TCCSĐT - Để vùng Tây Bắc phát triển nhanh và bền vững, hòa nhập với sự phát triển chung của kinh tế cả nước, thì việc phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp nói chung, cán bộ người dân tộc thiểu số nói riêng là một trong những nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh toàn diện.

Tây Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của Việt Nam, có tiềm năng, lợi thế về nông, lâm nghiệp, thủy điện, khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu… Việc xây dựng Tây Bắc phát triển nhanh, bền vững là yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc trong vùng, vừa là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong những năm qua, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh vùng Tây Bắc đã quan tâm chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, nhất là việc đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện cán bộ là người dân tộc thiểu số. Đến nay, đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số có một tỷ lệ cơ cấu dân tộc khá hợp lý, được đào tạo cơ bản ngày càng tăng, qua đó chất lượng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số ngày càng nâng cao về nhiều mặt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, đạo đức, có trình độ năng lực nghiệp vụ và giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan, đơn vị, địa phương…

Về tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số: Hòa Bình là tỉnh có tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số/tổng số cán bộ, công chức toàn tỉnh cao nhất, chiếm 72,62%; tiếp đến là tỉnh Sơn La chiếm tỷ lệ 69,42%; còn các tỉnh khác trong vùng khoảng từ 28% đến 33%.

Về cơ cấu cán bộ người dân tộc thiểu số, hầu hết tại các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đều có cán bộ người dân tộc thiểu số làm việc. Cán bộ người dân tộc thiểu số cấp tỉnh ở Hòa Bình là 357/1.283 cán bộ (chiếm tỷ lệ 27,82%); Yên Bái là 175/1.468 cán bộ (chiếm tỷ lệ 12%); Lai Châu là 1.332/6.787 cán bộ (chiếm tỷ lệ 19,62%)... Cán bộ người dân tộc thiểu số cấp huyện: Hòa Bình là 790/1.078 cán bộ (chiếm tỷ lệ 73,28%); Lai Châu là 3.049/11.037 cán bộ (chiếm tỷ lệ 27,62%)…

Cán bộ người dân tộc thiểu số cấp xã chiếm tỷ lệ cao, ở Sơn La có số cán bộ người dân tộc thiểu số cấp xã là 4.054/4.521 người, chiếm tỷ lệ cao nhất (89,67%), Điện Biên và Lai Châu cũng chiếm tỷ lệ trên 80%. Trong đó Sơn La là một tỉnh có nhiều đổi mới trong quy hoạch cán bộ người dân tộc thiểu số; so với nhiệm kỳ 2010 - 2015, nhiệm kỳ mới quy hoạch cán bộ người dân tộc thiểu số cấp ủy cấp tỉnh là 52,7%; cấp ủy cấp huyện là 49,2%; cấp sở, ban, ngành là 29,8%; cấp ủy cấp xã là 88,8%...

Về trình độ hiện tại của cán bộ người dân tộc thiểu số: hiện tại đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc có trình độ đại học, trên đại học còn tương đối khiêm tốn; tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số chưa được đào tạo, bồi dưỡng khá cao; như: Lai Châu, có đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số độ tuổi dưới 40 chiếm 77,64%; trình độ học vấn trung học phổ thông: 57,76%, trung học cơ sở: 33,39%, tiểu học: 8,83%; trình độ trên đại học: 0,03%, đại học: 7,48%, cao đẳng: 12,68%, trung cấp: 50,22%, sơ cấp: 4,69%, chưa qua đào tạo: 24,9%. Cán bộ người dân tộc thiểu số có trình độ lý luận chính trị cử nhân, cao cấp: 1,92%, trung cấp: 6,69%, sơ cấp: 11,29%, chưa qua đào tạo: 64,47%.

Ở Điện Biên, cán bộ người dân tộc thiểu số về chuyên môn nghiệp vụ, trình độ sơ cấp: 3,99%; trình độ trung cấp: 39,64%; trình độ cao đẳng: 23,34%; trình độ đại học: 14,34%; trên đại học: 0,68%; về trình độ lý luận chính trị, trung cấp: 2,13%; cử nhân, cao cấp: 2,29%; số được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước: 4,67 %.

Riêng Lào Cai, cán bộ người dân tộc thiểu số có trình độ chuyên môn sau đại học khá cao (6 cán bộ người dân tộc thiểu số có trình độ tiến sĩ, 79 người có trình độ thạc sĩ, 45 người có trình độ bác sĩ chuyên khoa). Cán bộ người dân tộc thiểu số cấp xã có trình độ chuyên môn sơ cấp và chưa qua đào tạo giảm còn 37,8%, đặc biệt ở cấp xã có 1 người có trình độ thạc sĩ. So với những năm trước, tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên tăng 10,87%; trình độ sau đại học tăng gấp 3,5 lần.

Về đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ người dân tộc thiểu số: Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số đã được quan tâm đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, tin học ngoại ngữ và đặc biệt được cử tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kỹ năng nghiệp vụ như ở Hòa Bình, tính từ năm 2011 - 2015, tổng số cán bộ người dân tộc thiểu số cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng là 11.750/26.192 lượt người và số cán bộ người dân tộc thiểu số cấp tỉnh, cấp huyện đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài là 71/213 người, chiếm tỷ lệ 33,3%.

Ở Yên Bái, trong 2 năm (2014 - 2015), đã mở 8 lớp, đào tạo 534 người, có 292 người dân tộc thiểu số (chiếm gần 55%); bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động cho 4.881 lượt người, có 1.464 người là cán bộ người dân tộc thiểu số (chiếm gần 30%). Chế độ, công tác đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số được tỉnh quan tâm, ngoài thực hiện chính sách hỗ trợ chung, Yên Bái đã có chính sách riêng hỗ trợ cán bộ người dân tộc thiểu số đi học nâng cao trình độ, cụ thể: bồi dưỡng ngắn hạn hưởng mức 300.000 đồng/tháng; đào tạo đại học cử tuyển 540.000 đồng/tháng; chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II, thạc sĩ, tiến sĩ hưởng 1.000.000 đồng/tháng.

Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận khá lớn cán bộ người dân tộc thiểu số còn hạn chế về năng lực, trình độ chuyên môn; năng lực điều hành, tổ chức và quản lý còn yếu. Khả năng vận dụng lý luận vào thực tiễn còn thấp, lúng túng trong chỉ đạo, xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Thực tế cho thấy, tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số trong tổng số cán bộ, công chức chung của địa phương tăng đáng kể, nhưng cơ cấu vẫn còn bất hợp lý. Số cán bộ người dân tộc thiểu số nắm giữ các chức vụ chủ chốt ít, tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số trong cấp ủy, chính quyền còn thấp. Quy mô và chất lượng giáo dục, đào tạo vùng Tây Bắc còn nhiều khó khăn, chưa ngang tầm nhiệm vụ, chưa tạo tiền đề, thúc đẩy nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

Để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số nhằm phát triển bền vững vùng Tây Bắc cần tập trung vào một số giải pháp chính sau:

Một là, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và trách nhiệm của các chủ thể tham gia vào quá trình nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số hiện nay. Để tạo sự chuyển biến trong nhận thức của các chủ thể cần phải làm tốt công tác giáo dục, nâng cao nhận thức về vị trí, ý nghĩa của việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số; tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối hợp hoạt động giữa các chủ thể thông qua hoạt động thực tiễn để bồi dưỡng ý thức, thái độ, trách nhiệm, thói quen của các chủ thể.

Vì vậy, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tạo ra sự thống nhất về nhận thức và hành động; vai trò của các cơ quan, đơn vị chức năng trong hướng dẫn, chỉ đạo, quản lý, bồi dưỡng, đào tạo... Phát huy tinh thần và trách nhiệm của cán bộ người dân tộc thiểu số trong việc tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện và ý chí phấn đấu.

Hai là, rà soát, đánh giá thực trạng trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc. Trên cơ sở kết quả rà soát, đánh giá, tiến hành phân tích nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ người dân tộc thiểu số. Đây là nội dung quan trọng, bởi việc xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng quyết định cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ người dân tộc thiểu số chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện và cấp cơ sở tham gia vào các khóa đào tạo, bồi dưỡng nào cho phù hợp để bảo đảm sau khóa học họ thực hiện công việc tốt hơn. Đồng thời, việc phân tích phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội, truyền thống văn hóa của từng vùng, miền, địa phương. Qua đó thiết kế các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số nhằm phát triển bền vững vùng Tây Bắc

Ba là, đào tạo, bồi dưỡng năng lực tư duy lý luận của đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc. Ngoài việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số theo chương trình tổng thể của Việt Nam về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ do Bộ Nội vụ ban hành (quản lý nhà nước, lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ theo chức danh, vị trí việc làm…); cần đào tạo, bồi dưỡng năng lực tư duy lý luận của đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số các cấp vùng Tây Bắc. Thông qua công tác lãnh đạo, quản lý, qua nghiên cứu, nắm bắt khả năng thực hiện, vận dụng sáng tạo các chủ trương chính sách,... vào thực tiễn, qua công tác tổng kết thực tiễn để rút ra những bài học kinh nghiệm, những thành công cũng như hạn chế trong quá trình vận dụng, triển khai các chủ trương, chính sách vào thực tiễn, đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt lấy đó làm cơ sở để đề xuất các giải pháp, các phương hướng khắc phục, điều chỉnh nhằm thực hiện có hiệu quả nhất các chủ trương, đường lối, chính sách đó trong phạm vi mình quản lý. Do vậy, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý là người dân tộc thiểu số, một mặt, phải nắm chắc đường lối, chủ trương, chính sách của cấp trên; mặt khác, phải am hiểu thực tế, tình hình địa phương, nắm được cái chung, cái riêng, đặc thù ở địa bàn, lĩnh vực mình phụ trách để qua đó, triển khai, vận dụng một cách đúng đắn và phù hợp quan điểm chỉ đạo của cấp trên vào thực tiễn địa phương, vào lĩnh vực mình trực tiếp lãnh đạo và quản lý.

Năng lực tư duy lý luận của đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số cần phải được trau dồi, rèn luyện thường xuyên và phải thông qua hoạt động thực tiễn ở cơ sở để rèn luyện, biến tri thức và phương pháp tư duy thành sức mạnh vật chất. Chỉ có như thế mới tạo ra cho đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số thói quen tư duy khoa học, tính linh hoạt, nhạy cảm, chính xác trong suy nghĩ cũng như trong hành động.

Bốn là, không ngừng đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tạo bước chuyển biến tích cực về đời sống vật chất, văn hóa, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số. Điều kiện kinh tế - xã hội luôn luôn đóng vai trò là hạt nhân quyết định hình thành, tồn tại và biến đổi về tinh thần, ý thức của con người. Sự thay đổi của hoàn cảnh sống tất yếu sẽ dẫn đến biến đổi đời sống tinh thần của xã hội. Việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số cũng là một trong những kết quả cần đạt được trong việc không ngừng đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Thành tựu đạt được của tiến trình không ngừng đổi mới của thời gian qua chính là cơ sở, tiền đề quan trọng trong việc tạo bước chuyển biến tích cực về đời sống vật chất, văn hóa, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và khoa học kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số thay đổi những cách nhìn, quan niệm còn mang tính lỗi thời và không ngừng tự nâng cao trình độ, năng lực công tác và năng tư duy lý luận cho bản thân.

Năm là, cơ quan chức năng từ Trung ương tới địa phương, cấp ủy chính quyền vùng Tây Bắc cần tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch cán bộ để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, tạo ra nguồn cán bộ là người dân tộc thiểu số đông đảo hơn, đa dạng hơn trong các lĩnh vực với trình độ ngày càng được nâng cao.

Cán bộ người dân tộc thiểu số là những người của địa phương, là cán bộ nguồn tại chỗ, là người am hiểu phong tục tập quán, tâm lý, ngôn ngữ của đồng bào dân tộc, cuộc sống gắn bó với họ hàng bà con làng bản sẽ giúp họ có nhiều ưu thế trong việc tuyên truyền, thuyết phục, hoạt động và tổ chức đồng bào thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, công việc tạo nguồn phải bắt đầu từ việc nâng cao dân trí, tích cực xóa mù chữ, phổ cập giáo dục phổ thông, đầu tư phát triển các trường dân tộc nội trú, mở rộng hệ cử tuyển con em các dân tộc thiểu số vào học các trường dạy nghề, trung học, cao đẳng, đại học, các trường Đảng, đoàn thể. Tạo nguồn càng rộng thì đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng càng chủ động và sẽ lựa chọn được những người có đức, có tài đảm đương được các chức danh chủ chốt ở cơ sở. Quá trình này đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp cần vận dụng, thực hiện đúng quan điểm đường lối của Ðảng “xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, nâng cao số lượng, cải thiện cơ cấu dân tộc, bảo đảm được chất lượng cán bộ. Trong đó đặc biệt coi trọng vai trò giám sát, phản biện, bảo đảm thực hiện đồng bộ các giải pháp về cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số theo hướng phân cấp trách nhiệm cho các cấp, các ngành, địa phương.

Sáu là, nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số nhằm phát triển bền vững vùng Tây Bắc. Rà soát, hệ thống hóa các cơ chế, chính sách, giải pháp đào tạo bồi dưỡng cán bộ, cán bộ người dân tộc thiểu số nói chung, cán bộ người dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc nói riêng để đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách tạo nguồn kinh phí để hỗ trợ việc đào tạo, bồi dưỡng, thu hút tạo nguồn cán bộ cho vùng Tây Bắc. Đặc biệt là các chính sách quy hoạch đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc trước khi đi đào tạo, bồi dưỡng; chính sách sau đào tạo, bồi dưỡng và chính sách liên kết đào tạo, bồi dưỡng người dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc trong cộng đồng kinh tế ASEAN... Song song với giải pháp này là việc đẩy mạnh hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ cho mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng để hỗ trợ và tạo những điều kiện tối thiểu hoặc tốt hơn trong tổ chức thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng góp phần nâng cao năng lực vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tế, đồng thời tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động giảng dạy của giảng viên và chất lượng hiệu quả học tập của cán bộ người dân tộc thiểu số.

Ngoài các giải pháp trên, chúng ta cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; chất lượng cán bộ người dân tộc thiểu số sau đào tạo, bồi dưỡng kết hợp với kiểm chứng tính khả thi và tác động thực tiễn của các giải pháp; sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm thông qua trao đổi, thảo luận, ý kiến phản hồi của đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số tham gia đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số nhằm phát triển bền vững vùng Tây Bắc./.