Nhà thơ Thu Bồn: Thi sĩ - chiến sĩ

Đỗ Ngọc Yên Hội Nhà văn Việt Nam
23:35, ngày 30-12-2016

TCCSĐT - Có thể nói, trong thế hệ các nhà thơ chống Mỹ, Thu Bồn, ngoài tư cách là một nhà thơ lớn, có nhiều đóng góp cho nền thơ ca giai đoạn này, ông còn là một “thi sĩ - chiến sĩ” thực thụ nhất, đúng với cả nghĩa đen và nghĩa bóng của cụm từ này.

Thu Bồn là người chiến sĩ cách mạng trước khi trở thành nhà thơ. Trong cả hai tư cách ấy, ông đều nổi lên như một cột mốc riêng biệt, độc đáo mà ít người cùng thế hệ ông có thể làm được. Ông từng nhận được các giải thưởng văn chương cao quý, như: Giải thưởng Văn học Nguyễn Đình Chiểu năm 1965, Giải thưởng Hoa Sen (Lotus) của Hội Nhà văn Á - Phi năm 1973, Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật, đợt I, năm 2001, và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật, đợt V, năm 2016.

Người sống hết mình vì đồng đội

Nhà thơ Thu Bồn, tên thật là Hà Đức Trọng, sinh ngày 01-12-1935, tại xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Chưa đầy 12 tuổi, chính xác là tháng 9-1947, cậu bé Trọng đã xin gia nhập thiếu sinh quân ở Đội Biệt động Điện Bàn, rồi làm giao liên ở Huyện đội Tiên Phước, sau đó vào bộ đội chính quy, chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Năm 1955, Thu Bồn tập kết ra Bắc, học ở Trường Sĩ quan Lục quân, Trường Đại học Sư phạm, Trường Tuyên huấn - Báo chí, khóa ngắn hạn phục vụ cho chiến trường. Đến năm 1960, sau phong trào Đồng khởi ở Bến Tre, cuộc kháng chiến chống Mỹ lan rộng khắp miền Nam, ông xung phong trở lại chiến trường miền Nam và làm phóng viên mặt trận của Báo Quân Giải phóng. Cũng từ thời điểm này, ông bắt đầu làm thơ. Ngoài bút danh Thu Bồn, tên một dòng sông của quê hương, ông còn có các bút danh khác là Hà Ðức Trọng và Bờ Lốc.

Năm 1969, Thu Bồn bị thương và được ra Bắc điều trị. Ổn định vết thương, ông về làm việc tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Năm 1972, ông lại xung phong vào chiến trường Quảng Trị. Từ năm 1973 đến 1975, Thu Bồn chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, rồi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Năm 1976, ông vừa tham gia xây dựng kinh tế, vừa tham gia chống Phun-rô (Fulro) ở Tây Nguyên. Từ năm 1978 đến 1980, ông có mặt ở chiến trường Cam-pu-chia và biên giới phía Bắc. Thu Bồn nghỉ hưu với cấp bậc Trung tá. Ông mất ngày 17-6-2003 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Nói đến nhà thơ Thu Bồn, trước hết người ta nghĩ ngay đến một con người có thái độ sống tích cực, sống có lý tưởng cách mạng - vì độc lập, tự do của dân tộc và cuộc sống bình yên cho mọi nhà. Nhà thơ Thu Bồn có thân hình vạm vỡ, chắc khỏe, thô ráp, với nước da đồng hun. Ông sống đúng với tác phong của một người lính chiến trường thực thụ, dù khi còn tiếng súng đạn của chiến tranh hay khi hòa bình đã lập lại hoàn toàn trên dải đất hình chữ S này. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nhớ lại: Năm 1985, vào ngày đổi tiền, tôi và Thu Bồn lang thang trên đường phố Hà Nội, không đồng xu dính túi, mà lại thèm ngồi nhâm nhi chén rượu với nhau. Thu Bồn tháo đồng hồ đeo tay và lấy chiếc mũ cối của tôi đi bán cho con phe để lấy tiền uống rượu, nhưng con phe từ chối. Anh quyết định “đẩy” chiếc xe máy véc-pa, nhưng người hẹn mua không tới; liền rủ tôi đến nhà nhà văn Ngô Thảo xúc mấy ký gạo ra chợ Âm Phủ đổi lấy rượu và thịt chó. Thế là bạn bè kéo đến uống rượu, đọc thơ. Tối hôm ấy, tôi và Thu Bồn ngủ trên sân thượng nhà Nguyễn Thụy Kha (cùng ngõ với nhà văn Ngô Thảo). Ngủ trên sân thượng thật mát mẻ, phóng khoáng, nhưng quá nửa đêm trời đổ mưa. Sợ phiền vợ chồng Kha, tôi và anh cuốn chiếu xuống hành lang cạnh cầu thang ngủ tiếp. Nào ngờ cản đường chuột chạy. Một con chuột cống đã cắn vào trán Thu Bồn, tóe máu...

Với tính cách năng động, nói đi đôi với làm, sống hết mình vì bạn bè, đồng chí, Thu Bồn đi đến đâu như mang lại sinh khí đến đấy. Ông sống nhiệt thành, sôi nổi đến mức ào ạt, không sợ khó khăn, gian khổ, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nhà văn Ngô Thảo nhớ lại những kỷ niệm với Thu Bồn: Trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả những năm cả nước còn đói khó sau chiến tranh, có Thu Bồn là có ngay những ngày sinh hoạt vui vẻ, rôm rả. Anh có nhiều sáng kiến, tháo vát, miệng nói tay làm, có niềm say mê trong công việc, thường xuyên thích mang lại niềm vui cho người khác, không che giấu những tình cảm bất chợt nảy sinh, sẵn sàng tiêu đến đồng tiền cuối cùng để đãi bạn bè, biết biến những cái tưởng không thể thành có thể; ở đâu, bao giờ cũng có khả năng tổ chức cuộc sống đàng hoàng và vui vẻ. Còn nhà thơ Vương Trọng, người một thời cùng công tác với nhà thơ Thu Bồn ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, chia sẻ: Nhận được số tiền ứng trước khi nghỉ hưu, Thu Bồn đem ra khao bạn bè ngay lập tức, không giữ lại đồng nào, mặc dù gia cảnh của anh rất khó khăn, hai đứa con đều bị di chứng chất độc màu da cam và đã ra đi trước bố. Ngày ra Bắc điều trị bệnh, Thu Bồn là người duy nhất đục hai cái lỗ dưới đáy ba lô để đèo con cùng ra trong mấy tháng ròng.

Nhà thơ hàng đầu của nền thi ca chống Mỹ

Nói đến Thu Bồn với tư cách là nhà thơ, chắc chắn người ta sẽ nghĩ đến người đã sản sinh ra “Bài ca chim Ch’rao”, bản trường ca đầu tiên về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta nói chung và của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên nói riêng. Trường ca “Bài ca chim Ch’rao” xuất hiện lần đầu tiên trên Tuần báo Văn nghệ, số 84, ra ngày 04-12-1964, được nhà thơ Thanh Hải, thành viên của Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam lần đầu ra thăm miền Bắc, mang ra. Ngay trong số báo đó, có bài bình của nhà thơ Hoàng Trung Thông: “Bài ca chim Ch’rao, một khúc hát trữ tình cách mạng, một bản trường ca về những con người chiến đấu của miền Nam”. Và số báo sau đấy, giới thiệu bài “Một bản hùng ca của những con người thép” của nhà thơ Nông Quốc Chấn. Cũng trong năm 1964, “Bài ca chim Ch’rao” được Nhà xuất bản Văn học in thành sách, rồi được dịch sang tiếng Trung Quốc, cùng thời với “Những bức thư từ tuyến đầu Tổ quốc”. Cho đến nay, sự xuất hiện của trường ca “Bài ca chim Ch’rao” vẫn là một hiện tượng đặc biệt duy nhất trong đời sống văn chương nước nhà hơn một nửa thế kỷ qua.

Ngoài “Bài ca chim Ch’rao”, nhà thơ Thu Bồn còn có 5 tập thơ, 10 trường ca, 10 tiểu thuyết, 1 tập truyện ngắn, trong đó có những tác phẩm tiêu biểu như “Ba-zan khát”, “Cam-pu-chia hy vọng”, “Chớp trắng”, “Dưới đám mây màu cánh vạc”, “Vùng sáng hỏa châu”, “Dưới tro”, “Gởi lòng con đến cùng Cha”, “Một trăm bài thơ tình nhờ em đặt tên”,…

Có thể nói, với nhà thơ Thu Bồn, người thế nào, thơ như vậy. Cuộc sống bôn ba nhiều nơi, cả trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cũng như trong hòa bình, dựng xây đất nước, đi đến đâu, ông đều để lại dấu ấn riêng của mình trong thi ca. Sau thời gian xa quê hương, tập kết ra miền Bắc để công tác và học tập, khi được trở lại, ông thật sự xúc động viết: Tôi cúi xuống hôn mảnh đất quê hương/ Như hôn người yêu sau ngày xa cách/ Tôi không khóc nhưng vẫn trào nước mắt/ Con đã về đây với mẹ - Mẹ quê hương (“Hôn mảnh đất quê hương”). Nhưng khi ấy quê hương Quảng Nam của ông còn chìm trong máu lửa của chiến tranh, nên càng yêu quê hương, càng phải ra sức chiến đấu bảo vệ. Những ngày tháng ở núi rừng Trường Sơn gian khổ không làm nao núng ý chí kiên cường, lý tưởng cách mạng trong con người ông, mà ông vẫn lạc quan, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của cách mạng: Tôi nối hoàng hôn và bình minh trên hai đầu võng/ Dĩ vãng, tương lai trên làn môi nóng/ …/ Tôi gối đầu về phía tương lai/ Treo võng qua đêm nhìn thấy ngày mai (“Chiếc võng”).

Nhưng có lẽ một trong những bài thơ xúc động nhất của nhà thơ Thu Bồn là bài viết về Bác Hồ, khi nghe tin Bác mất. Nhà thơ như thay mặt đồng bào miền Nam nói chung và đồng bào Tây Nguyên nói riêng bày tỏ tình cảm biết ơn vô hạn trước công ơn trời biển của Bác, cũng như lòng tiếc thương khôn cùng của mình đối với vị cha già của dân tộc. Mở đầu bài thơ, ông đã rất xúc động viết: Có người thợ dựng thành đồng/ Đã yên nghỉ tận sông Hồng, mẹ ơi/.../ Con đi dưới một vòm trời/ Đau thương nhưng vẫn sáng ngời lòng tin/ Đã ngừng đập một quả tim/ Đã ngừng đập một cánh chim đại bàng/.../ Hành trang Bác chẳng có gì/ Một đôi dép mỏng đã lì chông gai/ Cho con núi rộng sông dài/ Cho con lưỡi kiếm đã mài nghìn nǎm... Và ông kết thúc bài thơ: Việt Nam ơi giống Tiên Rồng/ Bốn nghìn nǎm lấy máu hồng làm hoa/ Gửi lòng con đến cùng Cha/ Chiến công đất nước kết hoa triệu vòng (“Gởi lòng con đến cùng Cha”). Bài thơ được viết theo thể lục bát, một thể thơ truyền thống của dân tộc mà chúng ta thường bắt gặp trong ca dao, hò, vè, rất dễ đọc và dễ đi vào lòng người. Đối với Thu Bồn, đây là bài thơ lục bát hiếm hoi, vì nó khá xa lại với thể thơ tự do để ông thỏa cùng cánh chim Ch’rao trên núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ.

Có lẽ người đồng chí, người em của nhà thơ Thu Bồn, từng một thời làm việc ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội là nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, trong điếu văn đọc tại lễ tang của ông, tháng 6-2003, tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã có những đánh giá xác đáng về ông, và chúng tôi xin mượn một đoạn trong điếu văn đó để thay cho lời kết bài viết này: Nhắc đến Thu Bồn, người ta nhắc đến một tài năng vạm vỡ, một sinh lực tràn đầy, một người triệt để trong ý nghĩ và hành động, một người luôn phát quang để vượt lên phía trước… Thu Bồn là nhà thơ tài hoa, một người dồn đúc nhiều tài năng trong một tài năng… Thu Bồn là một trong những nhà văn xuất sắc nhất của thế hệ các nhà văn chống Mỹ, là nhà văn hàng đầu của mảng văn học chiến tranh nhân dân và quân đội cách mạng. Cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Thu Bồn là một mẫu mực về tấm gương chiến đấu, sáng tạo vì Tổ quốc, vì nhân dân. Những tác phẩm nổi tiếng của anh sẽ còn mãi với bạn đọc Việt Nam nhiều thế hệ./.