TCCSĐT - Trung Quốc và Mỹ đã chính thức bắt đầu cuộc chiến thương mại ngày 06-7 khi Washington áp mức thuế mới 25% đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD từ Trung Quốc, chủ yếu là máy móc, thiết bị điện tử và công nghệ cao và sau đó, Trung Quốc cũng tuyên bố các biện pháp trả đũa nhằm vào Mỹ lập tức có hiệu lực. Các đòn trả đũa lẫn nhau về thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể còn kéo dài và tác động mạnh tới tình hình kinh tế hai nước cũng như toàn cầu.

Leo thang căng thẳng bất chấp các nỗ lực đàm phán

Căng thẳng thương mại Mỹ và Trung Quốc bắt đầu khi ngày 22-3-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố danh sách các mặt hàng nhập từ Trung Quốc với tổng trị giá khoảng 50 tỷ USD sẽ chịu mức thuế nhập khẩu cao hơn để đòi lại sự công bằng trong hoạt động thương mại giữa hai nước. Washington cho rằng mình đang chịu thua thiệt do Trung Quốc "cưỡng ép" các công ty và doanh nghiệp của Mỹ chuyển giao công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ. Về phía Trung Quốc, mặc dù khẳng định không muốn một cuộc chiến thương mại, nhưng Bắc Kinh cũng đáp trả với một danh mục các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Mỹ như đậu nành, ôtô và máy bay hạng nhẹ tổng trị giá khoảng 50 tỷ USD sẽ chịu mức thuế nhập khẩu cao hơn khi vào thị trường Trung Quốc. Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang khi ngày 05-4, Tổng thống Mỹ Trump cảnh báo sẽ nâng gấp đôi (lên 100 tỷ USD) tổng giá trị các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc phải chịu các mức thuế bổ sung. Còn Trung Quốc, ngày 17-4, Bắc Kinh đã quyết định áp đặt các biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với cao lương nhập khẩu từ Mỹ, sau khi xác định mặt hàng nông sản nhập khẩu này gây tổn hại hoạt động sản xuất và buôn bán trong nước.

Những nỗ lực ngoại giao đã được xúc tiến nhằm giải quyết căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Hai nước đã tổ chức ba vòng đàm phán tại Bắc Kinh và Washington về vấn đề này. Tại các cuộc đàm phán, hai bên đã ra tuyên bố chung cam kết tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước, không đẩy căng thẳng đi xa thành một cuộc chiến thương mại sau khi đe dọa áp thuế đối với các hàng hóa của nhau.

Bất chấp các nỗ lực ngoại giao, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nóng trở lại sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 29-5 đe dọa áp thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, đồng thời có những bước đi khác nữa để hạn chế Bắc Kinh tiếp cận những công nghệ nhạy cảm của Mỹ. Bắc Kinh đã chỉ trích Washington tiếp tục theo đuổi các biện pháp hạn chế thương mại đối với Trung Quốc. Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng động thái này đi ngược lại sự đồng thuận mà hai bên đã đạt được sau các vòng tham vấn mới đây, đồng thời cảnh báo Bắc Kinh đã chuẩn bị sẵn sàng để bảo vệ lợi ích quốc gia.

Tiếp đó, ngày 15-6, Mỹ tuyên bố áp mức thuế mới đối với khoảng 1.100 sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc, trong đó đợt đầu là 818 sản phẩm, gồm các loại ô tô, trị giá gần 34 tỷ USD, với mức thuế 25%. Trung Quốc cũng khẳng định sẽ áp thuế bổ sung lên tới 25% đối với 659 mặt hàng nhập khẩu của Mỹ, trị giá 50 tỷ USD.

Chính thức thực hiện các biện pháp áp thuế lẫn nhau

Quyết định của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD từ Trung Quốc, chủ yếu là máy móc, thiết bị điện tử và công nghệ cao, đã chính thức có hiệu lực từ 0 giờ 01 phút ngày 06-7-2018 giờ Mỹ. Đây được xem là bước đi đầu tiên có thể dẫn tới một loạt các mức thuế mới.

Tổng thống Trump xác nhận ông sẵn sàng leo thang mạnh cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Theo Tổng thống Trump, trong vòng 2 tuần tới, Mỹ dự kiến tiếp tục áp thuế bổ sung đối với các mặt hàng của Trung Quốc trị giá 16 tỷ USD.

Tổng thống Mỹ Trump cũng cảnh báo Washington sẵn sàng áp thêm mức thuế 10% nhằm vào hàng hóa của Trung Quốc trị giá 200-300 tỷ USD nếu Bắc Kinh từ chối nhượng bộ các yêu cầu của Mỹ và tiếp tục trả đũa. Nếu cảnh báo này được hiện thực hóa, tổng số hàng hóa của Trung Quốc bị Mỹ áp thuế có thể lên tới hơn 550 tỷ USD, cao hơn cả mức 506 tỷ USD giá trị hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ năm 2017.

Trung Quốc ngày lập tức thông báo các biện pháp áp thuế trả đũa đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ đã bắt đầu có hiệu lực sau quyết định của Washington áp thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD từ Trung Quốc chính thức có hiệu lực.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nêu rõ: "Sau khi Mỹ kích hoạt các biện pháp thuế chống lại Trung Quốc, các biện pháp của Trung Quốc nhằm vào Mỹ đã ngay lập tức có hiệu lực". Bộ Thương mại Trung Quốc (MOC) đã ra tuyên bố phản đối quyết định của Mỹ tăng thêm 25% thuế đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD vừa chính thức có hiệu lực, đồng thời khẳng định Washington đã châm ngòi cho cuộc chiến thương mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế. Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc nêu rõ mức thuế quan nói trên vi phạm các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đồng thời sẽ làm tổn hại đà phục hồi kinh tế toàn cầu và gây rối loạn thị trường thế giới cũng như gây tổn hại đối với chính kinh tế nước này. Phía Trung Quốc cũng nhấn mạnh Bắc Kinh đang bị ép phải đưa ra các biện pháp ứng phó để bảo vệ lợi ích cốt lõi của quốc gia và lợi ích của người dân quốc gia châu Á này.

Thủ tướng Lý Khắc Cường thì khẳng định "Trung Quốc sẽ không bao giờ khơi mào chiến tranh thương mại, nhưng nếu bất cứ bên nào thực hiện tăng thuế, Trung Quốc sẽ có biện pháp đáp trả để bảo vệ lợi ích phát triển, cũng như hệ thống và các quy định thương mại đa phương". Ông Lý Khắc Cường cũng nêu rõ Trung Quốc cam kết mở cửa thị trường hơn nữa đối với các công ty nước ngoài. Ông khẳng định Trung Quốc sẽ bảo vệ lợi ích của các công ty nước ngoài và đối xử công bằng như đối với các công ty trong nước.

Trung Quốc cũng chỉ trích Mỹ, cho rằng hành động của Washington trên thực tế “đang tự bắn vào chính mình”. Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong nói: “Mỹ đã kích động cuộc chiến thương mại này. Chúng tôi không muốn tham chiến, nhưng để bảo vệ lợi ích của đất nước và người dân, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác”.

Bộ Thương mại Trung Quốc đã chỉ trích động thái của Mỹ là một hình thức "chèn ép thương mại”, tạo ra mối đe dọa đối với an ninh kinh tế thế giới và mọi thước đo giá trị. Giới quan sát cho rằng các tuyên bố của Bắc Kinh dường như là nhằm bảo vệ cho các biện pháp trả đũa mà nước này đưa ra đối với Washington.

Không bên nào được lợi trong cuộc chiến thương mại

Theo nhận định của các chuyên gia, một cuộc chiến thương mại thực sự giữa Mỹ và Trung Quốc khiến cả hai cường quốc sẽ chịu thiệt hại không nhỏ. Ngoài ra cũng sẽ tác động lớn đến các nền kinh tế khác.

Theo báo cáo của Cơ quan Thống kê quốc gia Mỹ, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất và đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Mỹ. Một báo cáo năm 2017 của Đại học Oxford chỉ ra quan hệ thương mại Mỹ - Trung đã tạo ra 2,6 triệu việc làm cho nước Mỹ. Báo cáo này nhận định, nền kinh tế Mỹ khó có thể đối mặt với tình trạng thất nghiệp gia tăng và giá cả tăng vọt, hệ quả tất yếu của cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Ngoài ra, cũng xuất hiện ý kiến lo ngại rằng, khi Trung Quốc có các biện pháp trả đũa, người tiêu dùng Mỹ có thể trở thành đối tượng chịu thiệt thòi do giá cả các hàng hóa nhập khẩu tăng lên. Trong khi đó, về du lịch, Trung Quốc có thể khuyến cáo người dân ngừng các chuyến du lịch tới Mỹ, gây thiệt hại nặng cho ngành công nghiệp không khói của Washington.

Hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc đa phần là các mặt hàng có giá trị thặng dư cao, mang lại lợi nhuận lớn cho các doanh nghiệp Mỹ. Theo nhận định của ông David Bachman, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc từ Đại học Washington, khi chiến tranh thương mại bùng nổ, những doanh nghiệp Mỹ xuất khẩu hàng tỷ USD vào thị trường Trung Quốc như Apple, Boeing - sẽ chịu thiệt hại lớn bởi các đối thủ cạnh tranh sẽ chiếm lĩnh thị phần tại Trung Quốc.

Thực tế, việc các sản phẩm của Trung Quốc bị áp mức thuế 25% cũng sẽ khiến người tiêu dùng Mỹ phải trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm đó. Không chỉ vậy, các công ty của Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc cũng có thể phải đối mặt với những tác động tiêu cực. Chẳng hạn như hãng xe hơi điện Tesla của Elon Musk, việc bị đánh thuế 25% đối với ô tô bán vào Trung Quốc khiến giá Tesla tại Trung Quốc bị đẩy cao hơn, làm mất tính cạnh tranh của hãng, kéo theo việc "trì hoãn hoặc cản trở" khả năng khai thác hết tiềm năng của thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, theo Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson, hơn 90% hàng hóa Trung Quốc nằm trong danh sách áp thuế của Mỹ là các sản phẩm đầu vào trung gian hoặc thiết bị sản xuất, tức là ở dạng nguyên liệu thô để làm ra các sản phẩm khác, do đó, biện pháp này chắc chắn sẽ còn gây ảnh hưởng lớn hơn nhiều. Chuyên gia về thương mại của Viện Dartmouth là Douglas Irwin (Đu-glát Ơ-uyn) cũng phải thừa nhận: "Đây là đợt áp thuế lớn nhất từ trước đến nay của Mỹ và ảnh hưởng tới ngành thương mại của Mỹ nhiều nhất kể từ thời Smoot-Hawley”, ám chỉ những mức thuế năm 1930 mà nhiều nhà kinh tế cho là thủ phạm khiến cuộc Đại suy thoái càng thêm tồi tệ.

Còn Trung Quốc cũng chịu không ít rủi ro bởi lẽ tăng trưởng kinh tế của nước này lâu nay vẫn được hỗ trợ bởi sự phát triển của hoạt động thương mại. Chuyên gia Yusuke Miura của Viện nghiên cứu Mizuho, cho rằng Trung Quốc có nhiều thứ để mất hơn Mỹ trong cuộc chiến này, vì nhu cầu trong nước của Trung Quốc đã trở nên ảm đạm khi chính phủ nước này đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm hạ nhiệt thị trường bất động sản phát triển quá nóng và bảo vệ môi trường, trong khi kinh tế Mỹ lại đang phát triển mạnh mẽ nhờ nhu cầu trong nước vững lên.

Theo nhận định của WTO, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng sẽ khiến triển vọng kinh tế toàn cầu trở nên mờ mịt và châm ngòi cho cuộc chiến thương mại toàn cầu. Trong khi đó, theo phân tích của Financial Times, vấn đề áp thuế nhập khẩu và một cuộc chiến thương mại toàn cầu sẽ tạo một cú sốc và có thể khiến tăng trưởng GDP của thế giới giảm từ 1% đến 3% trong vài năm tới.

Chuyên gia Vines Mottwani thuộc Trung tâm nghiên cứu Con đường Tơ lụa đã cảnh báo tương lai bi quan về kinh tế - thương mại, với sức ảnh hưởng chắc chắn sẽ vượt ra khỏi đường biên giới hai nước. Dù các chuyên gia Trung Quốc khẳng định rằng căng thẳng thương mại với Mỹ chỉ tác động hạn chế tới nền kinh tế thứ hai thế giới, song nhà kinh tế trưởng của DBS, ông Taimur Baig cho rằng một cuộc chiến thương mại toàn diện có thể làm mất đi 0,25% Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của cả hai nền kinh tế trong năm 2018, và tình hình sẽ còn tồi tệ hơn trong năm tới, khi mà cả hai nước đều phải chứng kiến độ sụt giảm về tăng trưởng kinh tế khoảng 0,5% hoặc cao hơn nữa. Không chỉ vậy, các nước như Hàn Quốc, Singapore đều có thể bị ảnh hưởng do sự gián đoạn dây chuyền cung ứng bởi Trung Quốc cung cấp rất nhiều linh kiện, thiết bị để sản xuất sản phẩm ở các nước này. Ông Nick Marro, thuộc cơ quan phân tích kinh tế Economist Intelligence Unit nhận định “bất kỳ vết lõm nào trong hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc cũng sẽ gây ảnh hưởng tới các nước khác trên thế giới”.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ gây áp lực lên hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc của nhiều nước. Các chuyên gia kinh tế cho rằng bên cạnh Nhật Bản thì Đông Nam Á cũng là nạn nhân của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ làm dấy lên những lo ngại về một đợt suy thoái kinh tế toàn cầu, từ đó thúc đẩy nhu cầu đối với đồng yên vốn được xem là một kênh trú ẩn an toàn. Điều này có thể sẽ giáng một đòn nặng nề lên nền kinh tế theo định hướng xuất khẩu của Nhật Bản. Thuế tăng sẽ đẩy giá các sản phẩm Trung Quốc lên cao hơn, khiến doanh số bán các mặt hàng này tại Mỹ, một trong những thị trường lớn trên thế giới, trở nên sa sút, từ đó tác động tiêu cực đến nền kinh tế của các nước mới nổi cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các nhà sản xuất Trung Quốc, trong đó có các nước ASEAN, trong những năm gần đây, khi mối quan hệ kinh tế giữa các nước ASEAN và Trung Quốc phát triển, kim ngạch xuất khẩu của ASEAN sang thị trường Trung Quốc đã vượt xa xuất khẩu sang Mỹ.

Khi Trung Quốc và Mỹ chưa tìm được một lập trường chung trong việc giải quyết vấn đề thuế, không ai có thể chắc chắn cuộc chiến thương mại giữa hai nước sẽ đi tới đâu cũng như sẽ kéo dài trong bao lâu.

Tuy nhiên, hơn ai hết, cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này đều hiểu những tổn thất nặng nề họ sẽ phải gánh chịu nếu tình hình căng thẳng tiếp tục leo thang. Dù Trung Quốc và Mỹ khó tránh được vòng trả đũa lẫn nhau, song sau những thiệt hại mà hai bên phải gánh chịu, việc đàm phán tìm giải pháp chính là ‘tia sáng cuối đường hầm’ đối với hai bên trong cuộc chiến thương mại này./.