TCCSĐT - Được thành lập vào năm 1948, 70 năm qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) luôn đóng vai trò then chốt trong việc kiểm soát, phòng chống bệnh tật, đưa ra các tiêu chuẩn, hướng dẫn y tế, cũng như giúp các nước giải quyết các vấn đề y tế công cộng.

Nhiều thành tựu quan trọng sau 70 năm

WHO được thành lập và bắt đầu hoạt động từ ngày 07-4-1948 với 53 thành viên sáng lập. Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, WHO hiện có 193 nước thành viên với 6 Văn phòng khu vực trên thế giới, tập trung vào các vấn đề y tế đặc thù của khu vực; ngoài ra có các Văn phòng Đại diện ở các nước thành viên.

Kể từ khi thành lập, WHO luôn nỗ lực thực hiện sứ mệnh giúp mọi người có sức khỏe tốt nhất, với định nghĩa về sức khỏe là tình trạng hoàn toàn khỏe mạnh về thể chất và tinh thần, không chỉ đơn thuần là không có bệnh tật. Với mục tiêu ưu tiên cao nhất “Sức khoẻ cho tất cả mọi người”, WHO đã đề ra các định hướng chiến lược hành động, đó là:

- Giảm tỷ lệ tử vong, tỷ lệ mắc bệnh và tật nguyền cao quá mức, đặc biệt trong các nhóm dân cư nghèo và bị thiệt thòi;

- Cổ vũ lối sống lành mạnh và giảm các yếu tố gây nguy cơ cho sức khỏe con người do các nguyên nhân môi trường, kinh tế, xã hội và hành vi gây ra;

- Xây dựng các hệ thống y tế, trong đó nâng cao một cách công bằng các kết quả đầu ra về sức khoẻ, đáp ứng các nhu cầu chính đáng của nhân dân và công bằng về tài chính;

- Xây dựng môi trường thể chế và chính sách thuận lợi, đẩy mạnh có hiệu quả vị thế y tế trong chính sách phát triển, môi trường, kinh tế và xã hội.

Ngoài các định hướng chiến lược này, WHO cũng xác định các ưu tiên khác, như: phòng, chống các bệnh sốt rét, lao phổi, sức khoẻ tâm thần, thuốc lá, các bệnh không truyền nhiễm (ung thư, tim mạch...), mang thai an toàn hơn và sức khoẻ trẻ em, HIV/AIDS, sức khỏe và môi trường, an toàn thực phẩm, truyền máu an toàn, hệ thống y tế.

Với những nỗ lực được thể hiện bằng các chương trình hành động thực tiễn tới từng vấn đề, từng quốc gia, WHO đã đạt được những thành tựu quan trọng, như: xóa bệnh đậu mùa năm 1979; xây dựng và thông qua Công ước khung về kiểm soát thuốc lá; giảm 99% số ca mắc bệnh bại liệt năm 2006 so với năm 1956; ngăn ngừa và kiểm soát các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như dịch SARS (năm 2003), cúm gia cầm (năm 2009), Ebola (năm 2014)...

Hỗ trợ có hiệu quả cho ngành y tế Việt Nam

WHO đặt quan hệ hợp tác với Việt Nam từ năm 1976. Đến nay, sau hơn 4 thập niên, WHO với vai trò là tổ chức tư vấn kỹ thuật hàng đầu thế giới trong lĩnh vực y tế đã luôn đồng hành, hỗ trợ có hiệu quả cho ngành y tế Việt Nam trong việc nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của toàn bộ hệ thống y tế. Những nguồn hỗ trợ đã góp phần tích cực giúp ngành y tế Việt Nam giải quyết những thách thức cũng như xây dựng hoàn thiện hệ thống chính sách y tế qua đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và cải thiện các chỉ số sức khỏe của người dân.

Cụ thể, WHO giúp Việt Nam trong việc thanh toán bại liệt và uốn ván sơ sinh; thiết lập các tiêu chuẩn xuyên suốt hàng loạt các vấn đề y tế công cộng. Đặc biệt, các chỉ số sức khoẻ và dịch vụ y tế đều đạt và vượt mục tiêu chiến lược do ngành y tế đề ra, tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm gây dịch năm sau đều thấp hơn năm trước; các bệnh dịch, như: tả, thương hàn, dịch hạch... không còn là nguy cơ cao trong cộng đồng. Công tác tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam được duy trì thường xuyên, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm đầy đủ các loại vắc xin luôn đạt trên 90%; tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ có thai đạt trên 80%.

Nhờ sự giúp đỡ và hợp tác của WHO, Việt Nam đã thực hiện tốt các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em, giảm suy dinh dưỡng, tăng cường tiếp cận nước sạch và vệ sinh, phòng chống hiệu quả HIV/AIDS, lao và sốt rét, khống chế tốt dịch bệnh, thực hiện nhanh lộ trình bao phủ sức khỏe toàn dân (Universal Health Coverage - UHC)... Việt Nam đang đẩy mạnh chiến lược bao phủ y tế toàn dân với hơn 85% số dân tham gia bảo hiểm y tế; thực hiện có hiệu quả các giải pháp ứng phó với dịch bệnh và vấn đề y tế công cộng khẩn cấp…

Mới đây nhất, vào tháng 01-2018, Bộ Y tế Việt Nam phối hợp cùng với WHO tại Việt Nam khởi động Chương trình hợp tác y tế cho giai đoạn 2018 - 2019. Chương trình được thực hiện từ tháng 01-2018 đến tháng 12-2019, với tổng ngân sách cam kết tài trợ ước tính là 21 triệu USD (tương đương 489 tỷ đồng). Theo Chương trình hợp tác tài khóa mới này, Bộ Y tế Việt Nam và WHO sẽ phối hợp cùng nhau để tăng cường năng lực của hệ thống y tế nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng và bình đẳng đối với tất cả mọi người, đặc biệt là nhóm người nghèo và dễ bị tổn thương; cung cấp dịch vụ có chất lượng ở tuyến y tế cơ sở; nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài chính y tế; tăng cường các quy định về dược phẩm, vắc xin và các sản phẩm y tế để đảm bảo tiếp cận tốt hơn với các loại thuốc thiết yếu và công nghệ y tế.

Việt Nam - thành viên tích cực của WHO

Bên cạnh việc nỗ lực phối hợp với WHO trong việc nâng cao sức khỏe cộng đồng, Việt Nam cũng được đánh giá là một thành viên tích cực của WHO. Việt Nam tích cực tham gia các hội nghị, diễn đàn quốc tế và khu vực về hợp tác quốc tế trên lĩnh vực y tế và là thành viên của Hội đồng chấp hành (Executive Board - EB) WHO nhiệm kỳ 2003 - 2005 và 2016 - 2019.

Việc Việt Nam được bầu làm thành viên EB - cơ quan chuyên môn cao nhất về y tế của Liên hợp quốc, đại diện cho 37 quốc gia và vùng lãnh thổ trong Khu vực Tây Thái Bình Dương - là bước quan trọng triển khai chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, thể hiện là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng tham gia đóng góp tìm giải pháp cho các thách thức chung của nền y tế thế giới, qua đó thúc đẩy sự phát triển của nền y tế toàn cầu.

Đối với khu vực và quốc tế, Việt Nam đã đóng góp tích cực vào bảo đảm an ninh y tế. Viêt Nam luôn sẵn sàng chung tay cùng các nước khống chế thành công những đại dịch toàn cầu, đào tạo nhiều thế hệ bác sĩ và cán bộ y tế cho các nước láng giềng, cử chuyên gia về y tế, sức khỏe sang giúp đỡ các nước trong khu vực cũng như ở châu Phi xa xôi. Việt Nam cũng đăng cai tổ chức và chủ trì thành công nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế lớn và các sự kiện quốc tế quan trọng trong lĩnh vực y tế./.