Nan giải câu chuyện thiếu lao động nghề biển

Hải Thuận Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Tĩnh
15:07, ngày 28-05-2018

TCCSĐT - Toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có gần 4.000 phương tiện nghề cá, trong đó 372 tàu cá xa bờ có công suất trên 90 CV, số còn lại từ 20 đến dưới 90 CV với hơn 17.676 lao động đang hành nghề khai thác thủy hải sản. Điều đáng quan tâm nhất hiện nay là thực trạng thiếu lao động đi biển, đặc biệt trình độ kỹ thuật lao động đi biển còn thấp.





Thiếu lao động nghề biển…

Đã gần nửa tháng nay, tàu cá mang biển hiệu HT-96727 của ngư dân Trần Quốc Dũng ở xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân vẫn chưa thể ra khơi vì thiếu lao động đi biển. Với con tàu này, mỗi chuyến ra khơi đánh bắt phải cần ít nhất 25 lao động, bởi lẽ đánh bắt vùng khơi tận đảo Bạch Long Vĩ, Hòn Ngư cần có đủ người để bảo đảm khối lượng công việc lớn. Tuy nhiên, do nguồn lao động khan hiếm nên mỗi chuyến ra khơi tàu chỉ đáp ứng được 80% nhu cầu công việc. Có những vị trí công việc từ 1 phải gánh sang 2, chưa kể đến thiếu một số lao động có tay nghề cao để phục vụ khai thác, đánh bắt hiệu quả.

Ngư dân Trần Quốc Dũng cho biết: Mỗi chuyến ra khơi nhiều gian nan lắm. Nào là thiếu lao động, nhất là lao động có tay nghề cao để đánh bắt hiệu quả. Như tàu chúng tôi cần 25 lao động, nhưng giỏi lắm cũng chỉ huy động được khoảng 18 - 20 người, vì thanh niên ở đây giờ người ta đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan, Hàn Quốc hết cả rồi, làm lương cao nên họ không mặn mà với việc đi biển nữa.

Còn ngư dân Trần Văn Quyết, một trong những chủ tàu gắn bó lâu năm tại cảng cá Xuân Hội, huyện Nghi Xuân chia sẻ: Câu chuyện thiếu lao động đi biển đang là một thực tế khá phổ biến tại xã. Mặc dù đây là thời gian cao điểm khai thác thủy, hải sản, thế nhưng rất nhiều tàu thuyền đang phải nằm lại khu neo đậu cảng cá. Một phần do tác động sau sự cố môi trường biển, phần nữa vì thiếu lao động, thiếu kỹ thuật đánh bắt, nên có nhiều tàu thuyền sau mỗi chuyến ra khơi thường trở về thua lỗ, không có lợi nhuận để chia cho anh em. Vậy là tàu lại phải trở về nằm im tại cảng.

Xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân hiện có số lượng tàu thuyền tương đối lớn với gần 100 tàu thuyền, các loại, trong đó có 26 tàu công suất trên 90 CV, số còn lại công suất dưới 90 CV. Như vậy, với mỗi chuyến ra khơi, tàu công suất lớn cần 15 - 20 lao động, tàu công suất vừa và nhỏ, cần từ 6 - 8 lao động cho 1 chuyến biển. Tính tổng cũng cần phải có khoảng gần 1.000 lao động trên các tàu cá. Tuy nhiên, với đặc trưng của một địa phương có số lượng người đi xuất khẩu lao động chiếm hơn 60% tổng số dân trong những năm gần đây, thì tỷ lệ lao động sống bằng nghề đi biển chỉ đáp ứng được một số lượng rất ít.

Ông Trần Song Hương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân cho biết: Những năm qua, xã đã phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ, nhưng việc thiếu lao động đang khiến các chủ tàu gặp rất nhiều khó khăn. Để giải bài toán này, phần lớn chủ tàu phải thuê lao động đến từ các tỉnh khác. Vấn đề này đang gây trở ngại lớn cho địa phương chúng tôi.

Và thiếu cả lao động có tay nghề cao

Không chỉ thiếu lao động đi biển, mà tại các vùng biển Hà Tĩnh, tình trạng thiếu lao động có tay nghề cao đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả đánh bắt thủy hải sản trong thời gian qua. Ngư dân Phan Văn Toài, ở xã Cẩm Lộc, Cẩm Xuyên cho chúng tôi biết: Hôm nay thời tiết nắng đẹp, tàu công suất 429 CV của ngư dân Phan Văn Toài ở xã Cẩm Lộc, huyện Cẩm Xuyên chuẩn bị cho chuyến ra khơi dài ngày. Bạn thuyền thì đã đủ, nhưng anh Toài vẫn còn băn khoăn, vì số lao động này còn quá trẻ và không ổn định, kinh nghiệm chưa có nhiều, nhất là việc sử dụng máy móc trên tàu như máy dò ngang, định vị vẫn còn nhiều hạn chế…. Cũng chính vì thế, tàu anh sau nhiều chuyến ra khơi trở về cũng không thu được mấy kết quả.

Xã Cẩm Lộc, một trong những nơi có số lượng tàu thuyền lớn nhất của tỉnh. Đội tàu đánh bắt xa bờ của Cẩm Lộc được phát triển bắt đầu từ năm 2013 đến nay, trung bình mỗi năm đóng mới từ 10 - 12 chiếc. Đến thời điểm hiện tại, toàn xã có 183 tàu thuyền các loại, trong đó có 34 tàu đánh bắt xa bờ, chủ yếu có công suất 150 CV trở lên, số còn lại dưới 90 CV và tàu không lắp máy. Với số lượng tàu thuyền lớn, nhất là tàu công suất lớn được đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ và sự hỗ trợ của Ủy ban Nhân dân tỉnh thì việc đánh bắt xa bờ đã trở thành mũi nhọn kinh tế của địa phương.

Tuy nhiên, việc thiếu lao động đi biển không phải là câu chuyện đáng bàn ở đây, bởi lẽ Cẩm Lộc có hơn 50% con em giáo dân đều sống bằng nghề đi biển. Vấn đề đặt ra là trong số lao động đó, chủ yếu vẫn dựa vào kinh nghiệm đánh bắt thủ công, truyền thống, chứ chưa thể áp dụng được các kỹ thuật đánh bắt hiện đại.

Ông Nguyễn Văn Tuân, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Cẩm Lộc, huyện Cẩm Xuyên chia sẻ: Mặc dù trong thời gian qua, ngành thủy sản đã có những chương trình tập huấn, đào tạo nâng cao tay nghề, kỹ thuật khai thác, đánh bắt, nhất là đối với đội ngũ thuyền trưởng, máy trưởng, nhưng vì chính các ngư dân chưa mặn mà, thêm vào đó là các chương trình tập huấn vẫn chưa được quan tâm đúng mức nên hiệu quả vẫn chưa cao. Điều này đã và đang gây trở ngại lớn cho việc khai thác hiệu quả nguồn lợi thủy sản - vốn là thế mạnh của địa phương chúng tôi.

Câu chuyện thiếu lao động nghề biển, lao động có tay nghề cao cũng đang là thực tế khá phổ biến tại các vùng biển khác như Thạch Kim (Lộc Hà), Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) hiện nay.

Ông Nguyễn Tông Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết thêm: Hiện nay, toàn tỉnh có gần 4.000 phương tiện nghề cá, trong đó 372 tàu cá xa bờ có công suất trên 90 CV, số còn lại từ 20 đến dưới 90 CV. Từ năm 2012 đến nay, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã có các cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo cho ngư dân để nâng cao năng lực, trình độ khai thác, đánh bắt nhằm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật đánh bắt hiện đại. Tuy nhiên, phần vì trách nhiệm, phần vì nhu cầu học của người lao động chưa cao, nên việc áp dụng để khai thác hiệu quả vẫn còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, cũng cần phải thừa nhận: nghề biển vẫn là một nghề bấp bênh, nhiều rủi ro và thu nhập chưa tương xứng nên ngư dân đang dần có xu hướng lựa chọn công việc phù hợp, có thu nhập cao hơn ở các vùng miền trong và ngoài nước… Chính vì vậy, câu chuyện thiếu và yếu về lao động nghề biển vẫn đang là một câu chuyện dài cần được các cấp, các ngành quan tâm tháo gỡ./.