Thành tựu kinh tế Trung Quốc sau 40 năm cải cách và mở cửa
TCCSĐT - Nhìn chung, các chuyên gia kinh tế đều thừa nhận, thành tựu kinh tế mà Trung Quốc đạt được trong bốn mươi năm cải cách, mở cửa thực sự là một “kỳ tích”. Trung Quốc hiện trở thành một phần không thể thiếu của nền kinh tế toàn cầu.
Bốn mươi năm cải cách và mở cửa
Cách đây 40 năm, Hội nghị Trung ương 3 (khóa XI) Đảng Cộng sản Trung Quốc họp tháng 12-1978 đưa ra một quyết định lịch sử, chuyển trọng tâm công tác của toàn Đảng từ trước đó “lấy đấu tranh giai cấp là cương lĩnh” sang “xây dựng kinh tế là nhiệm vụ trung tâm”, thực hiện cải cách và mở cửa, xây dựng hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa. Sau 40 năm cải cách và mở cửa, cấu trúc kinh tế và chính sách quản lý vĩ mô của Trung Quốc đã và đang trải qua những thay đổi to lớn, tạo đà tăng trưởng nhảy vọt, năng lực sản xuất và trình độ phát triển kinh tế gia tăng, đời sống của nhân dân ngày càng cải thiện.
Quy mô kinh tế Trung Quốc không ngừng lớn mạnh. Khi mới thực hiện cải cách và mở cửa vào năm 1978, Trung Quốc là một trong những quốc gia nghèo trên thế giới. Bốn mươi năm sau, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tăng 33,5 lần, ước khoảng 12.300 tỷ USD, chiếm 15% GDP toàn cầu, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Giai đoạn 1978 - 2017, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hằng năm đạt 9,5%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng trung bình hằng năm của nền kinh tế thế giới là 2,9% (1). Theo Ngân hàng Thế giới (WB), giai đoạn 2012 - 2016, hằng năm, kinh tế Trung Quốc đóng góp 34% vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu (2). Tiến trình công nghiệp hóa của Trung Quốc tăng nhanh, cơ cấu ngành nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng ngày càng hợp lý hóa. Ngành dịch vụ dần chiếm vị thế chủ đạo, mức tăng trưởng của ngành dịch vụ vượt qua ngành nông nghiệp, ngành công nghiệp - xây dựng, trở thành lực lượng chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Trình độ phát triển tổng thể kinh tế - xã hội được nâng cao. Xét từ góc độ tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng kinh tế 40 năm qua của Trung Quốc thực sự là một kỳ tích. Phát triển kinh tế không chỉ bao gồm chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, mà còn là góc độ phúc lợi xã hội. Nếu như năm 1978, GDP bình quân đầu người ở Trung Quốc mới chỉ ở mức 156 USD, là một trong những nước nghèo nhất thế giới, nhưng đến năm 2017, GDP bình quân đầu người đã đạt 8.800 USD, được xếp vào nhóm nước có thu nhập trung bình cao (3). Số người nghèo ở Trung Quốc giảm từ 770 triệu người năm 1978 xuống còn 30,46 triệu người năm 2017, tức tỷ lệ người nghèo giảm từ 97,5% năm 1978 xuống mức 3,1% năm 2017 (4). Tăng trưởng kinh tế cao kéo theo các ngành, nghề nền tảng như năng lượng, giao thông vận tải, viễn thông, khoa học, giáo dục, y tế, xây dựng cơ sở hạ tầng… cùng phát triển. Các khoản đầu tư vào khoa học - công nghệ tăng. Chỉ riêng trong năm 2017, có hơn 1,3 triệu đơn đăng ký sáng chế được cấp bằng sáng chế. Hằng năm, hơn 3 triệu sinh viên chuyên ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học ở các trường đại học Trung Quốc tốt nghiệp, lớn hơn gấp 5 lần so với Mỹ (5).
Kinh tế Trung Quốc không chỉ có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, mà trong các giai đoạn khác nhau, còn thể hiện sự thay đổi trong cách thức phát triển, phù hợp với từng bối cảnh. Ngay từ tháng 7-2003, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc khi đó là Hồ Cẩm Đào đề xuất “kiên trì lấy con người làm gốc, thiết lập quan niệm phát triển toàn diện, hài hòa, bền vững, thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế xã hội và con người”. Tại Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc, tháng 10-2017, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đưa ra quan điểm “thúc đẩy nâng cấp sự chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế, xây dựng hệ thống kinh tế hiện đại hóa, thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc phát triển theo con đường mới chất lượng cao, bền vững”.
Ảnh hưởng và đóng góp vào nền kinh tế toàn cầu của Trung Quốc không ngừng gia tăng. Thành tựu mà kinh tế Trung Quốc đạt được trong 40 năm cải cách và mở cửa không tách rời với mối quan hệ và ảnh hưởng với thị trường thế giới. Là nước lớn với dân số chiếm khoảng 18% dân số toàn cầu, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nền kinh tế thế giới là rất rõ rệt (6). Trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế, Trung Quốc luôn tích cực thúc đẩy phát triển thương mại, đầu tư song phương và đa phương. Trao đổi thương mại nước ngoài của Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ trung bình hằng năm là 14,5% (7). Kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), năm 2001, Trung Quốc thực hiện đầy đủ các cam kết đối với WTO. Trung Quốc giảm đáng kể thuế nhập khẩu và các hàng rào phi thuế quan. Mức thuế trung bình giảm từ 15,3% năm 2001 xuống còn 9,8% năm 2017 (8). Trung Quốc cũng mở cửa thị trường dịch vụ, liên tục giảm và xóa bỏ những hạn chế đối với đầu tư nước ngoài, tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Lĩnh vực ngoại thương của Trung Quốc càng tăng trưởng thì mức đóng góp cho thị trường và thương mại quốc tế ngày càng lớn. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 bùng nổ, nhiều quốc gia chịu sự tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, tỷ lệ tăng trưởng của kim ngạch thương mại toàn cầu nằm ở mức thấp trong một thời gian dài nhưng tăng trưởng xuất nhập khẩu của Trung Quốc tương đối ổn định, góp phần ổn định thương mại toàn cầu.
Năm 2018, dù xảy ra xung đột thương mại Mỹ - Trung, các nhân tố bất ổn bên ngoài gia tăng, nhưng về tổng thể, nền kinh tế Trung Quốc vẫn ổn định và sự chuyển dịch cơ cấu vẫn đang tiếp diễn. WTO cho rằng, việc cải cách cơ cấu kinh tế của Trung Quốc sẽ có tác động tích cực đến tăng trưởng thương mại toàn cầu. Sự chuyển đổi mô hình kinh tế của Trung Quốc từ chủ yếu dựa vào đầu tư sang tiêu dùng, xét về lâu dài sẽ giúp Trung Quốc tăng trưởng kinh tế bền vững hơn, từ đó hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng trưởng. Điều quan trọng hơn, với tư cách là nước đang phát triển lớn nhất thế giới hiện nay, sự nâng cấp, chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc sẽ cung cấp bài học quan trọng cho các nước đang phát triển khác trong quá trình phát triển. Thông qua cải cách và nâng cấp, chuyển đổi mô hình, cơ cấu ngành, nghề liên tục, nền kinh tế Trung Quốc sẽ an toàn hơn, có tính bền vững hơn, điều này sẽ có lợi cho cả thế giới. Phát biểu tại Hội chợ Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc (CIIE) lần đầu tiên, Tổng Giám đốc WTO R. Azevedo cho biết, CIIE gửi một thông điệp rõ ràng về vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc trong thương mại toàn cầu. Trung Quốc đang ngày càng tích cực tham gia vào quá trình cải cách WTO, giúp các nước đang phát triển và kém phát triển tham gia và hưởng lợi từ hệ thống thương mại đa phương này, thông qua nhiều chương trình khác nhau.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) C. Lagarde ca ngợi sự đóng góp của Trung Quốc vào nền kinh tế thế giới, thông qua “ba cây cầu” mà Trung Quốc khởi xướng và thúc đẩy. Thứ nhất, “cầu nối với thế giới” mà Trung Quốc bắt đầu xây dựng cách đây 40 năm, đó là thông qua tiến trình cải cách và mở cửa nền kinh tế, thúc đẩy hội nhập với bên ngoài. Thứ hai, “cầu nối để thịnh vượng”, Trung Quốc thúc đẩy tái cân bằng nền kinh tế theo hướng thúc đẩy tiêu dùng của các hộ gia đình, hạn chế việc đầu tư quá mức. Trong 3 quý đầu của năm 2018, tiêu thụ đóng góp 78% vào tăng trưởng GDP của Trung Quốc, tăng 50% so với khoảng 5 năm trước, thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc dự đoán sẽ giảm, thấp hơn 1% GDP trong năm 2018, so với con số khoảng 10% GDP năm 2007 (9). Thứ ba, “cầu nối cho tương lai”, Trung Quốc khai thác sức mạnh hợp tác quốc tế, đặc biệt là thương mại, kêu gọi các quốc gia hợp tác giải quyết tranh chấp thương mại, phối hợp cùng nhau xây dựng cây cầu hòa bình, tương lai thịnh vượng trên thế giới.
Trung Quốc tích cực chủ động tham gia quản trị và phát triển kinh tế toàn cầu. Trung Quốc hiểu rõ thành tựu kinh tế giành được trong 40 năm cải cách và mở cửa không tách rời với việc đi sâu thúc đẩy tiến trình toàn cầu hóa. Kiên trì cùng có lợi, cùng thắng là chủ trương chính sách mà Trung Quốc kiên trì trong những năm gần đây. Ngay từ năm 2002, trong báo cáo Đại hội XVI của Đảng Cộng sản, Trung Quốc đề xuất kiên trì phương châm kết hợp giữa “thu hút đầu tư nước ngoài” và “vươn ra nước ngoài”, nâng cao toàn diện trình độ mở cửa với nước ngoài. Thực lực kinh tế của Trung Quốc từng bước được tăng cường, thương mại, xuất, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài của Trung Quốc có sự tác động ngày càng lớn đối với tăng trưởng thương mại toàn cầu, trở thành lực lượng quan trọng tái cân bằng nền kinh tế thế giới. Cùng với việc phát triển kinh tế, để tăng thêm sức mạnh và mở rộng tầm ảnh hưởng trên thế giới, Trung Quốc xây dựng chiến lược quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ (NDT). Ngày 01-10-2016, đồng NDT chính thức được IMF đưa vào giỏ tiền tệ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR), từng bước giành được vị thế đồng tiền chủ chốt quốc tế.
Cải cách và mở cửa sẽ không dừng bước
Trên thực tế, sau 40 năm cải cách và mở cửa, ngay trong mô hình phát triển của Trung Quốc vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề và mâu thuẫn cần giải quyết: nghèo đói và bất bình đẳng gia tăng, môi trường sinh thái xấu đi, nguy cơ tiềm tàng trong lĩnh vực tài chính, tăng trưởng chậm hơn, đến các thách thức trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là trong giải quyết xung đột thương mại với Mỹ hiện nay.
Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang bước vào giai đoạn quan trọng để chuyển đổi mô hình, chú trọng hơn đến sự phát triển lâu dài, cân bằng. Báo cáo Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc nêu rõ, nền kinh tế Trung Quốc đang ở giai đoạn khắc phục khó khăn, thay đổi cách thức phát triển, tối ưu hóa cơ cấu kinh tế, chuyển đổi động lực tăng trưởng, đồng thời dựa vào đó đưa ra 6 biện pháp hành động: Đi sâu cải cách mang tính cơ cấu theo hướng trọng cung; đẩy nhanh xây dựng quốc gia theo kiểu sáng tạo; thực hiện chiến lược chấn hưng nông thôn; thực thi chiến lược phát triển hài hòa khu vực; đẩy nhanh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa; thúc đẩy hình thành cục diện mới về mở cửa toàn diện.
Thực tế cho thấy, những năm gần đây, Trung Quốc tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng lại cục diện quyền sở hữu trí tuệ của đất nước, hoàn thiện lực lượng thực thi pháp luật, tăng cường thực thi pháp luật, tăng mạnh tiền phạt vi phạm sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hợp pháp của doanh nghiệp nước ngoài tại quốc gia này, mong muốn chính phủ các nước tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc. Tái cơ cấu kinh tế cũng có sự chuyển hướng sâu sắc, Trung Quốc tuyên bố sẽ chủ động mở rộng xuất khẩu. Trong 3 cỗ xe truyền thống (xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng là 3 động lực tăng trưởng) thì xuất khẩu lại trái ngược với tiêu dùng và đầu tư, có tỷ lệ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang có xu hướng giảm, trong khi tỷ lệ đóng góp của tiêu dùng tăng cao. Thị trường tiêu dùng của Trung Quốc ước tính trị giá 5.400 tỷ USD, gần ngang bằng với thị trường 5.800 tỷ USD của Mỹ (11). Trung Quốc cũng đang nới lỏng các hạn chế về đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực mà từ lâu được xem là các lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng, bảo hiểm, ô tô.
Giai đoạn mở cửa tiếp theo, Trung Quốc không chỉ hướng đến thu hút đầu tư nước ngoài, mà còn mở cửa cho đầu tư tư nhân trong nước. Trung Quốc tăng cường giao quyền cho doanh nghiệp, nới lỏng tiêu chuẩn cấp phép đầu tư cho nguồn vốn dân doanh vào các ngành đặc thù. Nguồn vốn tư nhân và nguồn vốn nhà nước có phương thức hoạt động khác nhau, doanh nghiệp tư nhân sẽ phát huy vai trò trong các lĩnh vực có tính sáng tạo, đổi mới công nghệ. Nguồn vốn nhà nước sẽ tiếp tục đảm nhận vai trò “cơ sở hạ tầng” phát triển kinh tế. Còn nguồn vốn nước ngoài trong tương lai phần nhiều sẽ mang đến ngành sản xuất công nghệ cao, tác động tích cực đến ưu thế thị trường nước lớn mà Trung Quốc không ngừng tích lũy. Trong bối cảnh vĩ mô mở cửa, ba nguồn vốn đó sẽ cùng xây dựng một lộ trình sáng tạo công nghệ mới của Trung Quốc.
Ngày 10-4-2018, phát biểu tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ rõ: “Trung Quốc sẽ kiên trì cải cách và mở cửa, không dao động, tiếp tục thúc đẩy các biện pháp mở cửa mới, cùng với các nước châu Á và thế giới tạo ra tương lai tốt đẹp”. Đồng thời, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố biện pháp mở cửa bốn lĩnh vực lớn: nới lỏng nhiều về tiêu chuẩn tham gia thị trường; tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn hơn; tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; chủ động gia tăng nhập khẩu.
Ngay sau “thông điệp” của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao, ngày 05-11-2018, phát biểu tại Hội chợ Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần đầu tiên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết sẽ đẩy nhanh các nỗ lực nhằm gỡ bỏ những rào cản đối với các doanh nghiệp nước ngoài, tăng nhập khẩu và mở cửa thị trường. Trung Quốc sẽ “từng bước” kích thích nhu cầu nhập khẩu nội địa, giảm thuế nhập khẩu, đơn giản hóa các thủ tục tài chính và ban hành những chính sách nghiêm khắc đối với sở hữu trí tuệ cùng các biện pháp khác. Trung Quốc sẽ đẩy nhanh việc mở cửa giáo dục, viễn thông và lĩnh vực văn hóa, đồng thời bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp nước ngoài và thúc đẩy một môi trường kinh doanh toàn cầu.
Mặc dù đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức cả bên trong và bên ngoài, nhưng kinh tế Trung Quốc vẫn có không gian phát triển lớn. Ngoài ưu thế nội sinh như dân số đông, nhu cầu nội địa lớn, ưu thế về nhân lực, lao động qua đào tạo ngày càng tăng… Trung Quốc còn có ưu thế về hệ thống kinh tế quốc hữu hoàn chỉnh, phát huy vai trò trụ cột trong việc bảo đảm an ninh kinh tế quốc gia. Kết hợp với thành tựu phát triển kinh tế 40 năm qua, Trung Quốc đang nỗ lực tiến lên phía trước. Tiếp tục mở cửa với bên ngoài, tích cực chủ động hội nhập thế giới vừa là sự lựa chọn tất yếu của Trung Quốc hiện nay, vừa là yêu cầu của thế giới đối với Trung Quốc./.
------------------------
(1), (4) Embassy of China marks 40th anniversary of policy of reform, openness in country, https://www.moldpres.md/en/news/2018/09/14/18008178
(2) China Focus: China's economy on firm footing, stronger growth engine for world, http://www.xinhuanet.com/english/2018-02/28/c_137006463.htm
(3), (5) Secrets of China’s Success, https://www.chinausfocus.com/foreign-policy/secrets-of-chinas-success
(6) After 40 years of reform and opening up, China has a lot to be proud of, http://en.people.cn/n3/2018/0828/c90000-9494890.html
(7) China’s reform experience aids developing economies, http://www.globaltimes.cn/content/1126921.shtml
(8), (10) Impact of China’s 40 years of reform and opening up to itself and the whole world, https://thenassauguardian.com/2018/09/19/impact-of-chinas-40-years-of-reform-and-opening-up-to-itself-and-the-whole-world/
(9) Heads of int'l organizations hail China's commitment to opening up, http://en.people.cn/n3/2018/1107/c90000-9516018.html
(11) China’s import expo and its reform and opening-up, http://chinaplus.cri.cn/opinion/opedblog/23/20181104/205113.html
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tiếp Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Nhật Bản  (18/12/2018)
Thủ tướng tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Vatican  (18/12/2018)
Bế mạc Hội nghị Quốc hội và các Mục tiêu phát triển bền vững  (18/12/2018)
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 10 đến ngày 17-12-2018)  (18/12/2018)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển