Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 12 đến 18-3-2018)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN)
08:51, ngày 22-03-2018

TCCSĐT - Nhận định về tác động đối với Việt Nam của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa chính thức được 11 quốc gia thành viên ký kết tại Chile, Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson dự báo CPTPP sẽ giúp Việt Nam, Malaysia, Singapore và Brunei tăng trưởng thêm hơn 2% GDP vào năm 2030.


Quy định phương thức chuyển nhượng vốn nhà nước tại công ty cổ phần

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 32/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 91/2015/NĐ-CP, trong đó bổ sung quy định phương thức thực hiện chuyển nhượng vốn Nhà nước tại công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

Theo đó, việc chuyển nhượng vốn tại công ty cổ phần đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán theo các phương thức giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch của thị trường chứng khoán (sàn giao dịch chứng khoán) do Sở Giao dịch chứng khoán tổ chức, phải bảo đảm giá giao dịch (giá sàn) không thấp hơn giá khởi điểm.

Cụ thể, khi chuyển nhượng vốn thông qua chuyển nhượng cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán, cơ quan đại diện chủ sở hữu gửi các văn bản gồm: Quyết định của cấp có thẩm quyền về phê duyệt phương án cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước và quyết định phê duyệt phương án chuyển nhượng vốn; bản công bố thông tin... đến Sở Giao dịch chứng khoán để thực hiện công bố thông tin về giao dịch cổ phiếu chuyển nhượng vốn. Việc chuyển khoản để thanh toán các giao dịch mua, bán cổ phiếu, chuyển quyền sở hữu cổ phiếu thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

Khi chuyển nhượng vốn tại công ty cổ phần đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán nhưng không thực hiện trên sàn giao dịch chứng khoán thì thực hiện theo thứ tự phương thức đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, thỏa thuận (thực hiện giao dịch ngoài sàn).

Giá bán cổ phần mà nhà đầu tư phải thanh toán cho cơ quan đại diện chủ sở hữu khi giao dịch ngoài sàn là giá được xác định theo quy định phù hợp với từng phương thức chuyển nhượng (đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, thỏa thuận).

Trường hợp trong ngày mở cuộc đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, ký hợp đồng chuyển nhượng vốn (đối với phương thức thỏa thuận) mà giá giao dịch cổ phiếu của công ty cổ phần tính theo giá sàn cao hơn giá thanh toán được xác định phù hợp với từng phương thức chuyển nhượng (đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, thỏa thuận) thì nhà đầu tư phải thanh toán tiền mua cổ phần cho cơ quan đại diện chủ sở hữu theo giá giao dịch là giá sàn của ngày mở cuộc đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, ký hợp đồng chuyển nhượng vốn (đối với phương thức thỏa thuận).

Trường hợp trong ngày mở cuộc đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, ký hợp đồng chuyển nhượng vốn (đối với phương thức thỏa thuận) mà giá giao dịch tính theo giá sàn cổ phiếu của công ty cổ phần thấp hơn giá thanh toán được xác định phù hợp với từng phương thức chuyển nhượng (đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, thỏa thuận) hoặc không có giá sàn do không có giao dịch thì nhà đầu tư phải thanh toán tiền mua cổ phần cho cơ quan đại diện chủ sở hữu theo giá được xác định phù hợp với từng phương thức chuyển nhượng (đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, thỏa thuận).

Cơ quan đại diện chủ sở hữu phải công khai thông tin về giá thanh toán bán cổ phần chuyển nhượng vốn tại công ty cổ phần đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán trong trường hợp giao dịch ngoài hệ thống giao dịch của thị trường chứng khoán (giao dịch ngoài sàn) cho các nhà đầu tư biết và thực hiện.

Trường hợp chuyển nhượng vốn Nhà nước tại các công ty cổ phần đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán thì thời hạn thanh toán đối với nhà đầu tư phù hợp với từng phương thức giao dịch nhưng thời hạn chuyển tiền về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp thực hiện theo quy định đối với trường hợp chuyển nhượng vốn Nhà nước tại công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán tại Điều 39 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP.

Việc chuyển nhượng vốn tại công ty cổ phần chưa niêm yết (hoặc đã niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán nhưng không thực hiện giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán) theo phương thức đấu giá công khai; trường hợp đấu giá công khai không thành công thì thực hiện chào bán cạnh tranh; trường hợp chào bán cạnh tranh không thành công thì thực hiện theo phương thức thỏa thuận.

Sau khi thực hiện các phương thức đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, thỏa thuận để chuyển nhượng vốn mà vẫn không chuyển nhượng hết số vốn Nhà nước cần chuyển nhượng thì cơ quan đại diện chủ sở hữu căn cứ nhu cầu thị trường lựa chọn thời điểm để tiếp tục thực hiện chuyển nhượng vốn Nhà nước theo các phương thức giao dịch và thứ tự thực hiện các phương thức giao dịch quy định tại Nghị định này.

Ngoài các phương thức chuyển nhượng vốn nêu trên cơ quan đại diện chủ sở hữu có thể áp dụng phương pháp “dựng sổ” để chuyển nhượng vốn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Việc áp dụng phương pháp “dựng sổ” chuyển nhượng vốn phải đánh giá được hiệu quả so với phương án chuyển nhượng vốn theo hình thức đấu đấu giá công khai hoặc khi giao dịch trên sàn.

CPTPP sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng thêm hơn 2% GDP vào năm 2030


Nhận định về tác động đối với Việt Nam của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa chính thức được 11 quốc gia thành viên ký kết tại Chile, Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson dự báo CPTPP sẽ giúp Việt Nam, Malaysia, Singapore và Brunei tăng trưởng thêm hơn 2% GDP vào năm 2030.

Theo Viện Peterson, New Zealand, Nhật Bản, Canada, Mexico, Chile và Australia cũng sẽ tăng trên dưới 1% GDP nhờ CPTPP. Trong khi đó, Mỹ có thể “bại trận” với mức tăng GDP chỉ 0,5% (trị giá 131 tỷ USD). Hơn nữa, Mỹ có thể mất thêm 2 tỷ USD vì các công ty ở các nước thành viên CPTPP có động lực để trao đổi thương mại với nhau thay vì với các công ty Mỹ.

Cũng liên quan đến hiệp định CPTPP vừa được ký kết, tiến sỹ Hoe Ee Khor, chuyên gia kinh tế hàng đầu của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) tại Singapore, cho biết trong khi nông nghiệp được nhìn nhận sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, các lĩnh vực dịch vụ (như dịch vụ tài chính) cũng nằm trong nhóm các lĩnh vực được hưởng lợi chính của CPTPP.

Đối với Việt Nam, ngành chế biến thực phẩm và bánh kẹo sẽ có xu hướng có lợi khi CPTPP được thực hiện đầy đủ. Để được hưởng lợi từ CPTPP và các điều khoản của nó, các nền kinh tế thành viên sẽ phải cam kết thực hiện các quy định của mình. Điều này sẽ dẫn đến cam kết chính sách và thực hiện cải cách cơ cấu trong nước, trong đó một số nước đã coi CPTPP là động lực thúc đẩy cải cách trong nước trong khi những thành viên khác cũng cam kết thực hiện một cách đầy đủ và có trách nhiệm.

Tiến sỹ Hoe Ee Khor đánh giá CPTPP thể hiện là một thỏa thuận thương mại chất lượng cao, làm thay đổi cuộc chơi trong tự do hóa thương mại. Trong khi nhiều hiệp định thương mại tự do tập trung vào cắt giảm thuế, CPTPP đã "vượt xa" với việc đưa ra các tiêu chuẩn chất lượng cao về cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, lao động và giải quyết tranh chấp...

Tổng Giám đốc IMF kêu gọi phối hợp toàn cầu hạn chế rủi ro của tiền ảo


Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde ngày 13-3 kêu gọi các chính phủ và ngân hàng Trung ương các nước phối hợp trong việc ban hành các quy định về các tài sản kỹ thuật số nhằm không để các tài sản này trở thành công cụ mới cho việc rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Theo bà Lagarde, công nghệ nền tảng của các đồng tiền ảo, trong đó có công nghệ chuỗi khối, đã mang lại những tiến triển tích cực cho tài chính toàn diện. Các phương thức thanh toán mới, chi phí thấp có thể tạo thuận lợi cho hàng triệu người ở các nước có thu nhập thấp không tiếp cận được với tài khoản ngân hàng truyền thống. Tuy nhiên, bà cho rằng sức hấp dẫn của các đồng tiền ảo cũng khiến các đồng tiền này tiềm ẩn những rủi ro. Bà nói các đồng tiền ảo được tạo ra trên cơ sở tập trung hóa và không cần một ngân hàng trung ương, cho phép thực hiện các giao dịch ẩn danh nên có thể trở thành công cụ mới cho việc rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Tổng Giám đốc IMF cho biết, trước khi đóng cửa trang web "đen" AlphaBay vào tháng 7-2017, số thuốc lậu, công cụ tấn công mạng, súng cầm tay và hóa chất độc hại trị giá khoảng 1 tỷ USD đã được giao dịch bằng tiền ảo trên trang này. Một số nỗ lực ban đầu là đáng khích lệ, có thể kể đến là những nỗ lực của Ủy ban ổn định tài chính trong việc nghiên cứu các tiến bộ công nghệ tài chính và của Lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính về ban hành hướng dẫn về rửa tiền.

Bà Lagarde cho biết, IMF đã tập trung khuyến khích các nước đề ra các chính sách đảm bảo sự nghiêm minh về tài chính và bảo vệ người tiêu dùng trước các đồng tiền ảo theo cách được thực hiện với lĩnh vực tài chính truyền thống. Theo bà, có thể sử dụng chính những công nghệ nền tảng của các đồng tiền ảo để tăng cường chia sẻ thông tin giữa người giao dịch và các nhà quản lý, và mở sổ đăng ký thông tin khách hàng, ngăn chặn tình trạng trốn thuế.

Tổng Giám đốc IMF cũng nói thêm, các nhà chức trách cũng có thể sử dụng sinh trắc học, trí tuệ nhân tạo và mật mã để tăng cường an ninh số và phát hiện các giao dịch khả nghi. Việc áp dụng các quy định về an toàn đối với các đồng tiền ảo cũng có thể tăng cường sự minh bạch và cảnh báo cho người mua về các rủi ro tiềm ẩn.

Bà Lagarde nhấn mạnh những nỗ lực đó muốn hiệu quả cần phải có sự phối hợp quốc tế chặt chẽ bởi các đồng tiền ảo là không biên giới nên các quy định quản lý cũng phải mang tính toàn cầu.

Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới sẽ xem xét việc quản lý các đồng tiền ảo trong năm nay và cuộc họp vào tuần tới của các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương cũng nhằm mục đích này.

Mexico tìm cách bảo vệ các ngành công nghiệp trước CPTPP


Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo ngày 14-3 thông báo chính phủ nước này sẽ làm việc trên chương trình nghị sự nội bộ với các ngành công nghiệp sữa, dệt may và giày dép để tìm cách bảo vệ các lĩnh vực này trước những yếu tố bất lợi của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Trả lời báo giới, ông Guajardo cho biết bên cạnh những lợi ích, nhiều ngành công nghiệp của Mexico sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ của các đối tác trong thỏa thuận. Cụ thể, ngành sữa Mexico sẽ gặp bất lợi trước đối thủ New Zealand, trong khi lĩnh vực dệt may và giày da của nước này “thất thế” trước Việt Nam và Malaysia.

Nhằm bảo về các lĩnh vực này, Mexico sẽ đưa ra biện pháp tiếp cận hạn ngạch, đồng thời triển khai các chính sách hỗ trợ, kéo dài giai đoạn giảm thuế từ 14 năm lên 16 năm nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh.

Ông Guajardo đánh giá CPTPP sẽ đẩy mạnh trao đổi thương mại của nhiều lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế Mexico như nông nghiệp, ôtô, điện năng, dược phẩm và dệt may.

Với CPTPP, Mexico sẽ có thương mại tự do với 52 nước trên thế giới. Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson dự báo thỏa thuận này sẽ giúp Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mexico tăng thêm 1 điểm phần trăm vào năm 2030.

Hiệp định CPTPP được ký kết ngày 08-3 vừa qua tại Chile, giữa 11 quốc gia thành viên, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. CPTPP tạo ra một thị trường trên 500 triệu người tiêu dùng và chiếm 13,5% GDP của thế giới.

Mỹ tìm kiếm đối tác để xử lý vấn đề liên quan tới Trung Quốc


Một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ cho biết, tại cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra vào tuần tới, Mỹ sẽ tìm kiếm những đối tác “cùng chung chí hướng” để xử lý những vấn đề mà chính sách thương mại-đầu tư của Trung Quốc gây ra cho phần còn lại của thế giới.

Bên cạnh đó, theo quan chức này, Mỹ cũng sẽ đề cập đến vấn đề đầu tư năng lượng ở khu vực Mỹ Latinh và cuộc khủng khoảng hiện tại ở Venezuela, cũng như thảo luận những quy định mới đối với tiền kỹ thuật số và cung cấp tài chính cho công cuộc chống khủng bố. Mỹ sẽ tìm cách xây dựng sự đồng thuận trong những vấn đề này.

Cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính G20 sẽ diễn ra ở Buenos Aires, Argentina trong bối cảnh những căng thẳng đang gia tăng lên quan đến chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cố vấn cấp cao của Nhà Trắng Peter Navarro cho biết "trong vài tuần tới", Tổng thống Donald Trump sẽ sớm cân nhắc các biện pháp trừng phạt Trung Quốc với cáo buộc Bắc Kinh vi phạm luật sở hữu trí tuệ của Washington.

Ông này cho biết Tổng thống D.Trump đã nhận được nhiều đề xuất và sẽ xem xét trong vài tuần tới. Đây là một trong nhiều bước đi mà ông chủ Nhà Trắng sẽ sẵn sàng thực hiện nhằm chống lại những biện pháp thương mại mà ông cho là bất công. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang hối thúc Trung Quốc cắt giảm 100 tỷ USD trong thặng dư thương mại của nước này với Mỹ.

Yêu cầu cắt giảm tình trạng mất cân bằng trong thương mại song phương kể trên được Washington đưa ra trong bối cảnh chính quyền Mỹ đang chuẩn bị áp thuế lên số hàng nhập khẩu trị giá 60 tỷ USD từ Trung Quốc, và sẽ nhằm vào các lĩnh vực công nghệ và viễn thông, gắn với cuộc điều tra về quyền sở hữu trí tuệ căn cứ vào Đạo luật thương mại Mỹ năm 1974. Cuộc điều tra này được tiến hành từ tháng Tám năm ngoái.

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Dân số Mỹ, thâm hụt thương mại năm 2017 của Mỹ với Trung Quốc đã chạm mức cao kỷ lục 375 tỷ USD, chiếm đến 2/3 tổng thâm hụt thương mại lên tới 566 tỷ USD của Mỹ trên toàn cầu.

Trong khi đó, theo số liệu từ phía Trung Quốc, thặng dư thương mại của nước này với Mỹ năm 2017 chỉ ở mức 276 tỷ USD, chiếm 2/3 tổng thặng dư thương mại trên toàn cầu (422,5 tỷ USD) của Trung Quốc. /.