Hà Nội xác định hội nhập quốc tế là động lực của sự phát triển bền vững
TCCS - Trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Hà Nội đã và đang tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế nhằm vừa khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, phát huy các lợi thế để góp phần phát triển nội lực, vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội một cách hài hòa, lấy con người làm trung tâm.
Hội nhập quốc tế ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội
Khi hội nhập và hợp tác đa phương đã trở thành xu hướng chủ đạo của thế giới, Hà Nội đã có nhiều bước đi đột phá, hòa mình vào dòng chảy của thời đại và nắm bắt những cơ hội mà hội nhập mang lại. Hà Nội đã xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Thủ đô trong quá trình hội nhập quốc tế và thể hiện sâu sắc trong Báo cáo chính trị, cụ thể hóa trong chủ đề Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ thành phố Hà Nội. Cụ thể, trong 5 năm tới, Hà Nội đặt mục tiêu hội nhập, cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á; đến năm 2030, mục tiêu là ngang tầm các quốc gia châu Á và đến năm 2045 hướng tới hội nhập cạnh tranh toàn cầu.
Trên cơ sở thiết lập mạng lưới quan hệ ngoại giao với trên 100 thủ đô và thành phố của các nước trên thế giới, Thủ đô Hà Nội đang phối hợp với Bộ Ngoại giao mở rộng quan hệ đối ngoại với thủ đô nhiều nước hơn nữa; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi giúp Hà Nội đăng cai tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao tầm cỡ quốc tế, mở ra cơ hội quảng bá văn hóa đặc sắc của Thủ đô tới bạn bè quốc tế. Trong những năm qua, Hà Nội cũng đã trực tiếp tham gia vào công tác đối ngoại và có nhiều đóng góp quan trọng trong việc thực hiện công tác đối ngoại của đất nước.
Hà Nội đã đạt kết quả tích cực trong hoạt động kinh tế đối ngoại thời gian qua, nhất là việc thông qua đẩy mạnh hợp tác quốc tế, qua đó thu hút được lượng lớn nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đặc biệt, trong 2 năm liên tiếp (năm 2018 và 2019), Hà Nội luôn dẫn đầu cả nước về thu hút FDI. Điều này cho thấy, Hà Nội đang là điểm đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước với môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch.
Hà Nội nỗ lực trở thành đô thị phát triển bền vững
Khái niệm “phát triển đô thị bền vững” dựa trên nguyên tắc hợp nhất: kinh tế đô thị, xã hội đô thị, môi trường sinh thái đô thị; kết cấu hạ tầng đô thị; không gian đô thị; quản lý đô thị để tìm ra tiếng nói chung bảo đảm yêu cầu: công bằng, sống tốt và bền vững. Để xác định tiêu chí phát triển đô thị bền vững, mỗi thành phố cần hợp nhất các chiến lược về kinh tế, xã hội, môi trường, kết cấu hạ tầng đô thị và không gian đô thị để tìm ra chiến lược chung về phát triển cân bằng và hài hòa những đạt các yêu cầu về công bằng, sống tốt và bền vững.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận trong quá trình cụ thể hóa mục tiêu phát triển bền vững, phát huy vai trò đầu tàu, trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục của cả nước. Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 202/KH-UBND, ngày 1-9-2021, về triển khai thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU, về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025” (gọi tắt là Chương trình số 03-CTr/TU), trên cơ sở kế thừa, phát huy kết quả đã đạt được của Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị vãn minh, hiện đại giai đoạn 2016 - 2020”. Ghi nhận những kết quả đạt được trong giai đoạn 2016 - 2020, song thành phố cũng thừa nhận một số hạn chế, như tỷ lệ đô thị hóa còn thấp, phát triển đô thị chưa đồng đều và tương xứng với tiềm năng; tính đồng bộ của hệ thống hạ tầng đô thị chưa cao; việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ còn nhiều vướng mắc...
Hà Nội nhận thức rõ hội nhập quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững. Điều này được thể hiện trong nội dung của Chương trình số 03-CTr/TU với nhiệm vụ phát triển kinh tế đô thị, phát triển Hà Nội thành trung tâm giao thương, kinh tế lớn của khu vực và châu Á. Chương trình cũng xác định mục tiêu phát triển Thủ đô nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại; bảo đảm mối liên kết hài hòa giữa đô thị và nông thôn.
Để thực hiện được mục tiêu trên, đòi hỏi thành phố Hà Nội phải thúc đẩy toàn diện trên cả khía cạnh hội nhập kinh tế quốc tế nhằm tích lũy nội lực và đồng bộ xây dựng được kết cấu hạ tầng tiên tiến, hiện đại. Hà Nội cũng cần bảo đảm mối liên kết hài hòa giữa đô thị và nông thôn; nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉnh trang, phát triển, hiện đại hóa đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị theo hướng bền vững; xây dựng các công trình tiêu biểu, không gian kiến trúc cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô; bảo đảm tính bền vững của quá trình đô thị hóa, giải quyết được những vấn đề thách thức đặt ra trong quá trình phát triển đô thị.
Để thực hiện mục tiêu xuyên suốt nêu trên, chương trình đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó ưu tiên rà soát, triển khai các quy hoạch đồng bộ; tăng cường chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng sống; phát triển đồng bộ, hiện đại và mở rộng quy mô hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, nâng tỷ lệ quỹ đất cho giao thông khu vực đô thị, phát triển nhanh hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt đô thị; phát triển đô thị xanh, thông minh, hiện đại, bền vững; đầu tư mở rộng khu vực đô thị, đô thị vệ tinh; tăng cường quản lý đô thị; phát triển kinh tế đô thị; phấn đấu đến năm 2025 xây dựng Hà Nội thành trung tâm thương mại lớn về giao lưu thương mại và kinh tế của cả nước cũng như khu vực Đông Nam Á.
Chương trình đã nêu rõ sáu giải pháp trọng tâm đó là: xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách; phát huy tốt các tiềm năng, nguồn lực, chú trọng đầu tư phát triển chiều sâu, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, chình trang, phát triển đô thị; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và kiện toàn bộ máy; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng nhiệm vụ; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ trong chỉnh trang, phát triển đô thị và kinh tế đô thị...
Giải pháp để Hà Nội phát huy vai trò của hội nhập quốc tế đối với sự phát triển bền vững
Để thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế, đồng thời đạt mục tiêu phát triển bền vững, Hà Nội cần:
Thứ nhất, tăng cường nâng cao nhận thức của người dân cũng như đội ngũ cán bộ, các cấp quản lý về tầm quan trọng của việc duy trì thống nhất cả hai phương diện này trong đó coi hội nhập quốc tế là chính sách lâu dài làm điểm tựa cho sự phát triển bền vững. Hà Nội cần xác định rõ tầm nhìn, mục tiêu, định hướng chiến lược đối với công cuộc hội nhập, từ đó đề ra những nhiệm vụ, giải pháp, kế hoạch, chương trình hành động đối với từng lĩnh vực, đặc biệt là về các nội hàm cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể thúc đẩy hội nhập quốc tế chủ động, hiệu quả, bền vững, góp phần thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 và lồng ghép nội dung hội nhập quốc tế trong quá trình xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030...
Thứ hai, tiếp tục phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành trong các hoạt động ngoại giao nói chung và đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại nói riêng, cũng như mở rộng hợp tác kinh tế, văn hóa của đất nước tới cộng đồng quốc tế. Thành phố cần tập trung đầu tư cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, như Di sản Hoàng thành Thăng Long, ca trù... để quảng bá ra thế giới, đồng thời khẳng định ưu tiên của Hà Nội đối với việc đề cao các giá trị nhân văn - xã hội song song với phát triển kinh tế, thể hiện định hướng nhất quán về phát triển hài hòa, bền vững.
Thứ ba, duy trì và phát huy vai trò tích cực trong các khuôn khổ hợp tác đa phương với vai trò là thành viên của các tổ chức liên đô thị quốc tế, như Tổ chức thành phố thông minh bền vững thế giới (WeGO), mạng lưới chính quyền địa phương về quản lý dân cư (CityNet), nhóm các thành phố dẫn đầu về chống biến đổi khí hậu (C40), Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF), Hiệp hội quốc tế các thị trưởng thành phố nói tiếng Pháp (AIMF), Hiệp hội các thành phố lớn thế giới (Metropolis)... qua đó góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Thủ đô trong khu vực và trên thế giới.
Thứ tư, tăng cường các hoạt động đối ngoại kết hợp các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, quảng bá du lịch, nhất là với Thủ đô các nước, các tập đoàn lớn, xuyên quốc gia; đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các thành tựu khoa học - công nghệ mới trên mọi lĩnh vực. Với sự kiên trì và quyết tâm cao trong thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước, thành phố Hà Nội tiếp tục có các giải pháp, biện pháp mạnh, đổi mới hơn trong nhiều khâu, từ chỉ đạo, thực hiện tại các sở, ngành, địa phương, nhất là tinh giảm thủ tục hành chính, không gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Thứ năm, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, hiện đại; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo: nâng cao năng lực cạnh tranh, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nhất là các chỉ số thành phần còn thấp, trọng tâm là trong các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép đầu tư...; tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; thực hiện các giải pháp đồng bộ nâng cao chỉ số PCI; tăng cường triển khai cụ thể thực thi các quy định pháp luật và các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, ứng dụng công nghệ thông tin; chủ động tham gia và nắm bắt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghiệp mới có lợi thế; phát triển Hà Nội thành trung tâm khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo - thành phố thông minh, tạo nên thương hiệu của Hà Nội là một thành phố tiêu biểu của kinh tế tri thức, bảo vệ môi trường, vốn là cơ sở của sự phát triển bền vững.
Với sự quyết tâm và nỗ lực của toàn thành phố, công tác hội nhập kinh tế quốc tế sẽ trở thành động lực then chốt trong việc hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của Hà Nội. Trên cơ sở những tiềm năng và định hướng đúng đắn này, Hà Nội sẽ tiếp tục được đẩy mạnh nhằm khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, phát huy các lợi thế để góp phần phát triển kinh tế xã hội, xứng đáng là Thủ đô, thành phố xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại./.
Hà Nội xây dựng nông thôn mới thực chất, vững bền, theo tiêu chí đô thị  (21/10/2021)
Ban Chỉ huy quân sự quận Cầu Giấy chủ động, tích cực làm tốt công tác dân vận trong tình hình mới  (20/10/2021)
Hà Nội đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh  (20/10/2021)
Tăng cường quan hệ giữa Hà Nội và các thủ đô trên thế giới  (19/10/2021)
Hà Nội: Cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển xanh  (18/10/2021)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển