Diễn đàn hợp tác Á - Âu trước thách thức đổi mới
TCCSĐT - Sau 20 năm hình thành và phát triển, Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM) đã khẳng định vị thế là diễn đàn đối thoại, hợp tác quan trọng và có quy mô lớn nhất giữa châu Á và châu Âu, thúc đẩy xu thế hợp tác, liên kết khu vực và quốc tế. Hiện nay, trước những thay đổi sâu sắc của thế giới, cùng với những thách thức toàn cầu ngày càng nhiều và phức tạp, ASEM cần động lực mới cho phát triển.
Góp phần định hình cục diện thế giới
Được thành lập vào tháng 3-1996, ASEM đã và đang là nhân tố quan trọng góp phần định hình cục diện thế giới trong thế kỷ XXI, đồng thời đang chuyển mình với những nội hàm hợp tác và liên kết sâu rộng, từng bước mang lại lợi ích thiết thực cho các thành viên trong nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, phục hồi kinh tế, ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Từ 26 thành viên sáng lập, ASEM đã phát triển nhanh chóng, tăng gấp đôi về số lượng, trở thành đại gia đình của 53 thành viên, trong đó có 04 Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, 12 thành viên thuộc nhóm G20, chiếm 63% dân số thế giới và 68% thương mại toàn cầu.
Trong bối cảnh toàn cầu hoá và khu vực hoá nền kinh tế thế giới hiện nay, hợp tác Á - Âu có ý nghĩa hết sức to lớn. Song song với Liên minh châu Âu (EU), vai trò của châu Á ngày càng được củng cố trong hệ thống kinh tế và chính trị quốc tế với tiềm năng to lớn về cơ hội thương mại và đầu tư. Trong hai thập niên qua, các nước châu Á tăng trưởng gấp 2 lần châu Âu, đầu tư của châu Á vào công nghệ xanh lớn hơn toàn bộ phần còn lại của thế giới và sự gia tăng tầng lớp trung lưu ở châu Á có thể là một trong những thay đổi lớn nhất trong thời gian tới. Theo một số dự báo, sự tăng trưởng của châu Á sẽ là chìa khóa cho tăng trưởng toàn cầu và làm giảm đói nghèo.
Sự liên kết giữa châu Á và châu Âu thông qua ASEM tạo một động lực mới thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư giữa hai châu lục phát triển, tạo nên một sức mạnh tổng hợp của ba khối kinh tế lớn là Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và các nước châu Á đang phát triển. Ngoài ra, ASEM còn có một ý nghĩa mang tính chất chiến lược, đó là cầu nối thắt chặt hơn châu Âu với châu Á, tạo đối trọng trong quan hệ giữa các trung tâm kinh tế lớn là EU - Mỹ - Nhật Bản và các nước châu Á đang phát triển.
ASEM đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong thúc đẩy quan hệ đối tác bình đẳng, nhiều mặt giữa hai châu lục. Các cơ chế đối thoại và hợp tác thường xuyên ở mọi cấp trên ba trụ cột là chính trị, kinh tế và hợp tác khác đã góp phần tăng cường hiểu biết, hợp tác trên tinh thần đối tác bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi.
Các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc nhân dịp các hội nghị cấp cao cũng làm sâu sắc thêm quan hệ song phương giữa các thành viên, tiêu biểu như quan hệ ASEAN - EU được thúc đẩy tại các cuộc họp cấp cao không chính thức đầu tiên giữa ASEAN và EU nhân dịp Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 10 tại Mi-lan (I-ta-li-a) vào năm 2014.
ASEM đã có tiếng nói kịp thời đối với các mối quan tâm chung của khu vực và quốc tế, cơ bản đáp ứng lợi ích của các thành viên và đóng góp vào nỗ lực toàn cầu; đồng thời thúc đẩy các nỗ lực hợp tác phục hồi kinh tế, hướng tới tăng trưởng bền vững, cân bằng, đồng đều, nổi bật nhất là hoạt động của Quỹ Tín thác ASEM.
Với nội hàm hợp tác mở rộng, gắn với phát triển bền vững, ứng phó với những thách thức toàn cầu, ASEM đóng góp hiệu quả vào việc xây dựng và triển khai các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, Thỏa thuận Pa-ri 2015 về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thông qua đối thoại xây dựng, các thành viên ASEM chia sẻ nhận thức chung về việc tăng cường đối thoại và hợp tác trên cơ sở hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, bình đẳng cùng có lợi, đề cao luật pháp quốc tế và các nguyên tắc ứng xử chung nhằm duy trì hòa bình, an ninh, ngăn ngừa xung đột, bảo đảm ổn định và thịnh vượng ở hai khu vực.
ASEM góp phần thúc đẩy giao lưu nhân dân, tăng cường hiểu biết giữa hai châu lục. Các diễn đàn doanh nghiệp Á - Âu, Diễn đàn nhân dân Á - Âu, Diễn đàn nghị viện Á - Âu, Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo trẻ Á - Âu được tổ chức bên lề các hội nghị cấp cao là những minh chứng sinh động. Đáng chú ý, trong khuôn khổ Quỹ Á - Âu, hơn 700 dự án đã được triển khai, thu hút sự tham gia của 20.000 người dân hai châu lục.
Trong cục diện đa trung tâm, đa tầng nấc, ASEM đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và xây dựng hệ thống quản trị toàn cầu hiệu quả, công bằng, dân chủ để phù hợp với chuyển biến của tương quan lực lượng và vai trò ngày càng tăng của các nước đang phát triển.
Thách thức thay đổi
Chặng đường hai thập niên phát triển vừa qua đã khẳng định vai trò và đóng góp ngày càng thiết thực của ASEM vào duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, tăng cường hợp tác và kết nối giữa hai châu lục, đóng góp quan trọng vào quan tâm chung của cộng đồng quốc tế.
Hiện nay, cục diện thế giới và ở từng khu vực đang có những biến chuyển nhanh chóng và phức tạp, vừa tạo ra những cơ hội to lớn, vừa đặt ra những thách thức mới. Khủng bố đang có nguy cơ lan rộng, tình trạng mất ổn định và xung đột ở nhiều nơi tiếp tục là một mối đe dọa đối với hòa bình, an ninh và phát triển trên thế giới.
Dưới tác động của những tiến bộ kỹ thuật, khoa học - công nghệ và quá trình toàn cầu hóa, nền kinh tế thế giới đang bước vào thời kỳ phát triển mới, song cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt, chiều hướng gia tăng của xu hướng bảo hộ mậu dịch. Trong khi đó, các vấn đề toàn cầu ngày càng trở nên gay gắt hơn đòi hỏi gia tăng mạnh mẽ những nỗ lực chung để đối phó. Mặc dù các nước thành viên ASEM đều coi trọng các cơ chế hợp tác và những thành quả đã đạt được thể hiện rõ xu thế ngày càng tăng cường hợp tác trong tất cả các vấn đề cùng quan tâm, như phục hồi kinh tế, ứng phó với các thách thức toàn cầu, duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, nhưng thế kỷ XXI đang định hình với những chuyển biến nhanh chóng, nhất là việc hình thành các cơ chế hợp tác, liên kết mới, đặt ra những thách thức đối với Diễn đàn.
Một là, nền tảng kinh tế thế giới đang chuyển dịch căn bản với nhiều động thái kinh tế mới. Trong cục diện “đa trung tâm”, nhiều cơ chế hợp tác khu vực được củng cố song song với việc hình thành các cơ chế, liên kết hợp tác mới, đa dạng và linh hoạt hơn. Cùng với đó, sự phát triển chưa từng có của toàn cầu hóa và công nghệ thông tin đã làm gia tăng tính tùy thuộc lẫn nhau, thúc đẩy liên kết ở mọi cấp độ. Các quốc gia đều có nhu cầu tăng cường hợp tác để cơ cấu lại nền kinh tế, mở rộng không gian phát triển và tạo thêm thế trong cục diện mới. Hai là, hòa bình, hợp tác và phát triển tiếp tục là xu thế chủ đạo trong quan hệ quốc tế, là nguyện vọng chung của nhân dân hai châu lục cũng như của nhân dân thế giới, một mặt tạo thuận lợi cho việc thực hiện tiêu chí của ASEM là xây dựng quan hệ đối tác Á - Âu mới toàn diện vì sự phồn vinh ở hai châu lục; mặt khác, đòi hỏi hai khu vực trọng yếu của thế giới cần phải gia tăng hợp tác để có những đóng góp tương xứng hơn nhằm giữ vững hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển thịnh vượng ở hai khu vực và trên thế giới. Ba là, ASEM cũng đang đứng trước những đòi hỏi nội tại phải có sự đổi mới để phát triển mạnh mẽ hơn quan hệ hợp tác và nâng cao hơn vị thế quốc tế của Diễn đàn. Tuy hợp tác ASEM đã đạt những kết quả nhất định, song đến nay còn nhiều hạn chế, chủ yếu tập trung vào đối thoại chính sách. Ðáng kể nhất là về kinh tế, hai châu lục chưa phát huy được những tiềm năng của mình. Sự khác biệt về trình độ phát triển, thứ tự ưu tiên hợp tác, cách thức tiếp cận vấn đề giữa Á - Âu đã hạn chế nhất định hiệu quả hợp tác.
Để phối hợp hành động, đóng góp vào những nỗ lực chung toàn cầu, ASEM cần xác định phát triển bền vững là nội hàm quan trọng của hợp tác ứng phó với các thách thức toàn cầu, trong đó, con người phải là mục tiêu và là trung tâm. Ưu tiên hàng đầu hiện nay là đóng góp vào việc hoàn thành các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và xây dựng Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015, thúc đẩy đạt thỏa thuận mới toàn cầu về khí hậu tại Hội nghị Pa-ri và hợp tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại Hội nghị Xen-đai. Theo đó, ASEM cần có tư duy phát triển mang tầm toàn cầu, cách tiếp cận liên ngành, đổi mới và sáng tạo về an ninh lương thực - nguồn nước - năng lượng trước thực trạng biến đổi khí hậu đang làm cho các thách thức trở nên phức tạp và khó lường. Đồng thời, cần đẩy mạnh nỗ lực chung về phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và phục hồi sau thảm họa, như sớm thiết lập mạng lưới trao đổi thông tin, hợp tác, bởi lẽ, hai châu lục Á - Âu đang phải hứng chịu thiên tai nhiều nhất, như siêu bão, nước biển dâng, hạn hán, lũ lụt nghiêm trọng… Châu Á - Thái Bình Dương hứng chịu khoảng 70% thiên tai toàn cầu và 2/3 nạn nhân của thiên tai là ở châu Á. ASEM cần phối hợp đồng bộ và hiệu quả giữa các hoạt động, sáng kiến trong khuôn khổ Diễn đàn cũng như với các cơ chế khác, trong đó, cần quan tâm thỏa đáng việc tham gia hỗ trợ thu hẹp khoảng cách phát triển, hợp tác tiểu vùng và khu vực của các thành viên ASEM, đặc biệt là hợp tác Mê Công - Đa-nuýp và tăng cường nâng cao năng lực cho các thành viên đang phát triển.
Tại Hội nghị “Tăng cường quan hệ đối tác Á - Âu toàn diện trong thế kỷ XXI” được tổ chức tại Hà Nội (ngày 20-4-2016) nhân dịp 20 năm ASEM hình thành và phát triển, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh khẳng định, mọi sáng kiến và cơ chế hợp tác cần lấy con người làm trung tâm, tăng cường sự tham gia và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, được nhiều đại biểu đồng tình. Ông nói: “Tiềm lực và sức sáng tạo mạnh mẽ của họ sẽ giúp khởi xướng các ý tưởng mới, góp phần đưa hợp tác ASEM đi vào cuộc sống, thực tế” (1). Còn theo ông M. Vong-pha-đi, Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam, cần biến không gian hợp tác giữa hai châu lục lớn hơn trong đó “kết nối” là một điểm vô cùng quan trọng và nên trở thành nội dung trọng tâm nghị sự trong tương lai. Ông nhấn mạnh: Kết nối không chỉ là xây dựng, kết nối kết cấu hạ tầng, mà còn là những quy định, khuôn khổ, thể chế trong ASEM. ASEM phải cùng phát triển thể chế để bảo đảm an sinh, giáo dục, y tế giúp phục vụ đời sống người dân tốt hơn. Theo ông, cần biến ASEM thành diễn đàn hiệu quả để hỗ trợ người dân và nâng cao năng lực công tác điều phối trong các dự án, chương trình.
Bên cạnh các thách thức nêu trên, vấn đề tự do hàng hải ở Biển Đông cũng được các nhà lãnh đạo ASEM quan tâm đặc biệt. Theo ông Đ. Ô-xu-li-vân, Giám đốc điều hành Cơ quan Đối ngoại EU, hiện nay châu Á đã vượt Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), trở thành đối tác thương mại chính của EU (chiếm 1/3 tổng thương mại). Châu Á ngày càng hội nhập sâu hơn về phương diện sản xuất và chuỗi cung cấp, nhưng khu vực cũng đang đối phó với những thách thức về an ninh và chính trị trong khi chưa có một bộ các nguyên tắc và cơ chế thích hợp để quản lý các thách thức này. Ông Đ. Ô-xu-li-vân nhận định: “Tự do hàng hải ở Biển Đông, với 50% thương mại ảnh hưởng đến lợi ích của EU. Vì vậy, về lô-gíc EU phải xây dựng sự can dự ở đó và với châu Á”(2).
Để tiếp tục nâng tầm hợp tác trong khuôn khổ ASEM, ASEM cần xác định rõ những việc cần làm ngay, như: Xác định các ưu tiên trong nội hàm hợp tác để nâng cao tính thiết thực, hiệu quả và có chiều sâu của ASEM; phát triển tư duy mới và cách tiếp cận tổng thể, hài hòa giữa tính chất không chính thức của ASEM với việc nâng cao hiệu quả hoạt động, hướng tới các kết quả cụ thể…
Tạo động lực mới
Bước vào thập niên thứ ba, ASEM đang chú trọng đổi mới và nâng tầm hoạt động, đưa hợp tác Á - Âu đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả phù hợp với tình hình mới. Vấn đề này sẽ được các nhà lãnh đạo trao đổi cụ thể tại Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 11 ở Mông Cổ vào tháng 7-2016. Nếu như lịch sử của những thập niên qua đã đưa đến sự ra đời của Diễn đàn ASEM, thì sự vận động của lịch sử trong những tháng năm này đang đòi hỏi ASEM phải có bước chuyển mình.
Ông H. Van Rôm-puy, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, nói: “Nhiều nước châu Á đã thay đổi chưa từng thấy trong 20 năm qua. Những mối quan hệ mới đã được phát triển; chúng ta kết nối và phụ thuộc lẫn nhau hơn bao giờ hết. Trong khi đó, cả hai châu lục phải đối diện với những thách thức chung về phát triển, quản trị, môi trường và an ninh” (3). Các nhà phân tích cũng cho rằng, trong khi quan hệ kinh tế giữa châu Á và châu Âu phát triển nhanh chóng, ASEM cần đổi mới. Vượt qua thương mại, hai châu lục có thể hợp tác nhiều hơn về an ninh và sử dụng giao lưu nhân dân để làm sâu sắc thêm quan hệ về giáo dục và các lĩnh vực khác.
Để ASEM trở thành một kênh quan trọng cho mối quan hệ Âu - Á, Diễn đàn này cần hấp dẫn, đổi mới hơn và tăng cường các lĩnh vực hợp tác. Theo các chuyên gia, lĩnh vực ASEM có thể phát triển là thúc đẩy quan hệ thương mại, nhất là đối với các nước nhỏ ở cả hai khu vực. Bên cạnh đó, giao lưu nhân dân giữa hai châu lục là động lực mới cho ASEM. Ủy viên EU về giáo dục, văn hóa, thể thao… A. Va-xi-li-u, nói: “Chuyển động để thúc đẩy giao lưu cho sinh viên đã được tạo ra theo chương trình Erasmus+, là chương trình thay thế Erasmus Mundus cũ. Hiện nay, sinh viên các nước ASEM có thể được hỗ trợ từ chương trình này. Trong khi vẫn đăng ký tại một trường đại học ở nước họ, chương trình này tạo cơ hội cho sinh viên tiếp cận được với học bổng cho các thời kỳ nghiên cứu kéo dài từ 3 đến 12 tháng. Rõ ràng, tất cả những sự giao lưu này mang lợi ích lớn cho mọi người tham gia” (4).
ASEM cũng có thể tạo điều kiện trao đổi thông tin cụ thể. S. W Ku-en, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Xin-ga-po và là quan chức cấp cao của ASEM nhận định: “Nhiều người ở các nước đang phát triển nhìn vào châu Âu để tìm cách làm thế nào góp phần vào các mục tiêu của chúng tôi theo những cách thực tế. Một lý do khiến quan hệ giữa chúng ta có tiềm năng như vậy là những điểm tương đồng giữa châu Âu và châu Á và vai trò của châu Âu như một phương thức cho sự hội nhập khu vực” (5).
Để hợp tác trong ASEM hiệu quả hơn trong tương lai, các chuyên gia đề xuất một số giải pháp: Thứ nhất, ASEM nên tiếp tục là một diễn đàn chính trị không chính thức cho châu Á và châu Âu. Trong bối cảnh phải đối diện với nhiều thách thức chung nên việc củng cố quan hệ và trao đổi ý kiến, tăng cường hợp tác hiệu quả là vấn đề mấu chốt cho hai châu lục.
Thứ hai, ASEM nên tập trung nhiều hơn vào sự kết nối và phát triển kinh tế. Các vấn đề như phát triển hạ tầng, thuận lợi hóa thương mại và nguyên tắc luật pháp là đặc biệt phù hợp cho các cuộc thảo luận và hợp tác trong ASEM. ASEM nên đưa nhiều thách thức chung, như tăng trưởng, quản trị, quản lý và giảm nhẹ rủi ro vào các chương trình nghị sự.
Thứ ba, tầm quan trọng của giao lưu nhân dân đối với tương lai của ASEM. Quỹ Âu - Á dưới sự bảo trợ của ASEM làm cầu nối cho giao lưu văn hóa và khoa học. Nhiều hoạt động đã thúc đẩy nhân dân hai châu lục Á - Âu xích lại gần nhau. Điều đó không có nghĩa ASEM nên điều hành tất cả các hoạt động nhưng có thể hỗ trợ phát triển.
Trong 20 năm qua mặc dù còn có một số hạn chế nhưng ASEM vẫn tiếp tục phát triển, mở rộng Điều đó chứng tỏ sức hấp dẫn và vị thế của Diễn đàn trong thế giới không ổn định ngày nay./.
------------------------------------------
1. Bài phát biểu của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại hội nghị “Tăng cường quan hệ đối tác Á - Âu toàn diện trong thế kỷ XXI” (Bộ Ngoại giao)
2,3,4,5. Asia Europe Meeting (ASEM): A partnership for the 21st century (www.friendsofeurope.org/.../asia-europe-meeting-asem-p...)
Tài liệu tham khảo
1. Asia Europe Meeting (ASEM): A partnership for the 21st century (www.friendsofeurope.org/.../asia-europe-meeting-asem-p...)
2. Can ASEM remain relevant in the 21st Century World? (www.eucentre.sg/wp-content/.../PB08-Issue9-Sep15.pdf)
3. Speech by Minister for Foreign Affairs Margot Wallstrom at the meeting in Luxemburg (www.government.se/speeches/.../speech-by-minister-for-f...)
4. Speech of Foreign Minnister Bert Koenders at the ASEM meeting (https://www.government.nl/.../speeches/.../speech-of-forei...)
5. Bài phát biểu của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại hội nghị “Tăng cường quan hệ đối tác Á - Âu toàn diện trong thế kỷ XXI” (Bộ Ngoại giao)
6. Bài trả lời phỏng vấn báo chí của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhân hội nghị “Tăng cường quan hệ đối tác Á - Âu toàn diện trong thế kỷ XXI” (Bộ Ngoại giao)
Đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2016-2020  (08/06/2016)
Đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2016-2020  (08/06/2016)
Sự kiện trong nước nổi bật trong tuần (từ ngày 30-5 đến ngày 5-6-2016)  (08/06/2016)
Không đầu tư BOT tràn lan, sẽ giảm mức phí và thời gian thu  (08/06/2016)
Quảng Nam chăm lo tốt cho người có công và người nhiễm dioxin  (07/06/2016)
Cấp 120 tấn hóa chất phòng, chống dịch bệnh thủy sản cho ba tỉnh  (07/06/2016)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm