Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 11 đến ngày 17-7-2016)
TCCSĐT - Theo như tính toán của PVN, để có thể thực hiện được mục tiêu khai thác thêm 1 triệu tấn dầu thô năm 2016 so với kế hoạch Chính phủ giao, đơn vị này sẽ phải quyết liệt khoan thêm, khoan đan dày một số giếng khai thác mới
Buộc các đơn vị phải thực hiện báo cáo kiểm toán nếu có sai phạm
Không chỉ đơn giản là "kiến nghị" từ phía Kiểm toán Nhà nước, các đơn vị được kiểm toán theo quy định sẽ "bắt buộc" phải thực hiện theo báo cáo của cơ quan chức năng. Nói về một trong những điểm thay đổi trên trong Luật Kiểm toán Nhà nước có hiệu lực từ 01-01-2016, ông Lê Huy Trọng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, quy định này giúp nâng cao giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán.
Dẫn lại quy định mới, đại diện Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh: Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Sự thay đổi trên theo đại diện ngành kiểm toán không chỉ giúp nâng cao giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán mà đồng thời cũng tăng tính trách nhiệm với chính cơ quan kiểm toán. Trách nhiệm ở đây được ông Trọng giải thích là việc phải chỉ ra đúng sai phạm của các đơn vị được kiểm toán.
Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Kiểm toán Nhà nước, nếu các đơn vị được kiểm toán không thực hiện kết quả báo cáo, cơ quan chức năng ngoài việc đôn đốc sẽ gửi thông tin tới các cơ quan khác như Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố hay có thể là Chính phủ. Thực tế, trong luật Kiểm toán Nhà nước mới nhất, để nâng cao vai trò của các cơ quan, luật đã bổ sung một chương về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đối với hoạt động của Kiểm toán Nhà nước bao gồm: Quốc hội, Chính phủ, trách nhiệm các cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân,... Trong số này, một trong những trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ là thực hiện, đôn đốc và chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.
Với các địa phương, Ủy ban nhân dân có trách nhiệm thực hiện và chỉ đạo các cơ quan thực hiện và báo cáo đầy đủ, kịp thời kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước. Ngoài ra, Hội đồng nhân dân cũng phải giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước tại địa phương. Nói thêm về công tác kiểm toán, ông Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước thống kê, trong năm 2015, ngành kiểm toán đã thực hiện 182 cuộc kiểm toán và xử lý tài chính với tổng số tiền là khoảng 19.000 tỷ đồng.
Bộ Công Thương kiến nghị xây các Khu công nghiệp dệt may rộng đến 1.000ha
Bộ Công Thương vừa có kiến nghị Chính phủ xem xét, thống nhất quy hoạch và cấp phép khu công nghiệp dệt may lớn từ 500 đến1.000ha để kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước về sản xuất vải, sợi, nhuộm hoàn tất cao cấp. Bộ này cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép hỗ trợ với mức tối đa đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn theo Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020. Việc này nhằm thu hút và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp thông qua hoạt động đầu tư phát triển các cụm công nghiệp.
Trước đó, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) có Công văn số 63/CV-HHDMVN gửi Thủ tướng Chính phủ về Đánh giá tình hình doanh nghiệp dệt may và đề xuất tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp. Vitas cũng đề nghị Chính phủ thống nhất quy hoạch và cấp phép các khu công nghiệp dệt may lớn từ 500 đến 1.000ha; đồng thời đề nghị hỗ trợ lãi vay khi doanh nghiệp đầu tư vào các Trung tâm xử lý nước thải tại các khu công nghiệp này.
Việc Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ cấp phép các khu công nghiệp dệt may quy mô 500 đến 1.000ha nhằm tránh tình trạng các địa phương tự quy hoạch, cấp phép gây chồng chéo. Đồng thời phát triển, nâng cấp kết cấu hạ tầng kết nối giao thông thủy, bộ giữa các khu công nghiệp dệt may lớn với các cảng, trung tâm giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu, tạo điều kiện giảm chi phí vận chuyển.
Việt Nam đẩy mạnh khoan giếng mới để gia tăng sản lượng dầu thô
Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cho biết, việc gia tăng sản lượng khai thác dầu thô từ các mỏ hiện có là khá khó khăn do các mỏ hầu như đang khai thác ở chế độ tối đa, sản lượng có thể gia tăng không nhiều do chủ yếu từ công tác xử lý axít vùng đáy giếng, tối ưu hóa chế độ vận hành. Vì vậy chỉ có thể kỳ vọng nhiều vào việc khoan thêm giếng khai thác mới. Việc khoan bổ sung các giếng khai thác mới trong năm 2016 cũng sẽ góp phần hạn chế bớt đà suy giảm sản lượng khai thác dầu thô năm 2017.
Theo như tính toán của PVN, để có thể thực hiện được mục tiêu khai thác thêm 1 triệu tấn dầu thô năm 2016 so với kế hoạch Chính phủ giao, đơn vị này sẽ phải quyết liệt khoan thêm, khoan đan dày một số giếng khai thác mới, cụ thể: khoan thêm giếng SNS-6P mỏ Sư Tử Nâu, Lô 15-1. Dự kiến giữa tháng 7 sẽ bắt đầu khoan và kết thúc vào cuối tháng 8-2016 để đưa vào khai thác từ đầu tháng 9-2016. Dự báo gia tăng sản lượng khai thác khoảng 67.000 tấn.
Đồng thời khoan thêm 2 giếng khai thác tại giàn RC-9 mỏ Rồng, Lô 09-1. Dự báo sản lượng khai thác có thể gia tăng từ Lô 09-1 khoảng 10.000-15.000 tấn; xem xét khả năng khoan thêm từ 1-2 giếng đan dày mỏ Tê Giác Trắng, Lô 16-1, với mục tiêu có thể bắt đầu khoan từ đầu tháng 9-2016 kết hợp với bắn mở vỉa bổ sung các giếng 22P và 24P trên giàn H5-TGT. Dự báo gia tăng sản lượng khai thác khoảng 43.000 tấn.
Ngoài ra, PVN cũng sẽ tối ưu hóa chế độ vận hành nhằm gia tăng sản lượng khai thác từ các mỏ hiện có, tích cực triển khai công tác xử lý axít vùng cận đáy giếng; bảo đảm tiến độ phát triển mỏ Sư Tử Trắng Pha 1. Ưu tiên xuất khí thiên nhiên Sư Tử Trắng để gia tăng sản lượng condensate.
Việc giá dầu suy giảm mạnh và kéo dài suốt từ cuối năm 2014 đến nay đã khiến lĩnh vực thượng nguồn, đặc biệt công tác phát triển, khai thác mỏ rất khó khăn. Một số các nhà đầu tư bắt buộc phải dừng, giãn tiến độ đầu tư phát triển mỏ mới, cắt giảm tối đa chi phí đầu tư khoan giếng mới và chi phí vận hành do không cân đối được tài chính.
Theo PVN, số lượng mỏ/công trình khai thác mới dự kiến sẽ đưa vào khai thác trong năm 2016 cũng giảm đáng kể, đặc biệt là dự án khai thác dầu chỉ có duy nhất dự án RC-9 mỏ Rồng, còn lại là các dự án khí như Thiên Ưng, Sư Tử Trắng Pha 1. Số lượng giếng khoan khai thác mới giảm xuống còn 58 giếng (trong đó có 31 giếng ở trong nước và 27 giếng ở nước ngoài). Với tình hình đó, sản lượng khai thác dầu thô năm 2016 sẽ rất khó có thể duy trì ở mức cao như năm 2015...
Các ngân hàng châu Âu tại Anh cần bổ sung 30-40 tỷ euro tiền vốn
Theo báo cáo của Tập đoàn tư vấn tài chính Boston Consulting Group (BCG, Mỹ) về hoạt động của các ngân hàng châu Âu, cho biết các ngân hàng ở “lục địa già” có thể sẽ phải "bơm" bổ sung lượng vốn trị giá 30-40 tỷ euro cho các chi nhánh ngân hàng của họ tại Anh, sau khi người dân Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.
Theo báo cáo trên, riêng chi nhánh của các ngân hàng Đức tại Anh ước tính sẽ cần thêm một lượng vốn trị giá khoảng 10 tỷ euro. Báo cáo của BCG cho rằng Brexit sẽ đẩy chi phí hoạt động của các ngân hàng châu Âu tại Anh trong lĩnh vực thị trường vốn tăng 8 - 22%.
Hồi đầu tuần qua, JPMorgan cũng công bố báo cáo cho hay Brexit có khiến các ngân hàng đầu tư mất khoảng 1,5 tỷ USD/năm. Chi nhánh của các ngân hàng nước ngoài tại London rơi vào tâm điểm của sự bất ổn sau khi người dân Anh bỏ phiếu rời EU. Việc Anh không còn là thành viên EU sẽ khiến các chi nhánh này mất cơ hội làm ăn kinh doanh tại toàn bộ 28 nước thành viên EU.
Không chỉ các ngân hàng châu Âu, mà các ngân hàng Mỹ thâm nhập thị trường châu Âu thông qua “cửa ngõ” London cũng sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, theo ông Philippe Morel, một trong những tác giả của báo cáo trên, thị trường London quan trọng đối với các ngân hàng châu Âu hơn so với vai trò của thị trường châu Âu đối với các ngân hàng Mỹ. Ước tính, thị trường châu Âu chi phối 20 - 30% lợi nhuận của thị trường vốn của các ngân hàng Mỹ, trong khi thị trường London đóng góp khoảng 70% lợi nhuận của các ngân hàng châu Âu từ mảng này. Theo BCG, nhiều khả năng một số ngân hàng châu Âu sẽ tiến hành thành lập các công ty cổ phần ở Anh, tương tự như họ đã triển khai ở Mỹ.
Liên minh châu Âu và Mỹ kết thúc vòng đàm phán 14 về TTIP
Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ ngày 15-7 đã kết thúc vòng đàm phán thứ 14 về Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Phát biểu với báo giới tại trụ sở Ủy ban châu Âu (EC) ở Brussels, Trưởng đoàn đàm phán EU Ignacio Garcia Bercero cho biết hai bên đã có nhiều tiến bộ trong đàm phán. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề phải giải quyết.
Về phần mình, Trưởng đoàn đàm phán Mỹ Dan Mullaney cho biết nước này tiếp tục nhận được nhiều đề xuất mới của EU nhưng không có quyết định nào được đưa ra. Ông Mullaney cũng khẳng định quyết định của Anh không ở lại EU đặt ra nhiều vấn đề mới cho việc đàm phán bởi Anh chiếm 25% lượng xuất khẩu của Mỹ vào EU. Theo ông, sau Brexit, quan hệ kinh tế và chiến lược giữa EU với Anh vẫn mạnh, nhưng việc Anh rút khỏi thị trường EU sẽ ảnh hưởng tới giá trị của thị trường EU bởi Anh cũng là thị trường dịch vụ lớn của Mỹ.
Nền kinh tế của Nga giảm dần sự phụ thuộc vào giá dầu mỏ
Ngày 15-7, chuyên gia kinh tế Anton Struchenevsky tại Ngân hàng Sberbank CIB nhận định rằng sự phụ thuộc chặt chẽ vào mức độ giá dầu mỏ của nền kinh tế Nga đang dần giảm xuống. Phát biểu với báo giới, chuyên gia Struchenevsky cho rằng nền kinh tế Nga bắt đầu giảm bớt sự phụ thuộc chặt chẽ vào giá dầu mỏ. Tuy nhiên giá “vàng đen” ảnh hưởng đến những chỉ số như tỷ giá trao đổi bởi vì tỷ ltrọng nhiên liệu trong nền kinh tế Nga vẫn đang ở mức cao nhưng không tác động đến các chỉ số thực như động lực của Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Trong vòng 12 tháng gần đây, GDP thực tế giữ ở mức ổn định, không có sự thay đổi. Trong giai đoạn này, Nga phải hứng chịu tình trạng giá dầu giảm từ 65 USD/thùng xuống còn 28 USD/thùng, hiện nay đã tăng lên ngưỡng 59 USD/thùng và hầu như không ảnh hưởng đến nền kinh tế thực.
Chuyên gia Struchenevsky cho biết thêm sự ảnh hưởng của tình trạng biến động giá dầu mỏ đối với tỷ giá đồng ruble cũng giảm xuống. Vào đầu tháng Bảy này, giá dầu mỏ khoảng 50 USD/thùng, nhưng cách đây không lâu lại giảm xuống còn 45 USD/thùng. Trong khi đó, tỷ giá đồng ruble không biến động mạnh mặc dù không có sự can thiệp từ Ngân hàng Trung ương Nga.
Theo ông Struchenevsky, ngoài giá dầu mỏ còn có một số yếu tố khác tác động lên tỷ giá như kiềm chế lạm phát, sự ổn định kinh tế vĩ mô và một số nhân tố ngắn hạn./.
Phó Chủ tịch nước: Việt Nam luôn xác định "lấy dân làm gốc"  (19/07/2016)
Rà soát Điều 292 Bộ luật Hình sự để không cản trở doanh nghiệp  (19/07/2016)
Thủ tướng chỉ đạo lo cuộc sống cho Việt kiều Campuchia nghèo  (19/07/2016)
Phó Chủ tịch nước phát biểu tại Phiên họp cấp cao của ECOSOC  (19/07/2016)
Phán quyết của PCA giải quyết về lâu dài tranh chấp tại Biển Đông  (19/07/2016)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên