Tập đoàn hóa đại học công lập ở một số nước và bài học kinh nghiệm quản trị đại học ở Việt Nam
TCCS- Việc tìm hiểu ba mô hình tập đoàn hóa đại học công lập ở Ma-lai-xi-a, Nhật Bản và Ca-na-đa có thể giúp làm rõ những biểu hiện của xu thế này trong đổi mới quản trị đại học ở Việt Nam. Mặc dù khái niệm “tập đoàn hóa” chưa được thể chế hóa trong văn bản pháp luật về giáo dục, nhưng vẫn có thể tìm thấy các biểu hiện “tập đoàn hóa” trong thực tiễn quản trị đại học công lập đang được đổi mới căn bản, toàn diện nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay.
Ở Việt Nam hiện nay đã xuất hiện một số tập đoàn giáo dục tư thục sở hữu hệ thống trường liên cấp từ bậc mầm non - tiểu học; tiểu học - trung học cơ sở - trung học phổ thông; trung học phổ thông - cao đẳng - đại học... Nhưng các văn bản pháp luật về giáo dục và đào tạo hầu như chưa sử dụng những thuật ngữ, như “tập đoàn đại học”, “tập đoàn hóa”, “tập đoàn hóa đại học công lập”. Tuy nhiên, trong thực tiễn cải cách giáo dục từ năm 1979 đến nay, ở Việt Nam luôn xuất hiện những biểu hiện mới của một xu thế biến đổi quản trị đại học trên phạm vi toàn cầu. Đây cũng là những biểu hiện của quá trình “tập đoàn hóa giáo dục đại học” (Corporatization of higher education) mà hạt nhân là “tập đoàn hóa đại học công lập” (Corporatization of a Public University) trên thế giới.
Ba mô hình tập đoàn hóa đại học công lập ở Ma-lai-xi-a, Nhật Bản và Ca-na-đa, tuy có những điểm khác nhau, nhưng cơ bản đều thống nhất, tập đoàn hóa là quá trình phát triển trường đại học công lập thành pháp nhân độc lập, chịu trách nhiệm trước pháp luật chứ không phải trước cơ quan chủ quản hay cơ quan quản lý nhà nước và tự chủ thực hiện có hiệu quả các hoạt động giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội.
Từ việc tìm hiểu các mô hình này có thể phát hiện và đánh giá được các trường đại học Việt Nam đang ở đâu và sẽ như thế nào trong quá trình đổi mới quản trị đại học. Từ đó, gợi mở những vấn đề chính sách và giải pháp để phát huy những mặt tích cực, kiểm soát những mặt tiêu cực trong quá trình đổi mới quản trị đại học ở Việt Nam trước áp lực cạnh tranh quyết liệt từ các thị trường, nhất là khi cạnh tranh đang ngày càng lấy yếu tố khoa học và công nghệ làm then chốt.
Tập đoàn hóa trong quản trị đại học công lập ở Ma-lai-xi-a
Tập đoàn hóa đại học công lập ở Ma-lai-xi-a diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng tài chính, tiền tệ châu Á năm 1997, theo đó Chính phủ Ma-lai-xi-a buộc phải tiến hành các biện pháp đối phó, như tái cấu trúc kinh tế, cải cách doanh nghiệp, cải cách cơ chế tài chính, ngân sách nhà nước và cải cách quản trị đại học. Thực hiện phổ cập trung học phổ thông nên nhu cầu đại học tăng cao, trong khi tài chính, ngân sách nhà nước có hạn, vậy Ma-lai-xi-a chọn thực hiện đồng thời hai giải pháp là tập đoàn hóa đại học công lập và khuyến khích phát triển đại học tư thục. Tập đoàn hóa đại học công lập ở Ma-lai-xi-a là “tập đoàn hóa trong quản trị đại học” (corporatisation-in-governance), theo đó Nhà nước vẫn tiếp tục phân bổ ngân sách, mặc dù có cắt giảm để hỗ trợ trường đại học công lập hoạt động hiệu quả trong bối cảnh tài chính, tiền tệ gặp nhiều khó khăn, bao gồm cả khủng hoảng. Ngày 1-1-1998, đại học công lập đầu tiên được tập đoàn hóa và tính đến năm 2017, Ma-lai-xi-a đã tập đoàn hóa được 17 trong tổng số 20 trường đại học công lập.
Tập đoàn hóa trong quản trị trên cấp độ hệ thống quốc gia:
Biểu hiện rõ nhất là Nhà nước cắt giảm ngân sách cho đại học công lập từ 3.14 tỷ RM trong giai đoạn 1991 - 1995 xuống còn 2.96 tỷ RM giai đoạn 1996 - 2000. Tương ứng, tỷ trọng ngân sách nhà nước trong tổng chi tiêu thường xuyên của đại học công lập đã giảm còn 83% giai đoạn 1995 - 2003, nhưng vẫn còn rất lớn, khoảng 70% vào năm 2010. Điều này buộc các đại học công lập phải nâng cao năng lực tự chủ trong huy động các nguồn lực, nhất là nguồn thu từ bên ngoài và tăng hiệu quả phân bổ, sử dụng các nguồn thu, trong đó có ngân sách nhà nước. Đồng thời, Nhà nước tái cấu trúc cơ chế kiểm định chất lượng giáo dục đại học.
Tập đoàn hóa trong quản trị trên cấp độ nhà trường:
Thứ nhất, chuyển đổi hội đồng trường thành ban giám đốc với quy mô được tinh giản một nửa (trước đây khoảng 15 người). Ban giám đốc bao gồm thành viên đại diện cho Chính phủ và các thành viên cá nhân do Bộ trưởng Bộ Giáo dục (MOE) bổ nhiệm, trong đó có hiệu trưởng, có người đại diện cho hội đồng học thuật và có người đại diện cho đội ngũ giảng viên trong trường. Thứ hai, hội đồng học thuật được tái cấu trúc và tinh giản từ 200 - 300 người xuống còn khoảng 20 người gồm lãnh đạo nhà trường và các giáo sư do hiệu trưởng bổ nhiệm căn cứ kết quả lựa chọn, đề xuất của các giáo sư trong trường. Thứ ba, hiệu trưởng do Bộ trưởng Bộ Giáo dục bổ nhiệm trực tiếp thông qua quy trình giới thiệu công khai để bảo đảm có được những ứng viên xứng đáng nhất cho vị trí này. Thứ tư, các trường có quyền tham gia các hoạt động đối tác, đầu tư chứng khoán và thành lập công ty, doanh nghiệp mà những hoạt động này được Bộ Tài chính phê duyệt và nhà trường phải có trách nhiệm giải trình. Thứ năm, các trường có quyền huy động nguồn thu từ việc tăng học phí, mở rộng tuyển sinh, tăng cung cấp các dịch vụ tư vấn, dịch vụ khoa học, công nghệ cho doanh nghiệp và Nhà nước, cho thuê các cơ sở vật chất, thiết bị của nhà trường và sử dụng nguồn thu để kinh doanh, sản xuất, cung cấp dịch vụ. Trong khi đó, Nhà nước vẫn tiếp tục sở hữu các tài sản của mình ở các đại học công lập và vẫn tiếp tục cấp phát ngân sách và tài trợ cho nhà trường đầu tư vào các chương trình, dự án đòi hỏi đầu tư chiều sâu. Thứ sáu, nhà trường tự chủ xây dựng và thực hiện cơ chế đãi ngộ và mức lương hấp dẫn để phát triển đội ngũ khoa học, tránh được tình trạng “chảy máu chất xám” từ đại học công lập sang khu vực tư nhân.
Tập đoàn đại học quốc lập theo luật ở Nhật Bản
Nhật Bản cải cách đại học quốc lập thành tập đoàn đại học quốc lập vào năm 2004. Theo Luật Tập đoàn hóa đại học quốc lập (năm 2003), đại học quốc lập được chuyển thành pháp nhân công, tự chủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật và độc lập với cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ (MEXT). Trong vòng 4 tháng đầu năm 2004, tất cả 87 đại học quốc lập của Nhật Bản đều được tập đoàn hóa thành 87 tập đoàn đại học quốc lập.
Tập đoàn hóa đại học trên cấp độ hệ thống quốc lập:
Thứ nhất, chuyển đổi mô hình quản lý nhà nước theo trật tự thứ bậc tập trung sang mô hình pháp nhân độc lập, tự chủ và hợp tác nhiều bên, nhiều chiều và cạnh tranh huy động các nguồn lực, cung cấp các dịch vụ, bảo đảm chất lượng. Thứ hai, chuyển đổi cơ chế cấp phát ngân sách nhà nước theo dòng chi tiêu sang cơ chế cấp phát ngân sách trọn gói và các tập đoàn đại học có quyền tự chủ phân bổ, sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước, đồng thời huy động các nguồn thu khác. Năm 2004, ngân sách nhà nước cấp qua Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ cho các đại học quốc lập căn cứ kế hoạch trung hạn của các trường chiếm 47,7% tổng số nguồn thu của các trường. Thứ ba, cơ quan kiểm định giáo dục được tách ra khỏi Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ và trở thành ủy ban đánh giá. Các cơ quan kiểm toán chuyển đổi vai trò kiểm soát từ trên xuống sang vai trò hỗ trợ nhà trường bảo đảm chất lượng và tăng công khai, minh bạch và tăng tin cậy tài chính của nhà trường. Thứ tư, hệ thống quản trị đại học có sự tham gia chia sẻ từ các tổ chức đối tác, người học và giới khoa học trong và ngoài trường.
Tập đoàn hóa đại học trên cấp độ nhà trường:
Thứ nhất, sau khi được tập đoàn hóa, bộ máy quản trị đại học của nhà trường có thành phần và cấu trúc gồm: 1- chủ tịch, 2- ban giám đốc, 3- hội đồng hành chính, 4- hội đồng đào tạo và nghiên cứu. Tập đoàn hóa đại học quốc lập đòi hỏi chủ tịch trường được bầu chọn bởi một “Ủy ban lựa chọn chủ tịch” với hai thành phần có số lượng ngang bằng nhau gồm các chuyên gia ngoài trường là thành viên của hội đồng hành chính và các đại diện trong trường là thành viên của Hội đồng đào tạo và nghiên cứu. Thứ hai, tái cấu trúc hội đồng hành chính bảo đảm các chuyên gia bên ngoài chiếm không dưới 50% tổng số thành viên của hội đồng này và các thành viên còn lại do chủ tịch chỉ định từ các đại diện trong trường. Hội đồng khoa học và đào tạo gồm các đại diện về đào tạo và nghiên cứu trong trường. Thứ ba, để bảo đảm nguyên tắc tập trung quản trị, chủ tịch trường đứng đầu cả ba tổ chức gồm ban giám đốc, hội đồng hành chính và hội đồng đào tạo - nghiên cứu. Về quản trị nhân sự, chủ tịch trực tiếp bổ nhiệm các vị trí quản lý, nhân sự hành chính và thư ký, bảo đảm đội ngũ này giúp việc đắc lực cho chủ tịch và ban giám đốc; đồng thời áp dụng cơ chế quản trị nhân sự ngoài công lập vào nhà trường. Thứ tư, sự tham gia rộng rãi của các chuyên gia ngoài trường trong quản trị đại học. Thứ năm, các tập đoàn đại học quốc lập có quyền tăng nguồn thu từ học phí, lệ phí nhập học không quá 10% theo quy định của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ. Đồng thời, các trường tăng nguồn thu từ hợp tác với doanh nghiệp, hợp tác quốc tế và cung cấp dịch vụ. Các trường chủ động vừa cắt giảm chi tiêu và tăng hiệu quả sử dụng các nguồn lực, vừa khuyến khích các nhà khoa học huy động các nguồn lực bên ngoài. Nhờ có thêm các nguồn lực nên các trường tự chủ trả lương hấp dẫn để giữ và thu hút các nhà khoa học tài giỏi. Thứ sáu, các tập đoàn đại học quốc lập chuyển từ cơ chế trách nhiệm giải trình nội bộ khép kín sang cơ chế pháp luật và mở với bên ngoài. Mỗi trường được đánh giá về mức độ hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch trung hạn bởi ủy ban đánh giá được Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ thành lập, bao gồm các thành viên đại học không phải đại học quốc lập. Kết quả đánh giá là căn cứ để phân bổ ngân sách nhà nước trong thời kỳ tiếp theo của nhà trường.
Tập đoàn hóa phi tập trung đại học công lập ở Ca-na-đa
Ca-na-đa tiến hành cải cách đại học công lập theo hướng tập đoàn hóa một cách phi tập trung. Tập đoàn hóa là quá trình chuyển đổi đại học thành pháp nhân độc lập, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật để hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tăng lợi nhuận, giảm chi phí để thích ứng với kinh tế thị trường toàn cầu hóa. Tập đoàn hóa phi tập trung diễn ra ở các địa phương và phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, xã hội, quản lý của địa phương, mặc dù chính phủ liên bang vẫn cấp ngân sách cho các trường đại học công lập.
Tập đoàn hóa trong quản trị đại học trên cấp độ hệ thống quốc gia:
Thứ nhất, ngân sách trung ương dành cho giáo dục sau trung học phổ thông đã bị cắt giảm khoảng 13,5 tỷ USD trong giai đoạn 1983 - 1995; giai đoạn 1994 - 2005, giảm khoảng 50%. Thứ hai, ngân sách địa phương cũng bị cắt giảm. Thứ ba, mặc dù ngân sách nhà nước giảm, nhưng vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn thu thường xuyên của các trường. Việc cắt giảm ngân sách nhà nước buộc các trường đại học phải kiểm soát chi phí và huy động nguồn lực bên ngoài theo cách tiếp cận quản lý tập đoàn để bù vào số ngân sách nhà nước bị cắt giảm và tìm cách tăng được hiệu quả phân bổ, sử dụng các nguồn thu, gồm cả ngân sách nhà nước.
Tập đoàn hóa trong quản trị cấp độ nhà trường:
Thứ nhất, tái cấu trúc bộ máy quản trị của nhà trường khi số lượng các nhà quản trị chuyên nghiệp tăng lên chiếm một phần ba tổng số các nhà quản trị đại học. Thứ hai, nhà trường luôn có một phó chủ tịch chịu trách nhiệm huy động nguồn vốn đầu tư cho trường và được hỗ trợ bởi cả một bộ máy hành chính, gồm hàng chục thành viên giữ các chức vụ quản lý, điều hành, điều phối và chuyên viên. Thứ ba, nhà trường áp dụng cơ chế tuyển dụng nhân sự theo hợp đồng để tăng hiệu quả sử dụng đội ngũ nhân sự và quyền tự chủ của đội ngũ quản trị. Tuy nhiên, cơ chế quản trị này có thể cản trở các giảng viên hợp đồng tiếp cận các cơ hội bồi dưỡng, đào tạo để nâng cao chất lượng và cải thiện thu nhập. Thứ tư, các trường áp dụng đào tạo trực tuyến để tăng năng suất, hiệu quả đào tạo, tăng quyền lực của đội ngũ quản trị và giảm bớt sự phụ thuộc vào các giảng viên giảng dạy trực tuyến, bởi vì nhiều công việc học thuật được chuyển giao cho bộ phận hành chính. Tuy nhiên, đào tạo trực tuyến bị phê phán là kém hiệu quả về mặt giáo dục phẩm chất, năng lực của con người do thiếu mối quan hệ trực tiếp giữa giảng viên với người học. Do vậy, trên thực tế, các trường đại học chỉ áp dụng đào tạo trực tuyến từng phần một cách phù hợp. Thứ năm, các trường ưu tiên nghiên cứu chuyển giao khoa học, công nghệ thay cho mô hình quản trị đại học hàn lâm. Theo mô hình cũ, giảng viên dành 40% thời gian cho giảng dạy, 40% cho nghiên cứu và 20% cho hoạt động phục vụ. Theo mô hình mới kiểu tập đoàn hóa, giảng viên dành 20% thời gian cho giảng dạy, 40% cho nghiên cứu và 40% cho hoạt động phục vụ cộng đồng. Đặc biệt, các trường đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu - triển khai và hợp tác với doanh nghiệp.
Biểu hiện tập đoàn hóa trong đổi mới quản trị đại học ở Việt Nam
Ở Việt Nam, do các trường đại học công lập được “chủ quản” bởi nhiều cơ quan bộ, ngành và địa phương nên việc phân bổ và quản trị ngân sách rất phân tán và phức tạp. Tập đoàn hóa theo nghĩa cắt giảm ngân sách nhà nước với “liệu pháp mạnh” là nhà trường tự bảo đảm toàn bộ kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư đã được thí điểm ở Việt Nam từ năm 2014 đến nay đối với 23 trường đại học, chiếm 13,5% tổng số các trường đại học công lập. Theo đó, các trường thí điểm này được tự chủ, tự chịu trách nhiệm các hoạt động, bao gồm huy động và sử dụng 100% nguồn thu ngoài nhà nước, trong đó phần lớn là thu từ học phí, lệ phí và một phần nhỏ từ chuyển giao khoa học - công nghệ và các nguồn thu hợp pháp khác. Các trường không thí điểm tự chủ có phần lớn nguồn chi thường xuyên và chi đầu tư thu từ học phí, lệ phí (khoảng 60%) và ngân sách nhà nước (khoảng 30%), còn lại một phần nhỏ thu từ chuyển giao công nghệ và các nguồn khác. Tuy nhiên, cả hai loại trường này đều chủ yếu dựa vào nguồn thu từ học phí, lệ phí và do vậy tập đoàn hóa đòi hỏi các trường phải ưu tiên phát triển nhiều hơn nguồn thu từ nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ.
Biểu hiện tập đoàn hóa quản trị đại học trên cấp độ hệ thống quốc gia:
Theo Điều lệ Trường đại học (năm 2014), “cơ quan trực tiếp quản lý trường đại học công lập là cơ quan, tổ chức được giao quản lý trường đại học theo quy định của pháp luật, bao gồm: Các bộ, ban, ngành trung ương; ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là ủy ban nhân dân cấp tỉnh); các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, các tập đoàn kinh tế; các đại học”. Năm 2016, cả nước có 213 trường đại học, trong đó 153 trường đại học công lập (chiếm gần 72%). Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý trực tiếp 48 trường (chiếm 31,4%) trong tổng số 153 trường công lập, các bộ khác 80 trường (52.3%), 2 Đại học Quốc gia trực thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương chủ quản 23 trường (15%).
Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (năm 2018), trường đại học có các cơ quan cấp trên bao gồm Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan ngang bộ, cơ quan chủ quản. Theo Luật này, các trường đại học xây dựng quy chế về tổ chức và hoạt động của trường trình cơ quan chủ quản phê duyệt. Mặc dù có khả năng một số trường đại học được giải phóng khỏi cơ quan chủ quản, nhưng các trường còn lại vẫn thuộc hệ thống quản trị thứ bậc từ trên xuống dưới với cơ chế “xin - cho”.
Về kiểm định giáo dục, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (năm 2018) quy định theo hướng tập đoàn hóa: tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có tư cách pháp nhân và độc lập về tổ chức không chỉ với cơ quan quản lý nhà nước mà còn với cơ sở giáo dục đại học và do vậy chỉ có trách nhiệm giải trình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động kiểm định và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Như vậy, quan hệ giữa tổ chức kiểm định với trường đại học không phải là quan hệ quản trị “mệnh lệnh” từ trên xuống dưới mà là quan hệ chức năng và hợp tác bình đẳng. Trường đại học có trách nhiệm định kỳ đăng ký kiểm định chương trình đào tạo và kiểm định cơ sở giáo dục đại học, trong khi đó tổ chức kiểm định hợp pháp phải tuân thủ nguyên tắc kiểm định gồm độc lập, khách quan, đúng pháp luật; trung thực, công khai, minh bạch; bình đẳng, bắt buộc, định kỳ. Về quản trị học thuật, các trường đại học công lập đều đổi mới và tăng số lượng các chương trình đào tạo đại học và sau đại học, bao gồm các chương trình đào tạo chất lượng cao và chương trình đào tạo có yếu tố quốc tế. Đặc biệt, các trường đều tìm cách tăng số lượng công trình khoa học, các hội thảo khoa học và các bài viết trên tạp chí quốc tế. Các trường thí điểm tự chủ đã tăng hơn gấp đôi các bài viết trên tạp chí nước ngoài từ gần 600 bài năm 2013 lên trên 1.400 bài năm 2017. Các trường đại học công lập có xu hướng coi việc xuất bản quốc tế và chuyển giao khoa học - công nghệ là những tiêu chuẩn đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động học thuật của cá nhân, tập thể và tổ chức nghiên cứu, đào tạo.
Biểu hiện tập đoàn hóa quản trị đại học trên cấp độ nhà trường:
Thứ nhất, quy định “Hội đồng trường là cơ quan quản trị của trường đại học" (Điều lệ Trường đại học, năm 2014). Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (năm 2018) tiếp tục quy định hội đồng trường là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan. Điều này mở rộng thành phần và cấu trúc của hội đồng trường và nhấn mạnh các quan hệ lợi ích trong và ngoài trường mà hội đồng trường phải có năng lực cạnh tranh để bảo vệ, thích ứng một cách phù hợp trong điều kiện cạnh tranh nguồn lực. Luật này còn quy định việc thành lập hội đồng trường là điều kiện để trường đại học thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình, mà không quy định phải cam kết bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư mới có quyền tự chủ. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có trên một phần ba các trường đại học công lập thành lập hội đồng trường.
Thứ hai, sự tham gia của các chuyên gia bên ngoài trong quản trị đại học. Điều lệ Trường đại học (năm 2003) lần đầu tiên quy định hội đồng trường có sự tham gia của các thành viên bao gồm “cán bộ quản lý giáo dục có uy tín trong và ngoài trường”, nhưng không quy định rõ số lượng. Năm 2018, số lượng thành viên ngoài trường tham gia quản trị đại học được quy định rõ là phải chiếm ít nhất 30% tổng số tối thiểu 15 thành viên của hội đồng trường; thành viên ngoài trường gồm đại diện của cơ quan quản lý có thẩm quyền, đại diện của cộng đồng xã hội do hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường bầu bao gồm nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà giáo dục, nhà văn hóa, nhà khoa học, doanh nhân, cựu sinh viên, đại diện đơn vị sử dụng lao động.
Thứ ba, sự phân định trách nhiệm, quyền hạn giữa hiệu trưởng, hội đồng trường và các thành viên đương nhiên khác trong hội đồng trường. Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (năm 2018), chủ tịch hội đồng trường không kiêm nhiệm các chức vụ quản lý trong trường đại học; hội đồng trường gồm bốn thành viên: 1- bí thư cấp ủy, 2- hiệu trưởng trường đại học, 3- chủ tịch công đoàn, 4- đại diện Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là người học của trường đại học. Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, ở đây có thể xuất hiện đòi hỏi phải phân định rõ ràng, công khai, minh bạch hơn nữa về trách nhiệm và quyền hạn giữa hiệu trưởng với hội đồng trường, chủ tịch hội đồng trường và các bên có lợi ích liên quan, bao gồm cả các đoàn thể chính trị - xã hội trong quản trị đại học cấp trường.
Quá trình đổi mới quản trị đại học đòi hỏi phải tính đến những biểu hiện của tập đoàn hóa đại học công lập trên cả các cấp độ hệ thống chính sách giáo dục và cấp độ nhà trường. Có thể tham khảo các kinh nghiệm tập đoàn hóa đại học công lập ở nước ngoài để đổi mới quản trị đại học nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục đại học công lập ở nước ta hiện nay./.
Agribank - Vì tương lai xanh  (20/10/2019)
Dịch vụ chuyển tiền theo điện SWIFT MT 101 - giải pháp quản lý vốn toàn cầu cho các tập đoàn đa quốc gia  (19/10/2019)
Phiên họp thứ 38 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV  (19/10/2019)
Agribank chung tay vì người nghèo năm 2019  (18/10/2019)
Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong ngành giáo dục  (18/10/2019)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên