TCCSĐT - Bên cạnh sự quan tâm của cộng đồng, xã hội, những cựu thanh niên xung phong Việt Nam cũng thể hiện tấm lòng trọn nghĩa, vẹn tình, chủ động hỗ trợ lẫn nhau, nhân lên những việc làm sưởi ấm tình đồng chí, giúp nhiều gia đình cựu thanh niên xung phong vươn lên thoát nghèo.

 
 Lực lượng thanh niên xung phong tham gia phục vụ chiến trường. Ảnh tư liệu, TTXVN.

Quan tâm giải quyết chế độ, chính sách cho cựu thanh niên xung phong

Cả nước hiện có 511.259 cựu thanh niên xung phong, trong đó có 393.589 thanh niên xung phong sinh hoạt trong tổ chức Hội. Đề xuất giải quyết hồ sơ chính sách tồn đọng; đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau cả về vốn và kinh nghiệm phát triển kinh tế, xóa nghèo bền vững; tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội tại địa phương; xây dựng quỹ nghĩa tình đồng đội… là những hoạt động trọng tâm được Trung ương Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam chỉ đạo các cấp Hội triển khai trong thời gian qua.

Phó Chủ tịch Trung ương Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam Cù Văn Phiên cho biết, 6 tháng đầu năm 2018, Trung ương Hội đã tiếp tục phối hợp với các ngành, các cấp và các địa phương để rà soát, phân loại hồ sơ, kiến nghị với các cơ quan nhà nước tiếp tục giải quyết chế độ, chính sách đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trung ương Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam đã làm việc với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đề xuất cơ chế giải quyết hồ sơ tồn đọng chế độ chính sách liệt sỹ, thương binh đối với 384 thanh niên xung phong hy sinh và 6.541 thanh niên xung phong bị thương khi làm nhiệm vụ; thống nhất quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng về thương binh, liệt sỹ mà trước mắt tập trung làm thí điểm tại 4 tỉnh đã khảo sát là Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Bình Định; xây dựng đề án về thống kê, đánh giá thực trạng kiến nghị công nhận và đầu tư, tôn tạo các di tích lịch sử thanh niên xung phong trên toàn quốc. Ngoài ra, theo báo cáo của cấp Hội tại 10 tỉnh, thành phố, trong 6 tháng đầu năm nay, đã có thêm 1.085 cựu thanh niên xung phong được giải quyết chế độ, chính sách theo các quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Nhân lên những việc làm tình nghĩa

Nhằm phát huy nội lực, tính chủ động, tự lực, tự cường trong với phương châm “Đoàn kết - đồng đội - đổi mới”, đặc biệt nhằm tạo nguồn vốn vay cho gia đình các cựu thanh niên xung phong khó khăn phát triển sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, Hội Cựu thanh niên xung phong một số địa phương đã triển khai nhiều hình thức vận động xây dựng các quỹ nghĩa tình.

Tại tỉnh Thanh Hóa, cuộc vận động xây dựng quỹ “Nghĩa tình thanh niên xung phong” đã thu hút được sự quan tâm của tất cả các hội cơ sở, với tổng số tiền gần vận động khoảng 40 tỷ đồng. Trong đó, Hội Cựu thanh niên xung phong xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc là một điểm sáng trong phong trào này với mức quỹ bình quân cao nhất cả tỉnh, hơn 3 triệu đồng/hội viên.

Triển khai huy động từ năm 2000 đến nay, với phương châm huy động “Năm sau cao hơn năm trước”, đến nay, số dư Quỹ Nghĩa tình của Hội Cựu thanh niên xung phong xã Đa Lộc là 399 triệu đồng. Đặc biệt, riêng Chi hội thôn Đông Hải chỉ có 17 hội viên nhưng đã huy động được gần 60 triệu đồng, đạt bình quân 4 triệu 400 nghìn đồng/hội viên. Từ nguồn vốn này, Hội đã cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay với lãi suất thấp để mua con giống, đầu tư sản xuất, nâng cao thu nhập. Các hội viên không may ốm đau, hoạn nạn cũng được Hội hỗ trợ kịp thời. Nhiều hội viên nhờ vay vốn của Quỹ đã phát triển kinh tế, vươn lên trở thành hộ có thu nhập cao trong xã.

Để quản lý và sử dụng nguồn vốn hiệu quả, các chi hội đều xây dựng quy chế rõ ràng, bầu ra những người có uy tín làm nhiệm vụ thu, chi quỹ. Hàng năm, từ tiền lãi thu được, Hội sẽ dùng để tổ chức các hoạt động tập thể, mua quà cho hội viên vào các dịp lễ, Tết… Việc xây dựng Quỹ Nghĩa tình thanh niên xung phong không chỉ mang lại những giá trị kinh tế thiết thực mà còn tạo sự đoàn kết, gắn bó, tương trợ lẫn nhau trong Hội Cựu thanh niên xung phong các cấp tại tỉnh Thanh Hóa.

Năm 2018 là năm thứ ba Hội Cựu thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh triển khai phong trào nuôi heo đất vì nghĩa tình đồng đội. Phần đông hội viên đã tích cực hưởng ứng tham gia phong trào, coi đây là việc làm có ý nghĩa thiết thực, phù hợp với điều kiện hoạt động hiện nay của Hội.

Tính đến hết năm 2017, có 24/24 Hội quận, huyện tham gia phong trào nuôi heo đất, đạt tỷ lệ 100%. Tổng số heo đất nuôi được là 1.579 con, với tổng số tiền huy động trên 1,2 tỷ đồng. Đặc biệt, một số Hội Cựu thanh niên xung phong thành viên đạt kết quả cao như: Hội Cựu thanh niên xung phong quận 12 nuôi được 132 heo đất, số tiền thu được là 290 triệu đồng; Hội Cựu thanh niên xung phong quận 8 nuôi được 232 heo đất, số tiền thu được là 253 triệu đồng…

Từ phong trào nuôi heo đất, những việc làm có ý nghĩa thiết thực giúp đỡ hội viên đã được các cấp hội quan tâm nhân rộng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực tùy theo nhu cầu như: Hỗ trợ hội viên chống dột nhà, chi trả viện phí và mua thuốc điều trị; cho vay vốn phát triển chăn nuôi, kinh doanh nhỏ mà không tính lãi; mua thẻ bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo… Phong trào đã được nhiều hội viên ủng hộ, đánh giá cao về tính hiệu quả. Ông Nguyễn Đức Nguyên, Phó Chủ tịch Quận hội Tân Bình cho biết, nhờ số tiền nuôi heo đất được sử dụng đúng mục đích, nhiều cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận Tân Bình đã nỗ lực vượt lên nghịch cảnh cuộc sống, phát triển kinh tế.

Giúp nhau nâng cao chất lượng cuộc sống

Bên cạnh những hoạt động tình nghĩa, nhiều điểm sáng trong phong trào gia đình cựu thanh niên xung phong hỗ trợ nhau làm kinh tế đã xuất hiện ở một số địa phương trong cả nước, trong đó tiêu biểu là tại Thành phố Hà Nội. Từ năm 2012 đến nay, phong trào “Gia đình cựu thanh niên xung phong giúp nhau làm kinh tế để thoát nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống” của Hội Cựu thanh niên xung phong Thành phố Hà Nội được thực hiện có hiệu quả ở nhiều địa phương như: Thạch Thất, Thanh Trì, Gia Lâm, Ba Vì, Hoàng Mai… Phong trào phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, trong tất cả các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ du lịch, nuôi trồng và chế biến lâm, thủy sản.

Bà Dương Thị Vịn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội cựu thanh niên xung phong Thành phố Hà Nội cho biết: Cùng với sự đi lên của xã hội và nền kinh tế đất nước, phong trào “Gia đình cựu thanh niên xung phong giúp nhau làm kinh tế để thoát nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống” của Hội Cựu thanh niên xung phong Hà Nội cũng đã phát triển đa dạng. Đặc biệt, những năm gần đây, các gia đình cựu thanh niên xung phong có cùng mô hình sản xuất kinh doanh, cùng vật nuôi cây trồng, cùng ngành nghề đã liên kết lại thành cụm kinh tế, cùng chia sẻ kinh nghiệm, cùng giúp nhau giống, vốn, vượt qua khó khăn để phát triển sản xuất.

Phong trào này đã phát huy được hiệu quả, qua đó xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu năng động đạt thành tích, nổi bật là cụm kinh tế cây trồng và vật nuôi của Hội Cựu thanh niên xung phong xã Việt Hùng, huyện Đông Anh. Các hộ gia đình cựu thanh niên xung phong nơi đây đã mạnh dạn đầu tư khoa học kỹ thuật, đưa những giống cây, con có giá trị kinh tế cao như bưởi Diễn, cam, chanh, tổ chức trang trại nuôi lợn mán, chim cút đẻ trứng, gà thịt… Đến nay, cụm kinh tế của Hội cựu thanh niên xung phong xã Việt Hùng đã có khoảng 33 hội tham gia với trên 80 lao động, thu nhập bình quân mỗi lao động từ 3,5 đến 5 triệu đồng/tháng.

Qua hơn 5 năm triển khai, Thành phố Hà Nội đã có 2.325 hộ cựu thanh niên xung phong tham gia phong trào, xây dựng 285 cặp đôi, thành lập 72 câu lạc bộ làm kinh tế, hình thành 64 cụm kinh tế gia đình; qua đó giúp 330 hộ thoát nghèo, hơn 2.600 lao động có việc làm, thu nhập ổn định, hàng nghìn hộ vươn lên làm giàu chính đáng; khích lệ, phát huy tinh thần lao động cần cù vượt khó sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, thực hiện có hiệu quả các chủ trương đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước./.