Điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu để ứng phó với quá trình già hóa dân số trong tương lai
TCCS - Một trong những quy định trong Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019 vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ VIII, được dư luận hết sức quan tâm là việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu. Đề xuất điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu đã được bàn thảo từ khi trình sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, nhưng lúc đó chưa có sự đồng thuận cao. Lần này việc điều chỉnh được đưa ra xem xét xuất phát từ quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, về Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và chuẩn bị cho quá trình già hóa dân số ở nước ta trong tương lai.
Vì sao phải điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu?
Quan điểm sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2012 là thể chế hóa yêu cầu điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, về Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Theo đó, từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu; đối với những ngành, nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung.
Tăng tuổi nghỉ hưu là phù hợp với điều kiện của nước ta khi bắt đầu bước vào thời kỳ “dân số vàng”. Đặc biệt, tuổi thọ của người Việt Nam đã được cải thiện tốt hơn, khi tuổi thọ bình quân đạt trên mức trung bình của thế giới. Hơn nữa, điều kiện lao động đã được cải thiện đáng kể, nên người lao động cũng có xu hướng muốn kéo dài thời gian làm việc để tăng thu nhập và cải thiện lương hưu khi về già. Việc đề xuất mốc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của nam lên 62, nữ lên 60 (từ 60 với nam và 55 với nữ theo Bộ luật Lao động hiện hành) gắn liền với các lý do sau:
Thứ nhất, bảo đảm sự phù hợp với quy mô, cơ cấu, chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động Việt Nam.
Việt Nam có quy mô, cơ cấu dân số đang thay đổi theo hướng tỷ lệ người trong độ tuổi có khả năng lao động giảm do tác động của quá trình già hóa dân số, tỷ lệ số người phụ thuộc đang tăng lên (44,4% vào năm 2019); chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động ngày càng tăng (tuổi thọ bình quân của nam là 72,1 tuổi, của nữ là 81,3 tuổi; và cả hai giới tính là 76,6 tuổi, cao hơn tuổi thọ trung bình của dân số thế giới là 72 tuổi.
Lực lượng lao động tham gia thị trường lao động của Việt Nam trong những năm gần đây đang tăng chậm cả về số lượng và tỷ lệ. Số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy, cuối năm 2013 cả nước có 53 triệu lao động, cuối năm 2018 có 55 triệu lao động. Sau 5 năm chỉ tăng thêm có 2 triệu lao động, trung bình mỗi năm chỉ tăng thêm 400.000 lao động. Lực lượng lao động Việt Nam không quá dồi dào như các đánh giá thông thường và có nguy cơ thiếu hụt trong tương lai. Vì thế, điều quan trọng là hoàn thành lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu trước khi Việt Nam đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trong khoảng 20 năm tới do quá trình già hóa dân số.
So sánh với các nước trong khu vực, Việt Nam đang có tuổi nghỉ hưu tương đối thấp trong khi lại có mức tuổi thọ khá cao. Cụ thể, Việt Nam có tuổi thọ ở tuổi 60 là 22,5 năm, trong khi tuổi nghỉ hưu bình quân theo quy định chỉ là 57, tuổi nghỉ hưu bình quân trên thực tế chỉ khoảng 53,5, trong khi Ma-lai-xi-a có tuổi thọ ở tuổi 60 là 19,5 năm, tuổi nghỉ hưu bình quân là 60; Thái Lan có tuổi thọ ở tuổi 60 là 21 năm, tuổi nghỉ hưu bình quân là 60.
Thứ hai, tham khảo kinh nghiệm, thông lệ của các quốc gia trên thế giới quy định về xác định tuổi nghỉ hưu. Tuổi nghỉ hưu của các nước trên thế giới phổ biến là trên 60 đối với nữ, trên 62 đối với nam.
Số liệu thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về quy định tuổi nghỉ hưu của 176 quốc gia cho thấy, tuổi nghỉ hưu của nữ, phổ biến từ 60 - 62 tuổi.
Hầu hết các quốc gia khi điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu đều có một lộ trình để thu hẹp dần khoảng cách về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ. Một kinh nghiệm nữa trong việc triển khai chính sách, pháp luật nói chung và một chính sách có nhiều tác động đến nhiều phía, như tăng tuổi nghỉ hưu nói riêng, là cần làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự hiểu biết và đồng thuận xã hội, hạn chế thấp nhất những hệ lụy xảy ra.
Trên thực tế, hầu hết các nước khi điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu đều không nhận được sự ủng hộ của người dân do người dân luôn mong muốn sớm được hưởng chế độ hưu trí, trong khi họ vẫn có thể tiếp tục làm việc để có thêm thu nhập bên cạnh lương hưu nếu vẫn đáp ứng được các yêu cầu của thị trường lao động. Tuy nhiên, vì lợi ích tổng thể và lâu dài của quốc gia, các nước vẫn phải đưa ra quyết định. Ví dụ đơn cử nhất là mới đây, tháng 7-2018, mặc dù có hơn 90% người dân Nga phản đối chính sách tăng tuổi nghỉ hưu nhưng ngày 21-7-2018 với số phiếu ủng hộ áp đảo, Dự luật Tăng tuổi nghỉ hưu đã được Duma Quốc gia Nga thông qua. Nhật Bản là ví dụ điển hình của việc trì hoãn tăng tuổi nghỉ hưu, khi dân số già, bên cạnh việc nới lỏng chính sách nhập cư, Nhật Bản đang phải xem xét tăng tuổi nghỉ hưu với số tuổi tăng cao và hết sức đột ngột, từ 65 lên 74 tuổi.
Từ kinh nghiệm điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của các quốc gia cho thấy, thời điểm tốt nhất thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là khi thị trường lao động đang còn thặng dư lao động (số người trong độ tuổi lao động chiếm đa số tổng dân số); kinh tế đang trên đà phát triển, có tốc độ tăng trưởng tốt; cơ cấu dân số càng trẻ thì lộ trình điều chỉnh càng dài. Vào thời điểm này của Việt Nam, khi chúng ta đang bước dần từ giai đoạn “dân số vàng” sang dân số già, việc xem xét điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đã là hơi chậm và cần có những quyết định sớm.
Mục tiêu chung và lâu dài là tiến tới quy định tuổi nghỉ hưu của nam và nữ bằng nhau. Tuy nhiên, khi điều chỉnh, nhiều nước đang có tuổi nghỉ hưu nữ thấp hơn nam đã lựa chọn không quy định tuổi nghỉ hưu bằng nhau ngay, mà có lộ trình thu hẹp dần khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa các giới nhằm tránh gây tác động tiêu cực do phải điều chỉnh quá nhiều tuổi nghỉ hưu của nữ so với nam.
Như vậy, có thể thấy, tuổi nghỉ hưu của đa số các quốc gia là từ 60 trở lên đối với nữ, 62 trở lên đối với nam và đang trong xu thế tăng hơn nữa lên hơn 65 tuổi trong tương lai. Ở nước ta, mức tăng tuổi nghỉ hưu trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) lên 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam là mức thấp so với tuổi nghỉ hưu phổ biến của các nước trên thế giới nhằm tránh việc phải điều chỉnh quá nhiều, đặc biệt là đối với nữ, gây tâm lý phản ứng trái chiều; bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội; sự thay đổi về quy mô, cơ cấu, chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động Việt Nam.
Lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu
Lựa chọn lộ trình điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu chậm dần hằng năm với mức tăng nam 3 tháng, nữ 4 tháng và bắt đầu từ năm 2021 là nhằm:
Một là, tránh gây “sốc” cho thị trường lao động.
Kinh nghiệm của các quốc gia đang điều chỉnh tuổi nghỉ hưu và khuyến nghị của ILO đối với các nước điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là phải điều chỉnh dần dần để tránh gây “sốc” cho thị trường lao động. Lộ trình thường thấy ở các nước là 1 năm tăng 3 tháng hoặc một số nước quy định 1 năm tăng 6 tháng, một số nước tăng theo lộ trình thận trọng hơn như 1 năm tăng 1 tháng hoặc 1 năm tăng 2 tháng. Rất hiếm quốc gia lựa chọn lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu nhanh, gây “sốc” ví dụ như 1 năm tăng 1 tuổi.
Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là quyết sách có tính chiến lược về nhân lực, có tầm nhìn dài hạn, không phải là chính sách ngắn hạn. Việc điều chỉnh dần dần không làm tăng bất thường số người thất nghiệp, gây bất ổn xã hội như thực tế một số quốc gia khi điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu quá sốc, như Hy Lạp, I-ta-li-a.
Hai là, lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chậm sẽ góp phần ổn định chính trị - xã hội, có tác động tốt hơn đến tâm lý xã hội của người lao động và doanh nghiệp.
Tăng tuổi nghỉ hưu luôn luôn là vấn đề nhạy cảm, không chỉ ở Việt Nam mà ở tất cả các nước, do có tác động trực tiếp đối với đông đảo người lao động và doanh nghiệp. Lựa chọn phương án điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu nhanh có thể dẫn đến số người thất nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao đột ngột, gây ra những vấn đề xã hội bức xúc. Nâng tuổi nghỉ hưu nhanh cũng có thể tạo ra tâm lý không hài lòng đối với một bộ phận lớn người lao động, nhất là trong các doanh nghiệp, đồng thời cũng có thể tạo ra tâm lý không hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư.
Nhìn tổng quát cho thấy, người làm việc trong khu vực hành chính, sự nghiệp nhà nước cơ bản ủng hộ tăng tuổi nghỉ hưu. Người lao động khu vực doanh nghiệp thường không muốn nâng tuổi nghỉ hưu. Họ muốn nhận tiền lương hưu từ Quỹ Bảo hiểm xã hội sớm, nếu tiếp tục làm việc thì có phần thu nhập tăng thêm ngoài phần lương hưu. Doanh nghiệp phần lớn cũng không muốn sử dụng người lao động tuổi cao vì năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc không tương xứng với phần tiền lương họ phải trả mà muốn nhận lao động trẻ, khỏe. Do đó, phương án điều chỉnh dần dần tuổi nghỉ hưu sẽ giúp doanh nghiệp và người lao động thích ứng dần với quy định mới, không gây sốc cho cả doanh nghiệp và người lao động, góp phần ổn định chính trị - xã hội.
Định hướng và khuyến nghị
Điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu là một xu thế phổ biến được thực hiện ở nhiều nước từ những năm 2010 đến nay nhằm ứng phó với quá trình già hóa dân số. Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn (50 năm hoặc dài hơn), bảo đảm sự ổn định của quốc gia, nhưng phải được thực hiện sớm theo lộ trình, không gây sốc cho thị trường lao động.
Trên tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23-5-2018, của Ban Chấp hành Trung ương, về Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, các Công ước của ILO mà Việt Nam đã tham gia với tư cách là thành viên, đồng thời qua thực tiễn thực hiện tuổi nghỉ hưu, căn cứ ý kiến tham vấn của người sử dụng lao động, người lao động; các tổ chức cá nhân và người dân, về cơ bản thống nhất nên quy định tăng tuổi nghỉ hưu cho lao động nam và lao động nữ căn cứ vào điều kiện lao động, tăng trưởng kinh tế, xu hướng già hóa dân số, quan hệ cung - cầu lao động và sự thỏa thuận của người lao động và người sử dụng lao động, Chính phủ có thể quy định một độ tuổi cao hơn hoặc độ tuổi đó phải được hạ thấp trong những điều kiện quy định nhằm mục đích trợ cấp tuổi già, đối với những người làm công việc được coi là nặng nhọc hoặc độc hại. Tuổi để được hưởng chế độ hưu trí (tuổi già) thì người lao động có nghĩa vụ tham gia đóng bảo hiểm trong một thời gian và phải đạt đến một độ tuổi nhất định do Chính phủ quy định. Khắc phục tình trạng tuổi nghề là tuổi nghỉ hưu như hiện nay, nếu những ngành, nghề lao động nặng nhọc, độc hại mà suy giảm khả năng lao động theo quy định đủ điều kiện nghỉ hưu thì tuổi nghề đương nhiên là tuổi nghỉ hưu; những ngành, nghề đòi hỏi phải kết thúc làm việc sớm, nhưng còn khả năng lao động thì phải chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp để tiếp tục làm việc cho đến khi đủ tuổi về hưu theo quy định.
Tăng tuổi nghỉ hưu sẽ ảnh hưởng đến việc làm của lao động trẻ nếu chúng ta tăng tuổi nghỉ hưu nhanh và tăng cho mọi nhóm lao động. Do đó rất cần tăng theo lộ trình và tăng dần đều để tránh gây ảnh hưởng tới cơ hội của người trẻ, đặc biệt lao động đã qua đào tạo, để hạn chế thất nghiệp và thiếu việc làm. Những nghị định hướng dẫn thực hiện của Chính phủ phải rất công khai, minh bạch, chặt chẽ, cụ thể đối với nhóm lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm việc trong khu vực có điều kiện đặc biệt khó khăn và suy giảm khả năng lao động để người lao động biết chủ động trong làm việc và bảo đảm sức khỏe. Chính phủ cần tuyên truyền để người lao động thấy được sự cần thiết điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nhằm bảo đảm nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nhưng không gây cản trở cho lao động trẻ, cũng không để lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao có kinh nghiệm.
Vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình là cần thiết và tối đa là 62 tuổi đối với nam, 60 tuổi đối với nữ, nhưng phải làm rõ 2 vấn đề quan trọng: Thứ nhất, người lao động có thể nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi và có thể nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi. Những vấn đề có liên quan đến tiền lương hưu của người lao động khi tính mức lương hưu được hưởng tối đa 75% mức lương bình quân của cả quá trình làm việc trong khu vực ngoài nhà nước và bình quân của 10 năm cuối trong khu vực nhà nước cần được làm rõ trên tinh thần bảo đảm sự bình đẳng hưởng thụ cho cả hai khu vực, bởi đây là vấn đề được nhiều người lao động quan tâm. Thứ hai, cần phải thực hiện ngay nguyên tắc đóng - hưởng cho tất cả người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội khi Bộ luật Lao động sửa đổi có hiệu lực thi hành và quỹ hưu trí của người lao động được hạch toán theo tài khoản cá nhân, Nhà nước có trách nhiệm quản lý, đầu tư tăng trưởng, bảo tồn quỹ và công khai minh bạch; trong điều kiện kinh tế tăng trưởng và chỉ số giá tiêu dùng biến động, Nhà nước sẽ điều chỉnh lương hưu để người nghỉ hưu bảo đảm được giá trị sức mua của đồng tiền, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng thời kỳ và quan trọng hơn phải bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.
Một điều nữa mà chúng ta cần xem xét, đó là việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cần được thực hiện đồng bộ với các chính sách khác về thị trường lao động và an sinh xã hội một cách tổng thể, bao gồm cả việc sử dụng một phần quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ một phần tiền lương hoặc hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội để giảm áp lực chi phí tài chính cho doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục sử dụng, tránh sa thải lao động sau 35 - 40 tuổi; sử dụng một phần quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để chủ động phòng ngừa, cải thiện điều kiện làm việc giúp kéo dài tuổi nghề của người lao động.
Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là công việc khó khăn, phức tạp do đây là vấn đề tổng hợp về kinh tế, chính trị, xã hội và nhân khẩu học. Để bảo đảm thành công trong việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cần quyết tâm chính trị rất cao, sự đồng lòng, quyết tâm của lãnh đạo cấp cao và của cả hệ thống chính trị./.
Infographic: Thanh Hải
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển