Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh để thúc đẩy đất nước phát triển bền vững
TCCS - Gia đình vừa là tổ ấm thiêng liêng của mỗi người, vừa là tế bào của xã hội, là cái nôi giáo dục, lưu truyền các giá trị văn hóa của dân tộc. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế với nhiều thời cơ nhưng cũng không ít thách thức và biến động khó lường, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh có vị trí, vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.
1- Trong tâm thức của mỗi người, gia đình chính là trường học đầu tiên và suốt đời nuôi dưỡng, giáo dục con người, là nơi gìn giữ, bồi đắp và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc. Tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, sự thương yêu, đùm bọc, sự thủy chung, lòng hiếu nghĩa, sự cần cù lao động, sáng tạo,… là những giá trị văn hóa được kết tinh và truyền tải qua lời ru của bà, của mẹ, lời dạy của ông, cha theo suốt cuộc đời của mỗi người, là hành trang giúp chúng ta vượt qua những khó khăn, thử thách để hướng tới các giá trị chân, thiện, mỹ, trở thành những công dân tốt của xã hội. Gia đình duy trì, phát triển ở các thành viên những quan hệ tình cảm đặc biệt từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sự hình thành những chuẩn mực và định hướng giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình không chỉ củng cố các mối quan hệ gia đình, mà còn góp phần xây dựng môi trường văn hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho mỗi cá nhân được phát triển hài hòa và toàn diện. Do đó, củng cố gia đình về mọi mặt, xây dựng các quan hệ gia đình lành mạnh bao giờ cũng là cơ sở đầu tiên cho việc củng cố xã hội.
Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn đề cao vị trí, vai trò của gia đình. Văn kiện Đại hội VIII của Đảng đã chỉ rõ: “Phát huy trách nhiệm của gia đình trong việc lưu truyền những giá trị văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác”(1). Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” nhấn mạnh nhiệm vụ thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình thật sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người…; xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, có nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh, chị, em đoàn kết thương yêu nhau; xây dựng mỗi trường học phải thực sự là một môi trường văn hóa giáo dục, rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống; giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ. Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”(2). Đại hội XIII của Đảng chủ trương: “Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam”(3), “…thực hiện các chuẩn mực văn hóa gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh. Đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ”(4); đồng thời, nhấn mạnh nhiệm vụ: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”(5).
Chỉ thị số 06-CT/TW, ngày 24-6-2021, của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới” tiếp tục khẳng định, gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước. Chỉ thị cũng nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới; xây dựng Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2045; chương trình giáo dục quốc gia về gia đình; chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và các chương trình, dự án hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc. Xây dựng dữ liệu số quốc gia về gia đình làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Hiến pháp năm 2013 khẳng định, Nhà nước, xã hội tạo môi trường xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; xây dựng con người Việt Nam có sức khỏe, văn hóa, giàu lòng yêu nước, có tinh thần đoàn kết, ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân. Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 (được phê duyệt tại Quyết định số 629/QĐ-TTg, ngày 29-5-2012, của Thủ tướng Chính phủ) nhấn mạnh, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc là một trong các mục tiêu quan trọng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, đồng thời cũng là trách nhiệm của mọi gia đình trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ngày 30-12-2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2238/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030”, trong đó tiếp tục nhấn mạnh quan điểm gia đình là tế bào của xã hội; nơi duy trì nòi giống; môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách con người và lưu giữ, trao truyền các giá trị văn hóa của dân tộc; là nền tảng xây dựng xã hội hạnh phúc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển bền vững. Phát huy vai trò của gia đình nhằm tạo môi trường giáo dục sớm, góp phần xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, phát triển toàn diện, trở thành trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi để các gia đình nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, tiếp cận các giá trị tốt đẹp của nền văn hóa, văn minh nhân loại và các thành tựu của khoa học - công nghệ.
2- Trên cơ sở thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong hơn 36 năm đổi mới, công tác xây dựng gia đình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân về vị trí, vai trò của công tác xây dựng gia đình ngày càng được nâng lên. Cùng với việc phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tư nhân, kinh tế hộ gia đình ngày càng có nhiều đóng góp cho nền kinh tế. Nhiều hộ gia đình đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Công tác bảo đảm an sinh xã hội; bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và chăm sóc người cao tuổi trong gia đình được coi trọng và có nhiều tiến bộ. Nhiều gia đình đã tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản. Bình đẳng giới, quyền trẻ em, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được đề cao. Đời sống vật chất của các hộ gia đình ngày càng được cải thiện, từ đó thúc đẩy nâng cao đời sống tinh thần và củng cố mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Công tác xây dựng gia đình văn hóa mới cùng các chuẩn mực và giá trị mới phù hợp với sự vận động, phát triển của đất nước ngày càng được chú trọng. Những kết quả đáng ghi nhận của công tác xây dựng gia đình đã góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam; thực hiện thành công Mục tiêu thiên niên kỷ về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh.
Đặc biệt, những kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 1-6-2012, của Hội nghị Trung ương 5 khóa XI “Về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020” đã đánh dấu một bước đột phá lớn, tạo tiền đề cho Việt Nam tiếp cận gần hơn với các tiêu chuẩn quốc tế và các thông lệ tốt nhất về an sinh xã hội, từ đó có tác động tích cực tới chất lượng sống của các hộ gia đình. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 2%/năm (từ 14,2% cuối năm 2010 xuống dưới 4,5% năm 2015). Giai đoạn 2016 - 2020, mặc dù điều chỉnh nâng chuẩn nghèo, song tỷ lệ hộ nghèo cũng liên tục giảm bình quân 1 - 1,5%/năm (từ 7,9% năm 2016 xuống còn 2,23% năm 2021); thu nhập bình quân hộ nghèo năm 2020 bằng 2,3 lần so với năm 2015, bằng 3,5 lần so với năm 2010. Số người hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên tăng lên hằng năm, đạt 3,25 triệu người (bao phủ 3,5% dân số) năm 2021. Một số địa phương tự cân đối được ngân sách đã chủ động tăng ngân sách cho trợ giúp xã hội, điều chỉnh nâng mức trợ cấp hằng tháng cao hơn mức chuẩn chung hoặc mở rộng diện thụ hưởng chính sách. Nhờ những kết quả khả quan trong thực hiện chính sách xã hội mà chất lượng cuộc sống của mỗi gia đình ngày càng được cải thiện, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam được nâng lên đáng kể (từ vị trí 128/187 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2011 lên vị trí 117/187 năm 2020)(6).
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây dựng gia đình ở nước ta thời gian qua vẫn còn không ít hạn chế. Ở một số địa phương, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của gia đình và công tác xây dựng gia đình. Việc quán triệt và tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về gia đình có nơi còn thiếu đồng bộ. Việc phát huy vai trò của cộng đồng và đầu tư nguồn lực cho công tác xây dựng gia đình chưa được quan tâm xứng tầm; chưa có giải pháp đồng bộ, kịp thời để phòng ngừa, ngăn chặn tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, lối sống thực dụng, thông tin tiêu cực trên internet và các phương tiện truyền thông xã hội tới gia đình. Tình trạng bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ, xâm hại tình dục, sử dụng lao động trẻ em chưa được xử lý triệt để. Ở một số địa phương, công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình, hoạt động của các tổ hòa giải chưa thực sự hiệu quả. Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở không ít địa phương còn nhiều hạn chế, bất cập. Việc bình xét, công nhận gia đình văn hóa ở không ít nơi còn hình thức… Việc thực hiện chính sách xã hội còn một số bất cập, từ đó tác động tới công tác xây dựng gia đình. Dịch vụ xã hội chưa được đầu tư phát triển đồng bộ, chưa phát huy hết chức năng, nhiệm vụ, chất lượng còn hạn chế, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của nhiều gia đình…
3- Đại hội XIII của Đảng đã đề ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nêu rõ, kiên định mục tiêu phát triển toàn diện, phát triển bền vững; bảo đảm phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa gắn chặt với thực hiện chính sách an sinh xã hội, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, phát triển con người; xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Hệ thống chính sách xã hội năm 2030 hướng đến toàn dân, bao trùm và toàn diện; đáp ứng các nhu cầu an sinh xã hội và dịch vụ xã hội cho nhân dân, tạo cơ hội phát triển cho mọi người dân và "không để ai bị bỏ lại phía sau"; tạo nền tảng xây dựng xã hội tiến bộ, công bằng, bình đẳng, nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Để góp phần hiện thực hóa các mục tiêu trên, phát huy vai trò của gia đình, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh có ý nghĩa vô cùng quan trọng và cần có các giải pháp đồng bộ.
Một là, đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội về tầm quan trọng, vị trí, vai trò của gia đình và công tác xây dựng gia đình trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; về thực hiện chính sách dân số và phát triển; về phòng, chống bạo lực gia đình, về xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh trong thời kỳ mới. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục các thành viên gia đình về chủ trương, chính sách, pháp luật, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, kỹ năng ứng phó với rủi ro và khủng hoảng trong cuộc sống; nâng cao chất lượng mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Tổ chức tập huấn tiền hôn nhân, truyền thông giáo dục, cung cấp kiến thức xây dựng gia đình hạnh phúc cho các thành viên gia đình trẻ.
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy và chính quyền đối với công tác gia đình, coi đó là một nội dung quan trọng trong các chương trình, kế hoạch công tác. Nâng cao trách nhiệm quản lý, điều hành công tác gia đình. Đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030. Tăng cường kiểm tra việc thi hành luật pháp, chính sách, thực hiện các nhiệm vụ công tác liên quan đến gia đình nhằm bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của các gia đình, thúc đẩy việc thực hiện nghĩa vụ của các gia đình, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực gia đình. Đề cao tính chủ động và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc hỗ trợ xây dựng, phát triển gia đình. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính cho công tác gia đình. Ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học về gia đình; hoạch định, tổ chức thực hiện và đánh giá chính sách về gia đình.
Ba là, tăng cường bồi đắp và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trong mỗi gia đình Việt Nam, xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam thời kỳ mới. Tiếp tục triển khai xây dựng các mô hình gia đình kiểu mẫu “ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”; nhân rộng mô hình “bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” nhằm tăng cường sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Nhân rộng các tấm gương người tốt, việc tốt, những tấm gương sáng điển hình có đóng góp tích cực cho công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; lên án và phê phán các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ phụ trách công tác gia đình, cộng tác viên, tình nguyện viên, thành viên tổ tư vấn, người phụ trách địa chỉ tin cậy ở cộng đồng; lực lượng hòa giải ở cơ sở. Xây dựng cơ sở dữ liệu về gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình.
Bốn là, bảo đảm việc thực hiện chính sách xã hội đi vào nền nếp, có chiều sâu, hướng tới mục tiêu xây dựng một hệ thống an sinh xã hội đa tầng thật sự, dựa trên cách tiếp cận vòng đời, bền vững, bao trùm, ứng phó được những biến động khó lường của xã hội. Huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để thực hiện các chính sách an sinh xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân hỗ trợ thực hiện công tác an sinh xã hội, bảo đảm không để ai bị bỏ lại phía sau. Chương trình cải cách chính sách xã hội của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cần tập trung phát triển hệ thống an sinh xã hội đa tầng hiệu quả, tăng cường sự liên kết và phối hợp giữa các nhánh chính sách trong hệ thống an sinh xã hội nhiều cấp; tăng cường tập trung vào hệ thống bảo hiểm xã hội bắt buộc, tăng sức hấp dẫn đối với người lao động; tăng cường đầu tư cho an sinh xã hội; thúc đẩy tính liên kết và hiệp đồng giữa các chính sách an sinh xã hội và chính sách gia đình cùng các chính sách khác có liên quan (bao gồm cả chính sách việc làm và kinh tế).
Năm là, xây dựng, phát triển và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ gia đình cần thiết hỗ trợ cho cuộc sống nhằm bảo đảm sự ổn định và an toàn của đời sống gia đình, nhất là gia đình lao động di cư và công nhân lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất; các mô hình hỗ trợ gia đình thực hiện bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình; các mô hình tư vấn, giáo dục về hôn nhân gia đình cho thanh niên trước khi kết hôn. Xây dựng và kiện toàn mạng lưới cung cấp dịch vụ gia đình phù hợp với thực tế các địa phương và nhu cầu thực tế của các nhóm đối tượng trên cả nước. Nghiên cứu, xây dựng danh mục dịch vụ công về gia đình, trong đó, đặc biệt chú ý phát triển và nâng cao hiệu quả dịch vụ hỗ trợ chăm sóc sức khỏe; dịch vụ tư vấn và hỗ trợ giáo dục, dịch vụ hỗ trợ chăm sóc và phát triển toàn diện cho trẻ em; dịch vụ tư vấn tâm lý và các dịch vụ xã hội khác. Các dịch vụ xã hội cơ bản và hỗ trợ xã hội mang tính thường xuyên và đột xuất cần được tổ chức bài bản hơn để hỗ trợ các gia đình và cộng đồng ứng phó và thích nghi với các biến động trong cuộc sống. Khuyến khích, huy động các cá nhân, tổ chức, cộng đồng tham gia cung cấp dịch vụ gia đình, chăm lo giúp đỡ, hỗ trợ gia đình chính sách, hộ nghèo và cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; tạo điều kiện để ngày càng nhiều gia đình tiếp cận, sử dụng và thụ hưởng dịch vụ xã hội; qua đó hiện thực hóa mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước./.
---------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 112 - 113
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 128
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 143
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 144
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 143
(6) Xem: Anh Thư: “Thu nhập bình quân hộ nghèo tăng lên nhiều lần trong 10 năm qua”, báo Lao động điện tử, https://laodong.vn/xa-hoi/thu-nhap-binh-quan-ho-ngheo-tang-len-nhieu-lan-trong-10-nam-qua-1093997.ldo, ngày 16-9-2022
Ðổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng đối với lĩnh vực văn hóa, văn nghệ  (05/06/2023)
Xây dựng nông thôn mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh  (16/04/2023)
Xây dựng nông thôn mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh  (16/04/2023)
Vai trò của đội ngũ trí thức trong xây dựng nền văn hóa dân tộc  (13/01/2023)
Giá trị văn hóa gia đình với giá trị văn hóa Việt Nam  (30/09/2022)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam