơ PE mà Việt Nam có sản xuất.
Nút thắt quan trọng nhất của ngành dệt may, da giày đó chính là tự chủ việc làm, do tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu chính (vải, da thuộc) còn cao (trên 60%) nên khi đứt gãy nguồn cung chuỗi vải, da thuộc, nguy cơ thiếu việc làm là khá nghiêm trọng. Trong những năm gần đây, các quốc gia sản xuất dệt may, da giày xuất khẩu đều hướng tới mục tiêu có tỷ lệ nội địa hóa nguyên, phụ liệu trên 60% như là một yếu tố cạnh tranh quốc gia trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Tự chủ việc làm nhờ tự chủ đơn hàng thông qua giải pháp tự chủ nguyên liệu chính (vải, da thuộc) là bài toán đặt ra ở tất cả các quốc gia, vấn đề là đầu tư ban đầu cho sản xuất nguyên liệu lớn, hiệu quả chưa có ngay do phải cạnh tranh gia nhập thị trường. Nếu chỉ tự chủ cung cấp trang phục cho thị trường nội địa thì ngành dệt may hiện nay chắc chắn bảo đảm, nhưng với quy mô đó thì chỉ cần sử dụng khoảng 500.000 lao động, trong khi Việt Nam đang có 2,7 triệu lao động trong ngành dệt may. Nếu thiếu năng lực nguyên liệu thì có thể dẫn đến thiếu đơn hàng xuất khẩu và làm cho trên 2 triệu lao động rơi vào tình trạng việc làm bấp bênh. Tương tự với ngành da giày, có 1,5 triệu lao động, nếu chỉ phục vụ người Việt Nam thì chỉ cần khoảng 200.000 lao động, sẽ có khoảng 1,3 triệu lao động thiếu việc làm nếu không có xuất khẩu. Vậy khu vực kinh tế nào sẽ đảm nhiệm vai trò giải bài toán này?
Khu vực kinh tế nhà nước sẽ là chủ lực đảm nhiệm nhiệm vụ này cùng với các tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước quy mô lớn. Do dệt may là ngành công nghiệp có công nghệ cổ điển, dù đang có nhiều thay đổi sang công nghệ xanh và sản phẩm tuần hoàn, nhưng về cơ bản, các công nghệ này không quá phức tạp, ít bị bảo hộ độc quyền và có thể mua bán, chuyển giao. Vấn đề đặt ra cho khu vực kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước là cách tiếp cận để có thể hình thành nhiệm vụ, giao và đánh giá mức độ hoàn thành.
Thứ nhất, với khu vực doanh nghiệp nhà nước, cần có cách tiếp cận trên cơ sở tính toán, so sánh, đánh giá toàn diện chi phí phải bỏ ra thông qua hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp khi có lượng lao động lớn mất việc (trong trường hợp không tự chủ nguyên liệu dẫn đến mất thị trường xuất khẩu) với chi phí hỗ trợ lãi suất, tạo nguồn vốn rẻ, kể cả chi phí không hiệu quả cho đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước cho sản xuất nguyên liệu những năm đầu. Xác định nguyên tắc muốn xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ phải có chi phí được bỏ ra và đo lường không phải bằng hiệu quả tài chính trong trung hạn, mà bằng đo lường tỷ lệ khả năng tự chủ. Trong dài hạn, phải bảo đảm năng lực cạnh tranh tương đương hàng hóa nhập khẩu, phải tham gia được vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Từ đó, giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp nhà nước thông qua đặt hàng đầu tư các cơ sở sản xuất nguyên liệu tiên tiến, vừa thay thế nhập khẩu, vừa đi tắt, đón đầu xu hướng kinh tế tuần hoàn, tận dụng triệt để lợi thế người đi sau trong một nền kinh tế toàn cầu chuyển đổi. Đánh giá trên bộ chỉ tiêu đo lường bằng thời gian đầu tư, tổng mức đầu tư, làm chủ công nghệ, đưa sản phẩm ra thị trường. Sau khoảng 5 đến 6 năm, có thể bắt đầu yêu cầu về hiệu quả kinh tế, năng lực cạnh tranh.
Thứ hai, với khu vực kinh tế tư nhân trong nước, có chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nguyên liệu dệt may bao gồm các chính sách thuế, nhất là miễn thuế VAT cho hàng hóa trong nước phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, chính sách ưu đãi nguồn vốn đầu tư, ưu tiên hơn cho đầu tư xanh. Tăng cường tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam có quy mô lớn sở hữu công nghệ và năng lực sản xuất nguyên liệu, có thể coi là công nghệ nguồn của ngành dệt may, thời trang. Đây là nhân tố quyết định mức độ tự chủ của ngành trong dài hạn.
Thứ ba, bên cạnh doanh nghiệp nhà nước thì khu vực nhà nước, bao gồm cả chính quyền địa phương và hệ thống đào tạo công lập có thể đảm nhiệm vai trò chuẩn bị hạ tầng các khu vực sản xuất nguyên liệu tập trung đạt chuẩn môi trường, cũng như đào tạo nhân lực phục vụ việc xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ nhờ làm chủ tri thức, công nghệ và quản lý.
Với việc đang sử dụng tới gần 30% lực lượng lao động công nghiệp trên cả nước, xây dựng một ngành sản xuất dệt may, da giày độc lập, tự chủ sẽ đóng góp quan trọng trong việc xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ. Trong quá trình xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, cần có chi phí đầu tư, trong đó nguồn “vốn mồi” từ khu vực nhà nước đóng vai trò mở đường, dẫn dắt. Khu vực kinh tế nhà nước, trong đó có doanh nghiệp nhà nước là khu vực nhận trách nhiệm sử dụng nguồn vốn mồi từ ngân sách tạo điểm bùng phát có sức lan toả mạnh, thông qua việc đầu tư và làm chủ các khâu “thắt cổ chai” của chuỗi cung ứng, đang gây giảm khả năng độc lập, tự chủ của ngành. Đánh giá quá trình xây dựng ngành dệt may độc lập, tự chủ trong dài hạn chính là tỷ lệ giá trị gia tăng trong nước, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhập khẩu, nhưng phải bảo đảm được năng lực cạnh tranh quốc tế. Quá trình đầu tư của Nhà nước có thể diễn ra liên tục ở những lĩnh vực, địa bàn tư nhân chưa sẵn sàng đầu tư. Khi lĩnh vực đó đã định hình và có năng lực cạnh tranh, Nhà nước có thể cổ phần hóa, thoái vốn, thu lại nguồn lực vốn đầu tư ban đầu./.
----------------------------
(1) Thu nhập lao động theo tháng của Việt Nam khoảng 250 USD, Ấn Độ: 220 USD, Cam-pu-chia: 180 USD, Băng-la-đét: 150 USD
Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế qua nghiên cứu tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng  (13/01/2023)
Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế qua nghiên cứu tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng  (13/01/2023)
Hội nhập kinh tế quốc tế: Cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong triển khai các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới  (15/12/2022)
Sự chuyển dịch địa - kinh tế thế giới hiện nay và một số hàm ý chính sách đối với Việt Nam  (28/06/2022)
Chiến lược phát triển kinh tế đối ngoại của Việt Nam trong bối cảnh mới  (16/06/2022)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên