Báo chí với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay
TCCS - Thời gian qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Hiện nay, bối cảnh mới đang đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi báo chí cách mạng Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực vượt qua để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, lợi ích của quốc gia, dân tộc và sự an toàn, hạnh phúc của nhân dân.
1- Ngày 21-6-1925, tờ báo Thanh niên - cơ quan của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - ra số đầu tiên, đã khẳng định vai trò, vị trí của báo chí cách mạng trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin, chuẩn bị những điều kiện cần thiết về tư tưởng, lý luận, chính trị, tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau tờ Thanh niên là sự ra đời của nhiều tờ báo, như Kông nông (năm 1926), Đường kách mệnh (năm 1927), Búa liềm (năm 1929), Báo Đỏ (năm 1929)... đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Sự ra đời của báo chí cách mạng gắn liền với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong hành trình đi tìm đường cứu nước, nhận thấy sức mạnh to lớn của báo chí, Người đã viết hàng trăm bài báo, góp phần truyền đi thông điệp về số phận của người dân các nước thuộc địa trước sự cai trị, đàn áp, bóc lột của chủ nghĩa thực dân; đồng thời thể hiện mong ước, khát vọng, quyết tâm của người dân thuộc địa muốn thoát khỏi ách đô hộ, vùng lên giành lại độc lập, tự do. Nói về tôn chỉ, mục đích của báo chí cách mạng, Người khẳng định: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới”(1); với đề tài xuyên suốt và nguồn cảm hứng vô tận để báo chí khai thác, tuyên truyền là “chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”(2). Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự phát triển, lớn mạnh của báo chí có sự cống hiến, hy sinh to lớn của những người làm báo, đó là những chiến sĩ cách mạng trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, chống chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ, vì độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới”(3).
Trong nhiều văn kiện, nghị quyết, Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ của báo chí là bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng; làm cho hệ tư tưởng của Đảng, của giai cấp công nhân, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc thấm sâu vào quần chúng nhân dân; đồng thời tích cực đấu tranh, góp phần ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các tiêu cực và tệ nạn xã hội; phản bác có hiệu quả những thông tin, quan điểm sai trái, phản động, thù địch, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng. Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Bộ Chính trị khóa XII “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của báo chí trong công tác xây dựng, bảo vệ Đảng. Đó là, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan báo chí, xuất bản, truyền thông; vận dụng tổng hợp các hình thức tuyên truyền, kết hợp chặt chẽ với đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng, tuyên truyền đối ngoại, tuyên truyền trên internet, các mạng xã hội và các kênh truyền thông khác, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ quan trọng của báo chí trong tình hình mới là: “Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục”(4). Thực tiễn quá trình đổi mới cũng cho thấy, báo chí luôn là lực lượng xung kích, đi đầu trong công tác xây dựng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ, nhân dân. Tuy nhiên, phát triển trong bối cảnh mới, báo chí cần không ngừng đổi mới, vượt qua những khó khăn, thách thức để tiếp tục hoàn thành tốt trọng trách, sứ mệnh cao cả mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
2- Sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của nước ta không ngừng được củng cố, tăng cường; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Những thành tựu to lớn trong sự nghiệp đổi mới mở ra những cơ hội thuận lợi để báo chí không ngừng trưởng thành, phát triển, có những đóng góp quan trọng vào công tác tư tưởng, lý luận, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
Hiện nay, đội ngũ nhà báo trưởng thành, lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp không ngừng được nâng cao, đáp ứng tốt những yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn đang đặt ra. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện cả nước có 868 cơ quan báo chí, tổng số lao động trong các cơ quan báo chí là 41.600 người (trong đó, có 19.166 người được cấp thẻ nhà báo), có 72 đài phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử. Tổng số lao động trong các đài/đơn vị hoạt động truyền hình là 18.481 người (trong đó, có 7.594 người được cấp thẻ nhà báo)(5). Sự phát triển về nhân lực, đội ngũ những người làm báo, sự ra đời của các cơ quan báo chí với đầy đủ những loại hình truyền thông đa phương tiện, hiện đại, tạo mạng lưới thông tin rộng khắp ở các vùng, miền, góp phần tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách nhanh chóng, chính xác, kịp thời, sinh động, hấp dẫn đến với mọi tầng lớp nhân dân. Được đào tạo bài bản, tâm huyết với nghề, gắn bó mật thiết với nhân dân, những thông tin, bài viết của các nhà báo đã góp phần gắn kết và thắt chặt mối quan hệ bền chặt giữa Đảng với nhân dân; củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.
Nhằm đẩy mạnh, tăng cường công tác xây dựng Đảng, nhiều cơ quan báo chí đã xây dựng, hình thành những chuyên trang về xây dựng Đảng, phát động các giải báo chí về xây dựng Đảng, mở ra những cơ hội lớn để các nhà báo, cộng tác viên và quần chúng nhân dân tích cực tham gia viết bài, tạo ra đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức với công tác xây dựng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.
Bối cảnh hội nhập quốc tế, sự phát triển của khoa học - công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mở ra những cơ hội để báo chí nước ta không ngừng đổi mới, sáng tạo, tiếp thu những kinh nghiệm làm báo của các nước tiên tiến để không ngừng phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của các tầng lớp nhân dân. Nền tảng của công nghệ số đã góp phần truyền tải thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân một cách nhanh chóng, kịp thời, hấp dẫn. Tính thời sự của thông tin có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để định hướng dư luận, củng cố niềm tin, phản bác hiệu quả những thông tin sai trái, những luận điệu thù địch của các thế lực phản động ở trong và ngoài nước.
Nhờ thế, gần một thế kỷ đồng hành cùng dân tộc, với nội dung và hình thức ngày càng đa dạng, phong phú, báo chí cách mạng Việt Nam đã góp phần quan trọng vào thành công của cách mạng cũng như công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Đặc biệt, báo chí đã góp phần tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta; củng cố mối quan hệ bền chặt, máu thịt giữa Đảng với nhân dân, tạo sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đã đạt được thì hiện nay, báo chí nước ta cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Trước những tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, của quá trình toàn cầu hóa, một số cơ quan báo chí có xu hướng thương mại hóa, chạy theo lợi nhuận, đề cao vật chất, rời xa tôn chỉ, mục tiêu, sứ mệnh cao cả mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Một số cơ quan báo chí còn thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng tư tưởng, văn hóa, có biểu hiện xa rời sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, xa rời tôn chỉ, mục đích, thông tin không trung thực, thiếu chính xác, ít tuyên truyền các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt...
Một số nhà báo do chưa được đào tạo bài bản, thiếu bản lĩnh chính trị, thiếu kinh nghiệm nghề nghiệp và vốn sống, còn dao động về lập trường tư tưởng, đề cao danh vị, đồng tiền; có trường hợp bị một số thế lực xấu dụ dỗ, lôi kéo, nên đã có những bài viết vi phạm đạo đức, pháp luật; gây khó dễ cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, từ đầu năm 2018 đến năm 2020 “đã ban hành 56 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 1 tỷ 256,6 triệu đồng, trong đó tước quyền sử dụng có thời hạn đối với 3 cơ quan báo chí; thu hồi 10 thẻ nhà báo do có sai phạm, thông tin sai sự thật và thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích trong giấy phép hoạt động báo chí”(6).
Bên cạnh đó, lợi dụng sức mạnh của công nghệ truyền thông và những sơ hở trong quản lý thông tin, nhất là thông tin trên mạng xã hội, các thế lực thù địch ở trong và ngoài nước tìm mọi cách để truyền bá những tư tưởng cực đoan, những hình ảnh không chính xác về chủ quyền quốc gia, dân tộc thông qua các sản phẩm đa dạng, tinh vi. Những thông tin xấu, độc xuất hiện hằng ngày, hằng giờ trên những trang web “đen” làm ô nhiễm môi trường văn hóa, đầu độc tư tưởng, tình cảm của không ít thanh, thiếu niên, gây dao động, mất niềm tin, mất phương hướng vào cuộc sống… Để nhận diện, đấu tranh với những hiện tượng đó đòi hỏi các nhà báo phải có bản lĩnh nghề nghiệp, sự trải nghiệm, vốn tri thức và nghệ thuật đấu tranh, phản bác.
Một trong những khó khăn, thách thức đối với báo chí trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay là năng lực ngoại ngữ, kỹ năng làm chủ công nghệ, xử lý thông tin của một số nhà báo còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra. Với trữ lượng thông tin lớn đến từ trong và ngoài nước, nhưng do năng lực ngoại ngữ, kỹ năng khai thác, biên dịch hạn chế, nên việc cập nhật thông tin còn chậm, ảnh hưởng lớn đến việc tuyên truyền với công chúng trong và ngoài nước.
Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, đòi hỏi người làm báo phải am hiểu và nắm vững chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Song hiện nay, không ít nhà báo chưa tích cực học tập lý luận chính trị, chưa trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, ngại va chạm thực tiễn, né tránh những vấn đề gai góc. Một số nhà báo đưa tin thiếu sự kiểm chứng, chạy theo tâm lý nhất thời của đám đông; vội vàng, cẩu thả trong cách giật tít, câu view, câu like, làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt, gây bức xúc dư luận, làm tổn hại đến uy tín, danh dự, hình ảnh của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Sức mạnh của báo chí là ở thông tin, nhưng có không ít nhà báo lợi dụng sức mạnh của truyền thông để “lộ, lọt” những thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước. Một số nhà báo do nhận thức chính trị hạn chế nên khai thác, xử lý thông tin không phù hợp, khoét sâu vào những vấn đề còn đang gây tranh cãi, không lường hết được phản ứng của dư luận, công chúng, để xảy ra những cuộc “khủng hoảng truyền thông”, đẩy câu chuyện, sự kiện đi quá xa so với mục tiêu, ý định ban đầu, nhất là trên diễn đàn không gian mạng xã hội, tạo cớ cho kẻ xấu lợi dụng để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước. Những hạn chế, bất cập trên là những rào cản, ảnh hưởng lớn đến công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình hiện nay.
3- Phát huy truyền thống gần một thế kỷ trưởng thành, phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam, trong giai đoạn hiện nay, để đảm đương tốt vai trò, sứ mệnh tiên phong, dẫn đường, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, báo chí cách mạng cần không ngừng đổi mới, sáng tạo để thích ứng với những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp đang đặt ra.
Thứ nhất, không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước đối với công tác báo chí trong tình hình mới. Bên cạnh việc quan tâm, tạo điều kiện về môi trường làm việc hiện đại, năng động, bảo đảm cho các hoạt động báo chí diễn ra thuận lợi trên tinh thần tự do, dân chủ, sáng tạo thì trong bối cảnh hiện nay, các cơ quan, bộ, ngành chủ quản cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao tinh thần, ý thức, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mỗi nhà báo. Định hướng tốt công tác tuyên truyền; quản lý tốt thông tin, nhất là những thông tin trên mạng xã hội, internet.
Xử lý nghiêm những trường hợp đi ngược lại tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, xâm phạm và làm ảnh hưởng đến lợi ích của quốc gia, dân tộc; đến uy tín, hình ảnh của Đảng, của các cơ quan, đoàn thể. Thực hiện tốt đề án quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới báo chí theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Phát huy tinh thần chủ động, tích cực, năng động, sáng tạo của mỗi cơ quan báo chí, mỗi nhà báo để góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Thứ hai, đổi mới, đa dạng hóa phương thức, nội dung tuyên truyền, tận dụng những ưu thế của khoa học - công nghệ, đưa chủ trương, đường lối của Đảng đến với công chúng một chính xác, nhanh chóng, thuận lợi, hấp dẫn, nhất là với đồng bào ở vùng sâu, vùng xa. Phối hợp tốt với các lực lượng quân đội, công an trong việc xử lý những thông tin xấu độc, bảo đảm môi trường văn hóa lành mạnh cho nhân dân.
Thứ ba, mỗi nhà báo cần nêu cao và giữ vững tinh thần, bản lĩnh chính trị; tích cực học tập và thấm nhuần những quan điểm, tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những diễn biến, tình hình kinh tế - chính trị - xã hội - văn hóa ở trong và ngoài nước để có những thông tin chính xác, kịp thời, định hướng dư luận, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.
Tích cực học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là những lời căn dặn của Người về báo chí, về trách nhiệm của mỗi nhà báo. Quán triệt sâu sắc những quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí, thực hiện tốt Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Bộ Chính trị khóa XII.
Thứ tư, để hoàn thành tốt trọng trách, sứ mệnh vẻ vang của “người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa”, mỗi nhà báo phải không ngừng nỗ lực học tập chính trị, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tích cực học tập kinh nghiệm làm báo của các thế hệ đi trước và kinh nghiệm của các nền báo chí hiện đại trên thế giới; thâm nhập thực tiễn, lắng nghe nhân dân, dựa vào sức mạnh của nhân dân để khai thác thông tin, đưa những thông tin hữu ích đến với công chúng báo chí. Đồng thời trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, mỗi nhà báo cần trang bị cho mình những kiến thức, nền tảng văn hóa sâu rộng, có năng lực ngoại ngữ, kỹ năng xử lý và làm chủ công nghệ; tỉnh táo trước những thông tin, luận điệu xuyên tạc của thế lực phản động để có phương thức đấu tranh, phản bác hiệu quả./.
-----------------------
(1), (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 12, tr. 166, 171
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 540
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 146
(5) Bộ Thông tin và Truyền thông: Sách trắng công nghệ thông tin và truyền thông 2019, Nxb. Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2019, tr. 42 - 43
(6) Báo cáo tổng hợp việc thực hiện Nghị quyết số 113/2015/QH13 của Quốc hội khóa XIII và các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 2,3,4,5,7,8 Quốc hội khóa XIV (Báo cáo số 216/BC-CP, ngày 14-5-2020), Hà Nội, tr. 78 - 79
Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội trong tình hình hiện nay  (10/06/2021)
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới  (03/06/2021)
Đấu tranh, phòng ngừa các hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc xâm phạm an ninh quốc gia  (02/06/2021)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Bảo vệ, phát huy giá trị tài nguyên di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên