Du lịch Hà Nội nỗ lực vượt khó
TCCS - Hà Nội là một trong các trung tâm du lịch trọng điểm của Việt Nam, nhưng hiện tại, điểm đến này phải đối diện khó khăn rất lớn từ đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh hiện nay, với diễn biến khó lường của dịch bệnh, Hà Nội cần chủ động có giải pháp kịp thời, phù hợp để vực dậy ngành “công nghiệp không khói” này.
Nỗ lực kích cầu du lịch nội địa
Cùng với các địa phương trong cả nước, ngành du lịch của Hà Nội chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 khi hàng loạt khách sạn, cơ sở lưu trú và các cửa hàng kinh doanh tại các tuyến phố du lịch phải tạm thời đóng cửa, đề biển rao bán hay sang nhượng, cho thuê mặt bằng. Thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội, tính đến hết tháng 8-2020, Hà Nội có khoảng 950 cơ sở lưu trú tạm dừng hoạt động, với khoảng 16.000 lao động tạm thời không có việc làm.
Theo dự báo của Tổng cục Du lịch, thời gian tới, ngành du lịch Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng sẽ tiếp tục đối mặt với tình trạng lượng khách quốc tế tiếp tục sụt giảm do dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới. Mặc dù vậy, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành cho rằng, dịch bệnh mang tới những tổn thất nặng nề, nhưng đây cũng là lúc để Hà Nội làm mới bằng việc cải thiện, xây dựng thêm các sản phẩm du lịch hấp dẫn, chất lượng, bảo đảm an ninh, an toàn. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu khách nội địa mà còn tạo tiền đề thu hút, giữ chân du khách quốc tế tới đây.
Ngay từ khi nới lỏng giãn cách xã hội, từ cuối tháng 4-2020, Sở Du lịch Hà Nội đã kêu gọi các điểm đến, cơ sở lưu trú, dịch vụ lữ hành cùng cam kết giảm giá, dành ưu đãi cho du khách; đồng thời liên kết với các tỉnh, thành phố triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa để tạo việc làm và tái khởi động phục hồi ngành du lịch. Các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, vận chuyển tại Hà Nội đã nhanh chóng bắt tay xây dựng và tung ra hàng loạt gói kích cầu thị trường nội địa. Bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc điều hành Công ty Du lịch Vietrantour cho biết, từ ngày 14-5-2020, Vietrantour phối hợp với hàng không Bamboo Airways, hệ thống resort/hotel tại các điểm nghỉ dưỡng ở Hà Nội, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc tổ chức các tour du lịch nghỉ dưỡng ngắn ngày, giảm giá. Công ty Du lịch HanoiRedtour giảm giá các tour du lịch biển từ 30% - 35% so với mức giá thông thường. Công ty Du lịch AZA Travel đưa ra bộ sản phẩm kích cầu nội địa được giảm giá từ 50% cho các tour du lịch trọn gói, đồng thời giới thiệu chùm tour chuyên đề “Mùa lúa chín” đưa khách tham quan làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), Ninh Bình, Mai Châu; giảm giá 70% các combo du lịch (gồm vé máy bay và phòng khách sạn) tới các điểm du lịch nổi tiếng trên cả nước…
Phát triển đa dạng các loại hình du lịch
Đặc biệt, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, khuyến khích nhiều ngành nghề, nhất là ngành công nghiệp sáng tạo, du lịch phát triển được coi là hướng đi cần thiết, là cơ sở để Hà Nội xây dựng sản phẩm hấp dẫn, tạo động lực phát triển du lịch. Tuy nhiên, muốn phát triển kinh tế ban đêm, các chuyên gia ngành du lịch nêu rõ, chính quyền địa phương phải hiểu được giá trị tiềm ẩn của loại hình kinh tế này để có chiến lược, kế hoạch khai thác phù hợp. Dựa trên cơ sở đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, mới đây Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm đã trình Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội xem xét triển khai đề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn quận. Theo đó, quận Hoàn Kiếm không chỉ tập trung đầu tư vào lĩnh vực vui chơi, giải trí, ăn uống, mua sắm mà còn mở rộng sang cả dịch vụ chăm sóc sức khỏe, các hoạt động du lịch, vận chuyển, tài chính ngân hàng. Theo đó, quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục xây dựng các chương trình, tour du lịch vào ban đêm để du khách trải nghiệm, như tham quan di tích lịch sử, văn hóa, khám phá ẩm thực về đêm, xem các buổi biểu diễn nghệ thuật nhằm kéo dài thời gian khách du lịch ở lại quận. Các hoạt động kinh doanh dịch vụ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm sẽ được tổ chức không giới hạn thời gian hoạt động vào tất cả các ngày trong tuần.
Theo ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội, dựa trên tình hình thực tế hiện tại, Sở Du lịch tham mưu, đề xuất thành phố các giải pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời cho doanh nghiệp, đặc biệt là điều chỉnh triển khai kế hoạch kích cầu du lịch nội địa; tăng cường tuyên truyền quảng bá kết nối phát triển du lịch tùy tình hình diễn biến dịch COVID-19; cung cấp thông tin về điểm đến du lịch tại địa phương để hỗ trợ quảng bá kích cầu du lịch nội địa trên địa bàn.
Dự kiến, từ nay đến cuối năm, ngành du lịch Hà Nội đặt mục tiêu đón khoảng 10 - 11 triệu lượt khách du lịch nội địa. Để đạt được con số này, bên cạnh việc giảm giá, nâng cao chất lượng dịch vụ, Sở Du lịch Hà Nội sẽ chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch mới, mang tính đặc trưng của mảnh đất ngàn năm văn hiến. Hà Nội có nhiều làng nghề thủ công truyền thống, đó là lợi thế lớn để phát triển sản phẩm du lịch làng nghề kiểu mẫu hoặc điểm đến du lịch làng nghề truyền thống để các làng nghề phát huy tiềm năng, lợi thế gắn với phát triển du lịch. “Làng gốm Bát Tràng và lụa Vạn Phúc đang được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chọn làm mô hình điểm, sau khi hoàn thành, 2 làng nghề này sẽ tạo điểm nhấn cho loại hình du lịch làng nghề Hà Nội phát triển, thu hút khách du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương”, ông Trần Trung Hiếu chia sẻ.
Bên cạnh việc phát triển du lịch làng nghề, thành phố Hà Nội còn tập trung phát triển du lịch văn hóa, vận động doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm du lịch mới, nâng cấp sản phẩm trước đó. Trong đó, ngành du lịch sẽ tập trung vào 2 huyện trọng điểm là Mỹ Đức, Ba Vì - những địa phương lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Từ nay đến cuối năm, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với các đơn vị tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch hấp dẫn, như: Lễ hội văn hóa dân gian đương đại tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm; Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội và các tỉnh, thành phố 3 miền Bắc - Trung - Nam và quốc tế; Liên hoan du lịch làng nghề - phố nghề Hà Nội 2020.../.
Kiên định gói giải pháp “vượt khủng hoảng”, PVN nộp ngân sách nhà nước gần 45 nghìn tỷ đồng  (03/09/2020)
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - Những đóng góp đáng tự hào  (03/09/2020)
Xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn hóa của người dân Thủ đô  (28/08/2020)
Nâng cao đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vì sự phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội  (26/08/2020)
Sở Y tế Hà Nội: Vinmec là bệnh viện an toàn nhất trong đợt kiểm tra phòng dịch COVID-19  (25/08/2020)
An ninh lương thực của Trung Quốc trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19  (23/08/2020)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam