TCCSĐT - Những năm gần đây, dưới tác động của quá trình đô thị hoá, kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, đời sống văn hóa dân cư ở các đô thị biến đổi rất mạnh. Để xây dựng văn hóa cộng đồng ở đô thị, cần quan tâm xây dựng con người - chủ thể sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa. Xây dựng con người đô thị phát triển toàn diện vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Tầm quan trọng của việc xây dựng con người đã được nhấn mạnh trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng: “xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành một mục tiêu của chiến lược phát triển. Đúc kết, xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc. Khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn. Đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người. Có giải pháp ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội, khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam”. Đây cũng chính là những mục tiêu xây dựng con người đô thị trong giai đoạn hiện nay.

Đẩy mạnh hoạt động giáo dục

Nhìn vào thực trạng xây dựng con người đô thị ở nước ta trong thời gian qua có thể thấy, người dân đô thị đang hàng ngày, hàng giờ lao động, sáng tạo, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ở các đô thị lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, chính quyền đô thị và người dân đang đồng lòng chung sức xây dựng văn hóa và con người ngày càng văn minh, tiến bộ, nhân văn.

Để xây dựng con người phát triển toàn diện, đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương và đất nước, hoạt động giáo dục ở các đô thị được đẩy mạnh. Các trường học được quan tâm đầu tư xây dựng, bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất cho hoạt động giảng dạy. Bên cạnh nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động giáo dục của ngân sách nhà nước, người dân cũng đóng góp phần không nhỏ cho việc xây dựng cơ sở, vật chất giáo dục; đồng thời thường xuyên quan tâm, chia sẻ với nhà trường, khuyến khích con em tham gia học tập. Ngành giáo dục rất chú trọng tới việc giáo dục nhân cách cho học sinh các cấp bằng các nội dung thiết thực lồng ghép trong chương trình học. Chẳng hạn, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội biên tập sách Giáo dục nếp sống thanh lịch - văn minh cho học sinh tiểu học Hà Nội; môn học giáo dục công dân được đưa vào giảng dạy cho học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông; các tấm gương người tốt việc tốt trong xã hội, trong nhà trường được giới thiệu với các em học sinh trong các chương trình ngoại khóa…

Việc thành phố Đà Nẵng mở trang facebook để tiếp nhận phản ánh từ người dân là một điểm mới trong quản lý của chính quyền địa phương. Đây cũng là một kênh để người dân chủ động trong xây dựng con người đô thị. Bước vào diễn đàn chung này, nhiều người có thái độ, cách biểu hiện khác nhau. Những biểu hiện và thái độ tích cực luôn được cộng đồng khuyến khích. Tuy nhiên, không ít biểu hiện thiếu thiện chí vẫn xuất hiện, đưa ra nhận xét với lời lẽ khó nghe, thậm chí miệt thị những thành viên khác, nhưng trang facebook này vẫn không “chặn” nick để khỏi ảnh hưởng đến sự văn minh của diễn đàn. Một lãnh đạo của Thành phố bày tỏ quan điểm: “lâu nay thường nghĩ văn minh đô thị là chỉ nghĩ đến kết cấu hạ tầng, đường sá… Nhưng, một đô thị văn minh thực sự phải có cái hồn, cái văn hóa của đô thị. Một số thành viên vào diễn đàn nói những lời khó nghe, thậm chí những lời vô văn hóa mà chúng ta “chặn” không cho họ tham gia diễn đàn nữa thì thực ra chúng ta thất bại, lại không đúng tiêu chí của diễn đàn đưa ra. Bởi lẽ, chúng ta “chặn” họ thì chỉ loại bỏ được sự không văn minh, văn hóa của họ trên facebook, trong khi họ vẫn sống giữa cộng đồng. Vì thế, vẫn để họ tham gia trên diễn đàn rồi dần dần các thành viên khác giúp họ hiểu ra xây dựng đô thị văn minh là gì. Một đô thị văn minh thì cần phải có những con người văn minh”.

Lời chia sẻ của lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng cho thấy vai trò to lớn của cộng đồng trong việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị cho từng cá nhân và cho cả xã hội. Chính sự tham gia của người dân vào xây dựng con người đô thị sẽ làm cho “người tốt, việc tốt”, “việc tử tế” trong xã hội ngày càng phát triển.

Tích cực tuyên truyền người tốt, việc tốt

Hàng ngày, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, gương người tốt việc tốt ở các đô thị liên tục được đăng tải. Những tấm gương người tốt, việc tốt không chỉ có ý nghĩa cổ vũ, động viên, khen ngợi đối với những nhân cách cao đẹp mà còn có ý nghĩa tạo dựng niềm tin xã hội, góp phần lan tỏa những con người tốt, những việc làm hay.

Nhiều câu chuyện thường ngày được chia sẻ trên các phương tiện truyền thông đại chúng khiến mỗi người chúng ta phải suy nghĩ, phải tự nhìn lại để hoàn thiện chính bản thân mình. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, câu chuyện thùng bánh mì từ thiện cũng như bữa cơm 2.000 đồng, tủ thuốc từ thiện, điểm vá xe, sửa giày miễn phí,… xuất hiện ngày càng nhiều, đã làm ấm lòng người thành phố. Đối với các doanh nghiệp, việc trích một phần lợi nhuận của mình để chia sẻ với cộng đồng, thể hiện trách nhiệm xã hội của mình là điều dễ hiểu. Nhưng có những gia đình không hề khá giả, nhiều khi còn phải chật vật mưu sinh, vậy mà vẫn nghĩ đến những người có cuộc sống còn cơ cực hơn mình, sẵn sàng gom góp những đồng tiền ít ỏi của mình để giúp những người gặp hoạn nạn hoặc đồng bào gặp thiên tai…

Đã trở thành một nếp sống quen thuộc, những ngày trước tết nguyên đán, các doanh nghiệp, các tổ chức, các mạnh thường quân và người dân thành phố lại tất bật chuẩn bị những chuyến quà đưa về các địa phương vùng sâu, vùng xa lo tết giúp bà con nghèo. Ở chỗ này, người ta gom góp quần áo cũ, giặt giũ phân loại để mang đến cho người già, trẻ em ở các vùng sâu; ở nơi khác, chị em tiểu thương cùng nhau đi vận động quyên góp để chuẩn bị những gói quà tạm đủ cho mỗi gia đình có một cái tết đầm ấm ở vùng quê nghèo. Những chiếc áo ấm mặc dù không còn mới nhưng được giặt giũ sạch sẽ, thơm tho sẽ xua đi cái rét cắt da, ủ ấm cho những đứa trẻ đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao. Những gói bánh mứt, kẹo, chai dầu ăn, bịch bột ngọt, chai nước mắm,… dù giá trị không cao, nhưng người dân thành phố đã gửi gắm vào đó thông điệp của tình yêu thương, của tinh thần sẻ chia đùm bọc, thấm sâu cái nghĩa đồng bào… “Bữa cơm có thịt cho trẻ em vùng cao” từ ý tưởng của một vài cá nhân đã trở thành một phong trào gây được hiệu ứng tốt trong cộng đồng.

Người dân làm từ thiện theo nhiều cách khác nhau, tùy điều kiện mỗi người. Trong khi giới doanh nhân thành phố mỗi năm chi hàng trăm tỷ đồng để xây nhà tình thương, xây cầu bê-tông thay cầu khỉ, làm đường nông thôn, giúp mổ tim bệnh nhân nghèo, tặng xe lăn người khuyết tật…, thì người nghèo có khi chỉ vài mươi ngàn đồng vẫn có cách giúp những người lao động nghèo giải khát trên đường mưu sinh cực nhọc; những bạn sinh viên, học sinh sẵn sàng dành những ngày cuối tuần vào các trung tâm nuôi người già, trẻ mồ côi khuyết tật, đem đến cho họ hơi ấm của tình người.

Vấn đề xây dựng con người nói chung, xây dựng con người đô thị nói riêng còn rất nhiều điều để bàn. Tuy nhiên, không thể phủ nhận một thực tế là trong đời sống đô thị hiện nay, quá trình quản trị bản thân, thể hiện năng lực tự giác của con người trong việc hoàn thiện nhân cách biểu hiện rất đa dạng, ở mọi tầng lớp xã hội và những giá trị tốt đẹp được cổ vũ. Sự tích cực của chính quyền đô thị, sự ủng hộ của đoàn thể chính trị xã hội, sự tự giác của người dân đã cộng hưởng, tạo nên những kết quả đáng ghi nhận trong việc hình thành các phong trào xã hội hướng tới xây dựng con người đô thị văn minh. Vấn đề đặt ra hiện nay chính là phải có một cơ chế để làm lan tỏa những giá trị, những hành vi tốt đẹp của người dân đô thị, biến các phong trào thành nếp sống, thành văn hóa ứng xử của mọi người dân đô thị. Có như vậy, văn hóa mới thực sự thấm sâu vào đời sống xã hội, hướng con người tới sự phát triển toàn diện, tự hoàn thiện không ngừng./.