Phát huy giá trị của lễ hội góp phần phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long
TCCS - Kho tàng lễ hội phong phú và độc đáo của các dân tộc ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là nguồn tài nguyên văn hóa vô cùng quý giá. Việc nghiên cứu, đánh giá đúng giá trị của từng loại hình lễ hội giúp cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố trong vùng có những chủ trương, chính sách hợp lý để phát huy các giá trị đặc sắc của lễ hội, góp phần phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong thời gian tới.
Giá trị của lễ hội ở vùng đồng bằng sông Cửu Long
Vùng ĐBSCL có hơn 1.230 lễ hội, trong đó, lễ hội dân gian, truyền thống chiếm gần 70%, lễ hội tôn giáo chiếm hơn 21%, lễ hội lịch sử cách mạng hơn 8%, còn lại là các lễ hội khác (1). Bên cạnh những lễ hội cấp quốc gia tiêu biểu, như: lễ hội Vía Bà chúa xứ Núi Sam (Châu Đốc, An Giang), lễ hội Kỷ niệm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (Rạch Giá, Kiên Giang), lễ hội Nghinh Ông (Cà Mau)..., còn có các lễ hội với dấu ấn đặc sắc về văn hóa của các dân tộc sinh sống trong vùng, như: lễ hội Ok Om Bok, lễ Sen Dolta, hội đua bò Bảy Núi của người Khmer; lễ Ramadan, lễ hội Roya của người Chăm; lễ cúng Bà Thiên Hậu của người Hoa. Ngoài ra, còn có một số lễ hội quảng bá đặc sản vùng sông nước ĐBSCL như: lễ hội Dừa Bến Tre, lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ (tổ chức tại thành phố Cần Thơ)...
Lễ hội ở ĐBSCL có một số giá trị tiêu biểu sau:
Thứ nhất, lễ hội góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; giáo dục tinh thần yêu nước, xây dựng đạo đức, lối sống tốt đẹp cho người dân.
Ở ĐBSCL, lễ hội là dịp để trình diễn, thể hiện, giới thiệu với bạn bè, du khách gần xa những giá trị văn hóa độc đáo của vùng (như: đờn ca tài tử, sân khấu cải lương, các hình thức giải trí, ẩm thực dân gian,…) được hình thành trong quá trình khai hoang vùng đất phương Nam của người Việt. Các lễ hội không chỉ giúp người dân nâng cao ý thức về lòng biết ơn đối với bậc tiền nhân đã khai hoang, mở cõi, mà còn nhắc nhở mọi người về trách nhiệm giữ gìn, xây dựng quan hệ tốt đẹp với người thân trong gia đình, với làng xóm, cộng đồng nơi mình sinh sống. Qua đó, dần hình thành nên tính cách và văn hóa ứng xử của con người vùng ĐBSCL, như: hào sảng, chân thành, nhân nghĩa, hòa hiếu với mọi người; biết đoàn kết vượt qua khó khăn; sống chan hòa với thiên nhiên… “Điều này càng trở nên quan trọng trong điều kiện xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa hiện nay, khi mà sự nghiệp bảo tồn, làm giàu và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc trở nên quan trọng hơn bao giờ hết thì làng xã và lễ hội lại gánh một phần trách nhiệm là nơi bảo tồn, làm giàu và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc!”(2).
Thứ hai, lễ hội góp phần phát triển kinh tế, hình thành nên mô hình du lịch văn hóa gắn với trải nghiệm, thưởng thức các lễ hội đặc sắc của vùng ĐBSCL.
Những năm gần đây, một số lễ hội cấp quốc gia, cấp tỉnh mang bản sắc của vùng sông nước Cửu Long ngày càng thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước tham gia, giúp cho việc quảng bá, giới thiệu đến các địa phương trong nước và bạn bè quốc tế về tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế, văn hóa du lịch của vùng ĐBSCL trong tiến trình đổi mới, hội nhập quốc tế. Các lễ hội góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đưa ĐBSCL trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách, mặt khác còn là dịp để các đơn vị văn hóa, nghệ thuật, các doanh nghiệp du lịch gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm để cùng hợp tác phát triển, tôn vinh bản sắc văn hóa, sản phẩm du lịch của các vùng, miền, địa phương trong và ngoài nước. Nhiều địa phương trong vùng đã có kế hoạch phát triển thành “tỉnh, thành phố lễ hội” để thu hút khách du lịch, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bởi, du lịch lễ hội phát triển không chỉ tăng doanh thu cho nội ngành mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa tới những lĩnh vực khác, như: giao thông vận tải, dịch vụ lưu trú, lao động, việc làm, sản phẩm lưu niệm, ẩm thực địa phương,...
Thứ ba, lễ hội giúp tăng cường tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng dân cư, góp phần ổn định xã hội.
Cố kết cộng đồng là một trong những giá trị cơ bản của lễ hội khi nhiều người tham gia cùng có chung nhận thức, niềm tin, tình cảm trước những biểu tượng thiêng liêng trong lễ hội. Từng loại hình lễ hội tạo nên sự tham gia rộng rãi của cộng đồng không chỉ tại địa phương nơi diễn ra lễ hội mà còn thu hút nhiều người từ các nơi khác. Ngoài năng lực tài chính thì khả năng tham gia của cộng đồng còn thể hiện ở sự đóng góp về nguồn nhân lực cũng như đóng góp vào các hoạt động khác, giúp cho các hoạt động lễ hội bảo đảm được nội dung hành lễ, hành hội. Các lễ hội là nơi tập trung trí lực, sức lực của các thành viên, tạo điều kiện cho mọi người xích lại gần nhau, cùng chung tay lo cho việc chung của xóm làng, của cộng đồng. Từ sự gắn kết của các thành viên trong lễ hội, mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người được củng cố, tăng cường, góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, trật tự của địa phương, của vùng. Đây là giá trị lớn mà lễ hội ở ĐBSCL mang lại thời gian qua.
Một số vấn đề đặt ra
Lễ hội là một phương thức để kết nối, lưu giữ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trao truyền những giá trị đó cho các thế hệ tương lai. Phát huy giá trị của lễ hội không chỉ tạo ra những giá trị to lớn về kinh tế mà còn là cơ sở để củng cố, tăng cường mối liên hệ, sự gắn kết các thành viên trong cộng đồng, làm gia tăng sức mạnh tinh thần xã hội, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, thời gian qua, nguồn tài nguyên văn hóa này của vùng ĐBSCL vẫn chưa được khai thác hợp lý để có thể phát huy đúng mức những giá trị của nó. Những năm gần đây, một số lễ hội như: lễ hội vía Bà Chúa Xứ ở Núi Sam (An Giang), lễ hội Kỷ niệm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (Kiên Giang), lễ hội Oc Om Bok - Đua ghe ngo (Trà Vinh, Sóc Trăng), hội Đua bò Bảy Núi (An Giang),… luôn thu hút sự tham gia đông đảo của du khách trong và ngoài nước vì đã trở thành lễ hội của cả vùng, cả nước. Thực tế đó đòi hỏi việc tổ chức những lễ hội này phải được nâng tầm thành các tour du lịch lễ hội gắn với tham quan, thưởng ngoạn, trải nghiệm; tour du lịch liên hoàn vừa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng (đi lễ), nhu cầu sinh hoạt văn hoá (thăm các danh thắng, di tích lịch sử, đờn ca tài tử, hò đối đáp, ca cải lương,…), vừa đáp ứng nhu cầu vật chất (mua sắm sản phẩm văn hóa ở các làng nghề, thưởng thức ẩm thực đặc sắc địa phương,…). Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều lễ hội ở vùng ĐBSCL do chưa chú trọng đổi mới hình thức, nội dung, phương thức tổ chức nên chưa tạo ra sự kết nối các giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội.
Một thực tế rất đáng quan tâm hiện nay là, vấn đề lợi ích kinh tế đang có xu hướng lấn át giá trị văn hóa, làm ảnh hưởng tới việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của nhiều lễ hội; nhiều nơi chưa chú trọng đến việc quảng bá hình ảnh quê hương, con người vùng ĐBSCL thông qua việc tổ chức lễ hội. Việc tu bổ di tích gắn với lễ hội chưa được thực hiện do kinh phí hạn hẹp, thiếu nguồn lực đầu tư; không gian di tích và lễ hội ngày càng bị thu hẹp do tốc độ đô thị hóa gia tăng. Một số địa phương chưa có quy hoạch tổng thể về hạ tầng kinh tế - xã hội, môi trường, cảnh quan, dịch vụ phục vụ cho hoạt động lễ hội; một số di tích nơi tổ chức lễ hội chưa quy hoạch được khu vực để bố trí các công trình phụ trợ phục vụ du khách, hàng quán, dịch vụ chưa được sắp xếp khoa học. Ngoài ra, còn phải kể đến tình trạng hạ tầng giao thông kết nối vào các khu, điểm tổ chức lễ hội chưa được quan tâm đầu tư, chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, du khách; công tác quản lý an ninh, trật tự ở một số lễ hội mang tầm quốc gia còn bất cập; sau lễ hội, một số di tích, cảnh quan môi trường nơi diễn ra lễ hội bị hư hại, xuống cấp nhưng chậm được tu sửa, nâng cấp...
Thời gian qua, ở vùng ĐBSCL, việc phân cấp quản lý lễ hội, di tích chưa thống nhất giữa các di tích, các địa phương trong vùng; công tác phối hợp giữa ngành văn hóa - thể thao và du lịch với ban quản lý các di tích, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, các cơ sở kinh doanh du lịch thiếu chặt chẽ; nhiều doanh nghiệp du lịch chưa phối hợp tốt với các ban quản lý di tích trong việc phục vụ khách tham quan; công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích, công đức của các bậc tiền hiền được thờ phụng, tôn vinh chưa được chú trọng đúng mức; thiếu đội ngũ cán bộ kế cận làm công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại các di tích... Nhiều lễ hội ở ĐBSCL giờ đây không còn bó hẹp trong phạm vi địa bàn cư trú của một cộng đồng mà còn có sự tham gia của nhiều người từ nơi khác, từ đó dẫn đến phát sinh nhiều vấn đề như: thương mại hóa lễ hội, tệ nạn xã hội, không bảo đảm an toàn giao thông; mất an toàn, vệ sinh thực phẩm…
Giải pháp phát huy giá trị của lễ hội góp phần phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long
Văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng để phát triển bền vững đất nước, đồng thời cũng là thước đo, tiêu chí để đánh giá phát triển bền vững. Quan điểm đó được thể hiện rõ trong Nghị quyết số 120/NĐ-CP, ngày 17-11-2017, của Chính phủ, “Về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu”, đó là: “Kiến tạo, phát triển bền vững, thịnh vượng, trên cơ sở chủ động thích ứng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển, bảo đảm cuộc sống ổn định, khá giả của người dân cũng như bảo tồn được những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bằng sông Cửu Long; chú trọng bảo vệ đất, nước và đặc biệt là con người”(3). Trên cơ sở đó, để phát huy giá trị các lễ hội góp phần phát triển bền vững vùng ĐBSCL, trong thời gian tới, cần quan tâm thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, chính quyền các địa phương trong vùng ĐBSCL cần khẩn trương quy hoạch, rà soát, đánh giá lại lễ hội tại địa phương mình theo hướng những hoạt động nào của lễ hội bảo đảm được giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc thì giữ gìn và phát huy, những hoạt động nào đi ngược lại giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và nếp sống văn minh thì cần loại bỏ. Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch tổ chức lễ hội, các sinh hoạt tín ngưỡng, hoạt động vui chơi, giải trí trong lễ hội phù hợp, lành mạnh; ngăn chặn và khắc phục tình trạng lợi dụng di tích, nơi thờ tự, lễ hội để trục lợi, truyền bá mê tín dị đoan, tổ chức các hoạt động trái pháp luật.
Hai là, ngành văn hóa cần thực hiện tốt nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, phân loại lễ hội; tổ chức truyền dạy, phổ biến, trình diễn các loại hình lễ hội đặc sắc trong cộng đồng dân cư nơi diễn ra lễ hội. Khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, truyền dạy, giới thiệu, phổ biến di sản lễ hội, làm cho mỗi người dân địa phương là một “đại sứ lễ hội”, nắm được nội dung cốt lõi của lễ hội, kỹ năng thực hành, trình diễn các nghi thức lễ hội để giới thiệu với du khách, bè bạn gần xa. Mặt khác, thực hiện tốt chính sách tôn vinh, đãi ngộ các nghệ sĩ, nghệ nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho việc bảo tồn, phát huy các giá trị lễ hội của địa phương, của vùng ĐBSCL; xây dựng các chương trình, kế hoạch nhằm huy động cộng đồng tham gia vào việc lưu giữ, trao truyền các hình thức thực hành lễ hội truyền thống cho các thế hệ sau.
Ba là, lựa chọn các lễ hội thích hợp về nội dung, quy mô và sự thuận tiện cho du khách để xây dựng thành sản phẩm du lịch, phục vụ du khách đến tham quan, chiêm bái, hành lễ, nhưng không làm mất đi giá trị căn cốt của lễ hội. Đẩy mạnh liên kết vùng để có các chính sách thống nhất trong việc xây dựng tour du lịch văn hóa lễ hội, đồng thời có sự kết hợp phát triển các loại hình du lịch khác dựa trên nguồn tài nguyên và những lợi thế du lịch của địa phương nơi diễn ra lễ hội. Chú trọng xây dựng chương trình tour đáp ứng các nhu cầu tín ngưỡng, sinh hoạt văn hoá,...
Bốn là, tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu về lễ hội thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Trong hoạt động truyền thông về lễ hội, chú trọng giới thiệu về các di tích lịch sử, văn hóa của địa phương, ý nghĩa của lễ hội, tôn vinh công đức của các bậc tiền nhân được thờ phụng gắn với quá trình khai khẩn, hình thành, phát triển vùng đất Nam Bộ. Phục dựng các hoạt động văn hóa truyền thống, các trò chơi dân gian trong lễ hội trên cơ sở bảo tồn, chọn lọc những phong tục, tập quán tốt đẹp, lành mạnh, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Năm là, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong công tác trùng tu, bảo vệ các di tích, bảo đảm tính hiệu quả, an toàn trong các khâu tổ chức lễ hội. Cần triển khai lồng ghép nội dung công tác quản lý và tổ chức lễ hội vào các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Chú trọng xây dựng các phương án phát huy vai trò của cộng đồng trong việc tổ chức lễ hội theo hướng đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực cộng đồng để tổ chức lễ hội; công khai, minh bạch việc quản lý thu, chi tiền công đức trong tổ chức lễ hội ở các khu di tích theo đúng quy định của pháp luật.
Sáu là, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ dành cho cán bộ, công chức quản lý và tổ chức lễ hội, cho đội ngũ cán bộ, nhân viên hoạt động trong các doanh nghiệp du lịch, các khu, điểm du lịch tại các địa phương có các lễ hội lớn, cấp quốc gia, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách sử dụng các dịch vụ du lịch khi đến tham gia các hoạt động lễ hội./.
-----------------------------
(1) Xem: Nguyễn Xuân Hồng: “Lễ hội của người Việt ở đồng bằng sông Cửu Long - Truyền thống và phát triển”, Luận án Tiến sĩ Văn hóa học, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Hà Nội, 2010, tr. 48
(2) Ngô Đức Thịnh (chủ biên): Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2001, tr.8
(3) Nghị quyết số 120/NĐ-CP, ngày 17-11-2017, của Chính phủ, “Về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu”, https://vanban.chinhphu.vn/default.aspx?pageid=27160&docid=192249
Phát triển văn hóa, con người Việt Nam thời kỳ mới  (23/06/2022)
Phát triển sản phẩm và dịch vụ văn hóa ở nước ta hiện nay  (13/12/2021)
Phát huy bản sắc văn hóa, con người, khơi dậy khát vọng phát triển Thủ đô nghìn năm văn hiến  (11/10/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển