Nâng cao hiệu quả tham gia chuỗi giá trị toàn cầu đối với nông sản Việt Nam
TCCS - Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về quy mô xuất khẩu nông sản với nhiều mặt hàng như gạo, điều, cà-phê, thủy sản,… Tuy nhiên, có đến 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô hoặc với hàm lượng chế biến còn hạn chế, chất lượng và giá trị xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác. Điều đó làm cho sức cạnh tranh và mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của sản phẩm nông nghiệp nước ta còn thấp, đặc biệt là những khâu có giá trị gia tăng cao. Do vậy, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị nông sản đáp ứng được nhu cầu của thị trường quốc tế là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.
Thực trạng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của hàng nông sản Việt Nam
Thời gian qua, ngành nông nghiệp Việt Nam nỗ lực tham gia vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu với nhiều sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu cao như cà-phê, hồ tiêu, thủy sản, hoa quả… Hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu đến hơn 100 nước trên thế giới, kim ngạch xuất khẩu tăng qua các năm. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp năm 2020 của Việt Nam vẫn tăng trưởng, với tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 3 quý vừa qua đạt hơn 30,05 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019. Dự báo cả năm, toàn ngành nông nghiệp sẽ đem về 41 tỷ USD từ xuất khẩu.
Xét theo tiêu chí về vị trí xếp hạng trong các nước xuất khẩu, một số mặt hàng nông sản của Việt Nam có thị phần lớn và xếp ở thứ hạng cao. Năm 2019, nhân điều xuất khẩu 450 nghìn tấn, với giá trị 3,6 tỷ USD (đứng đầu thế giới); hạt tiêu đạt 284 nghìn tấn (đứng đầu thế giới); cà-phê đạt hơn 1,6 triệu tấn, giá trị trên 2,85 tỷ USD (đứng thứ hai thế giới); gạo đạt 6,37 triệu tấn, giá trị 2,81 tỷ USD (đứng thứ hai thế giới); cao-su thiên nhiên đạt 1,7 triệu tấn, giá trị 2,3 tỷ USD (đứng thứ tư thế giới).
Ngành nông nghiệp đã và đang triển khai tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu. Việc tăng cường chế biến, gia tăng giá trị sản phẩm nhiều hơn đã tạo ra nhiều việc làm, thu nhập cao hơn cho nông dân Việt Nam. Qua đó, một số loại nông sản của Việt Nam và một số chuỗi giá trị riêng biệt của doanh nghiệp đã tham gia được vào các khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu. Cà-phê là một trong những mặt hàng thành công nhất. Chuỗi cà-phê của Vinacafe, chuỗi thanh long Bình Thuận,... và đặc biệt là các chuỗi của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như Néscafe, Metro... đưa hàng nông sản gắn xuất xứ Việt Nam đến hệ thống bán lẻ ở nước ngoài. Khâu tiêu thụ cà-phê trên thị trường nội địa đã đạt được tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, chủ yếu là do kết quả tích cực của các chiến lược marketing từ các thương hiệu lớn như: Highlands Coffee, Gloria Jean’s, The Coffee Bean, Tea Leaf, Trung Nguyên và Illy,... Tuy Việt Nam chưa xây dựng được những thương hiệu mạnh trên thị trường quốc tế nhưng một số công ty bước đầu vươn ra thị trường thế giới với các thương hiệu của cà-phê Việt Nam. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều công ty đa quốc gia quan tâm đầu tư vào ngành cà-phê Việt Nam, góp phần tăng cường năng lực tham gia của cà-phê Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam tham gia vào các chương trình phát triển cà-phê bền vững.
Quá trình đổi mới, hoàn thiện thể chế, môi trường kinh doanh đã góp phần nâng cao năng lực tham gia của hàng nông sản Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu. Việc gia nhập WTO năm 2007 và sau đó là 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương được ký kết, trong đó có một số FTA thế hệ mới, nổi bật là CPTPP và EVFTA đã và sẽ tiếp tục mở đường cho hàng nông sản Việt Nam thâm nhập vào thị trường thế giới. Các chính sách nông nghiệp, thương mại, khoa học - công nghệ... được ban hành và thực hiện, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị chế biến và tăng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản. Vị thế của hàng nông sản Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu đã được nâng lên một bước.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, có tới 85% - 90% lượng hàng nông sản của nước ta ra thị trường thế giới phải thông qua trung gian bằng các “thương hiệu” nước ngoài. Vì vậy, việc bị bán giá thấp, bị o ép vẫn là những câu chuyện thường ngày đối với hàng hóa Việt Nam khi xuất ngoại. Đó là chưa kể tới rào cản chống bán phá giá, môi trường, rào cản kỹ thuật,…
Nhiều sản phẩm được bán ra thị trường thế giới không có thương hiệu, nhãn mác, hoặc phải sử dụng thương hiệu nước ngoài. Đây là một bất lợi lớn, ảnh hưởng đến tiến trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của nông sản Việt Nam. Trong khi đó, các hoạt động hỗ trợ như cung cấp tín dụng theo chuỗi, chính sách thu hút đầu tư còn nhiều bất cập; khâu dự báo, cảnh báo tín hiệu thị trường còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Cùng với đó, tác động của biến đổi khí hậu diễn ra khốc liệt tạo nên những rủi ro, thiệt hại lớn đến sản xuất nông nghiệp và thu nhập, đời sống của nông dân và khu vực nông thôn.
Mặt khác, còn không ít những hạn chế, yếu kém từ phía các nhà sản xuất và xuất khẩu nông sản, đó là:
Tình trạng sản xuất manh mún khiến cho khó thực hiện cơ giới hóa, năng suất thấp, chất lượng không đồng đều. Hầu hết các hộ nông dân đều thiếu năng lực tiếp cận thị trường, sản xuất theo kinh nghiệm và dựa vào những tính toán chủ quan về thị trường. Hàng nông sản của Việt Nam mới chỉ tham gia được vào các khâu: trồng trọt, thu gom, sơ chế và xuất khẩu sản phẩm thô, là những khâu có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị hàng nông sản. Ở những khâu có giá trị gia tăng cao như: nghiên cứu và phát triển (R&D), chế biến, phân phối (bán lẻ) và marketing… chúng ta vẫn chưa tham gia được hoặc mức độ tham gia còn rất thấp.
Trong khâu sản xuất nông sản, nông dân còn chịu nhiều thiệt thòi. Trong số ba tác nhân tham gia chuỗi giá trị xuất khẩu (nông dân, thương lái, doanh nghiệp xuất khẩu), nông dân phải bỏ mức chi phí cao nhất, sau đó mới đến thương lái và các doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng hưởng lợi lại thường thấp hơn cả. Trong chuỗi sản xuất và xuất khẩu lúa gạo, phần được hưởng lợi nhiều nhất thuộc về những đơn vị cung ứng phân phối phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiếp đến là đầu mối xuất khẩu gạo, sau đó là các doanh nghiệp thu mua, chế biến và thương lái. Khâu kinh doanh mang lại lợi nhuận trên 70%, trong khi đó, nông dân được hưởng lợi thường không tới 30%. Đối với chuỗi giá trị cà-phê, nông dân chỉ được hưởng lợi khoảng 10% trong tổng giá trị gia tăng của sản phẩm cà-phê.
Các khâu thu gom, chế biến, tiêu thụ nông sản chưa hoàn chỉnh và thiếu bền vững, nhiều cấp trung gian. Nông dân chủ yếu bán nông sản cho các thương lái, đại lý thu mua. Mặt khác, do khâu thu gom và chế biến chưa được thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật nên chất lượng nông sản chưa cao, giá thành thấp.
Trong khâu tiêu thụ (xuất khẩu và phân phối bán lẻ), việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, việc duy trì, phát triển và bảo vệ thương hiệu nông sản Việt Nam gặp không ít khó khăn do tình trạng ăn cắp thương hiệu hay bị các doanh nghiệp khác đăng ký thương hiệu sản phẩm nông sản của Việt Nam ở thị trường nước ngoài (ví dụ: cà-phê Trung Nguyên ở một số bang của Hoa Kỳ hay thương hiệu cà-phê Tây Nguyên ở Trung Quốc).
Năng lực quản lý nhà nước và quản trị kinh doanh theo mô hình chuỗi còn nhiều hạn chế. Nhiều cán bộ hoạch định chiến lược, xây dựng quy hoạch và chính sách phát triển nông nghiệp và thương mại còn chưa nắm rõ về chuỗi giá trị toàn cầu. Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam vẫn chủ yếu là xuất khẩu theo giá giao hàng trên tàu (FOB), bằng cách tìm kiếm các hợp đồng thương mại và thực hiện theo mô hình trừ lùi (tức là nhận tiền đặt cọc trước rồi mua gom hàng và giao hàng rồi mới chốt giá), bạn hàng xuất khẩu không ổn định và còn ít các hợp đồng kỳ hạn. Chính vì vậy, hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu khoảng 40 tỷ USD/năm, trong đó, một số mặt hàng xuất khẩu đứng đầu thế giới, nhưng do có hàng trăm doanh nghiệp cùng xuất khẩu cạnh tranh với nhau nên chúng ta hầu như không có vai trò trong việc chi phối thị trường và giá cả.
Để nông sản Việt Nam tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu
Về phía các nhà sản xuất và xuất khẩu nông sản
Khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, doanh nghiệp cần xác định rõ phải tham gia ngay từ đầu, từ khi còn phát triển sản phẩm thị trường. Tích cực và chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trên cơ sở lựa chọn đúng các khâu cần ưu tiên nhằm khai thác lợi thế so sánh, phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững hoạt động xuất khẩu trên thị trường thế giới. Đẩy mạnh các hoạt động liên doanh, liên kết để tăng cường sức mạnh, hiệu quả kinh tế khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhanh chóng khắc phục tình trạng nhỏ lẻ, manh mún và thiếu sự liên kết giữa các đầu mối (từ người sản xuất đến các nhà thu mua, chế biến, xuất khẩu, bán lẻ) trong chuỗi.
Chú trọng lựa chọn những sản phẩm nông sản mà Việt Nam có lợi thế so sánh và thế giới có nhu cầu cao để chuyển dịch cơ cấu sản xuất và xuất khẩu. Đồng thời, sắp xếp lại các cơ sở sản xuất, chế biến theo hướng thành lập các cơ sở sản xuất, chế biến lớn có thiết bị, công nghệ hiện đại để tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, giảm dần các cơ sở sản xuất, chế biến nhỏ lẻ, năng suất, chất lượng thấp, không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Tăng cường năng lực của các hiệp hội ngành hàng. Đây là đơn vị tập hợp và tăng cường liên kết các doanh nghiệp kinh doanh nông sản có tiềm năng lợi thế toàn diện, đẩy mạnh hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu, khai thác chỉ dẫn địa lý đối với các mặt hàng nông sản xuất khẩu… Cần có giải pháp tổng thể bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm tuân theo những tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của quốc tế. Hiện tại, một số nông sản sạch, hữu cơ của Việt Nam đã có chỗ đứng trên thị trường thế giới như: trà, cà-phê, rau, trái cây... Tuy nhiên, sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch vẫn chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong tổng sản lượng nông nghiệp và có tiềm năng phát triển mạnh trong tương lai.
Chú trọng xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam. Nông sản của Việt Nam luôn có giá thấp hơn so với nông sản của các nước có cùng mặt hàng. Thời gian qua, chúng ta đã thành công trong việc xuất khẩu một số mặt hàng nông sản (cà-phê, tiêu, điều, thủy sản, hoa quả,...) sang thị trường châu Âu, Mỹ. Song, do quá chú trọng về số lượng nên vấn đề thương hiệu chưa được quan tâm. Để khắc phục tình trạng này, các hiệp hội ngành hàng nông, lâm sản của Việt Nam nên tổ chức giới thiệu sản phẩm của ngành mình cho người tiêu dùng ở một số địa phương tại các nước mà hàng Việt Nam xuất khẩu tới, nhằm tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm nông sản mang thương hiệu Việt Nam. Có thương hiệu, hàng nông sản của nước ta mới có thể tham gia sâu vào chuỗi nông sản thế giới.
Về phía Nhà nước
Để nâng cao giá trị gia tăng cho hàng nông sản xuất khẩu, Nhà nước có vai trò đặc biệt quan trọng. Với thực trạng sản xuất và xuất khẩu nông sản cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam hiện nay, Nhà nước cần tập trung vào các chính sách và nỗ lực cụ thể như sau:
Tiếp tục hỗ trợ về tài chính. Việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp. Mặc dù đã rất chú trọng ưu tiên đầu tư vốn cho nông nghiệp, nông thôn, tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn rất khó khăn khi tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư vào công nghệ cao cho sản xuất.
Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực. Hiện tại, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành và của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và ảnh hưởng của cuộc Cánh mạng công nghiệp lần thứ tư, nhiều kiến thức, kỹ năng cần thiết phải bổ sung đối với lao động nông nghiệp.
Đầu tư hạ tầng logistics. Trong chuỗi giá trị toàn cầu, các công đoạn sản xuất bị phân mảnh về mặt địa lý nên đòi hỏi di chuyển nhanh chóng và tiết kiệm chi phí hàng hóa qua biên giới quốc gia. Như vậy, hoạt động logistics không hiệu quả sẽ làm tăng chi phí giao dịch và giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước. Mặt khác, các vấn đề về bảo quản, kho bãi lưu trữ,… cũng cần được Nhà nước quan tâm, đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp.
Từng bước điều chỉnh, chuyển định hướng chiến lược từ phát triển sản xuất và xuất khẩu hàng nông sản theo số lượng và tốc độ cao như hiện nay sang phát triển theo hướng coi trọng chất lượng, sức cạnh tranh và hiệu quả. Để thực hiện được chủ trương này, bên cạnh khuyến khích đầu tư và phát triển mạnh công nghiệp chế biến, Nhà nước cần tăng cường và coi trọng công tác quy hoạch nuôi, trồng nông sản trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh và theo hướng sản xuất lớn, nông nghiệp hiện đại; đồng thời xây dựng và quản lý quá trình sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản xuất khẩu theo các tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm phù hợp với các thị trường nhập khẩu.
Cần tiến hành rà soát và đánh giá lại quy mô và trình độ công nghệ chế biến của toàn bộ các cơ sở chế biến nông sản hiện có. Trên cơ sở đó, có cơ chế khuyến khích và hỗ trợ phù hợp để tăng cường và mở rộng đầu tư, liên kết, chuyển giao công nghệ theo hướng hình thành các cơ sở chế biến quy mô lớn, công nghệ hiện đại, qua đó tăng được công suất chế biến, tăng tỷ lệ chế biến sâu, tạo sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu cao của thị trường thế giới. Định hướng và có chính sách khuyến khích các nhà sản xuất, xuất khẩu xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị hàng nông sản có năng lực cạnh tranh cao ở trong nước làm tiền đề và điều kiện cho việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tạo điều kiện thuận lợi để các nhà sản xuất và xuất khẩu nông sản Việt Nam tham gia vào những khâu ngoài sản xuất, tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng nước ngoài, đặc biệt là hỗ trợ thông tin về nhu cầu thị trường, xúc tiến thương mại hàng nông sản ở các thị trường trọng điểm, mở cơ sở phân phối tại nước ngoài. Tạo thuận lợi để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực nông nghiệp, qua đó có thể tiếp cận nguồn vốn, công nghệ cũng như tham gia vào mạng lưới phân phối toàn cầu hàng nông sản. Tạo cầu nối để các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng tham gia, chia sẻ thông tin, triển khai các mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh hiệu quả, phát thải thấp, phát triển nền nông nghiệp xanh và bền vững./.
Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững ở nước ta  (19/10/2020)
Phát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết các dân tộc, xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững  (25/09/2020)
Agribank tích cực gỡ khó cho khách hàng vượt qua đại dịch  (17/09/2020)
Nhà nước tạo lập tiền đề phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam  (10/06/2020)
Thúc đẩy xuất khẩu nông sản bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế  (12/04/2020)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên