TCCS - Những tác động bất lợi do cơn bão số 3 (Yagi) gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ gieo trồng cây vụ đông của tỉnh, ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh các giải pháp nhằm đạt kế hoạch gieo trồng cây vụ đông đã đề ra.

Nông dân xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch chăm sóc cây ngô đông_Ảnh: Nguyễn Hòa

Vụ đông năm 2024, huyện Lập Thạch có kế hoạch gieo trồng 2.100ha, trong đó, cây ngô 1.100ha, cây khoai lang 200ha, cây rau các loại 300ha... Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão số 3, những ngày đầu tháng 9-2024, trên địa bàn huyện có mưa lớn kéo dài, nước lũ trên sông Lô và sông Phó Đáy đổ về đã làm ngập sâu 16 thôn của 3 xã Đồng Ích, Triệu Đề, Sơn Đông. Ngoài ra, còn có một số vùng đất bãi thuộc các xã, thị trấn Liên Hòa, Quang Sơn, Hoa Sơn cũng bị ngập sâu và rút chậm. Do vậy, việc bố trí sản xuất vụ đông trở lên khó khăn hơn các năm trước, tiến độ gieo trồng vụ đông vì thế cũng bị ảnh hưởng. 

Là địa phương có có diện tích cây vụ đông lớn nhất huyện Lập Thạch, vụ đông năm 2024, xã Đồng Ích phấn đấu gieo trồng hơn 300ha cây rau màu, trong đó có 50 - 60ha trồng ngô; 40 - 50ha trồng khoai lang; 10 - 12ha trồng cây đậu tương...  Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Ích Triệu Đức Cảnh cho biết: “Do ảnh hưởng của bão số 3 đã làm hư hại gần 1km kênh mương nội đồng của xã, đến nay vẫn chưa thể sửa chữa do chưa có kinh phí. Để tạm thời khắc phục, UBND xã đã quy hoạch lại vùng trồng, cơ cấu cây trồng sang các loại cây có thời gian sinh trưởng ngắn ngày phù hợp. Đồng thời, chỉ đạo tổ chức nạo vét kênh mương, sửa chữa hệ thống kênh tưới, tiêu, trạm bơm nhỏ để chủ động bơm nước phục vụ sản xuất kịp thời hiệu quả. Đối với 10ha đất sản xuất bị ngập lụt ở 4 khu vực, gồm thôn Đại Lữ, Hoàng Chung, Tân Lập, Xuân Đán, xã chỉ đạo, hướng dẫn nông dân gieo trồng cây ngắn ngày vào thời gian từ giữa tháng 10 đến cuối tháng 11-2024. Phấn đấu gieo trồng đạt hơn 95% diện tích trong khung thời vụ”.

Để bảo đảm diện tích, năng suất, cơ cấu cây trồng, UBND huyện Lập Thạch đang tích cực chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với các xã, thị trấn rà soát lại diện tích vụ đông, nhất là các xã vùng trũng bị ngập lụt, như Sơn Đông, Đồng Ích, Liên Hòa, Tiên Lữ; chỉ đạo, hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp điều kiện canh tác năm. Trước đó, huyện đã kiện toàn Ban Chỉ đạo sản xuất vụ đông, trong đó, phân công mỗi thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách từ 1 - 2 xã, thị trấn và thường xuyên xuống cơ sở phối hợp với các địa phương nắm bắt diễn biến để có phương án đẩy nhanh tiến độ gieo trồng hiệu quả.

UBND huyện xây dựng kế hoạch sản xuất, giao chỉ tiêu cho các địa phương; chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng đa dạng hóa các loại cây trồng, tập trung vào các loại cây có giá trị kinh tế cao, như rau, hoa, quả, cây ưa lạnh, cây trung tính; mở rộng diện tích sản xuất ngô sinh khối kết hợp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất; thực hiện đồng bộ các biện pháp trong thâm canh cây trồng để hạ giá thành sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế. Khai thác triệt để điều kiện đất đai, thủy lợi của từng địa phương nhằm tạo ra sản phẩm cho năng suất, chất lượng, giá trị cao, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhờ đó, tính đến ngày 19-10-2024, toàn huyện Lập Thạch đã gieo trồng được 1.285,8ha/2.100ha đạt 61% kế hoạch. Trong đó cây ngô 765ha, đạt 70%; cây khoai lang 82,6ha, đạt 41%; rau các loại 161,2ha, đạt 42%... Đến hết tháng 10-2024, tiến độ gieo trồng cây vụ đông toàn huyện đạt 80%.

Không chỉ tại huyện Lập Thạch, các địa phương khác như Sông Lô, Vĩnh Tường cũng là những huyện có tiến độ gieo trồng bị ảnh hưởng nhiều bởi ảnh hưởng của mưa bão. Để thực hiện mục tiêu sản xuất vụ đông, ngay từ trung tuần tháng 9-2024, cùng với việc thu hoạch lúa vụ mùa, bà con nông dân ở các địa phương đã tập trung giải phóng đất, xuống giống trên diện tích đất 2 vụ lúa được bố trí gieo trồng cây vụ đông. Năm nay, sản xuất vụ đông diễn ra trong điều kiện bất lợi do điều kiện thời tiết và giá các loại vật tư đầu vào phục vụ sản xuất tăng cao, ảnh hưởng đến tâm lý người sản xuất. Mặt khác, do ảnh hưởng của mưa bão đầu vụ làm nhiều diện tích cây trồng vụ đông vừa xuống giống bị ngập, gây thiệt hại. Những trở ngại trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện mục tiêu, tiến độ sản xuất vụ đông của các địa phương.

Khắc phục những khó khăn trên, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nông dân đổi mới tư duy sản xuất, linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng mở rộng diện tích cây rau màu vụ đông có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ rộng dựa vào đặc điểm vùng sinh thái nông nghiệp. Đơn cử như: Vùng sản xuất rau su su, rau ngắn ngày ven chân núi Tam Đảo; vùng trồng bí đỏ tại các xã Vũ Di, xã Yên Lập, huyện Vĩnh Tường; vùng trồng khoai lang tại các xã Đồng Cương, xã Bình Định, huyện Yên Lạc; vùng trồng cây rau giống tại các xã Tân Tiến, xã Đại Đồng và thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường; vùng trồng dưa chuột tại xã An Hòa, huyện Tam Dương... Qua đó, giúp thuận tiện trong việc tiêu thụ và nâng cao sức cạnh tranh và tăng hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích đất canh tác.

Vụ đông năm 2024, toàn tỉnh có kế hoạch gieo trồng 14.500ha, tính đến ngày 20-10-2024, toàn tỉnh diện tích gieo trồng đạt 84%. Trước tác động của biến đổi khí hậu và giá vật tư đầu vào tăng cao, ngành nông nghiệp tỉnh chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng tăng diện tích các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, như rau, củ, quả ngắn ngày...; mở rộng diện tích sản xuất ngô sinh khối kết hợp áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất; áp dụng biện pháp làm bầu, làm đất tối thiểu để tranh thủ thời vụ; tăng cường sử dụng các loại phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, sinh học và thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc; gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài các giải pháp về điều hành sản xuất, ngành nông nghiệp tỉnh và các huyện, thành phố đang tiếp tục mời gọi, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm vụ đông. Đồng thời, chủ động liên hệ, kết nối nhu cầu các địa phương tỉnh, thành phố lân cận, nắm bắt nhu cầu sử dụng nông sản để kết nối tiêu thụ giữa các địa phương, doanh nghiệp và nông dân, giúp ổn định đầu ra cho nông sản, bảo đảm sinh kế cho người dân nông thôn./.