Xu hướng biến đổi của lễ hội truyền thống hiện nay
TCCS - Những năm gần đây, các lễ hội truyền thống có xu hướng biến đổi, làm nảy sinh nhiều hiện tượng phức tạp, đòi hỏi phải nhìn nhận lại công tác quản lý và đặt ra yêu cầu về quản lý, xây dựng quy tắc ứng xử trong lễ hội cho phù hợp với bối cảnh mới.
Việt Nam là đất nước có nền văn hóa đa dạng, độc đáo với khoảng 8.000 lễ hội. Lễ hội là sinh hoạt văn hóa dân gian mang tính cộng đồng được tổ chức ở khắp mọi miền đất nước.
Trong lễ hội làng của người Việt xưa, việc quản lý lễ hội đều do hội đồng quan viên, cai đám và thủ từ quản lý. Hội đồng quan viên là những người được dân làng cử ra để lo việc thờ cúng thần linh, tổ chức lễ hội. Cai đám là người đứng đầu hàng quan viên có nhiệm vụ chủ tế, “sự thần” (nghĩa vụ làm các công việc với thần linh) với tiêu chuẩn lựa chọn rất khắt khe. Cai đám và hội đồng quan viên phân công người đại diện các giáp, các phe, nhóm, dòng họ thực thi các nhiệm vụ tổ chức lễ hội.
Hiện nay, trước tác động của nhiều yếu tố, như cơ chế thị trường, sự phát triển của truyền thông, du lịch…, các lễ hội truyền thống ở nước ta có nhiều biến đổi.
Về thời gian, không gian lễ hội
Hầu hết các lễ hội làng đều rút ngắn thời gian từ 3 - 5 ngày thành 1 ngày. Một số lễ hội vùng, hay liên vùng mang tính chất hành hương thì được tổ chức dài ngày, như lễ hội chùa Hương, lễ hội Quốc Mẫu Tây Thiên, các lễ hội thuộc tín ngưỡng thờ Mẫu, các lễ hội gắn với du lịch... Trước đây, các hội làng chỉ được tổ chức ở không gian nhất định trong làng. Nhưng hiện nay, do nhiều yếu tố, quy mô của các hội làng cũng được mở rộng cả về không gian. Nhiều lễ hội không còn là lễ hội làng, mà đang có xu hướng biến thành lễ hội vùng, thậm chí là lễ hội chung của liên vùng. Đối tượng người đến dự hội không chỉ là dân làng, mà còn có du khách trong và ngoài nước, nhiều khi dẫn tới tình trạng quá tải. Không gian lễ hội còn được mở rộng thành “siêu không gian” với sự tương tác của các hoạt động truyền thông. Người dự lễ hội Đền Hùng ở Phú Thọ, nhưng cả không gian lễ hội Đền Hùng được mở rộng ra toàn quốc nhờ có truyền thông. Người dân không đi lễ hội, nhưng có thể quan sát, “tham dự” qua màn hình ti-vi, trên mạng xã hội... Sự mở rộng không gian lễ hội như vậy cũng đặt ra nhiều yêu cầu về quản lý (quản lý không gian vật lý, không gian ảo của lễ hội).
Về mục đích của lễ hội
Mục đích của người dân đến dự các lễ hội truyền thống là nhằm cầu mong “người yên vật thịnh” với niềm tin về “cái thiêng”. “Cái thiêng” là tình cảm tôn giáo, được thể hiện trong lễ hội bằng các biểu tượng đặc trưng là các báu vật thiêng. Theo quan niệm của người dân, những vật thiêng này có giá trị đặc biệt, đem lại sự may mắn cho người dự hội. Nhưng hiện nay, một số du khách không còn hào hứng trước các màn nghi lễ mời thánh, dâng rượu, dâng hoa, tế và đọc chúc văn, mà chỉ mong được cướp các vật thiêng. Một số ban tổ chức lễ hội lại mong thu hút được nhiều du khách, bởi nguồn thu sẽ tăng lên nhờ sự tiêu dùng các dịch vụ của du khách. Rõ ràng, mục đích của một số lễ hội đã có những biến đổi.
Về chủ thể của lễ hội
Trước đây, trong các lễ hội làng cổ truyền, người dân thực sự là chủ thể, mỗi người tham gia gánh vác một việc nào đó trong tổ chức lễ hội. Người được khiêng kiệu, rước lễ là một vinh dự cho cả phe, giáp, dòng họ. Nếu như trước đây, các hội làng hầu hết do chủ làng và hội đồng quản lý của làng thực hiện, thì hiện nay, hầu hết các lễ hội ở làng quê, miền núi đều do chính quyền các cấp chỉ đạo. Ở một số lễ hội đồng bằng, ban tổ chức thuê các công ty sự kiện, các đoàn nghệ thuật đứng ra dàn dựng chương trình, tổ chức. Người dân, chủ thể của lễ hội, chỉ đóng vai trò thụ động như các du khách. Ở một số nơi, từ việc trang trí khánh tiết, biểu diễn nghệ thuật, tổ chức các hoạt động đều ít hoặc thậm chí thiếu vắng sự tham gia của ngành văn hóa, thể thao địa phương. Có thể thấy, vai trò của địa phương, người dân - chủ thể sáng tạo của lễ hội cổ truyền ở một số nơi - đã bị đánh mất.
Về đối tượng tham gia lễ hội
Ở các lễ hội truyền thống xưa, đối tượng tham gia lễ hội chủ yếu là dân làng (trừ các lễ hội vùng và lễ hội hành hương...). Thời gian gần đây, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, hệ thống giao thông phát triển, khách du lịch có nhu cầu tham dự các lễ hội nhiều, trong đó có tầng lớp thanh niên (nhất là lễ hội có các hành động, sự kiện lạ, hợp thị hiếu). Vì vậy, khi một làng quê tổ chức lễ hội thì khách thập phương tham gia rất đông, gấp từ hàng chục đến hàng trăm lần so với số dân của làng. Trước kia, đối tượng tham dự lễ hội Gầu tào ở Pha Long (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) chủ yếu là người dân ở các xã khu vực Pha Long, nhưng hai thập niên gần đây, lễ hội thu hút được cộng đồng người Mông ở Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ về tham dự. Lễ hội chùa Hương không chỉ có người Việt hành hương, mà còn thu hút đông đảo Việt kiều ở các nước. Lễ hội Đền Hùng có hàng vạn người dân hành hương tham dự và đông đảo du khách tham gia lễ hội qua không gian ảo.
Nguyên nhân của những xu hướng biến đổi trên được xác định đến từ cả chủ quan và khách quan. Xu hướng chuyển đổi vai trò của chủ thể từ người dân, cộng đồng sang các cấp chính quyền; mặt trái của cơ chế thị trường với xu hướng thúc đẩy “thương mại hóa” lễ hội, coi lễ hội là hàng hóa, là phương tiện kinh doanh... đã đặt ra hàng loạt vấn đề trong tổ chức, quản lý lễ hội, đòi hỏi phải có giải pháp hiệu quả. Xây dựng các khuôn mẫu ứng xử văn hóa để giữ gìn và phát huy những giá trị chân chính của lễ hội là một trong những giải pháp cấp thiết và quan trọng hiện nay.
Cùng với quá trình phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, sự biến đổi của lễ hội truyền thống cũng như xuất hiện nhiều loại hình tổ chức sự kiện mới là tất yếu khách quan trong đời sống văn hóa hiện nay. Vì thế, không nên có quan điểm cứng nhắc, lấy các nguyên tắc tổ chức lễ hội truyền thống làm khuôn mẫu cho việc tổ chức các lễ hội, tổ chức các sự kiện hiện đại, song cũng cần có những giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả quản lý lễ hội.
Một là, đề cao vai trò của cộng đồng trong tổ chức, quản lý các lễ hội truyền thống, xây dựng mô hình phù hợp với từng địa phương.
Mô hình tổ chức lễ hội do cộng đồng tự quản, có sự giám sát của chính quyền cơ sở.
Đây là mô hình quản lý và tổ chức lễ hội bước đầu có sự tham gia của Nhà nước. Chủ thể tổ chức của các lễ hội này nhất thiết phải là người dân trong cộng đồng. Vai trò quản lý của Nhà nước thể hiện trong việc giám sát, chỉ đạo và giải quyết kịp thời những vấn đề an ninh, trật tự, an toàn thực phẩm, giá cả, dịch vụ... Vai trò quản lý nhà nước cũng cần được “phân cấp” tới cộng đồng và “thể chế hóa” bằng hệ thống hương ước, quy ước chung của làng, đồng thời kết hợp với việc phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ, cộng đồng. Kinh phí tổ chức những lễ hội này hoàn toàn do cộng đồng đóng góp.
Trong xã hội cổ truyền, các ban quản lý lễ hội chủ yếu nằm trong phạm vi gia đình, dòng họ hoặc bản, làng. Các ban quản lý này vận hành đơn giản, đôi khi mang tính tự phát, nhưng vẫn bảo đảm được việc tổ chức lễ hội vốn chỉ diễn ra trong phạm vi hẹp, trong không gian của làng bản, một cánh đồng hoặc một sườn đồi có sự tham gia của số ít người dân trong vùng. Với quy mô lớn như hiện nay, các lễ hội cần có ban tổ chức lễ hội một cách chuyên nghiệp, với sự trợ giúp, giám sát của chính quyền cơ sở. Thực tiễn cho thấy, ở nông thôn vùng cao, nhiều ban tổ chức lễ hội rất lúng túng trong tổ chức các dịch vụ đón khách du lịch, quản lý du khách, trong khi đó chính quyền địa phương (cấp xã, huyện) lại có nơi can thiệp quá sâu vào việc tổ chức chương trình lễ hội, làm mất đi tính chất thiêng của lễ hội, hạn chế tính chủ động của cộng đồng. Các thành viên ban tổ chức lễ hội ở một số nơi chưa được tập huấn để nắm vững kiến thức của lễ hội, chưa xử lý linh hoạt, kịp thời các tình huống phát sinh trong quá trình tổ chức lễ hội.
Mô hình tổ chức lễ hội có sự phối hợp của Nhà nước với cộng đồng.
Đối với một số lễ hội của một làng hay liên làng có quy mô ngày càng mở rộng và đang được nâng lên thành các lễ hội của địa phương như hiện nay, cần xây dựng mô hình phối hợp chặt chẽ giữa vai trò của cộng đồng với vai trò quản lý của Nhà nước.
Trong mô hình này, các hoạt động lễ hội vẫn do cộng đồng quyết định và thực hiện là chính; tuy nhiên, đã có sự chỉ đạo, định hướng và tham gia của các ban, ngành chính quyền và đoàn thể. Kinh phí tổ chức lễ hội cũng được Nhà nước tài trợ một phần. Vai trò của Nhà nước thể hiện rõ trong bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn thực phẩm, quảng bá, giá cả dịch vụ, điều hành lực lượng…
Trước kỳ tổ chức lễ hội, chính quyền cấp xã - nơi tổ chức lễ hội - cần tổ chức họp dân bản để cùng bàn về việc tổ chức lễ hội, trong đó, có sự phân công cụ thể công việc cho cộng đồng. Ở đây, Nhà nước đóng vai trò là nhà tổ chức nhưng việc thực hành lễ nghi và chủ trì lễ hội phải giao lại cho cộng đồng. Trưởng thôn, bản có trách nhiệm triển khai các hoạt động của lễ hội sau khi đã thống nhất với chính quyền, với nhân dân và cùng nhân dân trong thôn, bản chuẩn bị các hoạt động phục vụ cho lễ hội. Những lễ hội này được cấp hoặc hỗ trợ kinh phí của chính quyền. Để người dân thực sự trở thành chủ thể, thành phần ban tổ chức cần có sự tham gia của già làng, nghệ nhân hay người có uy tín trong dòng họ. Chính quyền xã, cơ quan chuyên môn (phòng văn hóa - thông tin) thực hiện chức năng quản lý thông qua việc hướng dẫn người dân chuẩn bị và tham gia lễ hội theo đúng quy định của Nhà nước và thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự trong thời gian tổ chức lễ hội. Cần coi trọng vấn đề phân cấp quản lý. Nhà nước chỉ đạo, phối hợp tổ chức các lễ hội lớn (chủ yếu là kiểm tra, giám sát), còn phân cấp cho các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp, cộng đồng tổ chức. Với các lễ hội dân gian quy mô nhỏ, chính quyền các cấp chủ yếu đóng vai trò kiểm tra, giám sát; việc tổ chức cụ thể cần trao quyền cho cộng đồng.
Hai là, xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn hóa ở các lễ hội.
Nguyên tắc chung của quy tắc ứng xử: Bảo tồn và phát huy giá trị của di sản lễ hội theo hướng phát triển bền vững. Bảo vệ tính đặc sắc, đa dạng của các thành tố văn hóa của lễ hội (các nghi lễ, nghệ thuật ngôn từ (các văn cúng, lời của các bài khấn…), nghệ thuật trang trí, nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật ẩm thực, các trò chơi… tạo thành chỉnh thể nguyên hợp của lễ hội). Tôn trọng mục đích tổ chức lễ hội của cộng đồng địa phương là nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh công lao của các bậc tiền nhân, các nhân vật lịch sử có công bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước; hình thành hành vi, thái độ, nhận thức cao đẹp cho mỗi người. Loại bỏ xu hướng tổ chức lễ hội với mục đích trục lợi cá nhân, chạy theo lợi ích vật chất, phục vụ lợi ích nhóm. Thực hiện các biện pháp bảo vệ di tích, danh lam thắng cảnh; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.
Ứng xử văn hóa của cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương nơi tổ chức lễ hội: Thành viên ban tổ chức lễ hội có đồng phục, có phù hiệu; phân cấp cho cộng đồng dân cư tổ chức lễ hội, không làm thay cộng đồng trong việc tổ chức các nghi lễ, dịch vụ, hoạt động của lễ hội; tăng cường tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, giá trị của lễ hội; có thái độ hòa nhã, tôn trọng du khách, xây dựng các biển hướng dẫn cho du khách tham gia các hoạt động, dịch vụ của lễ hội, thông báo số điện thoại, đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh của du khách; trực tiếp tham gia các nhiệm vụ mà cộng đồng dân cư địa phương khó có khả năng thực hiện, như an ninh, trật tự, an toàn xã hội, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.
Ứng xử văn hóa của cộng đồng địa phương nơi tổ chức lễ hội: Tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của cơ quan quản lý, ban tổ chức lễ hội; có tinh thần trách nhiệm thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao; có thái độ ứng xử hòa nhã, tôn trọng du khách, nhiệt tình giúp đỡ du khách khi gặp khó khăn.
Ứng xử văn hóa của cá nhân, doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ: Thực hiện nghiêm chỉnh các nguyên tắc, quy định của ban tổ chức lễ hội về kinh doanh dịch vụ, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; tôn trọng người dân địa phương, có tinh thần hợp tác, cùng phối hợp thực hiện các nhiệm vụ được giao; kinh doanh trung thực, tôn trọng khách hàng, giữ chữ tín, công khai, minh bạch về giá cả (thể hiện qua niêm yết công khai giá, bán đúng giá niêm yết, không chèo kéo du khách và ép giá); không bày bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; không bày bán động vật quý hiếm và không vi phạm các điều cấm trong kinh doanh.
Ứng xử văn hóa của du khách: Có thái độ thành kính đối với các nhân vật lịch sử, tôn trọng phong tục tập quán, tâm linh, tín ngưỡng, những điều kiêng kỵ của lễ hội; tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước, ban tổ chức, ban quản lý lễ hội; tôn trọng, hòa nhã với cư dân địa phương, với các cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ; có thái độ hòa nhã, lịch sự, tôn trọng người già, nhường nhịn trẻ nhỏ, giúp đỡ phụ nữ có thai, người khuyết tật; trang phục lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục, không nói tục, không chửi thề, không xô đẩy, gây ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của lễ hội; giữ gìn vệ sinh môi trường…
Ba là, tạo dựng dư luận nhằm phổ biến và bảo vệ quy tắc ứng xử.
Ban tổ chức các lễ hội cần lập tiểu ban truyền thông (nhất là các lễ hội lớn), cộng tác với các nhà khoa học, những người có uy tín trong việc tư vấn tổ chức lễ hội và tạo dựng dư luận xã hội; chủ động sớm thông tin về lễ hội, phê phán các hành vi vi phạm quy tắc ứng xử lễ hội qua tiểu ban truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng nhằm tranh thủ sự ủng hộ của dư luận xã hội. Nhiệm vụ của tiểu ban truyền thông là cung cấp các thông tin chính xác, công khai, minh bạch cho báo chí và toàn thể người dân tham dự lễ hội. Các cơ quan thông tin đại chúng phải tôn trọng những điều kiêng kỵ của người dân địa phương, phải coi trọng sắc thái văn hóa riêng của từng tộc người, từng vùng; cần có cái nhìn của “người trong cuộc”, không nhìn những sắc thái văn hóa tộc người dưới lăng kính của dân tộc mình, vùng mình.
Quy chế ứng xử với lễ hội cần được phổ biến thường xuyên trên phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời cũng là nội dung sinh hoạt của các tổ dân phố, các cơ quan công sở, trường học, thôn bản. Mặt khác, ban tổ chức lễ hội cần tham mưu chính quyền địa phương xây dựng các chế tài xử phạt (trên cơ sở tôn trọng pháp luật và đáp ứng yêu cầu thực tiễn) và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng của từng cấp địa phương, hay phổ biến trên mạng xã hội.
Vấn đề tuyên truyền, hướng dẫn quy tắc ứng xử lễ hội cần phải được làm thường xuyên, nhưng cũng chú trọng những thời điểm trọng tâm, trọng điểm (trước mùa lễ hội, trong mùa lễ hội). Việc tuyên truyền thường xuyên về quy tắc ứng xử, kiểm tra xử phạt nghiêm khắc các hành vi vi phạm sẽ tạo thành các khuôn mẫu ứng xử văn hóa trong lễ hội (hành vi, nếp sống của người đi dự hội; nghi thức, nghi lễ của ban tổ chức và cộng đồng...); qua đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và ứng xử văn hóa với các lễ hội hiện nay./.
Quan điểm của Đảng về phát huy nguồn lực văn hóa  (21/05/2021)
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến văn hóa, lối sống người dân Việt Nam  (09/12/2020)
Văn hóa - nguồn lực cho phát triển bền vững  (30/11/2020)
Phát huy giá trị các di sản văn hóa trong phát triển du lịch Thủ đô  (27/11/2020)
Gắn kết du lịch Hà Nội với xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo  (05/11/2020)
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm