Kinh nghiệm thế giới trong xây dựng không gian xanh và một số kiến nghị chính sách cho Ninh Bình
TCCS - Không gian xanh được phát triển trên cơ sở mật độ xây dựng thấp, hệ số sử dụng đất cao, kiến trúc không gian đô thị mở và khai thác có hiệu quả tài nguyên, bảo tồn văn hóa địa phương và các di sản. Nình Bình với lợi thế sẵn có của mình đang hướng đến một không gian xanh mang bản sắc địa phương. Vì vậy, việc nghiên cứu kinh nghiệm thế giới để có những định hướng chính sách cho phát triển của địa phương là cần thiết.
Không gian xanh và vai trò của nó
Hệ thống công viên, vườn hoa, mặt nước và đường phố tại các đô thị, những không gian công cộng đô thị có tiềm năng phát triển cây xanh và các hoạt động xã hội, sau đây được gọi chung là không gian xanh công cộng đô thị đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra môi trường đô thị lành mạnh, có lợi cho sức khỏe, làm cho các thành phố trở nên đẹp hơn, hấp dẫn hơn, đáng sống hơn cho tất cả mọi người. Ngoài những đóng góp tích cực về mặt môi trường, được coi là lá phổi của thành phố, không gian xanh còn là điểm đến hấp dẫn của người dân, địa điểm phục vụ các hoạt động nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí và rèn luyện sức khỏe.
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy các hoạt động thể chất như đi bộ, tập thể dục, vui chơi hằng ngày trong các không gian xanh, như công viên, vườn hoa… có thể làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch, đột quỵ và tiểu đường,... Những không gian xanh này không chỉ cần thiết đối với người cao tuổi và trẻ em mà còn quan trọng đối với thanh niên và phụ nữ bởi đây là môi trường mà họ thư giãn, giao tiếp, vui chơi. Các không gian xanh giúp mọi người gắn kết và giúp họ trở nên gắn bó với thành phố, với cộng đồng nơi mình học tập, làm việc và sinh sống.
Không gian xanh trong quá trình phát triển đô thị trên thế giới
Trong lịch sử phát triển, khái niệm “không gian xanh” đã liên tục tiến hóa song hành với nhận thức ngày càng tăng về vai trò của nó trong không gian đô thị lẫn đời sống kinh tế - xã hội, và trên hết là đối với chính cuộc sống của con người.
Từ trước thế kỷ XIX (trước Cách mạng công nghiệp), mặc dù “không gian xanh” có thể chưa được hiểu rộng rãi như ngày nay, các tầng lớp tinh hoa trong xã hội châu Âu đã sớm đề cao tính thẩm mỹ và giải trí của cây xanh, sân vườn, từ đó có nhiều phương pháp khác nhau để tạo ra các không gian xanh gắn với thiết kế công trình. Đồng thời, không gian xanh cũng đã xuất hiện trong những bản thảo quy hoạch đầu tiên của các đô thị lớn tại châu Âu dưới nhiều hình thức. Một số thành phố lớn như London và Paris đã sớm xây dựng các công viên đô thị quy mô lớn trước thế kỷ XIX, với ý tưởng chính là cung cấp không gian giải trí dễ dàng tiếp cận cho cư dân và nâng cao chất lượng môi trường sống. Một số thành phố khác, như Amsterdam, đã lồng ghép không gian xanh vào cấu trúc đô thị. Các kênh đào được trang trí bằng cây bụi và cây xanh, giúp giảm ngột ngạt và làm đẹp cho thành phố.
Giai đoạn cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX (thời kỳ công nghiệp), các thành phố châu Âu bắt đầu chào đón các ý tưởng tích hợp công viên và không gian xanh vào quy hoạch các khu nhà ở. Nổi bật là Phong trào Thành phố Vườn ở Anh, do Ebenezer Howard khởi xướng, với mục tiêu tạo ra các cộng đồng cư dân độc lập với nhiều khu vườn.
Giai đoạn từ giữa đến cuối thế kỷ XX (thời kỳ sau Chiến tranh thế giới thứ II), các thành phố châu Âu bắt đầu tập trung vào việc bảo tồn và mở rộng không gian xanh trong bối cảnh các khu vực đô thị phục hồi và mở rộng. Vào những năm 1970, Amsterdam đã thông qua một bản quy hoạch đô thị không dựa vào ô tô, thay vào đó tập trung vào việc đạp xe, đi bộ và các lối đi xanh, làm tiền đề cho phát triển đô thị bền vững.
Ở Hoa Kỳ, phong trào bảo vệ môi trường hiện đại đã nổi lên vào giữa thế kỷ XX, với sự ủng hộ việc bảo tồn không gian xanh và sự ra đời các công viên quốc gia. Các dự án đổi mới đô thị như Dự án Phát triển Khu phức hợp Battery Park City vào những năm 1970, hay Dự án phục hồi Central Park ở thành phố New York vào những năm 1980, đã làm nổi bật vai trò quan trọng của không gian xanh trong việc cải tạo đô thị.
Từ đầu thế kỷ XXI đến nay, các thành phố châu Âu tiếp tục tiên phong trong việc phát triển không gian xanh sáng tạo. Công viên Olympic (London, Anh), với thiết kế bền vững và nhiều cây xanh, là một ví dụ điển hình. Ở Hoa Kỳ, các thành phố như San Francisco đã thúc đẩy xu hướng nông nghiệp đô thị, trong khi các thành phố khác như Portland đã đầu tư vào kết cấu hạ tầng xanh để quản lý nước mưa thông qua các giải pháp như hố thoát nước sinh thái và mái xanh. Sự chú trọng vào không gian xanh tiếp tục gia tăng, đặc biệt sau khi nhận thức về biến đổi khí hậu và tính cấp thiết hình thành các mô hình đô thị thích ứng ngày càng rõ nét.
Một số kinh nghiệm của thế giới
Để có được những định hướng, hướng dẫn cho các hoạt động này, các chính quyền đô thị cần xây dựng các tài liệu chính sách như chiến lược hoặc kế hoạch quốc gia về phát triển không gian xanh công cộng tại các thành phố. Cụ thể như:
Chính sách phân loại không gian xanh
Một thành phố thường cần nhiều loại không gian xanh sử dụng công cộng đa chức năng để đáp ứng nhu cầu xã hội, sức khoẻ, kinh tế và môi trường của cộng đồng, do đó mỗi thành phố nên xác định hệ thống phân loại riêng, bao gồm tên, quy mô, mục đích sử dụng cho mỗi loại không gian xanh.
Không gian xanh công cộng được phân loại theo cấp quản lý/phục vụ, như không gian xanh cấp thành phố là những không gian công cộng ngoài trời có quy mô lớn, đa chức năng, phục vụ cư dân và du khách toàn thành phố, hay các không gian xanh cấp quận là các không gian công cộng ngoài trời có quy mô trung bình, phục vụ một số dân nhỏ hơn so với các không gian công cộng thành phố.
Các không gian công cộng cấp quận hoạt động như là đầu mối hoặc điểm thu hút chính của hai hoặc nhiều khu dân cư và thường nằm trên các trục đường chính), và các không gian xanh cấp khu dân cư là các không gian công cộng được thiết kế để phục vụ một khu dân cư.
Ngoài ra, còn có thể có các loại hình không gian xanh khác được phân loại theo chức năng, như không gian xanh đường phố, công viên, vườn hoa và quảng trường cây xanh… Chính quyền các đô thị nên xây dựng các chính sách phân loại không gian xanh dựa trên kinh nghiệm địa phương và sự tham gia của cộng đồng.
Về bố trí các địa điểm không gian xanh
Các nội dung về địa điểm bố trí không gian xanh giúp các thành phố xác định các không gian công cộng hiện có và xác định những khu vực cần phát triển thêm các không gian công cộng mới. Nếu có quỹ đất thì thành phố cần xác định các vị trí phát triển trên bản đồ trong quy hoạch và chỉ định phạm vi sẽ được sử dụng làm không gian xanh công cộng trong tương lai. Điều này sẽ giúp bảo vệ quỹ đất để sử dụng cho mục đích công trong tương lai.
Quỹ đất trống, chưa sử dụng của thành phố là một cơ hội tốt cho việc phát triển không gian xanh trong tương lai. Còn tại các thành phố đã phát triển, mật độ xây dựng đã cao thì tìm kiếm những khu vực đất trống là một thách thức. Trong những trường hợp như vậy, các thành phố cần rà soát lại toàn bộ hệ thống không gian công cộng hiện có để xác định liệu có thể cải thiện và thêm chức năng cây xanh vào những mục đích sử dụng hiện có hay không.
Một chiến lược hiệu quả khác là rà soát không gian đang sử dụng chưa hiệu quả trong cộng đồng. Một không gian chưa được sử dụng hiệu quả có thể là không gian có giá trị cho sử dụng công cộng nhưng đang bị bỏ quên hoặc đang bị chiếm dụng cho các mục đích khác. Những không gian chưa được sử dụng hiệu quả trong cộng đồng có thể là bãi đậu xe, đường phố, khu vực dưới gầm các đường trên giao thông trên cao, cầu vượt, và những khu đất trống, bỏ hoang. Xem xét các không gian chưa được sử dụng trong cộng đồng có mở ra khả năng xây dựng thêm các không gian xanh công cộng ngoài trời.
Về nguyên tắc, các không gian xanh phải được quy hoạch, xây dựng ở vị trí có thể tiếp cận an toàn được, sử dụng được và có các chức năng thỏa mãn nhu cầu của cư dân trong cộng đồng. Bố trí cùng hoặc gần với các mục đích sử dụng thiết yếu và quan trọng khác của cộng đồng như trường học, thư viện, trung tâm cộng đồng.
Thiết kế không gian xanh đa dụng
Việc thiết kế không gian xanh sử dụng công cộng trong đô thị rất quan trọng vì nó sẽ ảnh hưởng tới chất lượng chung của không gian. Đặc biệt, thiết kế ảnh hưởng trực tiếp tới các hoạt động có thể diễn ra tại không gian xanh. Thiết kế các khu vực cây xanh bóng mát hợp lý trong tổng thể khu đất sẽ tạo ra cảm giác tiện nghi, thoải mái cho người sử dụng. Chính quyền địa phương có thể phát triển các hướng dẫn thiết kế không gian xanh nói chung và không gian công cộng ngoài trời nói riêng tuân thủ các đặc điểm cụ thể mà thành phố hướng tới.
Mỗi địa phuong và thành phố đều có những tầm nhìn và mục tiêu khác nhau, quan trọng là quá trình thiết kế không gian xanh cần có sự tham gia của người dân và người sử dụng để bảo đảm rằng chúng được phát triển đáp ứng nhu cầu nhiều mặt của cộng đồng từ đó tạo nên sự thành công của địa điểm.
Việc quản lý vận hành không gian xanh
Quản lý vận hành sau khi xây dựng là công việc quan trọng cần được đề cập trong phát triển không gian xanh của các đô thị. Công tác bảo trì quan trọng đối với sự thành công của không gian xanh và không gian công cộng mở. Nếu công viên cây xanh được duy trì với chất lượng kém sẽ làm giảm đáng kể số lượng người đến cũng như các lợi ích nhiều mặt khác mà chúng có thể đem lại. Việc bảo trì hiệu quả cũng giúp giảm chi phí vận hành công viên cây xanh.
Xây dựng các kế hoạch quản lý, duy trì khác nhau cho từng loại hình không gian xanh trong thành phố có thể rất hữu ích cho chính quyền đô thị và cộng đồng. Nếu các loại công viên trong thành phố đa dạng và khác biệt đáng kể, thì các chính quyền thành phố nên xem xét việc xây dựng các chính sách quản lý theo nhu cầu bảo trì của từng loại công viên. Chính quyền thành phố có thể phát huy sự tham gia của cộng đồng tại các không gian xanh của địa phương. Đặc biệt tại các không gian xanh khu dân cư, các thành viên cộng đồng sẽ là người hiểu rõ và thực hiện việc quản lý tốt hơn ai hết.
Về nguồn lực tài chính
Nếu không có kinh phí, công tác thiết kế, xây dựng và quản lý duy trì công viên sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều. Vì vậy cần xây dựng các chính sách về tài chính nhằm bảo đảm rằng kinh phí sẽ được cung cấp đầy đủ và kịp thời từ các nguồn đáng tin cậy và nhất quán. Để có các chính sách về tài chính toàn diện, lý tưởng là chúng cần được kết hợp từ nhiều nguồn gồm cả chính quyền địa phương và chính quyền các cấp cao hơn như thành phố, vùng, tỉnh và quốc gia.
Thông thường, các chính quyền địa phương bố trí ngân sách cụ thể cho các công viên thông qua quy trình ngân sách của thành phố. Ngân sách thường được cấp từ thuế địa phương và các nguồn khác của thành phố và quốc gia. Chính quyền địa phương sau đó sẽ xác định việc phân bổ cho các không gian xanh. Đây là phương pháp cấp kinh phí phổ biến nhất khi nói đến không gian công cộng. Bên cạnh đó, tài trợ từ các khu vực tư nhân như các doanh nghiệp và cá nhân có thể tạo ra một nguồn thu nhập cho các thành phố để hỗ trợ phát triển và duy trì các không gian xanh.
Một số khuyến nghị chính sách cho Ninh Bình
Ninh Bình có diện tích tự nhiên không lớn, gần 1.400km2 nhưng có địa hình đa dạng: có đồi núi, sông hồ, đồng bằng, vùng biển, mang đầy đủ sắc thái địa hình Việt Nam thu nhỏ… Đây là điều kiện cơ bản để tỉnh xây dựng không gian xanh góp phần vào việc thúc đẩy phát triển du lịch. Từ kinh nghiệm thế giới trong phát triển không gian xanh, có thể đề xuất một số khuyến nghị như sau:
Trước hết, cần xác định các không gian xanh sử dụng công cộng trong đô thị nói chung và không gian công cộng ngoài trời nói riêng đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của người dân đô thị.
Các không gian này bên cạnh việc thúc đẩy hoạt động thể chất và giải trí, tạo cơ hội giao tiếp xã hội cho mọi người, thu hút khách du lịch và cung cấp các khu vui chơi cho trẻ em, chúng còn làm tăng sự hấp dẫn cảnh quan đô thị và cung cấp những không gian tự nhiên đa dạng.
Việc phát triển không gian xanh còn mang lại những lợi ích lớn về môi trường giúp giảm nhiệt đô thị, hạn chế ô nhiễm không khí và thích ứng với biến đổi khí hậu. Với những lý do trên, việc phát triển và duy trì các không gian xanh cần được Ninh Bình ưu tiên phát triển. Phát triển không gian xanh cần được coi là một phần quan trọng của phát triển đô thị. Cùng với phát triển các hạ tầng công như giao thông, trường học, bệnh viện, chợ và nhà ở, phát triển không gian xanh cần được nhìn nhận là một hạ tầng thiết yếu cho phát triển các đô thị.
Để có được những không gian xanh sử dụng công cộng đô thị thành công, các cấp chính quyền cần xây dựng những chính sách và hướng dẫn tổng thể: thứ nhất, phân loại các loại hình không gian xanh đô thị; thứ hai, quy hoạch/xác định địa điểm; thứ ba, đưa ra nguyên tắc và tiêu chí thiết kế; thứ tư, xác định nguồn lực tài chính; thứ năm, có phương án quản lý/vận hành và duy trì.
Khi tạo ra khung chính sách, sự hợp tác giữa chính quyền địa phương, vùng và quốc gia cùng với sự tham gia của người dân sẽ góp phần giúp các chính sách được thực hiện hiệu quả hơn.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, phát triển hệ thống không gian xanh sử dụng công cộng tại các đô thị là một quá trình liên tục cần nhiều nỗ lực và bền bỉ. Các thách thức sẽ liên tục nảy sinh ngay cả khi đã có những chính sách tốt và thực thi hiệu quả. Để có những không gian xanh, không gian công cộng chất lượng thì công tác vận hành, bảo trì và giám sát thường xuyên là cần thiết.
Các cấp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Bình tham gia các phong trào thi đua yêu nước: Kết quả và nhiệm vụ thời gian tới  (06/10/2024)
Huyện ủy Kim Sơn vận động các tôn giáo tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh  (05/10/2024)
Ninh Bình phát triển kinh tế xanh từ lợi thế tài nguyên văn hóa  (05/10/2024)
Tỉnh Ninh Bình bảo đảm an sinh xã hội - hiệu quả từ công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân  (02/10/2024)
Tỉnh Ninh Bình: Tăng cường bảo tồn thiên nhiên, gìn giữ đa dạng sinh học trong phát triển kinh tế - xã hội  (27/09/2024)
Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cho người dân tỉnh Ninh Bình  (26/09/2024)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay