Gắn kết giáo dục đại học với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - nền tảng phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
TCCS - Cơ sở giáo dục đại học là nơi phát triển và nuôi dưỡng tri thức. Hệ thống giáo dục đại học luôn cần có sự gắn kết với khoa học, công nghệ. Trong bối cảnh hiện nay, giáo dục đại học phải tiếp cận và là tiền đề cho đổi mới sáng tạo mới đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong cơ sở giáo dục đại học hiện nay
Cơ sở giáo dục đại học là nơi đào tạo nhân lực trực tiếp cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo không chỉ là kiến thức, thái độ, khả năng thích ứng, mà còn là các kỹ năng, năng lực trong xây dựng, triển khai thực hiện các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Để làm được điều này, nghiên cứu nhất thiết phải là một trong hai nhiệm vụ quan trọng của một giảng viên đại học bên cạnh chức năng đào tạo, có như vậy, người học mới có cơ hội học và nghiên cứu cùng giảng viên, từ đó hình thành và tích lũy năng lực nghiên cứu. Mỗi cơ sở giáo dục đại học cần xây dựng trong hệ thống đánh giá hiệu quả hoạt động của giảng viên, bao gồm cả đánh giá hoạt động giảng dạy và hoạt động nghiên cứu.
Đối với nhiều cơ sở giáo dục đại học, việc cân đối giữa đào tạo, nghiên cứu và trách nhiệm xã hội vẫn là bài toán chưa có lời giải thỏa đáng. Hạn chế về tài chính dẫn tới cơ sở giáo dục đại học chỉ tập trung chủ yếu vào hoạt động đào tạo, đặc biệt là đào tạo đại học, hầu như chưa tập trung cho đào tạo sau đại học. Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, so với tổng quy mô đào tạo tất cả trình độ của giáo dục đại học, quy mô đào tạo trình độ thạc sĩ chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 5%, ở trình độ tiến sĩ khoảng 0,6%, thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt đáng lo ngại là, tỷ trọng quy mô đào tạo sau đại học khối ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) còn thấp hơn nhiều, ở trình độ thạc sĩ chỉ đạt hơn 2%, ở trình độ tiến sĩ chỉ đạt xấp xỉ 0,3% và có xu hướng tiếp tục giảm. Quy mô đào tạo sau đại học giảm sẽ kéo theo sự sụt giảm về nguồn nhân lực thực hiện hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây là nguy cơ dẫn tới sự thiếu hụt lớn về đội ngũ nhân lực khoa học, công nghệ trình độ cao. Việc cơ sở giáo dục đại học chỉ tập trung chủ yếu vào hoạt động đào tạo cũng đồng thời sẽ đánh mất cơ hội hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Thiếu điều này thì hệ sinh thái đổi mới sáng tạo địa phương, vùng và quốc gia khó có cơ hội phát triển.
Nhìn tổng thể hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học hiện nay vẫn có một số hạn chế, điểm nghẽn:
Về hành lang pháp lý: Việc quản lý nguồn kinh phí hoạt động khoa học, công nghệ của doanh nghiệp nhà nước theo Nghị định số 95/2014/NĐ-CP, ngày 17-10-2014, của Chính phủ, “Quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học công nghệ” phải theo nguyên tắc như quản lý ngân sách nhà nước, trong khi doanh nghiệp thường có ít kinh nghiệm để xây dựng, đề xuất tuyển chọn, thực hiện giải ngân, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học, công nghệ nên gặp không ít khó khăn trong sử dụng nguồn vốn này. Doanh nghiệp mong muốn được sử dụng nguồn vốn khoa học, công nghệ theo hình thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng. Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN, ngày 31-5-2022, của Bộ Khoa học và Công nghệ, “Về hướng dẫn sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp” đã phần nào tháo gỡ được vướng mắc về sử dụng kinh phí khoa học, công nghệ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hình thức này lại vướng về việc định giá sản phẩm khoa học, công nghệ, không định giá được sản phẩm khoa học, công nghệ doanh nghiệp không dám khoán chi. Hơn nữa, Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN vẫn yêu cầu doanh nghiệp chi kinh phí từ quỹ khoa học, công nghệ của đơn vị theo quy định dự toán chi như kinh phí ngân sách nhà nước tương tự quy định tại Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT/BKHCN-BTC, của liên bộ Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Tài chính.
Nghị định số 54/2016/NĐ-CP, ngày 14-6-2016, của Chính phủ, Quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập, đã tạo ra “cú hích” cho khoa học, công nghệ khi quy định miễn, giảm thuế thu nhập, thuế giá trị gia tăng (VAT) cho các tổ chức này. Tuy nhiên, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, của Chính phủ, “Quy định cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập”, đưa chung các tổ chức khoa học, công nghệ, y tế, giáo dục, dân số vào cùng một nhóm đơn vị sự nghiệp công lập nên ưu đãi về thuế không còn hiệu lực.
Để phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, cần có môi trường học tập, nghiên cứu, tương tác một cách năng động, sáng tạo và sự quan tâm, thông qua các cơ chế công bằng và thông thoáng. Nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo là một trong ba trụ cột quan trọng trong mục tiêu chiến lược đầu ra của một cơ sở giáo dục đại học bên cạnh trụ cột đào tạo và doanh nghiệp/dịch vụ, tuy nhiên do nhiều điều kiện khác nhau mà trụ cột nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo chưa được đặt đúng vị trí, do rào cản nhận thức và khó khăn về nguồn đầu tư. Chức năng nghiên cứu cần được coi là một trong những chức năng chính của một giảng viên, bên cạnh chức năng đào tạo. Có như vậy, cơ sở giáo dục đại học mới có cơ sở đặt chỉ số đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động (KPI) cho mỗi giảng viên và yêu cầu KPI tối thiểu mỗi giảng viên cần đạt.
Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 569/QĐ-TTg, ngày 11-5-2022, đặt ra nhiều mục tiêu, định hướng lớn về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của quốc gia, nhưng để thực hiện được cần tháo gỡ điểm nghẽn về cơ chế triển khai như đã trao đổi ở trên, đồng thời cần thay đổi quan điểm thiếu niềm tin vào nhà khoa học và cơ quan chủ trì thông qua quy trình giải ngân kinh phí thông thoáng, ứng dụng chuyển đổi số, áp dụng chuẩn mực liêm chính nghiên cứu và chấp nhận rủi ro.
Về chính sách thu hút nhân tài: Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” đã yêu cầu: “Quy định khung cơ chế, chính sách ưu đãi để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các ngành, lĩnh vực mũi nhọn phục vụ cho phát triển nhanh, bền vững. Xây dựng Chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài theo hướng không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài”. Luật số 52/2019/QH14, ngày 25-11-2019, “Luật Quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, viên chức và Luật Viên chức” quy định: “Nhà nước có chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng. Chính phủ quy định khung chính sách trọng dụng và đãi ngộ đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ”. Tuy nhiên, chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài hiện nay chưa được ban hành do hành lang pháp lý chưa đồng bộ để bảo đảm chiến lược có thể đi vào thực tiễn.
Nghị định số 140/2017/NĐ-CP, ngày 5-12-2017, của Chính phủ, “Về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ”, đã được các địa phương vận dụng và mang lại những thành tựu nhất định, nhưng nhiều nhân tài sau khi được thu hút đã xin chuyển công tác sang khu vực tư nhân do có môi trường làm việc năng động và triển vọng thăng tiến trong nghề nghiệp cao hơn.
Về đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 khẳng định, Nhà nước phấn đấu bảo đảm mức chi cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm. Chi ngân sách nhà nước cho khoa học, công nghệ có xu hướng tăng trong gần 20 năm qua. Năm 2020, tổng dự toán chi sự nghiệp khoa học, công nghệ đạt 12.800 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2016. Tính chung giai đoạn 2016 - 2020, tổng dự toán chi ngân sách nhà nước sự nghiệp khoa học, công nghệ đã được Quốc hội thông qua là 59.529 tỷ đồng, tăng gấp hơn 5 lần so với giai đoạn 2001 - 2005, tăng gấp hơn 2 lần so với giai đoạn 2005 - 2010, và giảm nhẹ 8,4% so với giai đoạn 2011 - 2015.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, năm 2019 tổng chi ngân sách cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam chiếm 0,53% GDP, đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN, sau Xin-ga-po (1,89%), Thái Lan (1,14%), Ma-lai-xi-a (1,04%). Con số này thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong chi ngân sách cho khoa học, công nghệ nếu so sánh về quy mô GDP trong khu vực ASEAN (năm 2021 quy mô GDP của Việt Nam đứng thứ 5 trong khối ASEAN), mặc dù còn ở mức khá thấp so với trung bình của thế giới (2,63%, năm 2020). Ngân sách này dùng để chi thường xuyên và chi cho các quỹ, các nhiệm vụ. Cụ thể, năm 2021, chi cho khoa học, công nghệ của Việt Nam là 7.732 tỷ đồng, tính trên tổng chi ngân sách Trung ương của năm là 827.550 tỷ đồng, chỉ chiếm 0,934%. Năm 2022, chi cho khoa học, công nghệ dự tính là 9.140 tỷ đồng, tính trên tổng chi của ngân sách Trung ương là 841.310 tỷ đồng, chiếm 1,086%. Trong khi đó, cả nước có khoảng 2.000 tổ chức khoa học, công nghệ ngoài công lập, gần 1.600 tổ chức công lập, bao gồm 261 trường đại học, 141.000 nhà khoa học. Tuy nhiên, chính sách phân bổ ngân sách khoa học, công nghệ dàn trải, vẫn mang tính cào bằng, xin - cho, chưa vận hành tốt theo cơ chế đặt hàng; đầu tư cho hoạt động khoa học, công nghệ tính trung bình trên đầu cán bộ còn thấp và chưa tương xứng.
Nghị định số 95/2014/NĐ-CP, ngày 17-10-2014, của Chính phủ, “Về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học, công nghệ”, quy định doanh nghiệp nhà nước hằng năm phải trích từ 3% đến 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ, nhưng trên thực tế, doanh nghiệp không dễ để giải ngân khoản kinh phí này dù sẵn có hợp tác khá tốt với các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, do quy định giải ngân kinh phí phải theo quy trình giải ngân đối với ngân sách nhà nước. Cũng theo Nghị định số 95/2014/NĐ-CP, doanh nghiệp ngoài nhà nước được quyền trích từ thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp một tỷ lệ hợp lý, tối đa 10% để lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Nguồn kinh phí từ khu vực tư nhân này rất dồi dào, nhưng chưa có cơ chế để khuyến khích, tạo lợi ích hai chiều để doanh nghiệp triển khai hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, trong khi doanh nghiệp không có đủ nguồn nhân lực để triển khai hoạt động nghiên cứu sáng tạo, và do đó nghiên cứu sáng tạo chưa được coi là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp.
Nghị định số 99/2014/NĐ-CP, ngày 25-10-2014, của Chính phủ quy định việc đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học nêu bật nhiều điểm đột phá trong đầu tư và khuyến khích hoạt động khoa học, công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học, trong đó quy định hằng năm dành tối thiểu 5% kinh phí từ nguồn thu hợp pháp của cơ sở giáo dục đại học để đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động khoa học, công nghệ, dành tối thiểu 3% kinh phí từ nguồn thu học phí để người học hoạt động nghiên cứu khoa học. Trên thực tế, rất nhiều cơ sở giáo dục đại học do nguồn thu hạn chế nên dù nỗ lực thực hiện theo đúng quy định, nhưng tổng chi cho khoa học, công nghệ vẫn rất khiêm tốn.
Về hợp tác giữa các trường, viện nghiên cứu và doanh nghiệp: Hợp tác giữa đơn vị đào tạo, nghiên cứu với doanh nghiệp được coi là một trong những điểm mấu chốt bảo đảm cho sản phẩm đào tạo, nghiên cứu được thâm nhập thực tiễn, trải nghiệm và nắm bắt các vấn đề thực tiễn, rèn luyện kỹ năng thực tiễn và tìm hiểu cơ hội việc làm. Ngược lại, doanh nghiệp cũng có cơ hội nắm bắt nguồn cung về nhân lực, tham gia đào tạo đội ngũ kế cận chuẩn bị cho hoạt động tuyển dụng.
Trên thực tế, hoạt động này đang diễn ra theo hướng giải quyết nhu cầu trước mắt của các bên liên quan. Doanh nghiệp hợp tác với cơ sở giáo dục đại học chủ yếu để giải quyết vấn đề tuyển nguồn lao động hoặc cung cấp dịch vụ; cơ sở giáo dục đại học chủ yếu triển khai hợp tác với doanh nghiệp để giải quyết nhu cầu gửi sinh viên thực tập và tạo cơ hội việc làm cho sinh viên. Điều này có thể thấy rõ rằng cả hai đối tác này đều chưa sẵn sàng để triển khai hợp tác một cách bền vững, đặc biệt là các hoạt động phối hợp thuộc về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Điểm nghẽn này phần lớn do những hạn chế trong cơ chế. Ví dụ, khi thiếu những nhân tố thâm nhập thực tiễn, trường, viện nghiên cứu không có nhiều thông tin về các vấn đề doanh nghiệp cần giải quyết, doanh nghiệp cũng thiếu niềm tin về khả năng hỗ trợ từ chuyên gia do không nắm bắt được năng lực giải quyết vấn đề trong một thời gian hạn định.
Các hoạt động hợp tác công - tư giữa cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp gần như chưa diễn ra do các điểm nghẽn trong hình thức và cách thức sở hữu đối với tài chính, tài sản phát sinh. Do đó, thay vì triển khai một hợp tác phối thuộc, tạo sự gắn kết bền vững, lâu dài, tận dụng sức mạnh của nhau để cùng thúc đẩy hoạt động đào tạo đại học, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và hoạt động sản xuất, kinh doanh, các đối tác này chọn hướng hợp tác thông qua việc giải quyết vấn đề ngắn hạn, gắn với nhu cầu trước mắt.
Một số giải pháp thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học
Đổi mới tư duy trong phân bổ ngân sách cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Trước tiên, xác định nguồn ngân sách nhà nước cần được đầu tư chủ yếu cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tức là cần tập trung ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển con người, bao gồm đầu tư phát triển đội ngũ làm khoa học và quản lý khoa học, thúc đẩy nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu tiềm năng, ươm tạo công nghệ; đầu tư cho các ngành công nghiệp nền tảng, lĩnh vực mũi nhọn và ngành, nghề thế mạnh; đầu tư xây dựng và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo...
Nguồn ngân sách cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cơ bản là giới hạn nên cần được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, theo lĩnh vực, ngành nghề, có xét đến ưu tiên vùng, miền và đáp ứng mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế, xã hội. Bên cạnh đó, cần kiến tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi để thu hút đầu tư từ xã hội cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Hoàn thiện thể chế, đổi mới cách thức điều phối, dẫn dắt của cơ quan quản lý nhà nước
Sửa đổi, bổ sung các luật nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, thống nhất các điểm còn chồng chéo để thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng như sửa đổi, bổ sung các nghị định, thông tư và văn bản pháp quy liên quan đến hoạt động, quản lý khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo hướng tạo thuận lợi và đặt niềm tin tối đa vào các nhà khoa học chân chính, các đơn vị chủ trì uy tín thông qua một hệ thống liêm chính khoa học được xây dựng và giám sát chặt chẽ, công khai; chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu. Một nghị định riêng về hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong cơ sở giáo dục đại học cần được xây dựng và ban hành, trong đó nêu rõ địa vị pháp lý của tổ chức khoa học, công nghệ, của nhà khoa học; xây dựng quỹ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, khuyến khích nguồn đầu tư ngoài ngân sách; những ưu đãi về thuế, đầu tư cơ sở vật chất; cơ chế chủ động trong đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo từ nguồn quỹ phát triển khoa học, công nghệ… Nghị định này sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học.
Chính sách thu hút và phát triển nhân tài cần triển khai từ bình diện quốc gia đến địa phương và cần đặc biệt chú trọng tại cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu. Để thu hút và nuôi dưỡng nhân tài, nhất thiết phải thử nghiệm các chính sách đột phá về cơ chế thu nhập, về môi trường nghiên cứu, đầu tư cơ sở vật chất hiện đại để các nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu tiềm năng đạt đến trạng thái “tới ngưỡng”, để giá trị công bố và giá trị thực tiễn của sản phẩm nghiên cứu là cao nhất, thay vì giá trị trung gian.
Cơ chế triển khai đồng bộ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đến vùng, miền, lấy cơ sở giáo dục đại học làm hạt nhân để nâng cao nhận thức, hỗ trợ tài chính, nhân lực và các bước triển khai các hoạt động nghiên cứu, khởi nghiệp và khởi nguồn. Coi kiến thức về khởi nghiệp, khởi nguồn là một trong những kiến thức mà mỗi công dân đều cần được trang bị, có như vậy thì hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia mới được xây dựng và thực sự đi vào vận hành.
Tạo cơ chế thuận lợi thúc đẩy hợp tác công - tư
Cần xây dựng cơ chế thuận lợi thúc đẩy đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp, cơ chế dự nhiệm cho phép giảng viên, nhà nghiên cứu tham gia hoạt động có thời hạn tại doanh nghiệp và do doanh nghiệp trả lương, nhằm xây dựng các hoạt động mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, bao gồm xây dựng dữ liệu về nguồn lực và sản phẩm khoa học, công nghệ, minh bạch hóa quá trình quản lý nhiệm vụ khoa học, công nghệ, hình thành thị trường số về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Có cơ chế, chính sách thúc đẩy gắn kết giữa cơ sở giáo dục đại học với công nghiệp và tăng cường đầu tư cho giáo dục đại học.
Thúc đẩy và khuyến khích hợp tác phối thuộc giữa cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp là chìa khóa giải quyết nhiều mục tiêu, từ mục tiêu xây dựng dữ liệu nhu cầu nguồn nhân lực trình độ cao đến nhu cầu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển đất nước bằng tiềm lực tự cường. Để thực hiện được cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý thông thoáng, đặc biệt là chính sách liên quan đến hợp tác công - tư, như dịch chuyển tạm thời nguồn nhân lực giữa đơn vị công với doanh nghiệp, phân định trong sở hữu công - tư, cơ chế tài chính trong sử dụng nguồn kinh phí khoa học, công nghệ cần được quan tâm xây dựng, thí điểm và vận hành.
Trong bối cảnh tự chủ đại học, giải pháp đột phá nhất để tăng đầu tư cho giáo dục đại học chính là cơ chế thúc đẩy đa dạng nguồn thu cho giáo dục đại học, phát huy sức mạnh từ các nguồn kinh phí hợp tác với doanh nghiệp, nguồn kinh phí huy động từ xã hội.
Hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại cơ sở giáo dục đại học được quyền tự chủ cần được thúc đẩy thông qua cơ chế tài chính mở, bảo đảm nguồn đầu tư cho gắn kết đào tạo, đặc biệt là đào tạo sau đại học với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để chuẩn bị nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xây dựng và huy động quỹ phát triển khoa học, công nghệ từ nguồn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, chú trọng đến nguồn đầu tư dồi dào từ doanh nghiệp và từ xã hội là một giải pháp có tính đột phá, nhưng cần một hành lang pháp lý để triển khai thực hiện.
Các cơ chế để mang nguồn thu bền vững từ hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cho cơ sở giáo dục đại học được quyền tự chủ cần được tạo dựng, trong đó cần có hướng dẫn cụ thể đối với các cơ chế thuận lợi cho việc định giá, nhượng quyền sản phẩm nghiên cứu sáng tạo, đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, giá trị thương hiệu...
Xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng số
Cơ sở giáo dục đại học là “bệ phóng” của tri thức, sáng tạo, vì vậy ở đây cần hình thành và vận hành một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo gắn kết chặt chẽ với hoạt động đào tạo. Trong hệ sinh thái này, đào tạo ở các cấp bậc đều gắn kết chặt chẽ với nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, lấy nhà giáo là chủ thể, là động lực, người học là trung tâm. Các hoạt động nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ được định hướng và dẫn dắt bởi giảng viên. Hoạt động đổi mới sáng tạo lấy nguồn lực là giảng viên, sinh viên, nhưng cần sự dẫn dắt và định hướng thị trường thông qua một bộ phận ươm tạo do hệ thống doanh nghiệp trực thuộc trường vận hành. Hệ thống dữ liệu về nguồn nhân lực và ý tưởng khởi nghiệp, sản phẩm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo được công bố trên nền tảng số thống nhất của đại học. Đây có thể coi như là một nền tảng mở về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo để các quỹ phát triển khoa học và đổi mới sáng tạo phân tích, lựa chọn và đưa ra quyết sách đầu tư. Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của cơ sở giáo dục đại học này cần được kết nối với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, vùng và địa phương để cộng hưởng sức mạnh và khai thác triệt để nguồn lực, hỗ trợ và làm tiền đề cho thị trường khoa học, công nghệ phát triển mạnh, mang lại giá trị cho nền kinh tế và xã hội.
Có chính sách hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Hoạt động hợp tác quốc tế của cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu Việt Nam đang được triển khai và có nhiều khởi sắc trong những năm gần đây. Các tiêu chí về hợp tác quốc tế chiếm một tỷ trọng quan trọng trong các bảng xếp hạng quốc tế uy tín. Những chỉ số, như tỷ lệ giảng viên, sinh viên quốc tế; tỷ lệ trao đổi giảng viên, sinh viên quốc tế trong năm; mạng lưới học giả quốc tế thân thiết, công bố quốc tế có hợp tác với nhà khoa học nước ngoài đang nhận được sự quan tâm của các cơ sở giáo dục đại học. Để nâng cao các tỷ lệ nêu trên, các chương trình đào tạo cần được hội nhập quốc tế về chuẩn đầu ra, nhiều chương trình đào tạo cần được giảng dạy bằng tiếng Anh, môi trường học tập, hệ thống quy chế, quy định, hướng dẫn dành cho sinh viên nước ngoài cần được xây dựng và có đội ngũ vận hành...
Các hoạt động khoa học, công nghệ có hợp tác với nước ngoài hiện nay chủ yếu dựa trên nguồn kinh phí ngân sách thông qua đề tài nghị định thư, hợp tác song phương hoặc qua các quỹ, chương trình thúc đẩy hợp tác, đào tạo và nghiên cứu quốc tế. Các hoạt động này chủ yếu vẫn tập trung vào xây dựng mạng lưới, nâng cao năng lực đội ngũ và trang bị cơ sở vật chất. Kết thúc dự án, chương trình thì hợp tác khó có thể duy trì do thiếu phương thức phù hợp, thiếu nguồn tài chính hỗ trợ.
Tiềm lực tài chính của cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam rất hạn hẹp nên nguồn thu vẫn chủ yếu tập trung cho con người, chi cho nâng cấp cơ sở vật chất nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo, chất lượng nghiên cứu còn thấp. Nguồn kinh phí dành cho hợp tác quốc tế vẫn trông chờ chủ yếu vào khả năng khai thác nguồn hỗ trợ từ nước ngoài hoặc ngân sách nhà nước. Điều này có nghĩa là, chưa thể có sự chủ động trong triển khai thực hiện các hoạt động có tính chất phối thuộc quốc tế về đào tạo, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Quốc tế hóa và toàn cầu hóa chính là cơ hội để chúng ta tiếp cận với tiến bộ và sự thay đổi đang diễn ra từng ngày của khoa học, công nghệ và cũng là cơ hội để các nhà khoa học Việt Nam đóng góp vào kho tàng tri thức của nhân loại. Các chính sách thúc đẩy hợp tác phối thuộc giữa cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu với đối tác nước ngoài cần được xây dựng, cần tăng cường nguồn lực tài chính cho cơ sở giáo dục đại học để các cơ sở này chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch chiến lược quốc tế hóa, trong đó có các hoạt động thu hút chuyên gia quốc tế tham gia vào quá trình đào tạo, nghiên cứu và sáng tạo công nghệ tại Việt Nam./.
Nâng cao phẩm chất, năng lực của phóng viên, biên tập viên ở các tạp chí lý luận chính trị  (15/06/2023)
Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Nhật Bản trên lĩnh vực kinh tế, khoa học - công nghệ và một số hàm ý chính sách đối với Việt Nam hiện nay  (15/06/2023)
Dự báo các xu thế lớn trên thế giới tác động đến môi trường chiến lược của Việt Nam trong 15 năm tới và một số vấn đề đặt ra đối với lợi ích, an ninh quốc gia  (21/04/2023)
Phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên hiện nay  (18/03/2023)
Đổi mới mô hình tăng trưởng lấy khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực chủ yếu  (11/12/2022)
Đổi mới sáng tạo ở Việt Nam hiện nay  (18/10/2022)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay