Công tác đối ngoại nhân dân của Thủ đô Hà Nội: Thực trạng và triển vọng
TCCS - Đối ngoại nhân dân là một trong ba “chân kiềng” quan trọng của mặt trận ngoại giao Việt Nam, không những giúp tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các quốc gia trên thế giới, mà còn khơi dậy niềm tự hào dân tộc, nhân dân cùng hướng đến lợi ích chung của quốc gia - dân tộc. Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng đó, trong những năm qua, thành phố Hà Nội luôn bám sát phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”, tiếp tục phát huy truyền thống đối ngoại nhân dân kiến tạo, củng cố môi trường hòa bình, xây dựng hình ảnh, vị thế… góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng.
Vai trò, thế mạnh của công tác đối ngoại nhân dân
Đối ngoại nhân dân thực chất là công tác dân vận, do các đoàn thể nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị ở các cấp không nhân danh Đảng, Nhà nước và Chính phủ; các cá nhân thuộc mọi tầng lớp nhân dân, thực hiện nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân Việt Nam ở trong và ngoài nước thực hiện chủ trương, chính sách hòa bình, hữu nghị và hợp tác của nước ta đối với nước ngoài; đồng thời, vận động nhân dân các nước ủng hộ đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa của Đảng, Nhà nước ta.
Trong những năm qua, lực lượng tham gia hoạt động đối ngoại nhân dân không ngừng được mở rộng, phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Từ 150 tổ chức vào năm 1940, đến nay, lực lượng tham gia hoạt động đối ngoại nhân dân đã có trên 400 đoàn thể và tổ chức nhân dân ở Trung ương (với nòng cốt là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, như Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh...) và các tổ chức ở địa phương.
Trong lịch sử và truyền thống Việt Nam, ở bất kỳ giai đoạn và hoàn cảnh nào, đối ngoại nhân dân cũng luôn là một thành tố quan trọng trong công tác đối ngoại chung; phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ tích cực cho đối ngoại đảng và ngoại giao nhà nước, tạo thành sức mạnh to lớn trên mặt trận đối ngoại, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ các nguồn lực phục vụ phát triển, nâng cao vị thế quốc tế của nước ta.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (năm 1930), Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân là người mở đường và trực tiếp triển khai, đưa đối ngoại nhân dân trở thành một kênh đối ngoại quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam ngay từ trước khi nước ta có kênh liên lạc chính thức với các nước, với mục tiêu chính là nhằm vận động dư luận quốc tế ủng hộ sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, từ đó đưa cách mạng Việt Nam trở thành một bộ phận của cách mạng thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Đây chính là cơ sở quan trọng để Đảng ta hình thành chính sách đối ngoại thân thiện với nhân dân các nước, nhất là việc vận động dư luận, để bạn bè quốc tế hiểu rõ và ủng hộ cuộc đấu tranh trường kỳ giải phóng dân tộc, thống nhất của nhân dân Việt Nam.
Tháng 2-1951, Đảng ta chính thức đưa cụm từ “đối ngoại nhân dân” vào Văn kiện Đại hội II của Đảng, nêu rõ phát triển ngoại giao nhân dân, đặc biệt chú trọng tham gia các cuộc vận động lớn trên thế giới và thắt chặt liên hệ tổ chức các hoạt động giữa những đoàn thể nhân dân Việt Nam với các đoàn thể nhân dân trên thế giới.
Giai đoạn năm 1945 - 1975, cùng với sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, công tác đối ngoại nhân dân đã có những bước phát triển đáng kể, đóng góp quan trọng vào thắng lợi của nhân dân ta trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đối ngoại nhân dân kiên trì cuộc đấu tranh, tố cáo thực dân hiếu chiến, làm cho dư luận thế giới thấy rõ thiện chí hòa bình của Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đối ngoại nhân dân đã phát triển vượt bậc với nhiều hình thức sáng tạo và độc đáo, từ việc cử các đoàn đại biểu thăm các nước anh em bè bạn đến việc dự nhiều hội nghị quốc tế, đưa tiếng nói của nhân dân miền Nam đang chiến đấu tới các diễn đàn, các cơ quan thông tấn báo chí quốc tế... Từ đó hình thành một mặt trận nhân dân thế giới rộng lớn chưa từng có ủng hộ nhân dân Việt Nam và phong trào nhân dân Mỹ chống chiến tranh; tạo ra cục diện đấu tranh ngoại giao sắc bén trong đàm phán, nhất là tại Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (năm 1973), kết hợp với mặt trận quân sự và chính trị để kết thúc chiến tranh một cách có lợi nhất cho đất nước, tạo tiền đề cho thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dây mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Giai đoạn từ năm 1975 đến nay, công tác đối ngoại nhân dân tiếp tục được triển khai dưới nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt, phát huy lợi thế đặc thù của Việt Nam trong việc vận động dư luận quốc tế; mở rộng, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ với nhiều đối tác khác nhau trên thế giới. Đặc biệt, đối ngoại nhân dân đã tạo sự gắn kết đặc biệt giữa con người với con người, những tình cảm thân thiện, cởi mở, mở ra những kênh đối thoại và hợp tác không chính thức góp phần khai thông một số vấn đề tiến tới bình thường hóa quan hệ với các đối tác quan trọng. Cùng với quá trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, đối ngoại nhân dân là kênh để củng cố mối quan hệ hữu nghị với các bạn bè, đối tác truyền thống trong điều kiện mới; đồng thời, tìm kiếm, mở rộng hợp tác với các đối tác mới nhằm huy động thêm nguồn lực từ bên ngoài để phục vụ phát triển đất nước và tham gia công tác vận động, đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc trong điều kiện mới, góp phần thực hiện chủ trương “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.
Có thể thấy, trong mọi thời kỳ, đối ngoại nhân dân đều phối hợp chặt chẽ với đối ngoại đảng và ngoại giao nhà nước bám sát mục tiêu, chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế vì lợi ích quốc gia, dân tộc; tăng cường hợp tác tạo thế đan xen lợi ích giữa nước ta với các nước, ngăn ngừa xung đột, tránh đối đầu, không để bị cô lập, phụ thuộc; kiên trì, sáng suốt xử lý đúng đắn mọi vấn đề phức tạp trong đối ngoại, nhất là vấn đề chủ quyền lãnh thổ, mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.
Đối ngoại nhân dân với lợi thế đặc thù là có tiếng nói linh hoạt giữa con người với con người, khả năng tiếp cận được rộng rãi các đối tác/đối tượng và triển khai linh hoạt hợp tác/đấu tranh phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể, có thể thiết lập và triển khai các kênh trực tiếp, hiệu quả với nhiều hoạt động trao đổi hợp tác phong phú trong nhiều lĩnh vực cụ thể (đoàn kết hữu nghị, hợp tác kinh tế, trao đổi văn học - nghệ thuật, khoa học - giáo dục, thể thao..), qua đó vừa tăng cường sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân các nước, làm nền tảng xã hội vững chắc, vừa bổ sung các nội hàm hợp tác, góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước.
Hiện nay, công tác đối ngoại của Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai, đẩy mạnh hoạt động một cách toàn diện với phạm vi hoạt động rộng mở hơn, nội dung hoạt động đa dạng hơn, cách tiếp cận và hình thức hoạt động linh hoạt hơn… Đặc biệt, Đảng và Nhà nước Việt Nam rất coi trọng vai trò của công tác đối ngoại nhân dân, xác định đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân. Bên cạnh Chỉ thị số 28-CT/TW, ngày 2-12-2008, về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Chỉ thị số 04-CT/TW, ngày 6-7-2011, về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới; Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng nhằm tạo điều kiện để Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phát huy mạnh mẽ vai trò của công tác đối ngoại nhân dân, như Quyết định số 41/2013/QĐ-TTg, ngày 15-7-2013, của Thủ tướng Chính phủ, về một số chế độ, chính sách đối với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 19-9-2019, của Ban Bí thư, về tiếp tục đổi mới, phát huy vai trò và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trong tình hình mới. Đây là động lực to lớn giúp những người làm công tác đối ngoại nhân dân thêm quyết tâm hoàn thành tốt vai trò của mình.
Bên cạnh đó, những thành tựu của Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, cũng như phát triển kinh tế - xã hội cùng hình ảnh, uy tín, vị thế ngày càng cao của đất nước, sự yêu mến, cảm phục, đoàn kết và sẵn sàng hợp tác của bạn bè quốc tế chính là nền tảng vững chắc cho đối ngoại nhân dân. Một điểm thuận lợi khác không thể không đề cập đến, đó là cùng với lực lượng làm công tác công tác đối ngoại nhân dân ngày càng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng, phong phú, đa dạng; nhận thức về công tác đối ngoại nhân dân ở mỗi người dân cũng được nâng lên rõ rệt, chính là cơ sở tạo dựng niềm tin để bạn bè quốc tế tin tưởng và sẵn sàng tăng cường hợp tác với Việt Nam.
Công tác đối ngoại nhân dân của thành phố Hà Nội thời gian qua
Với vị thế là “trái tim” của cả nước, Thủ đô Hà Nội luôn quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác đối ngoại nhân dân. Thực hiện phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả”, nhiều năm qua, công tác đối ngoại nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, thành phố nói riêng.
Về các hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị truyền thống, Hà Nội đã tổ chức thành công các hoạt động đoàn kết hữu nghị trong các dịp ngày Quốc khánh, ngày lễ của các nước có quan hệ hợp tác, hữu nghị, ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước; tổ chức gặp mặt, giao lưu với đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trên địa bàn thành phố; các hội hữu nghị nước ngoài...; phối hợp tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, như Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam - Nhật Bản; giao lưu văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Lào… Bên cạnh đó, để phát triển hơn nữa hoạt động đối ngoại nhân dân của thành phố và tìm hiểu về hoạt động đối ngoại nhân dân của các nước trên thế giới cũng như tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế trong công cuộc xây dựng Thủ đô, Hà Nội đã phối hợp tham gia với các đoàn đi công tác nước ngoài theo kênh đối ngoại nhân dân tại nhiều quốc gia trên thế giới, như Lào, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hoa Kỳ… Ngoài việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống với các nước láng giềng và các đối tác truyền thống (Lào, Campuchia, Trung Quốc, Cuba, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên…), Hà Nội còn tiến hành mở rộng xúc tiến quan hệ hữu nghị với một số địa phương của các nước trong khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á, châu Á, châu Âu và châu Phi. Đến nay, Hà Nội đã có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thủ đô, thành phố lớn trên thế giới, duy trì vai trò tích cực trong các khuôn khổ hợp tác đa phương, là thành viên của các tổ chức liên đô thị quốc tế; ký kết nhiều thỏa thuận quốc tế trong các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các chương trình hợp tác về nông nghiệp công nghệ cao, quản lý đô thị bền vững, giáo dục và đào tạo, y tế... Các cuộc thăm viếng, tiếp đón, làm việc với các đoàn khách quốc tế của lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố đã trở thành hoạt động thường xuyên, khoảng 250 lượt/năm. Việc tích cực tham gia Hiệp hội quốc tế các Hội đồng kinh tế, xã hội và các tổ chức tương đương (AICESIS) đã giúp Hà Nội có nhiều cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam, tuyên truyền thành tựu đổi mới và kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế đối với nhân dân Việt Nam nói chung, thành phố Hà Nội nói riêng; các địa phương, nhất là các địa phương có đường biên giới trên bộ với các nước láng giềng thuận lợi trong triển khai những hoạt động trao đổi hợp tác, tăng cường các hoạt động giao lưu, kết nghĩa, trao đổi đoàn với các địa phương của các nước; hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp…
Trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Hà Nội thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với các Hội người Việt Nam ở nước ngoài, tăng cường trao đổi thông tin, vận động kiều bào Việt Nam hướng về quê hương, đất nước, về Thủ đô Hà Nội. Đồng thời, tích cực tham mưu cho lãnh đạo thành phố về chính sách, chiến lược đối với người Việt Nam ở nước ngoài nhằm thu hút các nguồn lực kinh tế, khoa học - kỹ thuật phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội, tuyên truyền vận động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hỗ trợ phát triển kinh tế của thành phố. Nhờ làm tốt công tác vận động kiều bào, những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân kiều bào đã trở về đầu tư, chung sức xây dựng thành phố, với 79 dự án, có tổng số vốn đăng ký đạt 476,8 triệu USD (chiếm 21,8% tổng số dự án và 29,7% tổng số vốn đăng ký trong cả nước)(1). Các doanh nghiệp không chỉ sản xuất kinh doanh hiệu quả, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động của thành phố, góp phần vào sự phát triển kinh tế của thành phố mà còn tham gia nhiều hoạt động từ thiện, nhân đạo giúp đỡ người dân gặp nhiều khó khăn trên địa bàn Hà Nội.
Về công tác vận động viện trợ phi chính phủ và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong những năm qua, Hà Nội luôn tích cực vận động các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tài trợ góp phần cải thiện đời sống văn hóa, xã hội của các khu vực ngoại thành Hà Nội, tập trung vào các lĩnh vực y tế, phòng, chống dịch bệnh, giáo dục, chống biến đổi khí hậu, xóa đói - giảm nghèo, chuyển giao công nghệ…. Các hoạt động đã góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Thủ đô Hà Nội, tạo ấn tượng tốt đối với bạn bè quốc tế. Việc tạo dựng môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi, thông thoáng, minh bạch cũng đã giúp Hà Nội từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn và tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế. Cụ thể, năm 2019, tổng số vốn FDI của Hà Nội đạt 8,67 tỷ USD, cao nhất sau hơn 30 năm mở cửa và hội nhập, năm thứ hai liên tiếp dẫn đầu cả nước về FDI. Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nền của dịch bệnh COVID-19, song thu hút FDI của Hà Nội vẫn đạt 3,72 tỷ USD, đứng thứ hai cả nước (sau tỉnh Bạc Liêu)(2). Tính đến tháng 8-2021, thu hút FDI của Hà Nội đạt trên 841 triệu USD, giảm đáng kể so với gần 1,67 tỷ USD trong cùng kỳ năm 2020(3).
Về công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại, Hà Nội đã phát huy tốt vai trò là cầu nối thông tin quan trọng, phát triển mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân trong thành phố với nhân dân các nước trên thế giới cũng như cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như thành tựu, kết quả, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và của thành phố Hà Nội nói riêng đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thông qua Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài thành phố Hà Nội (HALOVI). Ngoài ra, Hà Nội cũng tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.
Có thể khẳng định, thời gian qua, công tác đối ngoại nhân dân được triển khai có tích cực, hiệu quả, góp phần quan trọng vào công tác đối ngoại chung trên địa bàn Hà Nội. Công tác đối ngoại nhân dân đã có sự đổi mới, sáng tạo, bám sát nhiệm vụ chính trị của thành phố, mỗi người dân Thủ đô thật sự là những sứ giả hòa bình hữu nghị.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, công tác đối ngoại nhân dân của Hà Nội vẫn còn những tồn tại, bất cập đặt ra cần giải quyết, đó là một số đơn vị còn thụ động, chưa phát huy sức mạnh tổng hợp, phân định nhiệm vụ chưa rõ ràng nên có sự chồng chéo, chưa chủ động và sáng tạo trong công tác đối ngoại nhân dân chưa cũng như triển khai thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW, ngày 6-7-2011, về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới. Một số địa bàn, phạm vi quan hệ, mạng lưới đối tác còn hạn chế, mối liên hệ với đối tác chưa thường xuyên; phương pháp tiếp cận một số vấn đề mới chưa được đổi mới mạnh mẽ. Cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại nhân dân còn hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng, thiếu kinh nghiệm, trình độ chưa ngang tầm với vai trò, vị trí, phương châm và yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới, nhất là trong công tác phân tích, nghiên cứu, dự báo tình hình, xây dựng chiến lược, chính sách... Tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp…
Định vị vai trò đối ngoại nhân dân của Hà Nội trong giai đoạn mới
Trong bối cảnh tình hình khu vực, thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tác động mạnh đến môi trường an ninh, phát triển của các quốc gia, đến phong trào nhân dân thế giới và công tác đối ngoại nhân dân, để nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân, những năm tới, thành phố Hà Nội xác định:
Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đối ngoại nhân dân, triển khai quán triệt, thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW, ngày 6-7-2011, về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10-3-2013, của Bộ Chính trị, về hội nhập quốc tế; Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 21-7-2014, của Bộ Chính trị, về tăng cường quản lý các đoàn đi công tác nước ngoài; Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 8-8-2018, của Ban Bí thư, về việc đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030... nhằm đạt được sự thống nhất nhận thức trong Đảng, chính quyền, đoàn thể, nhân dân thành phố về tầm quan trọng của việc tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân.
Hai là, tiếp tục củng cố, mở rộng, phát triển cả về chiều sâu lẫn bề rộng mạng lưới bạn bè, đối tác quốc tế theo hướng tập trung vào các bạn nước láng giềng khu vực có chung biên giới, như Lào, Campuchia, Trung Quốc và ASEAN; các nước lớn, các đối tác chiến lược, các nước bè bạn truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện.
Ba là, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển trang thông tin điện tử bằng tiếng Anh để thông tin đến bè bạn quốc tế về tình hình phát triển của Hà Nội.
Bốn là, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả của hoạt động đối ngoại nhân dân một cách toàn diện nhất trên tất cả các lĩnh vực; tiếp tục gắn kết đối ngoại nhân dân với các hoạt động ngoại giao chính trị, kinh tế, văn hóa và công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài vì sự phát triển chung của thành phố; tăng cường tính chuyên nghiệp, trình độ kỹ năng, bản lĩnh chính trị vững vàng cho lực lượng cán bộ đối ngoại chuyên trách công tác đối ngoại nhân dân, nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.
Năm là, tăng cường công tác vận động, củng cố quan hệ với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, coi đây không chỉ là kênh tranh thủ viện trợ nhằm xóa đói, giảm nghèo, giải quyết các vấn đề xã hội mà còn là một kênh hiệu quả để chuyển tải thông tin khách quan về Việt Nam ra thế giới, tranh thủ sự ủng hộ cho Việt Nam.
Những thành tựu của đối ngoại nhân dân trong nhiều năm qua của Hà Nội đã góp phần thiết thực củng cố tình đoàn kết, hữu nghị với nhân dân các nước; vận động và tranh thủ nguồn lực vật chất, sự ủng hộ về tinh thần của bạn bè, các đối tác quốc tế, góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ lợi ích của đất nước nói chung, thành phố Hà Nội trong thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, toàn diện./.
-------------------------
(1) Xem: An Bình: “Thu hút đầu tư từ kiều bào, đóng góp vào xây dựng và phát triển đất nước”, ngày 26-11-2020, https://baoquocte.vn/thu-hut-dau-tu-tu-kieu-bao-dong-gop-vao-xay-dung-va-phat-trien-dat-nuo-129958.html
(2) Hồng Sơn: “Hà Nội đứng thứ hai cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài”, ngày 29-12-2020, http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/987348/ha-noi-dung-thu-hai-ca-nuoc-ve-thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai
(3) Hồng Nhung: “Thu hút vốn đầu tư nước ngoài giảm mạnh tại Hà Nội”, ngày 22-9-2021, https://vov.vn/kinh-te/thu-hut-von-dau-tu-nuoc-ngoai-giam-manh-tai-ha-noi-892543.vov
Công an Hà Nội thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự vàphòng, chống dịch bệnh COVID-19  (30/11/2021)
Nâng cao đạo đức công vụ trong bối cảnh hội nhập quốc tế: Kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới và đề xuất tham chiếu đối với Thủ đô Hà Nội  (30/11/2021)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri Hà Nội sau Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV  (27/11/2021)
Phản bác những luận điệu xuyên tạc về đường lối ngoại giao và hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước ta qua tổ chức những sự kiện đối ngoại lớn tại Việt Nam  (24/11/2021)
Xây dựng, quảng bá hình ảnh quốc gia trong chiến lược ngoại giao văn hóa  (23/11/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển