Đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước và một số thách thức đặt ra

Hồ Sỹ Hùng TS, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
16:29, ngày 21-03-2013
TCCS - Quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tại Việt Nam được tiến hành từng bước, từ đổi mới cơ chế, chính sách để DNNN tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong cơ chế thị trường, đến đổi mới quản trị doanh nghiệp... nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đủ sức trở thành lực lượng nòng cốt để bảo đảm cân đối vĩ mô và an sinh xã hội.

Những kết quả đạt được

Trong thời gian hơn 10 năm qua, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới DNNN 2 lần (giai đoạn 2001 - 2005 và 2006 - 2010). Hệ thống cơ chế chính sách về sắp xếp, đổi mới DNNN đã được xây dựng tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ và được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung kịp thời cho phù hợp với chủ trương đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới DNNN và yêu cầu của thực tế. Nhờ đó, đã đạt được những kết quả quan trọng:

- Từ năm 2001 đến tháng 10-2011 đã sắp xếp được 4.757 doanh nghiệp (không kể chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên), trong đó cổ phần hóa 3.388 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp; giao 189 doanh nghiệp, bán 135 doanh nghiệp, khoán kinh doanh, cho thuê 30 doanh nghiệp, sáp nhập 427 doanh nghiệp, hợp nhất 110 doanh nghiệp, giải thể 220 doanh nghiệp, phá sản 56 doanh nghiệp, chuyển thành đơn vị sự nghiệp có thu 114 doanh nghiệp, chuyển cơ quan quản lý 88 doanh nghiệp. Nếu tính cả từ trước năm 2001 thì đã sắp xếp 5.374 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 3.976 doanh nghiệp.

- Các tổng công ty nhà nước đã được sắp xếp, cổ phần hóa, đổi mới tổ chức quản lý, hoạt động. Từ năm 2001 đến nay đã sắp xếp 14 tổng công ty, trong đó: giải thể cơ quan văn phòng 5 tổng công ty; sáp nhập hợp nhất 8 tổng công ty, chia tách 1 tổng công ty, cổ phần hóa 16 tổng công ty và ngân hàng thương mại, Nhà nước giữ cổ phần chi phối. Một số tổng công ty phát triển mạnh được thí điểm tổ chức thành tập đoàn kinh tế, gồm 8 tổng công ty 91 và 12 tổng công ty 90, để hình thành 11 tập đoàn kinh tế. Đã thành lập 1 tổng công ty đặc biệt - Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Nếu cuối năm 2000 các tổng công ty giữ 100% vốn ở hầu hết doanh nghiệp thành viên (17 tổng công ty 91 là 591 doanh nghiệp; 79 tổng công ty 90 là 1.014 doanh nghiệp), thì đến tháng 9-2011, các tập đoàn, tổng công ty 91 chỉ còn giữ 100% vốn điều lệ ở 232 doanh nghiệp, giữ trên 50% vốn điều lệ ở 460 doanh nghiệp; ở các tổng công ty 90 tương ứng là 140 doanh nghiệp và 368 doanh nghiệp. Có 23 tổng công ty đã cổ phần hóa hết các doanh nghiệp thành viên.

- Qua quá trình sắp xếp, đổi mới, khu vực DNNN đã giảm mạnh về số lượng, từ 5.655 doanh nghiệp (năm 2001) xuống còn trên 1.300 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (cuối năm 2011), không kể các công ty nông, lâm nghiệp. Phạm vi ngành nghề kinh doanh của DNNN cũng được thu hẹp đáng kể, tập trung hơn vào những ngành, lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng mà Nhà nước cần nắm giữ hoặc lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác ít hoặc chưa tham gia; quy mô DNNN được nâng lên, chủ yếu là vừa và lớn, cơ cấu hợp lý hơn. Đa số các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoạt động trong các ngành bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế hoặc phát triển hạ tầng, như viễn thông, điện lực, dầu khí, khai thác khoáng sản, lương thực, hóa chất cơ bản, đầu tư xây dựng đô thị, khu đô thị, khu công nghiệp, hạ tầng giao thông,...

Xét về quy mô vốn, tổng vốn nhà nước tại các DNNN hiện đạt khoảng 790.000 tỷ đồng, trong đó, vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty chiếm hơn 90%.

Tiếp tục quá trình đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước

Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, các DNNN, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty vẫn chưa thể hiện được vai trò xứng tầm với quy mô và nguồn lực được giao; thực trạng tài chính của một số tập đoàn, tổng công ty tiềm ẩn nguy cơ rủi ro; hiệu quả, sức cạnh tranh của DNNN còn thấp; năng lực, trình độ quản trị doanh nghiệp còn yếu kém.

Trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới đang có những tác động to lớn đến nền kinh tế trong nước, vấn đề tái cơ cấu khu vực DNNN là một trong ba nhiệm vụ quan trọng mà Chính phủ Việt Nam cần thực hiện để đưa nền kinh tế ra khỏi giai đoạn khó khăn trước mắt và đạt được sự phát triển bền vững trong tương lai (cùng với nhiệm vụ tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và tái cơ cấu đầu tư công). Dưới đây là một số định hướng lớn nhằm tiếp tục quá trình đổi mới, sắp xếp DNNN tại Việt Nam:

Thứ nhất, tiếp tục khẳng định sự cần thiết của DNNN trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, đồng thời xác định rõ ràng mức độ tham gia và vị trí, vai trò cụ thể mà DNNN cần đảm nhiệm trong từng giai đoạn phát triển. Thực tiễn quá trình phát triển của nhiều nước và lý luận cho thấy sự tồn tại cần thiết khách quan của DNNN ở những mức độ nhất định, đồng thời đó cũng lại là khu vực sản xuất, kinh doanh mà khó có thể đạt được hiệu quả kinh tế cao nhất trong so sánh với khu vực tư nhân. Giải quyết mâu thuẫn này, các nước thường chỉ duy trì DNNN ở chừng mực đủ để đạt được hiệu quả chung về kinh tế - xã hội, quốc phòng hơn là nhằm mục tiêu lợi nhuận thuần túy. Với điều kiện cụ thể về kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam, trong thời gian tới, cần tiếp tục duy trì DNNN nhằm các mục tiêu:

- Doanh nghiệp nhà nước tạo nền tảng ổn định và phát triển cân bằng cho nền kinh tế, thông qua việc đảm nhận các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và đầu tư có tính chiến lược đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đòi hỏi vốn đầu tư lớn vượt quá khả năng của tư nhân, như hệ thống đường bộ, cảng biển, mạng trục thông tin, truyền tải điện,...

- Doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong những lĩnh vực mới, có hệ số rủi ro cao; một số ngành có lợi thế cạnh tranh và khả năng thu ngân sách lớn, hội nhập quốc tế; định hướng, dẫn dắt, mở đường cho doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác và cả nền kinh tế phát triển. Trong giai đoạn phát triển kế tiếp, khi trình độ phát triển của nền kinh tế đã làm thay đổi vai trò vị trí nói trên, thì cần thiết thực hiện chuyển đổi sở hữu các doanh nghiệp này. Đối với đặc thù kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay, vai trò này vẫn còn phát huy tác dụng trong điều kiện tiềm lực của tài chính công chưa đủ mạnh, kinh tế tư nhân đang trong quá trình phát triển.

- Doanh nghiệp nhà nước nắm giữ những ngành đặc biệt quan trọng liên quan đến an ninh, quốc phòng của quốc gia.

- Doanh nghiệp nhà nước đảm nhận những ngành, lĩnh vực, địa bàn khó khăn có ý nghĩa chính trị - xã hội mà tư nhân không muốn hoặc chưa đủ khả năng đầu tư, thực hiện sự cân bằng về đầu tư phát triển theo vùng, địa bàn. Về lý thuyết, Nhà nước có thể sử dụng các chính sách khuyến khích và tác động gián tiếp để điều chỉnh sự phát triển. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp khi các biện pháp như vậy không đủ hiệu ứng tác động, hay khu vực tư nhân không đủ khả năng để đầu tư hoặc không đủ niềm tin vào chính sách của Nhà nước thì sự tham gia của DNNN sẽ đem lại tác dụng tốt và tạo ra niềm tin cho khu vực tư nhân.

- Doanh nghiệp nhà nước giúp khắc phục những khuyết tật của cơ chế thị trường và khu vực kinh tế tư nhân.

Thứ hai, tiếp tục thu hẹp hơn nữa danh mục DNNN đang hoạt động do Nhà nước nắm giữ 100% vốn, mà chủ yếu chuyển sang hình thức công ty cổ phần, Nhà nước giữ cổ phần chi phối. Hiện tại, tiêu chí phân loại doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước cần tiếp tục nắm giữ 100% vốn hoặc cổ phần, vốn góp chi phối chủ yếu dựa vào lĩnh vực, ngành nghề hoạt động, quy mô của doanh nghiệp. Việc điều chỉnh cần thực hiện theo hướng giảm dần đến mức tối đa số lượng các ngành, lĩnh vực Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn, đồng thời với việc tăng dần quy mô công suất của doanh nghiệp. Qua đó, góp phần huy động thêm nguồn lực tư nhân tham gia cùng Nhà nước thực hiện các mục tiêu chung về kinh tế - xã hội, đổi mới quản trị trong doanh nghiệp theo hướng minh bạch và hiệu quả. Số lượng doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được duy trì phát triển chỉ còn rất ít, chủ yếu trong những lĩnh vực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, hoặc gắn với quốc phòng - an ninh, như truyền tải hệ thống điện quốc gia, thủy điện gắn với phân lũ hoặc điều tiết nước tưới tiêu, điều hành bay,...

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa đối với các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn điều lệ. Trong đó, Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối đối với những DNNN đang đảm nhiệm vị trí, vai trò theo mục tiêu nêu trên, bao gồm cả các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại, doanh nghiệp cung ứng sản phẩm dịch vụ quan trọng. Dần hình thành hệ thống DNNN dưới hình thức công ty cổ phần mà Nhà nước vẫn chi phối và điều hành được theo mục tiêu đặt ra.

Đồng thời cần thực hiện rà soát, phân tích, đánh giá hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp còn vốn nhà nước để thực hiện thoái hết vốn nhà nước đối với các trường hợp mà Nhà nước không cần chi phối. Quá trình thoái vốn có thể được xem xét thực hiện dần dần theo tình hình cụ thể nhằm bảo đảm hiệu quả thu về cao nhất cho Nhà nước. Trong đó, xem xét cả đối với các tập đoàn, tổng công ty lớn, như dệt may, giấy, thép,...

Dự kiến, nếu kiên quyết thực hiện theo định hướng trên, DNNN sẽ chủ yếu được duy trì phát triển dưới 2 nhóm:

- Các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước với số lượng chỉ còn khoảng dưới 300 doanh nghiệp, chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng - an ninh và nhiệm vụ công ích thiết yếu mà khu vực tư nhân không thể hoặc không muốn tham gia (chiếu sáng đô thị, quản lý, khai thác công trình thủy lợi, công trình đê điều,...).

- Các tập đoàn, tổng công ty (gồm cả các tập đoàn, tổng công ty chuyên về đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước) vừa thực hiện chức năng sản xuất, kinh doanh, vừa thực hiện chức năng quản lý, đầu tư vốn nhà nước. Trong đó, công ty mẹ của tập đoàn, tổng công ty được chuyển đổi và tổ chức theo mô hình công ty cổ phần mà Nhà nước giữ chi phối. Dự kiến, số lượng các tập đoàn, tổng công ty hiện nay có thể sắp xếp để chỉ còn khoảng 50 - 60 doanh nghiệp lớn. Nhằm thu gọn đầu mối, những doanh nghiệp độc lập có vốn góp của Nhà nước cần được sắp xếp, đưa về làm công ty con hoặc công ty liên kết của các tập đoàn, tổng công ty này.

Trước mắt, căn cứ theo các tiêu chí phân loại DNNN và phương án sắp xếp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự kiến đến cuối năm 2015 sẽ triển khai cổ phần hóa khoảng 580 doanh nghiệp, bao gồm cả một số tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại, doanh nghiệp cung ứng sản phẩm dịch vụ quan trọng.

Thứ tư, cần tiếp tục hoàn thiện quy định pháp lý về tổ chức thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN. Đổi mới và hoàn thiện hoạt động quản lý, giám sát của chủ sở hữu đối với các DNNN thông qua các việc như, quy định cụ thể nhiệm vụ, phương thức và tiêu chí giám sát, đánh giá của chủ sở hữu nhà nước đối với việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của các DNNN; xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất về DNNN để phục vụ cho công tác theo dõi, tổng hợp của các cơ quan liên quan, hướng tới hình thành một hệ thống chỉ tiêu đánh giá chung về hiệu quả hoạt động của DNNN và xây dựng cơ chế cảnh báo sớm đối với DNNN để kịp thời thông tin cho Chính phủ về những doanh nghiệp có dấu hiệu hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoàn thành nhiệm vụ. Kiện toàn bộ máy quản lý trong các DNNN, tăng cường áp dụng những chuẩn mực quản trị doanh nghiệp phù hợp với thông lệ quốc tế, nâng cao chất lượng của đội ngũ lãnh đạo quản lý tại doanh nghiệp; áp dụng chế độ công khai, minh bạch hóa thông tin và tình hình tài chính của các DNNN.

Để thực hiện được các nhiệm vụ của tái cơ cấu DNNN, cần xây dựng hệ thống triển khai đủ mạnh tại các bộ, ngành, địa phương. Ở cấp Trung ương, cần có một cơ quan đóng vai trò đầu mối để theo dõi, đánh giá chung tổng thể quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp trong cả nước.

Một số thách thức

Tiếp tục quá trình đổi mới, sắp xếp DNNN trong điều kiện hiện nay đặt ra một số thách thức cần phải tiếp tục nghiên cứu, làm rõ để bảo đảm sự thành công của quá trình này:

Một là, xác định sự tham gia của DNNN ở Việt Nam trong tổng thể nền kinh tế ở mức độ nào là hợp lý để vừa đảm nhiệm được vai trò, vị trí đặt ra, vừa giảm thiểu những tác động làm méo mó quy luật thị trường.

Nhìn chung, vấn đề DNNN ở Việt Nam và vai trò của nó cũng có những nét cơ bản đồng nhất với đặc điểm chung của DNNN như ở các quốc gia khác. Điểm khác cần xét đến khi nghiên cứu, quản lý là mức độ ảnh hưởng, vai trò, vị trí của DNNN ở Việt Nam lớn hơn, mạnh hơn rõ rệt so với nhiều quốc gia khác. Theo đó, để đáp ứng mục đích nói trên, cần thay đổi quan điểm về cách đánh giá DNNN. Không nên lấy các chỉ số truyền thống về số lượng để đo lường ảnh hưởng của DNNN, như số lượng DNNN, quy mô vốn, quy mô lao động, doanh thu,... mà cần kết hợp hoặc chuyển sang các chỉ số phản ánh mức độ tác động, vai trò, vị trí của DNNN, thí dụ: mức độ tập trung trong những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước cần điều tiết; giá trị gia tăng hoặc tác động của DNNN tạo nền tảng ổn định cho nền kinh tế; mở đường, định hình lĩnh vực kinh doanh mới, sản phẩm dựa trên công nghệ mới, chiếm lĩnh thị trường mới;...

Khi đã có quan điểm thống nhất về cách đánh giá nêu trên, thì có thể xác định sự tham gia của DNNN ở một tỷ lệ hợp lý trong nền kinh tế, nhưng tỷ lệ đó phải có vai trò then chốt, quyết định và thúc đẩy việc tạo ra giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế.

Hai là, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tất yếu vừa có sự tham gia của khu vực tư nhân, vừa có sự tham gia của Nhà nước. Trong đó, Nhà nước có thể tác động vào nền kinh tế bằng cách: điều tiết bằng công cụ, chính sách vĩ mô chung và tác động trực tiếp thông qua DNNN và các tổ chức kinh tế thuộc sở hữu nhà nước. Trong trường hợp xác định cần giảm bớt liều lượng của khu vực DNNN trong toàn bộ nền kinh tế, tạo cơ hội cho sự phát triển của các thành phần kinh tế khác, cần làm rõ Chính phủ nên sử dụng những công cụ thay thế nào để tiếp tục tham gia điều hành một cách có hiệu quả nền kinh tế.

Chức năng của Nhà nước là điều tiết vĩ mô nền kinh tế thông qua sử dụng các công cụ điều tiết, trong đó công cụ quan trọng là DNNN. Thực tế phát triển tại Việt Nam cho thấy, trong những giai đoạn khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, DNNN, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn duy trì được hoạt động, đóng vai trò quan trọng trong việc bình ổn giá cả, kiềm chế lạm phát, bảo đảm ổn định xã hội. Bên cạnh đó, các DNNN thực hiện nhiệm vụ công ích tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn đã bảo đảm cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích cho nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Nhiều tập đoàn, tổng công ty cũng chú trọng đầu tư các dự án phát triển kết cấu hạ tầng, hỗ trợ các địa phương đẩy nhanh việc thực hiện xóa đói, giảm nghèo.

Về lý thuyết, Nhà nước có thể sử dụng các công cụ chính sách để khuyến khích và điều chỉnh gián tiếp đến sự phát triển. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, khi các biện pháp như vậy không đủ hiệu ứng tác động, hay khu vực tư nhân chưa đủ khả năng để đầu tư hoặc không đủ niềm tin vào chính sách của Nhà nước thì sự tham gia của DNNN sẽ đem lại tác dụng tốt và tạo ra niềm tin cho khu vực tư nhân.

Vì thế, quá trình tái cơ cấu DNNN phải được thực hiện có lộ trình, đồng thời với quá trình hoàn thiện các thể chế thị trường, hỗ trợ phát triển khu vực tư nhân, xây dựng các chính sách xã hội, để có thể đảm nhiệm tốt các trách nhiệm mà DNNN hiện nay đang bắt buộc phải thực hiện. Thực tế cho thấy, việc triển khai nội dung này là rất phức tạp, nhất là đối với điều kiện của Việt Nam, đang trong quá trình chuyển đổi và hoàn thiện dần thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ba là, các DNNN thường được giao thực hiện đồng thời các mục tiêu không đồng nhất với nhau, như cân đối và duy trì ổn định nền kinh tế, bình ổn thị trường, phát triển lĩnh vực mới có độ rủi ro cao, cung ứng sản phẩm và dịch vụ công ích, bảo toàn và phát triển vốn,... Nên vấn đề đo lường, đánh giá được rõ ràng kết quả hoạt động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DNNN là rất quan trọng và cũng rất phức tạp.

Các cơ quan thực hiện quản lý DNNN cần xây dựng các chỉ tiêu giao nhiệm vụ cụ thể, phản ánh mục tiêu hoạt động và nhiệm vụ được giao, đồng thời có thể đo lường được. Xây dựng mối quan hệ giữa chỉ tiêu kinh tế và chỉ tiêu xã hội - chính trị nhằm đánh giá khách quan, công bằng kết quả hoạt động của doanh nghiệp.

Trên cơ sở này, cần thiết lập cơ chế quản lý phân biệt theo đối tượng doanh nghiệp và nhiệm vụ đặt ra. Các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, hoạt động trong lĩnh vực cạnh tranh cần được quyền tự chủ cao hơn các doanh nghiệp không hoạt động trong lĩnh vực cạnh tranh hoặc các doanh nghiệp hoạt động công ích, doanh nghiệp độc quyền.

Về cơ bản, DNNN hoạt động mang tính cạnh tranh có vị thế bình đẳng như các doanh nghiệp tư nhân, có đầy đủ quyền tự chủ kinh doanh, ít phụ thuộc vào chủ sở hữu nhà nước về giao dịch tài chính, không có sự bảo đảm, bảo lãnh của Nhà nước... Sự quản lý của chủ sở hữu nhà nước ở các doanh nghiệp này chỉ nên giới hạn ở việc bổ nhiệm người lãnh đạo chủ chốt và công tác giám sát, kiểm soát hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, trực tiếp là hiệu quả điều hành của bộ máy quản lý doanh nghiệp. Chủ sở hữu chỉ xem xét các khoản đầu tư lớn, các báo cáo và đánh giá hoạt động của doanh nghiệp, tăng cường mạnh hơn công tác giám sát, kiểm tra và đánh giá thường xuyên.

Các doanh nghiệp hoạt động công ích cần được kiểm soát chặt chẽ hơn, nhất là đối với chỉ tiêu cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích. Các doanh nghiệp này phải xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh sản phẩm và dịch vụ công ích, kế hoạch tài chính và đầu tư, trình cơ quan có liên quan. Nhà nước xây dựng các định mức chi phí cho đơn vị sản phẩm trên cơ sở những chỉ số tham khảo của các nước và kết quả thực hiện trong năm trước của doanh nghiệp. Giữa Nhà nước và các doanh nghiệp hoạt động công ích có cam kết với nhau về tính chất và mức độ các nghĩa vụ phục vụ cộng đồng, cách thức và mức độ Nhà nước bù đắp thiệt hại cho doanh nghiệp khi doanh nghiệp thực hiện các nghĩa vụ công cộng. Ngoài các cam kết đó, các doanh nghiệp phải hoạt động bình đẳng với các doanh nghiệp khác và doanh nghiệp buộc phải giảm dần chi phí.

Nhà nước không bù lỗ cho doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp hoạt động công ích. Trường hợp Nhà nước yêu cầu các doanh nghiệp này thực hiện các chính sách xã hội hoặc phục vụ mục tiêu tổng thể của Nhà nước (giảm giá bán sản phẩm xuống dưới mức giá thành hoặc vận chuyển khách trên tuyến đường thua lỗ,...) thì Nhà nước mới thực hiện bù đắp phần thua lỗ theo các cam kết trách nhiệm giữa Nhà nước với doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp thua lỗ quá mức độ quy định, doanh nghiệp phải dùng vốn tự có để bù đắp.

Bốn là, nội dung quan trọng của tái cơ cấu DNNN là việc thực hiện đa sở hữu doanh nghiệp một cách mạnh mẽ thông qua hình thức cổ phần hóa, bán bớt, thậm chí bán hết cổ phần tại những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ (quá trình này chính là một trong những hình thức phân bổ lại các nguồn lực giữa khu vực DNNN và khu vực doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác). Đây là mục tiêu đã được xác định của Chính phủ. Dự kiến, để đạt được mục tiêu tái cơ cấu một cách hiệu quả, từ nay đến năm 2015, nếu thoái được khoảng 40% - 45% vốn nhà nước (trong tổng số vốn khoảng 790.000 tỷ đồng) tại các doanh nghiệp, có thể được coi là một kết quả thành công quan trọng.

Đây có thể coi là một cơ hội lớn cho các các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong việc tiếp cận và tham gia góp vốn vào các DNNN, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô lớn, có quá trình hoạt động lâu dài, đã tạo được thương hiệu và uy tín trên thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, thách thức đặt ra là liệu thị trường có đủ khả năng hấp thụ số lượng cổ phần mà các DNNN dự định bán ra? Trong điều kiện thị trường, đặc biệt là thị trường chứng khoán, đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc bán ra một khối lượng lớn cổ phần của DNNN một cách hiệu quả, bảo đảm không gây thất thoát tài sản nhà nước là một bài toán khó. Chưa kể, việc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn phải rút khỏi các ngành, lĩnh vực nhạy cảm, như bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng một cách đồng loạt, có thể sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của các thị trường này./.