TCCSĐT - Trong khi các Ngân hàng thương mại “bám trụ” ở thành phố, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) luôn nỗ lực tìm mọi cách để đưa dịch vụ ngân hàng đến địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa của đất nước theo đúng tôn chỉ phục vụ “tam nông” của mình.

Năm 2017, được sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước, Agribank triển khai Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng nhằm mở rộng tín dụng và cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các hộ sản xuất, cá nhân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Sau thời gian thử nghiệm và đem lại hiệu quả, tháng 01-2018, Agribank đã chính thức triển khai Điểm giao dịch lưu động tại 62 tỉnh, thành phố với tổng số 68 xe.

 
 Điểm giao dịch lưu động

Với mục tiêu phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn, đưa sản phẩm dịch vụ ngân hàng đến gần với người dân địa phương, đáp ứng được nhu cầu vốn, đặc biệt người dân ở vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn, Agribank đã đáp ứng đầy đủ các dịch vụ ngân hàng hiện đại trên xe lưu động như giải ngân, thu nợ, huy động tiền gửi tiết kiệm, mở và sử dụng tài khoản thẻ ATM, chuyển và nhận tiền trong nước, bảo hiểm…

Sau 6 tháng triển khai, đến nay, Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng Agribank đã thực hiện được 1.081 phiên giao dịch, cung cấp dịch vụ cho hơn 111.000 khách hàng tại địa bàn nông thôn, tổng số tiền giải ngân đạt 624 tỷ đồng.

“Đây là lần đầu tiên tôi được giao dịch với cán bộ ngân hàng thông qua xe ô tô lưu động. Trước đây, mỗi lần cần giao dịch với ngân hàng, chồng hoặc con tôi phải chở bằng xe máy ra tận ngoài ngân hàng huyện, đi lại rất vất vả và mất rất nhiều thời gian. Bây giờ, có ngân hàng lưu động, người dân chúng tôi sẽ tiết kiệm được xăng xe đi lại cũng như thời gian. Giả sử có thiếu giấy tờ gì liên quan có thể về nhà lấy được ngay” - Một người dân bản Nà Mường 2, xã Nà Mường, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La vui mừng chia sẻ sau khi thực hiện giao dịch tại Điểm giao dịch lưu động của Agribank.

Kết hợp cho vay qua tổ, việc hình thành và triển khai Điểm giao dịch lưu động đã góp phần giảm tải, giảm chi phí, tăng năng suất lao động, mở rộng quy mô tín dụng và nâng cao chất lượng tín dụng, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của Agribank trên thị trường.

Thực tế, những chiếc xe ô tô ngân hàng lưu động của Agribank không chỉ giúp người dân vùng sâu, vùng xa dễ dàng tiếp cận vốn, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, mà còn giúp Agribank tiếp tục mở rộng mạng lưới, củng cố vị thế, uy tín của ngân hàng. việc giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng không làm tăng số lượng lao động của đơn vị mà chỉ thực hiện sắp xếp lại lao động, thay vì việc cán bộ ngồi giao dịch tại Trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch thì cán bộ sẽ luân phiên tham gia tổ giao dịch lưu động bằng xe chuyên dùng đi xuống địa bàn đã được xác định trước, nhằm giảm thiểu khách hàng ở xa phải đến Trụ sở Chi nhánh giao dịch.

 
 Điểm giao dịch lưu động là một trong các giải pháp mang lại nhiều lợi ích cho cả Agribank và khách hàng

Với những kết quả tích cực bước đầu đạt được, có thể nói, Điểm giao dịch lưu động là một trong các giải pháp mang lại nhiều lợi ích cho cả Agribank và khách hàng, đặc biệt là đối tượng khách hàng thuộc vùng sâu, vùng xa. Điểm giao dịch lưu động đã góp phần giúp Agribank phát triển thêm công cụ đầu tư để giảm bớt tín dụng đen; thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đồng bằng. Từ đó góp phần chuyển tải những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống, củng cố và nâng cao niềm tin của người dân. Đây cũng điều kiện thuận lợi góp phần tăng cường uy tín, vị thế của Agribank, đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững của nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.

Sau 30 năm xây dựng, Agribank luôn khẳng định vai trò của ngân hàng thương mại hàng đầu trong lĩnh vực “Tam nông”. Đầu tư vào lĩnh vực được cho là bấp bênh, nhiều rủi ro, Agribank luôn kiên trì, tìm ra những giải pháp mới đưa dịch vụ ngân hàng đến địa bàn nông thôn, đồng hành cùng nông dân cả nước có cuộc sống tốt đẹp hơn. Việc triển khai Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng tại địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa có thể nói là hướng đi riêng, hiệu quả cao của Agribank./.

Tính đến tháng 6-2018, Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng của Agribank đã phục vụ được hơn 110.000 khách hàng với tổng số bút toán giao dịch: hơn 102.000 bút toán, giải ngân hơn 624 tỷ đồng, thu nợ gốc - lãi: hơn 484 tỷ đồng, huy động tiết kiệm: hơn 128 tỷ đồng, chuyển tiền: hơn 330 tỷ đồng... Một số Điểm giao dịch lưu động đã thu hút lượng lớn khách hàng và hoạt động hiệu quả cao: Agribank Mộc Châu (Sơn La), Agribank Hữu Lũng (Lạng Sơn), Agribank Lâm Thao (Phú Thọ), Agribank Nho Quan (Ninh Bình), Agribank Ngọc Lặc (Thanh Hóa), Agribank Đăk Glong (Đăk Nông), Agribank Xuân Lộc (Đồng Nai)...