TCCS - Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là chính sách an sinh xã hội ưu việt của Đảng và Nhà nước ta, mang ý nghĩa nhân văn và chia sẻ sâu sắc. Việc đưa chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đến với người dân bằng nhiều hình thức là giải pháp quan trọng để Hà Nội hoàn thành các mục tiêu về an sinh xã hội trong thời gian tới.

Khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người dân Thủ đô _Ảnh: Tư liệu 

Tính đến cuối tháng 7-2022, Hà Nội có hơn 7,5 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), đạt tỷ lệ bao phủ 91,4% dân số, tăng 214.000 người so với cùng kỳ năm 2021. Số người tham bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc là hơn 1,9 triệu người, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong 2 năm (năm 2020 và năm 2021), dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng công tác phát triển người tham gia BHXH vẫn đạt được kết quả tích cực, số người tham gia BHXH năm 2020 tăng 47.074 người (tăng 2,6%) so với năm 2019; năm 2021 tăng 80.366 người (tăng 4,4%) so với năm 2020. Đối với BHXH tự nguyện, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng dần qua các năm, năm 2018 có 21.247 người tham gia đến năm 2021 đã có 63.304 người tham gia, tăng 42.057 người tương ứng tăng 197,9% so với năm 2018. Số người tham gia BHTN là 1.836.680 người, tăng 5,9% tương ứng tăng 101.792 người so với cùng kỳ năm 2021, tăng 2,1% tương ứng tăng 38.514 người so với cuối năm 2021, chiếm 37,3% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT với 183 cơ sở khám, chữa bệnh từ tuyến Trung ương đến tuyến y tế cơ sở có đủ điều kiện để tổ chức khám, chữa bệnh, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT. Hiện nay, thành phố Hà Nội có 754 điểm khám, chữa bệnh BHYT. Trong 7 tháng đầu năm 2022, số lượt khám, chữa bệnh BHYT là 5.445.776 lượt người.

Về tình hình và kết quả thu - chi BHXH, giai đoạn 2016 - 2021, thành phố Hà Nội luôn hoàn thành chỉ tiêu thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) do Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao, số thu năm sau cao hơn năm trước. Năm 2021, tổng thu tăng 66,97% so với năm 2016. Giai đoạn 2016 - 2021, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội chi lương hưu, trợ cấp BHXH cho gần 10 triệu lượt người hưởng. Số lượt người hưởng từ nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm là 1.316.409 lượt người; số lượt người hưởng từ nguồn quỹ BHXH bảo đảm là 5.390.106 lượt người; chi trả từ quỹ BHTN cho 3.255.324 lượt người.

Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, công tác thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN của thành phố Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn. Để thích ứng với tình hình, thành phố Hà Nội đã ban hành 58 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô. Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, đơn vị sử dụng lao động tổ chức 1.306 cuộc tuyên truyền, tư vấn, đối thoại, tháo gỡ khó khăn với doanh nghiệp, người lao động về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT; hướng dẫn cài đặt VssID-BHXH số tại 30 quận, huyện, thị xã với hơn 186.000 lượt người tham dự. Với quyết tâm cao, đến nay, tỷ lệ người tham gia BHXH bắt buộc so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động đạt 40%; tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động đạt 1,5%. Công tác quản lý chi và giải quyết các chế độ được giám sát chặt chẽ theo quy định của pháp luật, đầy đủ, kịp thời, bảo đảm đúng đối tượng. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã giải quyết hưởng hỗ trợ từ quỹ BHTN cho trên 1,6 triệu lao động với tổng số tiền trên 4 nghìn tỷ đồng; thời gian giải quyết chính sách hỗ trợ được rút ngắn 50% so với thời gian quy định tại Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg, ngày 1-10-2021, của Thủ tướng Chính phủ “Quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID -19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp”; kịp thời thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 1-7-2021, “Về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19” và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, ngày 7-7-2021, của Thủ tướng Chính phủ, “Quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19”; tạm tính số tiền hỗ trợ giảm mức đóng Quỹ Tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp 12 tháng (từ tháng 7-2021 đến tháng 6-2022) đối với 87.516 đơn vị, doanh nghiệp tương ứng 1.447.150 lao động với số tiền tạm tính hơn 643 tỷ đồng (thực hiện giảm theo từng tháng).

Về cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đến nay, trên 99,9% các đơn vị, doanh nghiệp tham gia BHXH thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử. 7 tháng đầu năm 2022, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội thực hiện tiếp nhận và giải quyết 15.767.131 hồ sơ, tăng 3.550.554 hồ sơ tương đương tăng 29,06% so với năm 2021. Số lượng thủ tục hành chính liên quan đến BHXH giảm từ 263 thủ tục năm 2009 xuống còn 115 năm 2014; từ năm 2020 đến nay còn 25 thủ tục, tương đương giảm 90,4%. Việc tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính được duy trì thực hiện nghiêm túc, hiệu quả theo 3 hình thức: Giao dịch trực tiếp tại bộ phận một cửa cơ quan BHXH; giao dịch hồ sơ điện tử và giao dịch qua dịch vụ bưu chính công ích; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong các lĩnh vực BHXH.

Mặc dù chính sách BHXH, BHYT được các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội quan tâm triển khai, đông đảo người dân, người lao động hưởng ứng, tham gia, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách BHXH, BHYT còn không ít khó khăn, vướng mắc, đó là:

Một là, các đối tượng lao động tự do có thu nhập không ổn định còn gặp nhiều khó khăn, rào cản trong tham gia BHXH tự nguyện khi mức hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện từ ngân sách còn thấp, quyền lợi hưởng chỉ có 2 chế độ là hưu trí và tử tuất, thời gian tham gia để được hưởng chế độ hưu trí kéo dài 20 năm.

Hai là, việc xử lý đối với doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động, chủ doanh nghiệp bỏ trốn,… vẫn là một vấn đề nan giải. Ý thức chấp hành pháp luật về BHXH của một số đơn vị sử dụng lao động chưa cao; nhiều đơn vị hoạt động cầm chừng dẫn tới nợ kéo dài. Vẫn còn có những doanh nghiệp lợi dụng tình hình dịch bệnh cố tình trốn đóng BHXH và không chấp hành các quyết định, kết luận thanh tra, kiểm tra, tiếp tục nợ kéo dài ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Ba là, tình trạng nợ đóng BHXH của một số doanh nghiệp. Tính đến thời điểm cuối tháng 7-2022, toàn thành phố còn gần 76.000 đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng với số tiền hơn 4.905 tỷ đồng, bằng 8,68% tổng số tiền phải thu, tăng hơn 142 tỷ đồng, tương ứng với 2,99% so với cùng kỳ năm trước. Số tiền nợ của các đơn vị ngừng, dừng giao dịch, thuộc diện không thể thu hồi lên tới gần 1.367 tỷ đồng, chiếm 27,9% tổng số nợ; số tiền nợ kéo dài, từ 12 tháng trở lên là gần 1.873 tỷ đồng, chiếm 38,18% tổng số nợ,… làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới các quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động cũng như sự bền vững của hệ thống an sinh xã hội. 

Để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về tăng cường công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, mở rộng diện bao phủ, trong thời gian tới, thành phố Hà Nội cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường triển khai thực hiện các giải pháp phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan rà soát, thống kê danh sách các hộ gia đình có mức sống trung bình trên địa bàn, các nhóm đối tượng chưa tham gia BHXH, BHYT để làm căn cứ vận động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Thứ hai, phát triển người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn, giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cho từng tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc tổ chức thực hiện của các tổ chức dịch vụ thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Thứ ba, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH nhằm nâng cao nhận thức của người dân về sự cần thiết, lợi ích, vai trò, tầm quan trọng, ý nghĩa của chính sách BHXH, BHYT; đồng thời, tập trung tuyên truyền về quyền lợi, trách nhiệm tham gia BHXH, BHYT của người lao động và người sử dụng lao động, từ đó thay đổi nhận thức và hành động, tự giác tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT đến người sử dụng lao động, người lao động, đoàn viên; vận động đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia BHXH tự nguyện, BHYT học sinh, sinh viên và BHYT hộ gia đình.

Thứ tư, cần mở rộng hệ thống tổ chức dịch vụ thu BHXH ở các xã, phường, thị trấn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; cải cách hành chính, đơn giản hóa quy trình, nâng cao chất lượng phục vụ, nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân khi tham gia BHXH tự nguyện. Các đơn vị, cơ quan có liên quan khi thực hiện chính sách hỗ trợ phải công khai, minh bạch, bảo đảm đúng đối tượng, đúng chế độ.

Thứ năm, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH tại các đơn vị, doanh nghiệp, tập trung ở các đơn vị có dấu hiệu vi phạm; kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính, làm cơ sở xử lý vi phạm hình sự với các đơn vị nợ đóng, trốn đóng BHXH. Làm tốt điều này, quyền lợi, đời sống của người lao động sẽ được bảo đảm tốt hơn. 

Thứ sáu, đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin sẽ góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ngành bảo hiểm xã hội, phát huy hiệu quả ứng dụng VssID. Rà soát toàn diện các khó khăn, vướng mắc và bất cập, tổng hợp tham mưu đề xuất giải pháp, bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế, vật tư tiêu hao, hóa chất xét nghiệm phục vụ công tác khám chữa bệnh. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, các dịch vụ y tế đáp ứng nhu cầu của người dân. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, phòng chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT. Nâng cao tinh thần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chỉ định xét nghiệm, điều trị nội trú và sử dụng dịch vụ, nhất là các dịch vụ kỹ thuật, thuốc bệnh đắt tiền./.