TCCSĐT - Năm 2010 không chỉ là mốc thời gian kết thúc giai đoạn phát triển 10 năm trong lịch sử thế giới, mà còn là năm đánh dấu kết thúc một thập kỷ chứng kiến những biến động lớn lao. Sự sụp đổ trật tự thế giới đơn cực; cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới tồi tệ nhất trong hơn 50 năm qua; sự nổi lên của các cường quốc mới thách thức vị thế siêu cường duy nhất của Mỹ sau “chiến tranh lạnh”; sự cạnh tranh và hợp tác giữa các mô hình phát triển; sự cạnh tranh và xung độ địa - chính trị ngày càng gay gắt; sự trỗi dậy của các nền kinh tế mới nổi; cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố do Mỹ phát động chưa có dấu hiệu lắng dịu; các thành tựu khoa học - công nghệ đang thay đổi diện mạo cuộc sống con người và cách nhìn nhận của chúng ta về thế giới v.v… những sự kiện đó là dấu hiệu về những biến chuyển lớn hơn nữa trong tiến trình phát triển của thế giới trong thập kỷ tới.

Có lẽ, ít có một thập kỷ nào trong lịch sử thế giới lại đầy ắp các sự kiện có tác động làm thay đổi thế giới mạnh mẽ đến thế và khó tưởng tượng đến thế như trong 10 năm đầu thế kỷ XXI.

Đánh giá về thập kỷ qua, Tạp chí “Thời Đại” (Time) của Mỹ với bài viết “Kết thúc thập niên đầu thế kỷ XXI: Chào tạm biệt thập niên địa ngục” đã mô tả thập kỷ đầu của thế kỷ XXI đối với nước Mỹ là “thập kỷ địa ngục”, “thập kỷ của những ước mơ đổ vỡ”, hoặc “thập kỷ bị đánh mất” dưới tác động của những biến cố tồi tệ.

Báo “Thời báo Niu Oóc” (The New York Times) của Mỹ đăng bài viết của Giáo sư Pôn Cuốc-men, người từng đoạt Giải thưởng Nô-ben về kinh tế năm 2008, trong đó có nhận định, thập kỷ đầu thế kỷ XXI có thể gọi là “con số 0 tròn trĩnh” đối với nước Mỹ.

Báo “Người bảo vệ” (The Guardian) của Anh, đăng bài viết đưa ra nhận định: thập kỷ đầu của thế kỷ XXI là thập kỷ không chỉ của những tội tác có phạm vi toàn cầu mà còn là thập kỷ của những tiến bộ đột phá quan trọng.

Qua nghiên cứu tình hình thế giới trong thập kỷ qua, có thể nhận thấy, sự thay đổi thế giới nhanh và mạnh đến chóng mặt trong thập kỷ đầu thế kỷ XXI diễn ra dưới tác động của những sự kiện lớn làm rung chuyển thế giới, vừa gây ra nỗi lo âu, vừa tạo ra niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn của toàn nhân loại.

Nếu cần lấy một hình ảnh nào đó để mô tả các sự kiện làm rung chuyển thế giới, có thể lấy cảnh tượng các cột khói bốc lên nghi ngút trong vụ khủng bố nhằm vào Tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại ở Niu Oóc (Mỹ) vào ngày 11-9-2011. Tuy nhiên, có những sự kiện diễn ra tuy âm thầm lặng lẽ hơn vụ khủng bố 11-9-2001, nhưng cũng có tác động làm rung chuyển thế giới.

Cuộc chuyển giao quyền lực ở Nga và Mỹ

Cuộc chuyển giao quyền lực ở Nga và Mỹ, hai cường quốc đã từng là cựu thù địch từ thời “chiến tranh lạnh”, có tác động làm rung chuyển thế giới bởi đã tạo ra bước ngoặt rất quan trọng, có tính quyết định, tại hai quốc gia đóng vai trò quyết định cục diện chính trị quốc tế.

Đến tận giờ phút giã từ thế kỷ XX, chuẩn bị bước sang thập kỷ đầu tiên trong thế kỷ XXI, thế giới chứng kiến một “cuộc cách mạng chính trị” ở nước Nga, trong đó ông Bô-rít En-xin đang ở cương vị Tổng thống Nga đã hoàn toàn tự nguyện rời khỏi chính trường vào ngày 31-12-1999 và trao quyền lực cho Thủ tướng V.Pu-tin-người vừa mới được bổ nhiệm trước đó không lâu. Dư luận gọi đây là “cuộc cách mạng chính trị” bởi nó là hiện tượng chưa có tiền lệ ở nước Nga thời hiện đại. Cuộc chuyển giao quyền lực êm thấm chưa từng có này trong lịch sử Điện Crem-li đã mở đầu kỷ nguyên phục sinh nước Nga sau một thập kỷ “mò mẫm đi tìm con đường phát triển” sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991. Sự kiện này đánh dấu giai đoạn nước Nga quyết định phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội. Sau khi Liên Xô sụp đổ, giới lãnh đạo ở Nga đã sai lầm khi nhận định, sự mở rộng NATO “sẽ mang theo dân chủ” và “các giá trị phương Tây” cho các nước khác, trong đó có Nga. Sau hai nhiệm kỳ cầm quyền của Tổng thống Nga V.Pu-tin, nước Nga đã lấy lại được vị thế chính trị, kinh tế và quân sự trên thế giới, bước vào giai đoạn phát triển tương đối ổn định và có tiếng nói quan trọng trong các công việc của thế giới.

Còn cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi ở Mỹ vào đầu năm 2001, trong đó, hai ứng cử viên chỉ chênh nhau 1 phiếu và phải đưa kết quả lên Tòa án tối cao phán quyết, đã đưa G.W.Busơ - đại diện cho phái báo thủ mới ở Mỹ, bước vào Nhà Trắng, đánh dấu giai đoạn phiêu lưu mới trong chính sách toàn cầu của Mỹ sau “chiến tranh lạnh”, dẫn tới sự sụp đổ trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo sau gần một thập kỷ cầm quyền và sự khủng hoảng trong chính sách đối nội và đối ngoại của Mỹ.

Trong bài phát biểu gây tiếng vang lớn tại Hội nghị an ninh quốc tế ở Mu-ních (CHLB Đức), Tổng thống Nga V.Pu-tin chính thức tuyên bố, thế giới không chấp nhận trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo, mà hướng tới xây dựng trật tự thế giới mới đa cực công bằng hơn, ổn định hơn, trong đó an ninh của từng quốc gia cũng là an ninh của toàn thế giới.

Vụ khủng bố ngày 11-9-2001 nhằm vào nước Mỹ

Vụ khủng bố ngày 11-9-2001 nhằm vào nước Mỹ đã làm rung chuyển thế giới bởi nó tiến công vào một siêu cường quân sự số 1 thế giới, được bảo vệ vô cùng cẩn mật với hệ thống phòng không dày đặc, nhiều tầng, nhiều lớp tới mức “một con ruồi cũng không thể lọt qua được các trạm ra-đa theo dõi”. Sự kiện này gây bàng hoàng đối với toàn thế giới. Sáng ngày 12-9-2001, các báo lớn trên thế giới đều đăng bài viết với tít lớn “nước Mỹ bị tấn công (!)”.

Nhưng gây chấn động mạnh hơn cả là chính sự kiện 11-9-2001, sự kiện mở đầu cuộc chiến tranh toàn cầu chống khủng bố của Mỹ đã tác động tới tất cả các nước. Nếu thời kỷ “chiến tranh lạnh”, thế giới bị phân chia thành hai hệ thống chính trị đối lập dựa trên cơ sở đối đầu về ý thức hệ, thì sau sự kiện 11-9-2001, Mỹ tự phân chia thế giới thành hai phe: phe khủng bố và phe đi theo Mỹ chống khủng bố. Như vậy, sự kiện 11-9-2001 không chỉ là thảm họa có một không hai nhằm vào nước Mỹ, mà còn tạo cho Mỹ “cơ hội” để tiến hành “cuộc thập tự chinh mới”, để hiện diện quân sự ở bất kỳ đâu trên thế giới, với danh nghĩa “chống khủng bố”. Sau sự kiện 11-9-2001, Mỹ đã phát động hai cuộc chiến tranh lớn nhất sau “chiến tranh lạnh” là chiến tranh Áp-ga-ni-xtan (năm 2001) và chiến tranh I-rắc (năm 2003). Vì thế, nhiều người còn gọi “cuộc chiến tranh toàn cầu chống khủng bố” do Mỹ phát động sau sự kiện 11-9 là cuộc “Chiến tranh thế giới lần thứ III”.

Cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu

Đây là cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế thế giới chưa từng có trong gần một thế kỷ qua. Khác với cuộc khủng hoảng kinh tế đầu những năm 1930, cuộc khủng hoảng kinh tế lần này xảy ra trong kỷ nguyên toàn cầu hóa sâu sắc, làm rung chuyển toàn bộ nền kinh tế thế giới, đặt dấu hỏi lớn trước mô hình kinh tế thị trường tự do kiểu Mỹ, hoặc còn gọi là “mô hình Mỹ”, có tác động sâu sắc tới quan hệ giữa các nước, dẫn tới sự hình thành trật tự kinh tế thế giới mới, với những hậu quả khó có thể dự báo trước được. Nhưng trước hết, cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu đã và đang mở ra kỷ nguyên cạnh tranh và hợp tác giữa các mô hình phát triển trên thế giới.

Cuộc chiến tranh 5 ngày ở Nam Ô-xê-ti-a

Cuộc chiến tranh 5 ngày ở Nam Ô-xê-ti-a bùng phát vào ngày 5-8-2008 giữa một bên là Gru-di-a – nước được Mỹ và NATO hậu thuẫn tích cực và bên kia là Nga – nước đã lấy lại được vị thế cường quốc. Và kết quả là Gru-di-a chịu thất bại bi thảm. Mặc dù chỉ là cuộc chiến tranh khu vực, nhưng Cuộc chiến tranh 5 ngày đã làm rung chuyển nhiều quan hệ quốc tế quan trọng. Đó là, quan hệ Nga - Mỹ; quan hệ Nga - NATO; quan hệ Nga – EU và quan hệ giữa Nga với nhiều nước khác. Báo “Người bảo vệ” ở Anh nhận xét: “Cuộc chiến tranh 5 ngày giữa Gru-di-a và Nga là sự kiện đặt dấu chấm hết cho trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo. Rô-bớt Kê-gân, đại biểu của phái bảo thủ trong Đảng Cộng hòa Mỹ cho rằng, đây còn là một bước ngoặt trong lịch sử thế giới không kém gì sự kiện dỡ bỏ bức tường Béc-lin ngày 9-11-1989.

Nước Mỹ bầu chọn tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử

Sự kiện nước Mỹ bầu chọn Thượng nghị sỹ Ba-rắc Ô-ba-ma làm Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử không chỉ làm rung chuyển nước Mỹ, mà còn tác động lớn đối với thế giới. Với cương lĩnh “thay đổi”, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đã đưa ra nhiều chính sách nhằm thay đổi nước Mỹ và thế giới.

Trong lĩnh vực đối nội, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đã phải đưa ra nhiều biện pháp nhằm đưa nước Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế trầm trọng nhất trong gần thế kỷ qua. Ngay trong điều kiện khủng hoảng, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đã đưa ra chính sách bảo hiểm y tế cho toàn dân, gây nhiều tranh cãi, buộc người của Đảng Cộng hòa phải gọi ông là “người có tư tưởng xã hội chủ nghĩa”. Trong lĩnh vực đối ngoại, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma chuyển ưu tiến chiến lược của Mỹ từ châu Âu sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương; với tuyên bố “sự đồng thuận Oa-sinh-tơn đã chấm dứt”, ông chia thay với trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo và tuyên bố về một “trật tự thế giới đa đối tác” hoặc “trật tự thế giới mạng”.

Các thảm họa thiên nhiên khủng khiếp

Không chỉ trên chính trường, chính trị mà trong thập kỷ qua, thế giới cũng đã phải trải qua nhiều thảm họa và thiên tai để lại những hậu quả nghiêm trọng. Trận động đất và sóng thần Tu-na-mi ở Ấn Độ Dương năm 2004 được coi là thiên tai có một không hai trong lịch sử, không chỉ tàn phá nhà cửa, hoa màu mà còn cướp đi khoảng hơn 200 nghìn sinh mạng tại các nước thuộc vành đai Ấn Độ Dương. Ở Mi-an-ma, ước tính có hơn 100 nghìn người dân nước này thiệt mạng và mất tích, hàng trăm nghìn người khác rơi vào cảnh màn trời chiếu đất từ cơn bão Na-git năm 2008. Động đất xảy ra ở tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) vào tháng 5-2008 cũng là một thiên tai lớn trong thập kỷ vừa qua. Ước tính có hơn 90 nghìn người bị chết hay mất tích trong trận động đất này. Gần đây nhất, trận động đất ở Ha-i-ti đã gần như tàn phá hoàn toàn đất nước nghèo khổ nhất ở châu Mỹ này, khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng. Vụ lụt lớn chưa từng có ở Pa-ki-xtan năm 2010 đã đưa hàng trăm nghìn người dân nước này vào cảnh không nhà cửa và đói khát. Những thảm họa đó đang làm thay đổi căn bản nhận thức của con người, rằng Trái Đất là ngôi nhà chung của tất cả các nước và cần bảo vệ nó, đồng thời đặt ra trước nhân loại một vấn đề bức thiết là cần có sự đoàn kết và thống nhất của tất cả các quốc gia trong cuộc chiến nhằm đối phó với các thách thức thiên tai, tránh lao vào các cuộc chạy đua vũ trang vô cùng tốn kém và tổn hao nhân lực.

Nhiều sự kiện khoa học làm thay đổi diện mạo cuộc sống con người

Thập kỷ qua, thế giới chứng kiến những sự kiện khoa học và công nghệ kỳ vĩ, liên quan trực tiếp tới nhiều lĩnh vực phục vụ cuộc sống con người.

Năm 2000, các nhà khoa học đã hoàn thành công trình giải mã bộ gen người, mở ra kỷ nguyên khám phá cơ chế hoạt động của sự sống, tạo ra những tiến bộ có tính cách mạng trong y học và sinh học, trong đó quan trọng nhất là tạo ra các cơ quan nội tạng, thậm chỉ cả con người, từ tế bào gộc.

Năm 2001 mở đầu kỷ nguyên du lịch trên vũ trụ với việc người đầu tiên thực hiện chuyến bay tham quan an toàn trên quỹ đạo. Năm 2001, trạm vũ trụ Hòa Bình của Nga hoàn thành sứ mệnh, đã từng thực hiện thành công 23.000 thí nghiệm khoa học, đón nhận 104 lượt chuyên gia nghiên cứu khoa học. Năm 2003, Trung Quốc phóng thành công tàu vũ trụ Thần Châu 5 có người lái, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba có người ra ngoài bầu khí quyển Trái Đất, sau người Nga và người Mỹ. Năm 2004, rô-bốt tự động Linh hồn (Spirit) và Thời cơ (Opportunity) của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đổ bộ lên Sao Hỏa, bắt đầu sứ mệnh thám hiểm hành tinh đỏ để tìm kiếm dấu vết về nền văn minh ngoài Trái Đất.

Năm 2007, các nhà khoa học Mỹ và Nhật Bản tạo ra tế bào gốc từ da người, một thành tựu có tính cách mạng trong y học, mở ra khả năng tạo tế bào gốc với mã gen cụ thể của cá nhân để chữa các bệnh nan y và loại trừ nguy cơ thải ghép.

Năm 2009, Trung tâm nghiên cứu hạt nhân quốc tế ở châu Âu đã vận hành máy gia tốc hạt siêu lớn LHC (Large Hadron Collider), đánh dấu sự phát triển có tính cách mạng trong khoa học và trong cách nhìn nhận của loài người về thế giới. Kết quả thí nghiệm trên LHC sẽ trả lời những câu hỏi đã từng nung nấu các nhà khoa học nhiều thế hệ như vũ trụ trước thời điểm xảy ra Vụ Nổ Lớn ra sao? Lý giải thế nào về một vấn đề then chốt khác của khoa học là “vật chất đen” chiếm khoảng 70% lượng vật chất trong vũ trụ.

Thập kỷ đầu thế kỷ XXI còn chứng kiến sự phát triển mang tính bùng nổ của mạng Internet, có tác động “làm phẳng thế giới”. “Thế giới phẳng” trở thành chủ đề được bàn luận sôi nổi trong thập kỷ qua. Xét từ góc độ công nghệ thông tin, “thế giới phẳng” được hiểu theo 2 nghĩa.

Nghĩa thứ nhất, công nghệ thông tin đem lại cho con người một công cụ vô cùng hiệu quả và tiện dụng để có thể giao tiếp nhanh nhạy ở bất kỳ khoảng cách nào trên hành tinh, trong bất kỳ thời gian nào, trong bất kỳ thời tiết nào; có thể chia sẻ thông tin, tâm tư tình cảm với bất kỳ ai, ở bất kỷ đâu.

Nghĩa thứ hai, với chiếc máy tính có màn hình phẳng, kết nối với mạng internet, con người có thể học tập, nghiên cứu khoa học, giải trí, du lịch, mua sắm v.v. trên phạm vi toàn cầu. Lúc đó, người ta nói thế giới được gói gọn trên màn hình phẳng của máy tính, hoặc “thế giới phẳng”. Đây là biểu hiện của cuộc cách mạng thông tin vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại.

NATO không ngừng mở rộng

Trong thập kỷ qua, trái với tuyên bố của Tổng thống Mỹ G.H.Bu-sơ (1989-1993) rằng, NATO sẽ không mở rộng thêm sau khi bức tường Béc-lin sụp đổ, liên minh quân sự này tiếp tục mở rộng và chưa có dấu hiệu dừng lại trong thập kỷ tới. Sau “chiến tranh lạnh”, NATO đã kết nạp thêm 12 thành viên mới và hiện vẫn chủ trương kết nạp thêm nhiều thành viên nữa. Năm 2010, NATO thông qua Chiến lược mới nhằm biến NATO thành công cụ an ninh toàn cầu, sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự bên ngoài phạm vi lãnh thổ các quốc gia thành viên theo quyết định của NATO mà không cần được phép của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đe dọa sự ổn định và hoà bình ở châu Âu và trên thế giới.

Sự nổi lên của các cường quốc mới và phong trào cánh tả ở Mỹ La-tinh

Thập kỷ qua chứng kiến sự nổi lên đầy ngoạn mục của các cường quốc với có vị thế toàn cầu. Đó là Nga, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Ấn Độ.

Sau hai nhiệm kỳ cầm quyền, với tài thao lược và nhãn quan chính trị sắc bén, Tổng thống Nga V.Pu-tin đã củng cố hệ thống chính trị rối ren, vực dậy nền kinh tế Nga từ tình trạng hoang tàn và đổ nát, lấy lại uy thế quân sự, đưa nước Nga trở thành một trong 10 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới, biến đồng rúp trở thành một đồng tiền có giá trị thanh toán quốc tế như đồng đô-la, đồng ơ-rô hoặc đồng yên. Đến nay, nền kinh tế của Nga không chỉ dựa vào tiềm năng tài nguyên thiên nhiên khổng lồ mà còn dựa vào nền kinh tế tri thức, nhờ phát triển và có những đột phá mang tính cách mạng trong công nghệ cao. Giờ đây, Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép tiếp tục chèo lái đưa nước Nga phát triển nhằm trở thành cường quốc của thế giới về kinh tế, quân sự và chính trị vào năm 2020.

Cũng trong thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, Trung Quốc, một nước lớn nhất thế giới về dân số, trỗi dậy một cách “ngoạn mục” và trở thành đối trọng với giấc mộng bá chủ toàn cầu của Mỹ. Trung Quốc đã trải qua giai đoạn “im lặng chờ thời” chuyển sang giai đoạn phát triển mạnh mẽ, cạnh tranh với Mỹ trên phạm vi khu vực và toàn cầu. Năm 2010, Trung Quốc đã là nước có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng Cộng sản Trung Quốc, tới năm 2020, GDP của Trung Quốc sẽ đạt 4000 tỉ USD, gấp 4 lần năm 2000; Trung Quốc sẽ xây dựng thành công xã hội khá giả cho hơn 1 tỉ dân. Cũng trong thập kỷ qua, Trung Quốc trở thành nước thứ ba trên thế giới phóng thành công tàu vũ trụ có người lái, đưa ngành công nghiệp vũ trụ Trung Quốc vượt lên trên Nhật Bản và Ấn Độ. Sự vươn lên của Trung Quốc trong thập kỷ qua là một trong những kịch bản lớn nhất của thế giới. Trong những thập kỷ tới, Trung Quốc sẽ tăng cường hơn nữa sức mạnh và tầm ảnh hưởng.

Thập kỷ qua còn chứng kiến một Liên minh châu Âu (EU) thống nhất. Hiệp ước Li-xbon của EU được tất cả các nước phê chuẩn vào tháng 12-2009, mở ra một chương mới trong lịch sử 50 thành lập liên minh. Lần đầu tiên, EU bầu chọn ra hai chức danh mới là Tổng thống và Ngoại trưởng của tổ chức. Hiệp ước Li-xbon là tiền đề quan trọng để EU thực hiện những kế hoạch đầy tham vọng và nâng cao ảnh hưởng trên toàn cầu, mở đầu quá trình xây dựng một nhà nước liên bang ở châu Âu đang tìm cách thoát khỏi vòng cương toả của Mỹ. Cựu ngoại trưởng Pháp Vin-lơ-panh cho rằng, cần phải xây dựng một thế giới đa cực, bởi một cường quốc độc nhất sẽ không bảo đảm được trật tự thế giới.

Cùng với EU, trong thập kỷ qua, Nhật Bản đang tìm cách thoát khỏi cái “ô an ninh” của Mỹ, tích cực xây dựng hình ảnh nước lớn về chính trị để có thể “đứng ngay, ngồi thẳng với Mỹ”. Cuộc bầu cử Hạ viện và Thủ tướng mới ở Nhật Bản trong năm 2009 đã trở thành “cơn động đất chính trị” ở quốc gia này bởi Đảng Dân chủ Tự do (LDP) đã thất bại trước Đảng Dân chủ (DPJ) sau nửa thế kỷ cầm quyền. Cú huých dẫn tới “cơn động đất chính trị” ở Nhật Bản lần này cũng là khát vọng của người Nhật hướng tới thay đổi vị thế của quốc gia này không chỉ trong nền kinh tế toàn cầu mà cả trong nền chính trị và an ninh của thế giới và khu vực.

Thập kỷ vừa qua còn chứng kiến một nước Ấn Độ được mệnh danh là “quốc gia có thị trường bán lẻ lớn nhất hành tinh”; “cái nôi của cuộc cách mạng xanh”; “siêu cường quốc phần mềm” của thế giới v.v. Trong những năm vừa qua, chính phủ Ấn Độ đặc biệt chú trọng đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao làm chỗ dựa vững chắc cho nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực chinh phục và khai thác khoảng không vũ trụ, đưa nền kinh tế Ấn Độ phát triển với tốc độ nhanh. Trong mười năm qua, GDP của Ấn Độ liên tục tăng trưởng trung bình 6%/năm. Với nhịp độ đó, đến năm 2025, Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế đứng thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và Mỹ.

Cùng với sự trỗi dậy của các cường quốc mới, thập kỷ vừa qua còn chứng kiến phong trào chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI phát triển mạnh mẽ ở Mỹ La-tinh. Như vậy, trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI, chủ nghĩa xã hội vẫn tồn tại và phát triển sau khi Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa tan rã và cuộc đại khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu bùng phát vào cuối năm 2008 từ trong lòng một nước tư bản phát triển nhất thế giới, đã hé mở một kỷ nguyên mới trong lịch sử phát triển của loài người, trong đó diễn ra quá trình cạnh tranh và hợp tác giữa hai mô hình phát triển có tính chủ đạo: mô hình chủ nghĩa tư bản thời đại toàn cầu hoá và mô hình chủ nghĩa xã hội.

Dưới tác động của các sự kiện lớn làm rung chuyển thế giới, nhân loại đang chuẩn bị bước sang thập niên thứ hai với niêm hy vọng được đón nhận những thay đổi lớn nhằm hướng tới một hành tinh bình yên hơn, ổn định hơn, nhiều hoà bình và ít chiến tranh hơn, nhưng sẽ vẫn tiềm ẩn những yếu tố bất định, khó lường./.