Ba mươi nhăm năm quan hệ Việt Nam - Ấn Độ
Ba mươi lăm năm đã trôi qua kể từ khi hai nước Việt Nam - Ấn Độ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (7-1-1972 - 7-1-2007). Có thể nói quan hệ giữa hai nước là mối quan hệ lịch sử, truyền thống, thủy chung và trong sáng. Tình hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ do Chủ tịch Hồ Chí Minh và cố Thủ tướng Ấn Độ Nê-ru đặt nền móng đã được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp. Khởi nguồn từ sự giao lưu văn hóa từ xa xưa, quan hệ hai nước hiện đang ngày càng được phát triển về mọi mặt.
Nhìn lại lịch sử giao lưu văn hóa giữa hai nước
Đất nước Ấn Độ, nhìn dọc theo hướng Bắc - Nam, từ dãy núi Hi-ma-lay-a, được ví như "lâu đài tuyết" hay "bông sen trắng vĩ đại". Ấn Độ được coi là một trong những cái nôi văn minh của nhân loại. Văn hoá Ấn Độ ảnh hưởng sâu rộng trên phần lớn khu vực Đông - Nam Á, theo nhận xét của ông G.Cô-đê viết trong cuốn "Lịch sử cổ đại các quốc gia Ấn hoá viễn Đông" thì từ đây bắt đầu sự lan toả của một nền văn hoá có tổ chức, dựa trên quan niệm Hin-đu về vương quyền, được xác định đặc trưng bằng sự tôn thờ Phật giáo.
Từ đầu Công nguyên cho đến thời Trung cổ, Đông - Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng đã có sự giao lưu văn hoá với Ấn Độ. Việc truyền bá đạo Phật, việc các nhà sư hay đạo sĩ, các thương gia thường lui tới vùng biển, vùng núi ở khu vực này ít nhiều tác động tới việc truyền bá văn hóa của Ấn Độ tại nơi đây.
Những thương nhân, giáo sĩ Ấn Độ đã có mặt ở Việt Nam từ thế kỷ thứ I sau Công nguyên; tham gia quá trình hình thành và phát triển của vương quốc Phù Nam và để lại ngày nay những dấu tích trên những tấm bia khắc chữ Xan-crít, được gọi là bia Phù Nam.
Ở miền Trung Việt Nam, sự ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đến quá trình hình thành và phát triển của vương quốc Chăm-pa càng đậm nét hơn. Trong suốt lịch sử của Chăm-pa, ảnh hưởng của Hin-đu giáo và Phật giáo đều thể hiện rõ nét trên cả kiến trúc và tượng thờ của Chăm-pa. Không chỉ ảnh hưởng về văn hóa, tôn giáo, qua con đường thông thương trung gian, các thương nhân Ấn Độ cổ xưa còn góp phần làm cho Chăm-pa trở nên nổi tiếng là một đầu mối buôn bán, nơi cập bến thuận tiện của đường hàng hải Đông - Tây; đặc biệt làm cho Phù Nam trở thành trung tâm thương mại quốc tế cổ đại, một trung tâm Phật giáo và Hin-đu giáo.
Ngày nay, những biểu hiện đậm nét của quá trình giao lưu văn hoá giữa Việt Nam - Ấn Độ vẫn còn được lưu giữ tại các ngôi chùa Việt Nam với tượng Phật, tượng Bồ Tát, với những thủ ấn đặc trưng của đạo Phật Ấn Độ. Sự giao thoa văn hóa này đã được mở rộng trong tâm thức mọi người dân với Tứ đại vô lượng (Từ, Bi, Hỉ, Xả) của nhà Phật kết hợp với Ngũ Thường (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín) của đạo Nho làm thành nền tảng đạo lý của cuộc sống. Như vậy, trong suốt chiều dài lịch sử, đối với Việt Nam, Ấn Độ là hình ảnh một đất nước thân quen, gần gũi.
Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ phát triển về mọi mặt
Quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Ấn Độ là mối quan hệ mang tính truyền thống, bền vững. Mặc dù có những bước thăng trầm trong lịch sử quan hệ do tác động của bối cảnh quốc tế, song Việt Nam - Ấn Độ luôn duy trì, phát triển quan hệ song phương trên mọi lĩnh vực.
Về chính trị và ngoại giao, hai nước thường xuyên thiết lập các chuyến thăm chính thức cấp cao giữa hai nước: các nhà lãnh đạo cấp cao của Ấn đã sang thăm Việt Nam như chuyến thăm của Phó Tổng thống Ấn Độ S. Ra-ha Krít-na vào tháng 9-1957, của Tổng thống Ấn Độ R.Pra-sát vào tháng 5-1959; Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Ấn Độ vào các năm 1954 và 1958. Những năm sau đó, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ ngày càng khởi sắc, thể hiện qua chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng R.Gan-đi vào năm 1985, 1988, của Thủ tướng P.V. Na-ra-sim-ha Rao vào năm 1994, và Thủ tướng A.B. Va-giơ-pai-ơ (năm 2001). Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đã có các chuyến sang thăm Ấn Độ: Thủ tướng Phạm Văn Đồng (năm 1978, 1980), Tổng Bí thư Lê Duẩn (năm 1984), Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (năm 1989), Tổng Bí thư Đỗ Mười (năm 1992), Thủ tướng Võ Văn Kiệt (năm 1997), Chủ tịch nước Trần Đức Lương (năm 1999).
Đặc biệt, trong chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (tháng 5-2003), hai bên đã ra Tuyên bố chung về Khuôn khổ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ bước vào thế kỷ XXI với mục tiêu phát triển hợp tác chiến lược cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, ông Nát-oa Xinh trong chuyến thăm Việt Nam (tháng 10- 2004) đã phát biểu rằng quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa Ấn Độ và Việt Nam cần được tiếp tục phát triển nhằm đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước.
Việt Nam và Ấn Độ đã có những quan điểm tương đồng về các vấn đề khu vực và quốc tế, nhất là về các vấn đề an ninh và phát triển; đánh giá cao những bước phát triển tích cực gần đây ở khu vực Đông - Nam Á và Nam Á. Ấn Độ đã hoan nghênh những đóng góp to lớn của Việt Nam đối với Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á (ASEAN), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), nhất là vai trò của Việt Nam trong việc thúc đẩy tiến trình hợp tác chặt chẽ giữa châu Á và châu Âu thông qua Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM). Chính phủ Ấn Độ đã ủng hộ Việt Nam trong quá trình đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) . Về phần mình, Việt Nam đánh giá cao vai trò và vị thế quốc tế ngày càng cao của Ấn Độ; Việt Nam ủng hộ Ấn Độ trong việc tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á cũng như thúc đẩy tiến trình hợp tác giữa ấn Độ với ASEAN. Hai bên nhất trí ký kết các thỏa thuận về tham khảo chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao; tiếp tục hợp tác trên cơ sở song phương và tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như tổ chức Liên hợp quốc, Hợp tác Nam - Nam, Hội nghị cấp cao Đông Á, Hợp tác sông Hằng - Mê Công (MGC)…
Việt Nam hoàn toàn ủng hộ chính sách hướng Đông của Ấn Độ - chính sách đối ngoại mà Ấn Độ theo đuổi từ lâu nhằm củng cố vị thế trong một môi trường quốc tế có nhiều biến động từ sau chiến tranh lạnh, đặc biệt từ sau "sự trỗi dậy" của Trung Quốc và sự phát triển vượt bậc của ASEAN. Ấn Độ điều chỉnh chiến lược đối ngoại của mình theo hướng ưu tiên quan hệ quốc tế, mở rộng bạn hàng với tất cả các nước. Thực thi chính sách này, Ấn Độ tiến hành thu hút đầu tư nước ngoài, tăng cường xuất khẩu, ổn định chính trị - xã hội trong nước. Bên cạnh đó, Ấn Độ quan tâm cải thiện quan hệ với các nước lớn trên thế giới, nhất là với hai nước láng giềng lớn là Trung Quốc và Pa-ki-xtan; đồng thời từng bước xác lập vị thế nước lớn của mình.
Việt Nam, với vai trò là thành viên của ASEAN, ASEM và Hợp tác Đông Á, lại nằm trong vị trí chiến lược, sẽ là cầu nối quan trọng trong việc mở rộng quan hệ của Ấn Độ với các nước trong khu vực.
Về văn hóa, tiếp nối quan hệ truyền thống tốt đẹp, hai nước đã ký kết Hiệp định hợp tác văn hóa (12-1976), Chương trình trao đổi văn hóa giai đoạn 1998-2000 (12-1998), Nghị định thư về việc gia hạn Chương trình trao đổi văn hóa giai đoạn 2001-2003 (1-2001).
Trong lĩnh vực giáo dục, hai nước đã tiến hành trao đổi thông tin về hệ thống giáo dục của mỗi nước, trao đổi sách giáo khoa cũng như các ấn phẩm trong lĩnh vực giáo dục phổ thông; thiết lập sự tương ứng ở các cấp văn bằng; khuyến khích và phát triển hợp tác song phương giữa các trường đại học; bảo đảm phương tiện cho học giả của mỗi nước hoàn thành chương trình nghiên cứu tại nước bạn. Hằng năm, Chính phủ Ấn Độ cấp cho Việt Nam hàng trăm học bổng đào tạo ngắn hạn và dài hạn, trong đó chủ yếu là hỗ trợ sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh Việt Nam sang học tập và nâng cao nghiệp vụ tại nước Ấn Độ; cung cấp trang thiết bị và đào tạo cán bộ Việt Nam về công nghệ hạt nhân…
Hai nước đã tổ chức các buổi triển lãm nghệ thuật; trao đổi các ấn phẩm âm nhạc dân gian, truyền thống; tổ chức các buổi giao lưu giữa các nhà văn, dịch giả văn học của hai nước; trao đổi sách và tài liệu giữa Viện khoa học xã hội của Việt Nam và Trung tâm nghệ thuật quốc gia In-đi-a Gan-đi.
Quan hệ văn hoá Việt Nam - Ấn Độ không chỉ làm tăng thêm tính đa dạng văn hoá của hai nước, mà còn góp phần vào việc duy trì hợp tác hữu nghị song phương. Đây là mẫu hình đẹp trong quan hệ văn hoá, nhất là trong xu thế toàn cầu hoá đang gia tăng, nền văn hoá của các dân tộc đang đứng trước nguy cơ "bị nhất thể hoá" bởi sức mạnh kinh tế, quân sự của các siêu cường.
Về hợp tác kinh tế - thương mại, Việt Nam - Ấn Độ đã ký các hiệp định thương mại, hiệp định tránh đánh thuế hai lần, khuyến khích và bảo hộ đầu tư. Kim ngạch buôn bán hai chiều giữa hai nước tăng 20% - 30%/ năm trong giai đoạn 2001-2005: năm 2002 đạt 375 triệu USD (trong đó hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang ấn Độ trị giá 53 triệu USD); năm 2003, con số đó tăng lên gần 500 triệu USD (Việt Nam xuất khẩu 35,8 triệu USD); năm 2004 đạt 667,05 triệu USD; năm 2005 đạt 697 triệu USD (xuất khẩu của Việt Nam chiếm khoảng 98 triệu USD). Sáu tháng đầu năm 2006, trao đổi thương mại giữa hai nước đạt khoảng 463 triệu USD; giá trị hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ là 63 triệu USD(1). Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Ấn Độ bao gồm hàng điện tử, chè, tinh dầu, cao su tự nhiên, kim loại màu, nguyên liệu hóa chất...Việt Nam nhập khẩu từ Ấn Độ các sản phẩm y dược, hóa chất đã qua chế biến, nhiên liệu nhựa dẻo, thảm trải, máy công cụ, hóa chất, bông vải sợi sơ chế, thép… Về đầu tư, tính đến tháng 8-2006, Ấn Độ đã có 15 dự án được cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký là 120,5 triệu USD và vốn thực hiện lên tới 607,5 triệu USD, đứng thứ 28 trong tổng số 74 nước có vốn đầu tư vào Việt Nam, trong đó dự án khai thác khí đốt ở Nam Côn Sơn là dự án có vốn lớn nhất, khoảng 350 triệu USD. Tuy vậy, đầu tư của ấn Độ vào Việt Nam chưa nhiều và quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Ấn Độ nhìn chung chưa thật tương xứng với mối quan hệ hữu hảo cũng như tiềm năng vốn có của mỗi bên. Hai bên còn chưa chú trọng đúng mức đến việc tìm hiểu và phổ biến thông tin thị trường của nhau. Phía Việt Nam chưa đánh giá hết về tiềm năng và sự phát triển thị trường của Ấn Độ; ngược lại, Ấn Độ cũng chưa thực sự đi sâu tìm hiểu thị trường tiêu thụ của Việt Nam nên chưa mạnh dạn đầu tư. Trước mắt, để thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại, theo các chuyên gia kinh tế, hai nước cần tiến hành lập cơ quan chuyên trách về xúc tiến thương mại, đầu tư và hợp tác khoa học-kỹ thuật giữa hai nước; tiến tới việc dành quy chế tối huệ quốc cho nhau; lập Khu vực mậu dịch tự do thương mại song phương; đưa ra các biện pháp tăng cường trao đổi thương mại như tổ chức các hội chợ thương mại ở mỗi nước, trao đổi các phái đoàn doanh nghiệp và giải quyết vấn đề mất cân đối trong thương mại song phương thông qua đa dạng hoá các mặt hàng buôn bán...nhằm thực hiện mục tiêu sớm nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 1 tỉ USD trong những năm tới.
Hợp tác khoa học- công nghệ cũng là một thế mạnh và là lĩnh vực hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Ấn Độ. Hai nước đã có những hiệp định cấp chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực này. Ngoài việc cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam sang Ấn Độ, chính phủ Ấn Độ sẵn sàng hợp tác với Việt Nam thành lập một chuỗi các phòng thí nghiệm nghiên cứu khoa học. Về công nghệ thông tin, hiện có 35 cơ sở đào tạo công nghệ thông tin do doanh nghiệp Ấn Độ và Việt Nam hợp tác thành lập. Điển hình là Công ty FPT của Việt Nam liên doanh với Công ty APTECH của Ấn Độ thành lập trung tâm FPT APTECH nhằm đào tạo các chuyên gia công nghệ thông tin cho Việt Nam tại Ấn Độ. Chính phủ Ấn Độ còn hỗ trợ cho Việt Nam hai dự án không hoàn lại về công nghệ thông tin, gồm Trung tâm nguồn lực cao Việt Nam - Ấn Độ và Trung tâm phát triển nguồn nhân lực cao Việt Nam - Ấn Độ về lĩnh vực công nghệ thông tin với sự tham gia của 6 trường đại học trên khắp Việt Nam(2).
Du lịch cũng là một lĩnh vực đầy tiềm năng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước. Theo ông Xu-hát Gôi-an, Chủ tịch Ủy ban hàng không và du lịch của Hiệp hội các phòng thương mại Ấn Độ, Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia hấp dẫn nhất về du lịch ở khu vực Đông - Nam Á. Và trong tương lai, theo Tổng cục trưởng Du lịch Việt Nam Võ Thị Thắng tại cuộc hội đàm với Bộ trưởng Du lịch Ấn Độ Cha-hu-đi, kế hoạch mở rộng đường bay trực tiếp Việt Nam - Ấn Độ với tần suất 20 chuyến/ tháng dưới hình thức liên doanh hoặc cùng hợp tác sẽ được xúc tiến nhằm góp phần thúc đẩy ngành hàng không hai nước ngày càng phát triển. Hai bên đã tiến hành thảo luận các chương trình hợp tác cụ thể giữa các công ty du lịch của hai nước. Chính phủ Ấn Độ cam kết sớm bỏ rào cản về thị thực nhập cảnh đối với Việt Nam và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho du khách Ấn Độ tới Việt Nam.
Mặc dù có sự khác biệt về bối cảnh xã hội, hệ tư tưởng, thể chế chính trị, song hai nước Việt Nam - Ấn Độ vẫn luôn sát cánh bên nhau, củng cố và tăng cường hợp tác hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị đến kinh tế, văn hoá - xã hội. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay với nhiều cơ hội và thách thức, việc phát huy truyền thống hữu nghị giữa Việt Nam - Ấn Độ, tạo đà phát triển quan hệ đoàn kết, tin cậy, nâng cao hiệu quả hợp tác song phương nhiều mặt nhất định sẽ mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước cũng như những đóng góp thiết thực vào việc gìn giữ hoà bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới./.
Về xã hội thông tin và xã hội tri thức hiện nay  (15/01/2007)
Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2006 và triển vọng năm 2007  (15/01/2007)
Đảng bộ và nhân dân Quảng Ninh trước nhiệm vụ chính trị năm 2007  (15/01/2007)
Hòa Bình nhìn lại sau 15 năm tái lập và đi tới  (15/01/2007)
Quảng Nam: qua 10 năm tách tỉnh – nhìn lại và nghĩ tới  (15/01/2007)
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Thống nhất nhận thức và hành động, tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế
- Kỳ họp thứ 53 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hưng Yên
- Thành ủy Hải Phòng và Tạp chí Cộng sản ký kết Chương trình phối hợp nghiên cứu, tuyên truyền về xây dựng chủ nghĩa xã hội gắn với con người xã hội chủ nghĩa tại thành phố Hải Phòng
- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Sắp xếp để vốn nhà nước được quản lý và phát triển tốt nhất
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay