Đồng Tháp: Hợp tác xã kiểu mới hướng đi đúng và hiệu quả

Trần Thắng Trưởng Ban Tổ chức - Tuyên giáo Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp
20:18, ngày 28-09-2016

TCCSĐT - Hoạt động của hợp tác xã Tân Bình đã đi đúng hướng và hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực nên thu hút toàn dân trong xã tham gia làm thành viên.

Ý tưởng thành lập hợp tác xã

Tân Bình là 1 trong 5 xã cù lao của huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, sản xuất nông nghiệp chiếm 70% diện tích đất canh tác với 713ha trong đó, cây lúa 3 vụ là 600ha, cây màu 113ha. Trong diện tích trồng màu, cây ớt chiếm 85ha, đối với xã vùng cù lao đất đai màu mỡ thuận lợi trồng những cây có giá trị kinh tế như cây ớt. Những năm qua, do thâm canh để đạt năng suất, người dân lạm dụng nhiều phân hóa học làm cho cây trồng nhiễm nhiều sâu bệnh, đất đai bạc màu, năng suất cây ớt ngày càng sụt giảm.

Khắc phục tình hình trên, hợp tác xã nông nghiệp Tân Bình ra đời và thành lập vào ngày 31-12-2003 (tọa lạc tại ấp Tân Phú B, xã Tân Bình, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp), với quy mô toàn xã; tổng số thành viên là hộ kinh tế gia đình 1.189 hộ; ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của hợp tác xã là làm dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp như tưới tiêu, làm đất, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, hỗ trợ vốn sản xuất, cắt gặt liên hợp, làm giống lúa và cây con, nước sinh hoạt nông thôn, phơi sấy và tồn trữ nông sản phẩm; tổng số lao động trong hợp tác xã là 78 người.

Những yếu tố tạo nên thành công và tiền đề phát triển

Trong những năm qua, hợp tác xã Tân Bình luôn được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp, các ngành có liên quan, nhất là Liên minh hợp tác xã Tỉnh và chính quyền địa phương xã Tân Bình, đã hướng dẫn kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quan tâm hỗ trợ để khuyến khích phát triển hợp tác xã, cũng như vận động, tuyên truyền về phát triển kinh tế hợp tác.

Hợp tác xã đã tiến hành nâng cấp bờ bao chống lũ kết hợp với giao thông nông thôn để khép kín đê bao sản xuất 3 vụ lúa trong năm; quy hoạch lại vùng chuyên canh lúa, màu, cơ cấu giống cây trồng có giá trị kinh tế. Bên cạnh đó, được sự quan tâm lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh, huyện, hợp tác xã Tân Bình phối hợp trung tâm trạm, trại mở nhiều lớp tập huấn cho thành viên để chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, biện pháp phòng trừ dịch bệnh trên cây lúa theo quy trình 1 phải - 5 giảm trên cây màu ớt theo quy trình Vietgap; thay dần bón phân vô cơ thay thế bón phân hữu cơ để cho ra những sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bộ máy quản lý được bà con thành viên tín nhiệm, điều hành theo phương thức tập trung dân chủ; mối quan hệ hài hòa, đoàn kết gắn bó; vai trò ban kiểm soát được phát huy; bản thân hợp tác xã không ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, mà tự biết vươn lên bằng khả năng vốn có, tận dụng thời cơ, tranh thủ sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành để phát triển hợp tác xã. Nếu năm 2003, hợp tác xã mới thành lập hoạt động 2 dịch vụ thì đến năm 2016 hoạt động 8 dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống thành viên.

Mặc dù thời gian qua thời tiết không thuận lợi, thiên tai dịch bệnh trên cây trồng nhiều, giá cả vật tư phân bón đầu vào cho sản xuất tăng cao, trong khi nông sản làm ra giá cả bấp bênh, luôn chịu cảnh được mùa mất giá, sản xuất gặp nhiều khó khăn, song, được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của cấp ủy Đảng và Chính quyền địa phương xã Tân Bình cùng sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể xã và xuất phát từ nhu cầu và lợi ích của thành viên Hội đồng quản trị hợp tác xã đề ra nhiều kế hoạch, giải pháp để ổn định và phát triển sản xuất.

Về tưới tiêu, thay thế toàn bộ máy bơm dầu cũ bằng các trạm bơm điện có công suất lớn để bảo đảm cho việc xuống giống tập trung và đồng loạt, bên cạnh đó hệ thống bơm điện hiện đại để tiêu úng cũng được đầu tư xây dựng phục vụ cho sản xuất vụ Thu Đông hằng năm, việc thu phí tưới tiêu hàng vụ, hợp tác xã Tân Bình giảm từ 10% so với các vùng lân cận (vùng lân cận thu phí 2 triệu đồng/ha, thì hợp tác xã Tân Bình thu 1triệu 800 nghìn đồng/ha).

Việc cung cấp phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho thành viên hợp tác xã được hội đồng quản trị quan tâm nhằm ổn định sản xuất và thị trường giá cả, hiện hợp tác xã cung cấp 60% nhu cầu chung hằng năm, có mức doanh thu từ 5,5 - 6 tỷ đồng; việc giảm lợi nhuận để hỗ trợ cho thành viên nghèo về lãi suất khi sử dụng phân bón thuốc bảo vệ thực vật cũng được hợp tác xã quan tâm giảm từ 1 - 2%/tháng so với tư nhân.

Việc đầu tư máy gặt liên hợp vào thu hoạch được hợp tác xã Tân Bình áp dụng từ năm 2010 đến nay. Hiện hợp tác xã có 4 máy cắt gặt nhằm giảm thất thoát, giải quyết được việc thu hoạch đồng loạt và tiết kiệm được 70% chi phí cho thành viên. Việc đầu tư máy gặt cũng giúp cho việc thu hoạch nhanh gọn, góp phần ổn định giá cả ở địa phương, tạo công ăn việc làm cho thành viên; ngoài việc tạo thuận lợi khâu thu hoạch, giảm giá thu phí cắt gặt, trung bình là 5% đối với thành viên hợp tác xã.

Đến cuối năm 2014, hợp tác xã Tân Bình cơ bản khép kín các khâu trong sản xuất từ làm đất, tưới tiêu, cung ứng vật tư phân bón đến cắt gặt và phơi sấy tồn trữ và tiêu thụ, tạo được chuỗi giá trị trong sản xuất, góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp. Năm 2003, doanh thu 1tỷ 700 triệu đồng thì đến năm 2014 doanh thu đạt 8 tỷ 700 triệu triệu đồng, lợi nhuận 780 triệu đồng.

Năm 2015, Ủy ban nhân dân huyện Thanh Bình đầu tư thêm nhà lưới diện tích 1.000m2 tại xã Tân Bình, kinh phí xây dựng 950 triệu đồng và giao cho hợp tác xã Tân Bình quản lý khai thác, mục tiêu là sản xuất cây giống sạch bệnh để cung cấp cho người dân 5 xã cù lao Tây. Qua 8 tháng hoạt động đã thu được 1 triệu cây giống sạch bệnh đạt chất lượng cao, được bà con tin tưởng chấp nhận. Bên cạnh đó, giá cây giống cũng giảm 50 đồng/cây (tương đương với 14%) giá thị trường. Năm 2016, mới vào mùa vụ hợp tác xã đang gieo 200 nghìn cây và có kế hoạch mở rộng nhà lưới thêm 800m2, để đủ cung cấp cây giống phục vụ cho người dân trong xã và vùng lân cận.

Nhằm từng bước sản xuất sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm cho địa phương vụ hè Thu năm 2016, hợp tác xã Tân Bình thông qua ngành nông nghiệp huyện liên kết cùng khoa nông nghiệp Trường Đại học Cần Thơ cung cấp sản phẩm hữu cơ chuyên dùng cho cây lúa (quá trình sản xuất không bón phân vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật) để làm ra sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, diện tích sản xuất 1 ha, hiện lúa trong giai đoạn thu hoạch. Qua nhận định năng suất ước đạt 3,5 tấn/ha.

Về lâu dài, hợp tác xã Tân Bình tiếp tục liên kết với khoa Nông nghiệp Trường Đại học Cần Thơ cung cấp nguyên liệu và đề ra quy trình sản xuất sản phẩm lúa hữu cơ an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng xu thế tiêu dùng hiện nay.

Đóng góp vào các hoạt động xã hội, nhiều năm qua, ngoài việc chú trọng sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã Tân Bình còn quan tâm đến phúc lợi xã hội như đóng góp “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”, hỗ trợ học bổng, bảo hiểm cho học sinh nghèo, mua xe chuyển bệnh lên tuyến trên miễn phí, xây dựng nhà tình thương cho thành viên gặp hoàn cảnh khó khăn, tu sửa lộ làng, thấp sáng đường quê, thăm hỏi thành viên ốm đau, tang chế…

Thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh các năm qua của hợp tác xã nông nghiệp Tân Bình, đã mang lại thành công khá rõ nét, quyền làm chủ tập thể được thể hiện, các kế hoạch đều được thông qua lấy ý kiến, lịch thời vụ được cơ cấu diện tích sản xuất hằng năm đều đạt kế hoạch, các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất từng bước được áp dụng, các giống lúa thường kém chất lượng dần được thay bằng giống chất lượng cao; những tồn tại, yếu kém trong hoạt động kinh doanh từng bước được khắc phục; đời sống thành viên phát triển, hợp tác xã không còn hộ nghèo; kinh tế phát triển tạo điều kiện cho hộ thành viên nâng cao đời sống vật chất.

Mục tiêu phát triển

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Tỉnh và Đề án phát triển vùng màu 5 xã cù lao huyện Thanh Bình, hợp tác xã nông nghiệp Tân Bình xác định đầu tư cho phát triển hạ tầng là nhiệm vụ trọng tâm, mua sắm máy móc trang thiết bị phục vụ sản xuất từng bước hiện đại nền nông nghiệp địa phương, phát triển dịch vụ phục vụ sản xuất nhằm giảm chi phí nâng cao thu nhập cho thành viên.

Các chỉ tiêu cụ thể: Giữ vững diện tích gieo trồng 712,8ha. Trong đó, cây lúa 600ha; cây màu 112,8ha (trong đó cây ớt chiếm 75ha, tương đương với 66%); mở rộng nhà lưới ương cây giống 800m2; đầu tư ứng dụng 2 mô hình cây lúa sạch diện tích 10.000 m2 và rau sạch diện tích 3.000 m2; phấn đấu tiêu thụ 150ha lúa nếp cho thành viên thông qua hợp đồng ký kết; có kế hoạch mua 1 máy cấy lúa nhằm phục vụ cho công tác gieo sạ.

Giải pháp thực hiện:

Về tổ chức, sắp xếp lại bộ máy quản lý tinh gọn, phân công đúng chức năng, nhiệm vụ kết hợp với công tác thi đua khen thưởng để khuyến khích cán bộ hoàn thành nhiệm vụ, song song đó, công tác kiểm tra, đôn đốc thường xuyên cũng cần được quan tâm; củng cố lại các tổ dịch vụ động viên uốn nắn kịp thời để hoạt động theo quy chế.

Về phát triển và mở rộng sản xuất kinh doanh, cây lúa giữ vững diện tích gieo trồng 1.800ha/năm trồng các giống có giá trị kinh tế, đánh giá và theo dõi mô hình trình diễn vùng lúa sạch tại hợp tác xã; cây màu quy hoạch vùng màu trọng điểm là ấp Tân Hội 58 ha vùng ấp Tân Phú A 85ha, nhằm phát huy giá trị sản phẩm nhất là cây ớt đã đạt tiêu chuẩn Vietgap; xây dựng vùng sản xuất rau an toàn 3.000m trong đó có 1.000m sản xuất trong nhà lưới.

Về kinh doanh dịch vụ, củng cố các dịch vụ yếu kém như tín dụng nội bộ hoạt động đúng luật để cuối năm 2016, đầu tư mở rộng dịch vụ có tiềm năng như làm đất, cắt gặt, cây giống, nước sạch, mua bán vật tư nhằm phát huy tối đa lợi thế mà địa phương mang lại. Đồng thời kiến nghị các cấp thẩm quyền có chính sách đặc thù về thuế trong việc hợp tác xã tạm trữ thóc nhằm phát huy dịch vụ phơi sấy tồn trữ cũng như thành lập cánh đồng liên kết.

Phát triển kết cấu hạ tầng tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhất là hạ tầng mang tính cấp bách như: xây dựng đê bao vùng sạt lở ấp Tân Phú A để khép kín vùng màu 85ha; nạo vét kênh phục vụ sản xuất; tranh thủ từ nguồn mục tiêu quốc gia năm 2016, hợp tác xã tiếp tục bê tông kênh thủy lợi nội đồng cặp tuyến dân cư ấp Hạ đang gặp khó khăn, chiều dài 1.860m; hạ thế trạm bơm điện công suất 50 KVA (Hai Giàu) phục vụ tưới 40ha đất lúa thuộc đội 1; mở rộng nhà lưới ươm cây giống diện tích 800m2.

Xây dựng và triển khai kế hoạch quản lý và đào tạo cán bộ nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ dần thay thế những cán bộ quản lý đã nhiều tuổi./.