Lý luận quản lý nhà nước trong cải cách hành chính.

Cải cách hành chính ở Việt Nam được tiến hành trong công cuộc đổi mới, khởi đầu từ Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là công việc mới mẻ, chưa có tiền lệ, lại diễn ra trong điều kiện thiếu kiến thức và kinh nghiệm quản lý hành chính, có nhiều vấn đề phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Vì vậy, việc hình thành quan niệm và những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo công cuộc cải cách hành chính, cũng như việc đề ra những nội dung, phương hướng, chủ trương, giải pháp thực hiện trong từng giai đoạn là một quá trình tìm tòi, sáng tạo không ngừng, là quá trình nhận thức liên tục và thống nhất trong suốt tiến trình đổi mới.

Có thể thấy, quá trình hình thành tư duy về cải cách hành chính ở nước ta là quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống lý luận về quản lý hành chính nhà nước. Trên thực tế, khoa học hành chính mới chỉ thực sự có chỗ đứng ở nước ta trong vài thập kỷ gần đây. Lý luận về quản lý hành chính, về quản lý nhà nước được hình thành từng bước cùng với thực tiễn xây dựng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đương nhiên, tư duy hành chính không phải là điều gì xa lạ và mới mẻ hoặc chưa từng có. Tư duy hành chính không hình thành từ những mong muốn chủ quan của con người, mà phải được đúc kết từ thực tiễn. Thực tiễn đó vừa là bối cảnh, khả năng và những yêu cầu trong nước, vừa là kinh nghiệm xây dựng và cải cách bộ máy hành chính thành công ở nước ngoài.

Mặc dù tư duy hành chính ở nước ta đã có bước phát triển trong những năm qua, song trước những yêu cầu thực tiễn đang đặt ra thì lý luận về quản lý nhà nước vẫn còn nhiều bất cập. Có thể nêu lên hai tồn tại cơ bản trong lý luận về quản lý nhà nước ở nước ta như sau :

Một là, lý luận quản lý nhà nước chưa thực sự phát triển và chưa khẳng định được tính độc lập của một ngành khoa học riêng biệt. Lý luận về quản lý nhà nước ở nước ta ra đời muộn lại chịu ảnh hưởng của cơ chế quản lý tập trung quan liêu trong một thời gian dài. Một số quan niệm cũ, vốn đối lập hoàn toàn chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa tư bản, thậm chí ngay cả trong những thành tựu về khoa học quản lý mà chủ nghĩa tư bản đã đạt được. Vì vậy, lý luận quản lý chưa tạo nên một hệ thống tri thức phản ánh thực tiễn thông qua các phạm trù và quy luật đặc thù của mình, mà ít nhiều còn sao chép lại tri thức của các khoa học khác như khoa học chính trị, khoa học quản lý, kinh tế học, luật học...

Hai là, hệ thống lý luận quản lý nhà nước vẫn còn không ít sự giáo điều, thiếu tính ứng dụng, tác dụng và hiệu quả thực tế thấp. Về nguyên tắc, lý luận phải được đúc kết từ hoạt động thực tiễn, phản ánh thực tiễn và thúc đẩy thực tiễn phát triển. Song, do trình độ tư duy còn hạn chế nên hệ thống lý luận đưa ra nhiều khi còn chưa khách quan, thiếu căn cứ khoa học, thiếu khả năng phân tích sâu sắc về thực tiễn để từ đó rút ra những vấn đề bản chất, quy luật. Chính vì vậy, lý luận về quản lý hành chính nhà nước chưa thực sự đóng vai trò mở đường và thúc đẩy thực tiễn cải cách hành chính ở nước ta phát triển.

Quá trình hình thành tư duy về cải cách hành chính còn nặng về kinh nghiệm. Thực tiễn chỉ ra rằng, với trình độ tư duy kinh nghiệm, con người không thể xem xét một cách sâu sắc mọi quá trình diễn biến phức tạp trong thực tiễn ; không thể vạch ra cái chung, cái riêng trong việc giải quyết các nhiệm vụ thực tiễn. Hậu quả là sẽ không phân biệt đâu là nơi cần tập trung những lực lượng chủ yếu và sự chú ý của mình trong hoạt động thực tiễn. Thực tiễn đang đòi hỏi phát triển tư duy lý luận về cải cách hành chính. Việc phát triển lý luận đem lại sự nhận thức sâu sắc về bản chất và quy luật của quá trình cải cách hành chính, làm cho hoạt động cải cách diễn ra chủ động và tự giác hơn. Theo dự báo của nhiều nhà khoa học, khối lượng kiến thức trong vài thập kỷ đầu thế kỷ XXI sẽ tăng từ 3 đến 4 lần so với hiện nay. Đặc biệt, quản lý nhà nước là một lĩnh vực tổng hợp nhiều kiến thức của các ngành khoa học khác trong hoạt động của bộ máy nhà nước. Sự nghiệp cải cách hành chính ở nước ta, hơn bao giờ hết, đang đòi hỏi rất cao về công tác lý luận. Lý luận về hành chính và cải cách hành chính là những nội dung cốt yếu của khoa học hành chính. Ơở đây, lý luận sinh ra không phải vì lý luận, mà vì nhu cầu của thực tiễn. Hoạt động của bộ máy nhà nước phụ thuộc rất lớn vào vấn đề : các công chức nhà nước tiếp thu và vận dụng những kiến thức về khoa học quản lý nói chung, về khoa học hành chính nói riêng vào thực tiễn như thế nào ? Nói cách khác, hiệu lực của bộ máy nhà nước chính là năng lực vận dụng hệ thống lý luận về quản lý nhà nước vào thực tiễn xây dựng nền hành chính ở nước ta.

Định hướng phát triển nội dung lý luận về quản lý nhà nước ở nước ta

Do trình độ lý luận về quản lý nhà nước ở nước ta đang trong giai đoạn tìm tòi, thử nghiệm nên những yêu cầu đặt ra đối với việc phát triển lý luận trong thời gian tới là rất cần thiết. Đương nhiên, lý luận về quản lý nhà nước ở nước ta cũng không thể là sự sao chép các lý thuyết quản lý hành chính và quản lý của nước ngoài. Nó phải sinh ra từ chính thực tiễn nước ta, được kiểm nghiệm qua thực tiễn sống động của đất nước ta. Mặt khác, lý luận đó cũng phải dự đoán trước xu hướng phát triển của nền hành chính quốc gia và đặt cơ sở phương pháp luận cho sự phát triển của nó.

Việc xây dựng hệ thống lý luận về quản lý nhà nước ở nước ta phải dựa trên những căn cứ sau :

- Nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và hệ thống các quan điểm của Đảng ta. Đây là cơ sở cho sự hình thành nên lý luận quản lý nhà nước của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Điều đó có nghĩa là chúng ta dựa trên cơ sở nền tảng tư tưởng đó để xây dựng hệ thống lý luận đặc thù của khoa học hành chính phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

- Các thành quả phát triển của khoa học hành chính trên thế giới. Trong khoảng một thế kỷ qua, khoa học hành chính trên thế giới đã có những bước phát triển đáng kể và ngày càng trở thành nền tảng cho hoạt động của bộ máy nhà nước. Lịch sử đã chứng minh rằng, trong thời đại ngày nay, nhà nước giữ vai trò quyết định trong sự phát triển của một quốc gia. Điều đó càng khẳng định tầm quan trọng của hệ thống lý luận hành chính như cơ sở khoa học cho các hoạt động của bộ máy nhà nước.

- Thực tiễn của sự nghiệp phát triển Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hơn 50 năm qua. Từ khi ra đời đến nay, trải qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, Nhà nước ta đã từng bước được hình thành và phát triển, đã thực hiện được vai trò quản lý đất nước trên mọi lĩnh vực, đưa đất nước phát triển lên một bước đáng kể, đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội khá cao trong thập kỷ qua. Từ những bài học thành công và kinh nghiệm chưa thành công của hơn 50 năm qua, chúng ta có thể đúc kết được hệ thống lý luận về bộ máy nhà nước và hoạt động của bộ máy đó phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta.

- Yêu cầu đổi mới hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước nhằm phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xu thế hội nhập với nền kinh tế thế giới. Lý luận quản lý nhà nước không thể tách rời mục tiêu phát triển đất nước, cũng không thể tách rời xu thế hội nhập của thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Chính những mục tiêu này đặt ra các yêu cầu mà lý luận quản lý nhà nước phải nghiên cứu giải quyết để tìm ra các giải pháp hữu hiệu cho việc thực hiện các mục tiêu trên.

- Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước của Chính phủ giai đoạn từ năm 2001 - 2010. Chương trình này đã đề ra các mục tiêu và nội dung tổng thể về cải cách hành chính trong giai đoạn tới. Lý luận quản lý nhà nước phải lý giải và định hướng cho những mục tiêu và nội dung này, tạo cơ sở lý luận cho việc thực hiện chương trình tổng thể về cải cách hành chính trong giai đoạn tới.

Dựa vào những căn cứ nói trên, việc phát triển lý luận về quản lý nhà nước trong thời gian tới cần hướng vào các nội dung sau :

Thứ nhất, nghiên cứu làm rõ bản chất nhà nước của dân, do dân, vì dân và chức năng của Nhà nước ta. Trọng tâm của công tác nghiên cứu cần tập trung làm rõ những nội dung của một nhà nước pháp quyền trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Thứ hai, làm rõ các nguyên tắc tổ chức và quản lý hành chính nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Những nguyên tắc đề ra không chỉ dừng lại ở nhận thức chính trị đơn thuần, hoặc chung chung, thiếu cụ thể, mà phải căn cứ vào các thành quả của khoa học hành chính, khoa học tổ chức và khoa học quản lý đã được thực tiễn kiểm nghiệm.

Thứ ba, nghiên cứu xây dựng mô hình chung về tổ chức bộ máy, xác định các chức năng của Chính phủ, các ngành, các cấp theo một cơ chế phân cấp phù hợp. Theo đó, Chính phủ và các cơ quan hành chính nhà nước các cấp tập trung vào chức năng hoạch định chiến lược, chính sách và cung ứng các dịch vụ thuộc chức năng quản lý hành chính của nhà nước.

Thứ tư, xác định vai trò và nội dung quản lý hành chính mới trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhất là, cần nghiên cứu hệ thống thể chế mới, phù hợp với cơ chế thị trường, định hướng phát triển nền hành chính nhà nước trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.

Thứ năm, tiếp tục tổng kết cải cách hành chính để rút ra những bài học kinh nghiệm, hoàn thiện chiến lược tổng thể về cải cách hành chính, xác định rõ mục tiêu, các bước đi cụ thể và các khâu then chốt cho từng giai đoạn cụ thể. Để khắc phục sự lạc hậu, chậm trễ của công tác lý luận, chúng ta phải đẩy mạnh tổng kết thực tiễn. Coi đây là một trong những giải pháp có ý nghĩa quyết định để thúc đẩy sự phát triển của công tác lý luận. Phải đối chiếu với thực tiễn hiện tại để khẳng định, bổ sung, phát triển lý luận.

Thứ sáu, nghiên cứu lý luận về cải cách hành chính theo thiết chế dân chủ. Phát huy dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực của công cuộc đổi mới nói chung, của công cuộc cải cách hành chính nói riêng ở nước ta. Trong lĩnh vực hành chính, phát huy dân chủ có nghĩa là tạo điều kiện để nhân dân tham gia vào các công việc quản lý nhà nước. Vì vậy, công tác lý luận cần tập trung nghiên cứu xây dựng cơ chế phát huy dân chủ của nhân dân trong quản lý nhà nước.

Thứ bảy, tìm tòi và phát hiện ra động lực của cải cách hành chính. Trong cải cách hành chính, đội ngũ cán bộ, công chức vừa là chủ thể vừa là đối tượng của cải cách hành chính. Vì vậy, cần nghiên cứu các lý thuyết về quản lý nguồn nhân lực trong bộ máy hành chính, tạo ra cơ chế sử dụng công chức có hiệu quả để thúc đẩy đội ngũ này tự cải cách. Nghiên cứu, tìm ra cơ chế ngăn chặn và đẩy lùi nạn tham nhũng, quan liêu, lãng phí trong bộ máy nhà nước và nâng cao đạo đức, năng lực của công chức.

Thứ tám, nghiên cứu về quản lý tài chính công như một công cụ quan trọng để Nhà nước can thiệp vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng cơ chế phân cấp quản lý tài chính và ngân sách nhằm phục vụ có hiệu quả cho hoạt động của bộ máy nhà nước.

Thứ chín, nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước về cải cách hành chính để tìm ra những bài học có thể áp dụng vào điều kiện nước ta. Trong những thập kỷ qua, nền hành chính các nước phát triển đã tiến được những bước khá xa và có nhiều kinh nghiệm. Đó chính là tài sản tri thức mà nhân loại tích lũy được trong quá trình phát triển. Lý luận hành chính cần nghiên cứu, tham khảo những kinh nghiệm này và có trách nhiệm sàng lọc, đúc rút ra những bài học kinh nghiệm có thể áp dụng vào điều kiện nước ta.

Có thể nói, trong thời đại ngày nay, cải cách hành chính cũng là một vấn đề toàn cầu mang tính đa dạng, đa chiều, nhưng lại không có một lời giải chung nào cho tất cả các quốc gia trên thế giới. Vì vậy, để thúc đẩy công cuộc cải cách hành chính, chúng ta phải tự xây dựng một hệ thống lý luận phù hợp với hoàn cảnh nước ta, có tính hiệu lực và tính khả thi cao. Một hệ thống lý luận đúng đắn phải là sự kết tinh từ thực tiễn và là ánh sáng soi đường cho thực tiễn cải cách hành chính ở nước ta. Để phát triển công tác lý luận trong lĩnh vực này, điều quan trọng là phải tạo điều kiện thuận lợi để người làm công tác lý luận gắn với thực tiễn, thâm nhập thực tiễn cải cách hành chính ở từng lĩnh vực, từng địa phương, từng cơ quan, đơn vị. Đồng thời, cũng phải tạo ra một cơ chế thích hợp để những người hoạt động thực tiễn trong bộ máy hành chính nhà nước quan tâm đến những thành tựu của hoạt động lý luận, đóng góp vào sự phát triển lý luận và thử nghiệm lý luận đó trong cuộc sống. Bằng cách đó chúng ta sẽ rút ngắn khoảng cách giữa lý luận và thực tiễn, tạo điều kiện cho cải cách hành chính ở nước ta có sự chuyển biến mạnh hơn trong thời gian tới, từ đó góp phần quan trọng thúc đẩy sự nghiệp cách mạng nước ta phát triển theo mục tiêu mà Đảng ta đã đề ra.


* TS, Giám đốc Học viện Hành chính quốc gia