Thu hút có chọn lọc các phân đoạn thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày tới Việt Nam
TCCSĐT - Sáng ngày 02-5-2019, tại Hà Nội, Hội thảo chuyên đề 1 với chủ đề “Thu hút có chọn lọc các phân đoạn thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày tới Việt Nam” được tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 do Chính phủ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì.
Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Lê Quang Tùng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ngô Văn Tuấn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam; đại điện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, tỉnh, thành phố; các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, kinh tế, hiệp hội du lịch trong nước và quốc tế; các nhà quản lý, đại điện các doanh nghiệp tư nhân cùng các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Ngô Văn Tuấn khẳng định, Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 03-6-2017 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” đã nêu rõ quan điểm phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh theo cơ chế thị trường là một yêu cầu khách quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài trong quá trình hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Trong những năm qua, kinh tế tư nhân ở nước ta đã phát triển trên nhiều phương diện, được tự do kinh doanh và đối xử bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, nhất là trong tiếp cận các yếu tố sản xuất và các loại thị trường; hiệu quả, sức cạnh tranh dần được nâng lên; liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỉ trọng 39% - 40% GDP; thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, cung cấp 1,2 triệu việc làm/năm; góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Trong số các doanh nghiệp tư nhân ở nước ta thì các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch chiếm tỉ lệ lớn. Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16-01-2017, của Bộ Chính trị về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” cũng nhấn mạnh phát triển du lịch là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, các lĩnh vực khác. Do đó, du lịch luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân đặc biệt quan tâm và được xác định là một trong 6 chuyên đề được bàn thảo tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019. Với chủ đề “Thu hút có chọn lọc các phân đoạn thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày tới Việt Nam”, Hội thảo chuyên đề năm nay thảo luận và hiến kế tập trung vào bốn nhóm giải pháp lớn là cải thiện tính cạnh tranh của chính sách thị thực, cải thiện năng lực cạnh tranh và tính bền vững của ngành du lịch, cải thiện hạ tầng hàng không và chiến lược quảng bá du lịch.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng nhấn mạnh, Việt Nam có tài sản du lịch tự nhiên và văn hóa đa dạng, ở vị thế đặc biệt có thể hưởng lợi từ dư địa du lịch thuận lợi này. Theo Chỉ số Cạnh tranh Du lịch năm 2017 của Diễn Đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam xếp thứ 32 trên toàn cầu (trong 120 quốc gia) về số lượng và sự hấp dẫn của tài nguyên thiên nhiên và văn hóa (xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á sau In-đô-nê-xi-a và Thái Lan), có 8 Di sản thế giới được UNESCO công nhận (bằng với In-đô-nê-xi-a, nhiều hơn hầu hết các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á). Tốc độ tăng trưởng khách quốc tế Việt Nam trong 3 năm qua lên tới 30%, đứng thứ 6 trên thế giới theo xếp hạng của Tổ chức Du lịch thế giới. Năm 2018, Việt Nam đón gần 15,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 620.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 8% GDP. Trong giai đoạn 2015 - 2018, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng gấp 2 lần (từ 7,9 triệu lượt năm 2015 lên 15,5 triệu lượt năm 2018), tổng thu từ khách du lịch cũng đạt tốc độ tăng tương ứng (từ 338 ngàn tỷ đồng năm 2015 lên 620 ngàn tỷ đồng năm 2018). Nhiều dự án du lịch quy mô lớn với chất lượng và đẳng cấp quốc tế đã được khởi công xây dựng, hoàn thiện và đưa vào khai thác; chất lượng các sản phẩm du lịch, chất lượng điểm đến cũng được nâng lên; công tác quảng bá, xúc tiến du lịch cũng được cải thiện trên cơ sở phát huy hiệu quả hợp tác công - tư. Thời gian qua, Việt Nam và nhiều điểm đến du lịch của Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế vinh danh, trao tặng các giải thưởng mang tính toàn cầu như Giải thưởng “Điểm đến hàng đầu châu Á” năm 2018 của World Travel Awards (WTA); TP. Hồ Chí Minh lọt top 10 điểm đến hấp dẫn nhất châu Á năm 2018 (Lonely Planet bình chọn); Hội An lọt top 15 thành phố hấp dẫn nhất thế giới 2018 của (Tạp chí du lịch Travel & Leisure của Mỹ); Hà Nội đứng vị trí 12 trên 25 điểm đến hàng đầu thế giới năm 2018 (do TripAdvisor công bố); Cầu Vàng ở Đà Nẵng là 1 trong 100 điểm đến tuyệt vời nhất thế giới năm 2018 (Tạp chí Time của Mỹ bình chọn); Vịnh Hạ Long vào top 30 điểm đến không thể nào quên trên thế giới (BuzzFeed)...
Tuy nhiên, theo các số liệu thống kê và đánh giá của chuyên gia cho thấy, du lịch quốc tế đến Việt Nam đang tăng trưởng nhanh nhưng năm 2018 tổng số du khách quốc tế vẫn thấp so với một số nước trong khu vực. Trong cơ cấu nguồn khách quốc tế đến Việt Nam thì tỷ trọng các thị trường lưu trú dài ngày, chi tiêu cao như Úc (với mức chi tiêu gần 1.700USD/lượt khách), Tây Âu (chi tiêu trên 1.300USD/lượt khách), Bắc Mỹ (chi tiêu trên 1.500USD/lượt khách) còn khiêm tốn, tỷ lệ tăng trưởng tuy có song vẫn ở mức thấp. Điều quan trọng là tỷ trọng những thị trường có chi tiêu cao có xu hướng giảm dần trong giai đoạn từ năm 2015 - 2018 (trong khi đó khách từ châu Á tăng từ 67,2% lên 77,9%); các thị trường ngách với mức chi tiêu cao như du lịch Golf, MICE... thiếu các cơ chế khuyến khích phát triển bảo đảm tính cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Vấn đề và thách thức lớn nhất đã được nhận diện qua các số liệu nói trên là thị phần khách quốc tế đến Việt Nam chưa phù hợp, nếu không được giải quyết thì sẽ là trở ngại để ngành Du lịch nước ta phát triển xứng đáng với tiềm năng và đạt được những kỳ vọng.
Do đó, để du lịch thực sự phát huy vai trò là một ngành kinh tế mũi nhọn quốc gia, phát huy đúng vai trò ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, thì thời gian tới cần tiếp tục có sự đầu tư mạnh mẽ, tập trung với quyết tâm cao của nhiều bộ, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội để giải quyết các vấn đề cả trước mắt và lâu dài. Để thực hiện mục tiêu phát triển ngành du lịch đến năm 2025 với tổng thu dự kiến là 45 tỷ USD, đóng góp 10% GDP cả nước, trong thời gian tới, ngành du lịch cần chú trọng chất lượng tăng trưởng, tập trung khai thác các thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao, nghỉ dưỡng dài ngày, trải nghiệm văn hóa và thiên nhiên; đẩy mạnh thu hút thị trường khách du lịch chuyên đề; tăng dần tỷ trọng khách không đi theo chương trình du lịch trọn gói, tự trải nghiệm và khám phá Việt Nam.
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến hiến kế có giá trị của khu vực tư nhân hướng tới mục tiêu phát triển bền vững ngành du lịch, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, như đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ; kiểm soát, tổ chức cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp hơn, thúc đẩy đầu tư các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng - giải trí và du lịch công tác kết hợp du lịch cao cấp, các chương trình, dịch vụ được thiết kế riêng và có tính cá nhân hóa cao…; đa dạng hóa thị trường nguồn, tiếp thị và xúc tiến du lịch tập trung nhiều hơn vào các thị trường nguồn khách chi tiêu cao, như Nhật Bản, Úc, Tây Âu, Bắc Âu, Bắc Mỹ, Trung Đông…; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động marketing kỹ thuật số hướng tới các phân khúc thị trường cao cấp; tạo điều kiện thuận lợi về thị thực để thu hút khách từ các thị trường có chi tiêu cao, lưu trú dài ngày và các đoàn khách du lịch tàu biển, MICE, golf, thể thao...; nâng cao khả năng kết nối hàng không tới các thị trường nguồn chất lượng cao, cải thiện năng lực đón tiếp của các sân bay; tập trung công tác quản lý điểm dến của Việt Nam, đặc biệt các vấn đề liên quan tới bảo đảm vệ sinh môi trường, an ninh, an toàn của du khách; tiếp tục đầu tư phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch, chú trọng đào tạo kỹ năng, ngoại ngữ và sự chuyên nghiệp đối với nguồn nhân lực ngành du lịch, từ nhân lực là lao động giản đơn tới các nhà quản lý cấp cao; cải thiện mạnh mẽ những vấn đề thuộc về cơ chế, chính sách, khâu thực thi hiện đang còn là rào cản.
Những hiến kế từ sự kiện sẽ được trình lên phiên toàn thể của Diễn đàn vào chiều cùng ngày với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước và 2.500 doanh nghiệp tư nhân../.
Ngoại giao văn hóa của một số quốc gia Đông Bắc Á  (02/05/2019)
Chiến thắng Điện Biên Phủ: Từ góc nhìn văn hóa quân sự  (02/05/2019)
Lãnh đạo thành phố Hà Nội dâng hương tưởng niệm 115 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú  (01/05/2019)
Việt Nam - Cuba trao đổi kinh nghiệm về soạn thảo chính sách kinh tế  (01/05/2019)
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi Thư chúc mừng Nhà vua Nhật Bản Naruhito  (01/05/2019)
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay