TCCS - Xác định phát triển giáo dục là nhiệm vụ hàng đầu trong việc đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp xây dựng Thủ đô và đất nước, các cấp lãnh đạo của Thủ đô Hà Nội qua các nhiệm kỳ đại hội luôn chú trọng phát triển ngành giáo dục, đào tạo về quy mô, chất lượng và hiệu quả.
Những thành tích đạt được trong thời gian qua
Trải qua 69 năm kể từ ngày 9-10-1954 - ngày Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội ra quyết định thành lập Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đến nay, ngành giáo dục Hà Nội đã có những bước phát triển vượt bậc và theo xu hướng ngày càng toàn diện. Những ngày đầu thành lập, mạng lưới trường học của Thủ đô còn nghèo nàn, cả thành phố Hà Nội lúc đó chỉ có 3 trường mầm non, 96 trường tiểu học, 4 trường phổ thông trung học, một số lớp đào tạo nghề thủ công và kỹ nghệ thực hành. Với những ngày đầu còn sơ khai như vậy, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự nỗ lực của toàn dân, quy mô ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội tiếp tục ổn định và phát triển mạnh mẽ, trở thành địa phương có mạng lưới trường, lớp ngày càng được mở rộng, dẫn đầu cả nước.
Cụ thể, năm 2021, thành phố Hà Nội có 2.800 trường học, 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên; 2,2 triệu học sinh chia làm 65.000 lớp, đội ngũ giáo viên gần 139.000, trong đó, số lượng cơ sở giáo dục công lập là 2.237 trường với 1,8 triệu học sinh. Năm học 2021 - 2022, được sự quan tâm của thành phố, Hà Nội đã xây mới 6 trường học các cấp, sửa chữa 45 trường trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cải tạo, sửa chữa 560 trường học các cấp ở các quận, huyện, thị xã.
Đến tháng 6-2022, toàn thành phố có 2.835 trường, 70.199 lớp, hơn 2.206.906 học sinh, 138.090 giáo viên, 72.796 phòng học. Các ứng dụng công nghệ thông tin, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc dạy và học trong nhà trường tiếp tục được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại. Triển khai Chương trình số 06-Ctr/TU, ngày 17-3-2021, của Thành ủy Hà Nội, thành phố Hà Nội tập trung đầu tư xây dựng 5 trường liên cấp (tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học) có quy mô từ 5ha trở lên với số vốn đầu tư là 2.500 tỷ đồng. Các điểm trường này được trang bị hệ thống cơ sở vật chất hiện đại ngang tầm các quốc gia trong khu vực. Cùng với những thành quả đạt được trong việc phát triển mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục và đào tạo của thành phố Hà Nội cũng không ngừng được nâng cao. Những năm gần đây, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng toàn ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội đã nỗ lực vượt qua và giành được nhiều thành tích đáng kể.
Để giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước, thành phố Hà Nội luôn triển khai nhiều giải pháp cho công tác phổ cập giáo dục nhằm duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt coi trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ, giáo viên, công tác phổ cập giáo dục có những bước tiến không ngừng. Với độ tuổi mầm non, năm 2013, thành phố Hà Nội là một trong 10 thành phố đầu tiên phổ cập cho trẻ em 5 tuổi, năm 2000 đạt chuẩn phổ cập cho trẻ em bậc tiểu học. Năm 2001 đạt chuẩn phổ cập giáo dục mức độ I với bậc trung học cơ sở, mức độ II vào năm 2018 và mức độ III vào năm 2021 (là một trong bốn địa phương cấp tỉnh đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ III). Bên cạnh đó, tỷ lệ tốt nghiệp ở bậc tiểu học là 98,8% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học, số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở là 99,82%, số học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học là 98,49%. Tỷ lệ tốt nghiệp năm sau thường cao hơn năm trước, năm 2019 tăng hơn năm 2018 là 0,8%; tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 là 99,1%, tăng hơn so với năm 2021 đạt 98,9%. Trong số 70 trường đạt tỷ lệ tốt nghiệp 100% có cả các huyện ngoại thành, như Thường Tín, Đông Anh, Thạch Thất chứ không phải chỉ có ở các trường chuyên, lớp chọn trong nội thành. Trường Trung học phổ thông Quốc Oai (huyện Quốc Oai) có 1 thí sinh đạt số điểm 30/30 ở tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), đây cũng là thí sinh duy nhất trong cả nước giành số điểm tuyệt đối ở tổ hợp môn xét tuyển đại học năm 2022. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 có nhiều thủ khoa là thí sinh Hà Nội, có 31.048 bài thi đạt từ điểm 9 trở lên, có 401 bài thi đạt điểm 10.
Đặc biệt, trong những năm vừa qua, do tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, học sinh không thể đến lớp học trực tiếp được, nhưng với tinh thần “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, thành phố Hà Nội đã triển khai việc dạy và học trực tuyến, dạy và học trên truyền hình, học trên phần mềm ôn tập, kiểm tra trực tuyến HanoiStudy, giúp cho việc dạy và học không bị gián đoạn, hoạt động này đã thu hút từ 98% đến 100% học sinh, giáo viên tham gia.
Ngoài ra, thành phố Hà Nội còn triển khai có hiệu quả chương trình “Máy tính cho em”, tặng máy tính cho những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trợ cấp cho giáo viên, chương trình đã tổ chức trao hơn 10.000 thiết bị gồm: máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng, ước tính trên 30 tỷ đồng, giúp các em có điều kiện học tập trực tuyến. Các chương trình “Trường học kết nối”; “Nguồn học liệu mở” được tiếp tục triển khai và xây dựng; tổ chức thành công diễn đàn tư vấn tâm lý học đường “Điều em muốn nói” nhằm hỗ trợ các em học sinh về tinh thần sau hai năm đại dịch COVID-19.
Tháng 1-2020, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình 04-CTr/TU, về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020”, so với thời điểm mới bắt đầu thực hiện chương trình, hiện thành phố có gần 70% số trường đạt chuẩn, tăng 17%. Một số trường ở các quận, huyện như Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Long Biên, Đan Phượng, Gia Lâm đạt chuẩn quốc gia trên 80%.
Đặc biệt, ngày 8-4-2022, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trình Hội đồng nhân dân thành phố Nghị quyết số 02/NQ-HĐND, ngày 8-4-2022, “Về bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025, phân bổ kế hoạch vốn năm 2022, thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường công lập đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia”. Từ những chính sách vượt trội của thành phố Hà Nội, tính đến tháng 6-2022, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn thành phố là 64,3%, 22 trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia vào tháng 12-2022, tiếp tục trình Ủy ban nhân dân thành phố công nhận 7 trường và công nhận lại 5 trường, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, nhằm tạo nguồn nhân lực đạt chuẩn về đức và tài, không những tạo điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh mà còn góp phần nâng cao chất lượng nhân lực ở khu vực ngoại thành, làm giảm sự chênh lệch về chất lượng giáo dục, trình độ dân trí giữa các địa bàn.
Trước những yêu cầu ngày càng cao về chất lượng giáo dục của Thủ đô, chất lượng của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục cũng được nâng cao. Năm 2022, thành phố có 92% cán bộ quản lý, giáo viên mầm non; 91,7 cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học; 94,5 cán bộ quản lý và giáo viên trung học cơ sở và 100% cán bộ quản lý và giáo viên phổ thông trung học đạt chuẩn và trên chuẩn (theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019)(1).
Hướng tới mục tiêu hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo, thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện Đề án thí điểm đào tạo chương trình song bằng tú tài trung học phổ thông quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc, Chứng chỉ A Level tại trường Trung học phổ thông Chu Văn An, Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam, tại 7 trường trung học cơ sở trên địa bàn thành phố thực hiện chương trình song bằng trung học cơ sở (cấp chứng chỉ IGCSE0).
Với những nỗ lực không ngừng, ngành giáo dục - đào tạo Thủ đô đã vinh dự được nhận nhiều danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước, trong đó hai lần vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh, các cơ sở giáo dục cũng được đón nhận nhiều phần thưởng cao quý.
Một trong những thế mạnh của ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội là luôn giữ vững vị thế dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia với 134 giải; giành 197 giải và huy chương tại các kỳ thi cấp quốc tế, đặc biệt có 1 học sinh giành điểm tuyệt đối ở phần thi thực hành tại Olympic Hóa học quốc tế, đây là lần đầu tiên Việt Nam có học sinh đạt thành tích này. Năm học 2021, trong kỳ thi Olympic quốc tế đã có 5 huy chương vàng (1 Toán, 2 Vật lý, 2 Hóa học), với các cuộc thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo và phân công cho học sinh Thủ đô đại diện tham gia đều giành kết quả cao.
Một số vấn đề cần khắc phục trong thời gian tới
Tình trạng bạo lực học đường tuy đã được kiềm chế nhưng vẫn xảy ra tại một số cơ sở giáo dục, còn có những vụ việc liên quan đến xâm hại học sinh, vi phạm đạo đức nhà giáo. Việc giáo dục đạo đức, nếp sống cho học sinh chưa được triển khai đồng đều, việc kết hợp giữa học lý thuyết và thực hành chưa được tốt.
Công tác in ấn, phát hành tài liệu giáo dục ở địa phương chưa bảo đảm kế hoạch, hoạt động câu lạc bộ môn học ở một số trường chưa hiệu quả, chất lượng giáo dục mũi nhọn và đại trà còn có sự chênh lệch giữa các vùng, miền.
Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng hạng giáo viên giáo dục thường xuyên còn hạn chế. Nổi cộm hơn nữa là việc thiếu giáo viên, cụ thể như huyện Chương Mỹ hiện đang thiếu 153 giáo viên tiểu học và 95 giáo viên trung học cơ sở, huyện Ứng Hòa còn thiếu 276 giáo viên. Một bộ phận giáo viên còn có năng lực yếu kém, phương pháp giảng dạy chậm đổi mới, năng lực quản trị còn yếu kém ở một số cán bộ quản lý trường học.
Bên cạnh đó, công tác hướng nghiệp, dạy nghề trong các trường phổ thông vẫn còn nặng về kiến thức lý thuyết, chưa làm tốt việc phối hợp giữa nhà trường phổ thông với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.
Cần tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục cao hơn nữa và đồng đều giữa các quận trung tâm và các huyện ngoại thành, đánh giá, nhìn nhận lại chất lượng từ giáo dục mũi nhọn đến giáo dục đại trà, trong đó bao gồm cả chất lượng giáo viên. Chú trọng nâng cao giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, tăng cường nền nếp, kỷ cương, dân chủ trong nhà trường, xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh, an toàn, quyết tâm chấm dứt bạo lực học đường.
Hướng tới mục tiêu để giáo dục Thủ đô Hà Nội phát triển ngang hàng với giáo dục thủ đô các nước trên thế giới, ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô phải nhận diện, đánh giá thực chất về ngành, xây dựng đề án, kế hoạch đào tạo đội ngũ giáo viên, phát triển thực chất giáo dục, đưa giáo dục sáng tạo vào chương trình giáo dục phổ thông.
Ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội tiếp tục quan tâm thực hiện tốt hơn các định hướng chỉ đạo của Trung ương và thành phố về phát triển giáo dục và đào tạo đồng thời, cần tiếp tục quan tâm, chăm lo, đổi mới toàn diện ngành, quan tâm cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và chủ thể là học sinh. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ giáo viên, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh tiêu cực trong thi cử, nâng cao tính chủ động trong mạng lưới giáo dục./.
--------------------------
(1) Minh Đức: Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ có chính sách thu hút giáo viên giỏi, Báo Hà Nội mới điện tử, đăng ngày 18-8-2022, https://hanoimoi.vn/so-giao-duc-va-dao-tao-ha-noi-de-xuat-chinh-sach-thu-hut-giao-vien-gioi-448555.html, truy cập ngày 26-7-2023
Nâng cao đạo đức công vụ của công chức ở một số nước Đông Bắc Á và bài học kinh nghiệm cho Hà Nội  (18/07/2023)
Góp phần xây dựng bộ máy chính quyền Thủ đô trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả  (15/07/2023)
Thực trạng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô hiện nay  (14/07/2023)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên