Quận Hai Bà Trưng đẩy mạnh cải cách hành chính góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước
TCCS - Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước, hướng đến phục vụ người dân tốt hơn, thời gian qua, quận Hai Bà Trưng chủ động bám sát định hướng chỉ đạo của Trung ương, của thành phố Hà Nội để lãnh đạo, triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính trên địa bàn quận sát tình hình thực tế và có nhiều chuyển biến đáng khích lệ.
Cải cách thủ tục hành chính công, cải cách tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng công vụ được triển khai thực hiện đồng bộ.
Cải cách hành chính được triển khai trên nhiều nội dung, trong đó cải cách thủ tục hành chính, thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông là một khâu quan trọng. Cải cách thủ tục hành chính nhằm bảo đảm tính pháp lý, hiệu quả, minh bạch, công bằng trong khi giải quyết công việc hành chính; loại bỏ những rườm rà, chồng chéo dễ bị lợi dụng để tham nhũng, gây khó khăn cho dân. Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác cải cách thủ tục hành chính, thời gian qua, Ủy ban nhân dân quận đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản để hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trên địa bàn triển khai thực hiện về cải cách thủ tục hành chính. Ủy ban nhân dân quận thực hiện nghiêm quy trình giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; kiểm soát chặt chẽ quy trình giải quyết. Hiện nay, kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp quận đạt tỷ lệ 99,4%, cấp phường đạt tỷ lệ 99,7%. Tỷ lệ thủ tục hành chính, dịch vụ công được đưa ra tiếp nhận tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các cơ quan hành chính thuộc quận là 100%. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ sớm, đúng hạn đạt trên 99%. Tỷ lệ người dân hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn quận đạt trên 90%.
Đối với việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, Ủy ban nhân dân quận chỉ đạo các đơn vị thường xuyên rà soát các quy định hành chính. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn quận thực hiện việc công khai thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo đúng quy định; việc công khai được thực hiện dưới hình thức niêm yết công khai tại trụ sở, trên trang tin điện tử của quận; qua đó giúp cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân dễ tra cứu, tìm hiểu để thực hiện thủ tục hành chính. Tính đến nay, tổng số thủ tục hành chính được rà soát và niêm yết công khai tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết của Ủy ban nhân dân quận là 261TTHC/39 lĩnh vực, ủy ban nhân dân phường là 174 TTHC/15 lĩnh vực (chỉ tiêu này thành phố giao đến năm 2025 phấn đấu có thêm 20% số lượng thủ tục hành chính được tinh gọn, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian và tiết kiệm chi phí).
Cùng với đó, Ủy ban nhân dân quận tiếp tục chỉ đạo niêm yết công khai số điện thoại, hộp thư điện tử của cơ quan tiếp nhận và phản ánh kiến nghị theo quy định; bố trí đầy đủ hòm thư góp ý. Xây dựng chuyên mục “Phản ánh kiến nghị” trên trang thông tin điện tử của phường, Cổng thông tin điện tử quận để lấy ý kiến cá nhân, người đại diện tổ chức đã giao dịch, giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan, đơn vị. Phân công cán bộ, công chức sẵn sàng tiếp nhận, giải đáp, hướng dẫn những vấn đề mà người dân, tổ chức còn vướng mắc; kết quả trả lời, giải đáp những vướng mắc, phản ánh, kiến nghị phải được phản hồi trực tiếp, nhanh chóng cho người dân. Công khai đầy đủ số điện thoại đường dây nóng của lãnh đạo cơ quan, đơn vị để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về giải quyết thủ tục hành chính. Ủy ban nhân dân quận đang triển khai xây dựng Quy chế tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính.
Việc tăng cường thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên địa bàn quận được quan tâm đầu tư, triển khai thực hiện có hiệu quả. Theo đó, việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 giúp tổ chức, cá nhân dễ dàng thực hiện thủ tục hành chính, có thể giao dịch 24/24 giờ trong ngày tại bất cứ đâu có kết nối mạng internet. Việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã khắc phục được những hạn chế, bất cập của phương thức giao dịch thủ công, truyền thống theo cách trực tiếp (quy trình giải quyết thủ tục hành chính mất nhiều thời gian do người dân phải đến trực tiếp bộ phận tiếp nhận hồ sơ, chờ phiếu lấy số thứ tự, chờ cán bộ tiếp nhận thẩm định hồ sơ…). Với sự nhanh gọn, linh hoạt, dễ dàng theo dõi, giám sát được quá trình giải quyết hồ sơ, người dân ngày càng ưu tiên sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Theo đó, tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của quận tăng từ 66,2% (năm 2021) lên đến trên 70% (năm 2022).
Quận chú trọng phát triển hạ tầng kỹ thuật nhằm đáp ứng triển khai chính quyền điện tử, chính quyền số của địa phương. Theo đó, tập trung phát triển các cơ sở dữ liệu cốt lõi, chuyên ngành theo hướng dẫn của các sở, ban, ngành thành phố. Quận bố trí đầy đủ máy tính có kết nối internet, máy scan, tờ gấp hướng dẫn về dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại bộ phận một cửa nhằm tạo điều kiện cho người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến giúp tiết kiệm thời gian chờ đợi, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính. Đáng chú ý, hiện 18/18 phường đã thành lập 250 “tổ xung kích số” - đây là lực lượng có kỹ năng về công nghệ thông tin, thành thạo thao tác thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công thành phố, quốc gia, sẵn sàng hướng dẫn, tuyên truyền tới từng cá nhận, hộ gia đình, tổ dân phố kê khai nộp hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến.
Quận cũng chú trọng xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tổ chức đánh giá, phân loại kết quả hoàn thành nhiệm vụ và xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn bảo đảm đúng quy định. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức được triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch, nhằm góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của tổ chức, công dân trên địa bàn quận về trách nhiệm tham gia cải cách hành chính được triển khai một cách thiết thực, có hiệu quả. Theo đó, các cơ quan, đơn vị thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện, tọa đàm về cải cách hành chính phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể. Tổ chức các hội thi, hội diễn cho tuyên truyền viên, báo cáo viên cấp cơ sở... Biên soạn, in và phát hành tài liệu tuyên truyền về cải cách hành chính bằng nhiều hình thức, như tờ rơi, tờ gấp, pano, appic,... nhằm phổ biến tới đông đảo người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ lồng ghép nội dung tuyên truyền về cải cách hành chính.
Có thể thấy, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, giám sát của người dân, doanh nghiệp và sự quyết liệt chỉ đạo của các cấp chính quyền, công tác cải cách thể chế, thủ tục hành chính, hiện đại hóa hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn quận có bước chuyển biến. Kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp được phát huy; ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức nói chung được nâng lên theo hướng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Triển khai nhiều mô hình mới nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính
Từ thực tiễn công tác, quận đã triển khai nhiều mô hình mới có tính ứng dụng cao nhằm góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ cho người dân và doanh nghiệp.
Ủy ban nhân dân quận triển khai thực hiện việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính liên thông cùng cấp thông qua sáng kiến “một hồ sơ, ba kết quả”. Đây là mô hình thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, đăng ký thuế và Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho hộ kinh doanh trên địa bàn quận. Với sáng kiến này, thay vì người dân phải thực hiện lần lượt từng thủ tục hành chính sau khi chờ nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, mới tiếp tục thực hiện được thủ tục hành chính đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm như hiện nay, người dân chỉ cần một lần nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa của quận, sẽ nhận về 3 kết quả là Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, đăng ký thuế và Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Mô hình sáng kiến “một hồ sơ, ba kết quả” góp phần tạo thuận lợi cho người dân đến bộ phận một cửa giải quyết thủ tục hành chính rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí, giúp cho công tác giải quyết hồ sơ hành chính được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính. Mô hình sáng kiến “một hồ sơ, ba kết quả” được thực hiện từ ngày 1-8-2023 tại bộ phận một cửa của Ủy ban nhân dân quận.
Bên cạnh đó, các phường trên địa bàn còn thực hiện nhiều mô hình khác, như “Thực hiện đánh giá mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước qua việc sử dụng mã QR code” của Ủy ban nhân dân phường Lê Đại Hành; “Phục vụ tại nhà áp dụng đối với thủ tục hành chính lĩnh vực chứng thực chữ ký cho người cao tuổi, người khuyết tật và người có công với cách mạng” và “Ngày thứ tư Tốc ký” của Ủy ban nhân dân phường Vĩnh Tuy; “Giải pháp đẩy mạnh chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, hướng tới chính quyền điện tử, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và công tác cải cách hành chính” của Ủy ban nhân dân phường Bạch Đằng…
Việc áp dụng các mô hình mới trên là tiền đề để tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Đồng thời, thể hiện sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước gắn với chuyển đổi số, hướng đến nền hành chính phục vụ. Qua đó, tạo động lực thúc đẩy xây dựng nền hành chính dân chủ, minh bạch, chuyên nghiệp, vững mạnh, từng bước hiện đại.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong thời gian tới
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp quận Hai Bà Trưng tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp từ quận đến cơ sở thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện cải cách hành chính. Tăng cường trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp trong việc thực hiện cải cách hành chính.
Thứ hai, đổi mới phương pháp theo dõi, đánh giá định kỳ kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính; thường xuyên đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức liên quan. Hiện đại hóa nền hành chính gắn với đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trên địa bàn quận. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, truyền thông, công nghệ số trong hoạt động của cơ quan nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính đối với các tổ chức, cá nhân.
Thứ ba, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với tạo động lực cải cách trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tạo động lực cải cách bên trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bằng nhiều biện pháp, như đề cao trách nhiệm cá nhân trong thực thi công vụ; quan tâm đến nâng cao lợi ích của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bằng chính sách lương, thưởng thỏa đáng; đổi mới phương thức đánh giá cán bộ, công chức, viên chức dựa trên kết quả công việc; cơ chế, chính sách khuyến khích về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực và tạo cơ hội thăng tiến, phát triển cho những cá nhân có trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo trong thực hiện cải cách hành chính.
Thứ tư, thực hiện có hiệu quả cải cách tài chính công, đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách, tăng cường huy động sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính gắn với nhiệm vụ được giao và chất lượng hoạt động; chú trọng công tác quản lý tài sản công, kiên quyết cắt giảm những dự án chưa thực sự cần thiết, kém hiệu quả; đa dạng hóa phương thức huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Thứ năm, tiếp tục nghiên cứu đề xuất các mô hình, sáng kiến tạo bước đột phá về cải cách hành chính, mạnh dạn áp dụng và nhân rộng những mô hình hay, đem lại hiệu quả thiết thực. Phát động phong trào thi đua về thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, kịp thời khen thưởng những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ, đồng thời xử lý nghiêm những cá nhân và tổ chức vi phạm làm cản trở tiến trình cải cách hành chính.
Thứ sáu, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách hành chính, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. Tăng cường sự tham gia của nhân dân trong hoạt động quản lý nhà nước; tiếp tục phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường đối thoại với nhân dân, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, tạo sự đồng thuận của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính. Quán triệt sâu sắc trong nhận thức và hành động của cơ quan, đơn vị về ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ, khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức tiếp cận và tương tác./.
Hà Nội nỗ lực cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh  (24/10/2023)
Công an Hà Nội chủ động đối phó với những nguy cơ, thách thức bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn thành phố  (24/10/2023)
Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, góp phần xây dựng Đảng bộ thành phố Hà Nội trong sạch, vững mạnh  (24/10/2023)
Khẳng định vai trò, vị thế của phụ nữ trong xây dựng, phát triển Thủ đô  (20/10/2023)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay