Phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm vị thành niên
TCCSĐT - Những thành tựu của công cuộc đổi mới và hội nhập ở nước ta đã tạo điều kiện cho thế hệ trẻ trong đó có lứa tuổi vị thành niên được sống trong môi trường thuận lợi. Chất lượng cuộc sống được nâng cao. Tuy nhiên những mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự đa dạng về văn hóa trong bối cảnh mở cửa và hội nhập quốc tế đã ảnh hưởng lớn đến tư tưởng và nhận thức của lứa tuổi vị thành niên. Tội phạm vị thành niên đang trở thành một vấn nạn xã hội, đe dọa tới sự phát triển bền vững của toàn xã hội. Đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm vị thành niên đang trở thành mối quan tâm hàng đầu hiện nay. Trong cuộc đấu tranh này, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ngày càng có vai trò hết sức quan trọng.
Các số liệu nghiên cứu của đề tài cấp nhà nước “Tội phạm vị thành niên - Thực trạng, giải pháp phòng ngừa và đấu tranh trong quản lý phát triển xã hội ở nước ta hiện nay” do GS, TS. Đặng Cảnh Khanh chủ trì thực hiện từ năm 2011 - 2016 cho thấy, tình hình tội phạm vị thành niên nước ta diễn biến ngày càng phức tạp:
Thứ nhất, số lượng tội phạm vị thành niên tăng lên, theo số liệu thống kê của Cục Thống kê Viện Kiểm sát tối cao, trong vòng 5,5 năm (từ năm 2009 đến tháng 6-2014), đã phát hiện mới 35.654 đối tượng vị thành niên vi phạm pháp luật. Những năm gần đây con số phạm tội trong lứa tuổi vị thành niên theo báo cáo có xu hướng giảm xuống, tuy nhiên vẫn chiếm hơn 16% so với tổng số bị can phạm tội hình sự do Cơ quan cảnh sát điều tra các cấp khởi tố điều tra.
Thứ hai, phạm vi tội danh tăng lên, hình thức phạm tội cũng nghiêm trọng hơn, ngày càng bạo lực, manh động, mang tính tổ chức. Nếu như trước kia vị thành niên chủ yếu phạm các tội như trộm cắp, gây rối trật tự nơi công cộng, cướp giật thì ngày nay tỷ lệ phạm các tội cướp tài sản, hiếp dâm, buôn bán ma túy, giết người… ngày càng nhiều, nhiều vụ án nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tỷ lệ các tội danh này tăng nhanh và chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu tội phạm do vị thành niên gây ra.
Thứ ba, sự mở rộng địa bàn phạm tội. Tội phạm vị thành niên trước đây chủ yếu xảy ra ở các đô thị, các khu vực kinh tế phát triển, hiện nay xảy ra ở hầu hết các khu vực từ thành thị tới nông thôn, kể cả những vùng xa xôi, hẻo lánh. Tuy nhiên số lượng tội phạm chủ yếu vẫn tập trung nhiều ở các thành phố, thị xã, nhất là ở các thành phố lớn. Các địa phương xảy ra nhiều nhất lần lượt vẫn là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Khánh Hòa, Đắk Lắk,...
Thứ tư, tuổi phạm tội ngày càng trẻ hóa. Nếu như trước đây tội phạm vị thành niên chủ yếu ở trong độ tuổi từ 16 - 18 tuổi, ngày nay tội phạm vị thành niên dưới 14 tuổi tăng, chiếm tới 13% trong cơ cấu tội phạm vị thành niên, thậm chí còn xuất hiện cả các băng nhóm tội phạm “nhí”.
Những thay đổi đáng lo ngại trong nhận thức và hành vi của vị thành niên
Các con số về tội phạm vị thành niên đang là hồi chuông cảnh báo đối với gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội. Nguyên nhân vị thành niên phạm tội, có những nguyên nhân khách quan, có những nguyên nhân bắt nguồn từ chính nhận thức, lối sống của các em. Tìm hiểu sâu về lối sống, nhận thức, định hướng, giá trị hiện nay của vị thành niên ở nước ta cho thấy nhiều vấn đề, nguy cơ có thể dẫn đến phạm tội(1):
Đánh giá về lối sống của vị thành niên hiện nay có 56,7% vị thành niên trả lời chỉ một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay sống lành mạnh, 23,1% người trả lời đa số thanh thiếu niên thể hiện lối sống lành mạnh và 20,1% người trả lời rất ít thanh thiếu niên thể hiện được lối sống lành mạnh.
Một bộ phận vị thành niên cũng không có đánh giá lạc quan về đời sống của lứa tuổi mình. Tìm hiểu về quan điểm của trẻ vị thành niên về lối sống của thanh thiếu niên hiện nay so với cha, anh trước đây, kết quả điều tra cho thấy có tới 48,7 % vị thành niên được hỏi cho rằng lối sống của của họ là kém hơn trước; 9,2% là tỷ lệ lựa chọn ở mức tốt hơn rất nhiều và tương tự ở mức kém hơn rất nhiều; 3,5% lựa chọn không có gì thay đổi.
Đối với vị thành niên, học tập là nhiệm vụ quan trọng nhất của các em, là sự chuẩn bị hành trang để các em trở thành công dân có ích cho xã hội trong tương lai. Tuy vậy, khi đánh giá về ý thức học tập của vị thành niên nói chung hiện nay cho thấy, có tới 30,5% các em lựa chọn đa số vị thành niên hiện nay học tập cầm chừng; 27,9% lựa chọn đa số có tiêu cực trong thi cử và 21,3% lựa chọn đa số không có ý thức học tập. Những tỷ lệ này không phải là những con số quá cao nhưng cũng đã phần nào phản ánh thực tế đáng buồn hiện nay, dù đa số các em xác định được nhiệm vụ trọng tâm ở độ tuổi của mình là học tập nâng cao trình độ, nhưng cũng có một số không ít các em chưa dành thời gian đúng mức cho việc học tập và còn có những hành vi không trung thực trong học tập.
Càng lo ngại hơn nữa, một bộ phận không nhỏ vị thành niên cho biết đã từng vi phạm pháp luật và tham gia các tệ nạn xã hội như vi phạm luật giao thông, tham gia đánh bạc, đánh nhau trong trường, sử dụng chất ma túy, uống rượu bia, hút thuốc lá…
Hơn nữa, hoạt động trong thời gian rảnh rỗi, ngoài giờ học của vị thành niên cũng khá nghèo nàn. Hoạt động chủ yếu của các em trong thời gian rỗi chủ yếu là lướt web, tán gẫu với bạn bè, chơi game, mà ít tham gia các hoạt động nâng cao tri thức, thể chất, tinh thần và các hoạt động đoàn thể, các hoạt động cộng đồng. Một số lượng không nhỏ các em không tích cực tham gia hoạt động Đoàn. Đáng chú ý, có tới 70% vị thành niên phạm tội cho biết không tham gia hoạt động Đoàn.
Các nghiên cứu cho thấy con đường đi vào phạm tội của vị thành niên thường bắt đầu từ những lệch lạc trong nhận thức, định hướng, lối sống không lành mạnh và tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật. Để phòng ngừa, ngăn chặn vị thành niên phạm tội cần sự tham gia của toàn xã hội, trong đó Đoàn Thanh niên đóng vai trò tiên phong, xung kích.
Những yêu cầu đặt ra đối với công tác phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm vị thành niên của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
Trước tình hình tội phạm vị thành niên gia tăng và ngày càng phức tạp, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, sự phối hợp của các cấp, các ngành và sự ủng hộ của toàn xã hội, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên. Tuy nhiên công tác này của Đoàn Thanh niên vẫn còn một số hạn chế:
Một là, các nội dung, hình thức hoạt động của Đoàn Thanh niên còn xơ cứng, chưa phát huy được vai trò chủ thể của thanh niên, mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu, nguyện vọng và trình độ nhận thức của thanh niên. Bệnh hành chính hóa trong công tác và sinh hoạt của Đoàn còn tồn tại và chưa được khắc phục triệt để vì vậy chưa tập hợp, quy tụ được thanh thiếu niên. Tỷ lệ tập hợp thanh thiếu niên vào các hoạt động của Đoàn chưa cao.
Hai là, việc nâng cao hiệu quả giáo dục chính trị tư tưởng, pháp luật, đạo đức lối sống cho thanh thiếu niên; giáo dục trách nhiệm công dân và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh tình hình hiện nay chưa thường xuyên. Trong thời kỳ bùng nổ thông tin như hiện nay, thanh thiếu niên dễ dàng tiếp cận các luồng thông tin khác nhau, trong đó có cả những thông tin sai lệch, độc hại, dễ tác động đến tư tưởng, tâm lý, tình cảm của thanh thiếu niên, đặc biệt lứa tuổi vị thành niên. Đây là cơ hội thuận lợi để các thế lực thù địch, tội phạm, kẻ xấu tiến hành các hoạt động tác động, lôi kéo thanh thiếu niên vào các hoạt động tội phạm và phạm pháp.
Ba là, hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi trong thanh thiếu niên chưa tiếp cận được với nhóm đối tượng có nguy cơ phạm tội cao; đây là nhóm đối tượng cần được can thiệp, tuyên truyền giáo dục nhất. Ngoài ra, công tác giám sát, hỗ trợ hoạt động truyền thông chưa thường xuyên, chưa kịp thời. Việc phối hợp giữa Đoàn Thanh niên với ban, ngành, đoàn thể ở địa phương ở một số nơi chưa đồng bộ, kết quả thực hiện chưa cao.
Bốn là, công tác vận động đoàn viên, thanh niên tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội nói chung và tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên nhiều nơi chưa được chú trọng, nhiều thanh thiếu niên hiện nay có tư tưởng cá nhân, vị kỷ, không có tinh thần chính nghĩa, thờ ơ trước việc làm sai trái của bạn bè, ngại va chạm và có tâm lý sợ bị trả thù.
Năm là, việc tham gia công tác quản lý, giúp đỡ, cảm hóa thanh thiếu niên phạm pháp chưa đáp ứng được yêu cầu. Mặc dù tổ chức đoàn, hội, đội đã có nhiều hoạt động giúp đỡ, cảm hóa thanh thiếu niên phạm pháp, số nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng, song trên thực tế chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, tính thường xuyên cũng như hiệu quả của các hoạt động. Tỷ lệ tái nghiện còn cao, nhiều địa phương tỷ lệ tái nghiện chiếm trên 90%.
Phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên trong công tác đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm vị thành niên
Với vai trò là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh thiếu niên, trong tình hình hiện nay, Đoàn Thanh niên cần phải đổi mới tư duy, hình thức hoạt động nhằm tập hợp thanh thiếu niên, đóng vai trò tiên phong, nòng cốt trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm vị thành niên.
- Quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chị thị số 48-CT/TW ngày 22-10-2010 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”; Chỉ thị số 21-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống ma túy trong tình hình hiện nay”, thực hiện có hiệu quả Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy, Nghị quyết liên tịch số 03/2010/NQLT giữa Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Bộ Công an, “05 cuộc vận động thanh niên sống tốt đẹp” với các hình thức, cách làm phù hợp, hiệu quả với từng địa phương, từng nhóm đối tượng khác nhau, nhất là ở địa bàn dân cư và đơn vị cơ sở.
- Kiện toàn tổ chức, đặc biệt là tổ chức Đoàn cơ sở, nâng cao năng lực, trình độ nghiệp vụ, kiến thức kinh tế - xã hội của cán bộ Đoàn, đổi mới, sáng tạo nội dung, hình thức sinh hoạt nhằm mục tiêu tập hợp, quy tụ, sâu sát đến tất cả thanh thiếu niên, tăng cường liên kết giữa vị thành niên và tổ chức Đoàn, xóa bỏ tình trạng “vô tổ chức”, bỏ sinh hoạt Đoàn của vị thành niên.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm giúp vị thành niên nâng cao nhận thức về pháp luật, đạo đức, ý thức trách nhiệm công dân, xây dựng lối sống lành mạnh, cảnh giác với hoạt động tác động, lôi kéo của các thế lực thù địch và các loại tội phạm; chủ động phòng ngừa, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm và bài trừ tệ nạn xã hội, đồng thời tuyên truyền, vận động toàn xã hội, cộng đồng tham gia công tác phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên. Nội dung tuyên truyền phù hợp với đặc điểm từng đối tượng, lứa tuổi, vùng, miền, giúp các tầng lớp nhân dân hiểu được tâm lý thanh, thiếu niên để chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tội phạm do người ở tuổi vị thành niên gây ra.
- Tiếp tục nhân rộng và đổi mới các mô hình phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm vị thành niên của Đoàn Thanh niên tại địa bàn dân cư như: tổ chức cho các chi đoàn, đoàn viên, thanh thiếu niên đăng ký, cam kết không vi phạm pháp luật và các tệ nạn xã hội; nhân rộng các mô hình “hòm thư tố giác, hòm thư cứu bạn”, “Thanh niên xung kích, tự quản”, “Thanh niên tình nguyện phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội”; “3 không với ma túy”, “Tuổi trẻ chung tay đẩy lùi ma túy”, “Thắp sáng ước mơ hoàn lương”; “Thanh niên với văn hóa giao thông”, “Cổng trường an toàn giao thông”, “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”...
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm vị thành niên đối với nhóm đối tượng có nguy cơ phạm tội cao. Đặc biệt là nhóm học sinh đã bỏ học, nhóm vị thành niên lang thang, vị thành niên trong các gia đình “có vấn đề”, gia đình khó khăn kinh tế... có hình thức theo dõi, giúp đỡ và huy động nguồn lực cộng đồng tham gia giáo dục, giúp đỡ đối với số vị thành niên này.
- Phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên trong việc tạo dựng môi trường cộng đồng lành mạnh, thân thiện cho sự phát triển của vị thành niên. Duy trì hiệu quả các câu lạc bộ, đội, nhóm thanh thiếu niên xung kích phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy và tệ nạn xã hội, thanh thiếu niên cung cấp thông tin tố giác tội phạm và phối hợp với các lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn và giải quyết các vụ việc, tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự tại các địa bàn dân cư, góp phần xây dựng các cộng đồng dân cư lành mạnh, không có tệ nạn xã hội.
- Đẩy mạnh công tác cảm hóa, giúp đỡ vị thành niên phạm tội, vi phạm pháp luật đang cải tạo tại cộng đồng, chăm lo quyền lợi, lợi ích hợp pháp của số này. Tổ chức Đoàn cần xây dựng các chỉ tiêu cụ thể trong việc giúp đỡ thanh, thiếu niên hư, gái mại dâm, người nghiện ma tuý hoặc người nhiễm HIV/AIDS... xem đây là trách nhiệm của Đoàn và là một trong các chỉ tiêu để đánh giá chất lượng hoạt động của tổ chức Đoàn./.
-------------------------------------------------------
(1) Đặng Cảnh Khanh: “Tội phạm vị thành niên - Thực trạng, giải pháp phòng ngừa và đấu tranh trong quản lý phát triển xã hội ở nước ta hiện nay”, Báo cáo khoa học đề tài cấp Nhà nước KX 02.24/11-15, Hà Nội, 2016
VietinBank dẫn đầu các ngân hàng Việt trong Top 1.000 ngân hàng toàn cầu  (13/07/2017)
VietinBank dẫn đầu các ngân hàng Việt trong Top 1.000 ngân hàng toàn cầu  (13/07/2017)
Bế mạc Phiên họp thứ 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV  (12/07/2017)
Tổng Bí thư gặp mặt các Đại sứ, Trưởng đại diện Việt Nam ở nước ngoài  (12/07/2017)
Công bố các luật sẽ chính thức có hiệu lực thi hành vào năm 2018  (12/07/2017)
Yêu cầu rà soát, kiểm tra chất lượng tàu cá đóng theo Nghị định 67  (12/07/2017)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên