Hà Nội chú trọng bảo vệ môi trường trong các làng nghề cho sự phát triển bền vững

Đặng Thị Minh Hảo
Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, thành phố Hà Nội
23:04, ngày 24-10-2022

TCCS - Hà Nội quy tụ nhiều làng nghề - với 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm khoảng 56% tổng số làng ở khu vực nông thôn. Làng nghề không chỉ đóng góp quan trọng về kinh tế mà còn là nét đặc trưng về văn hoá - xã hội của Thủ đô. Làng nghề có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, như giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; góp phần chuyển dịch cơ cấu và đa dạng hóa kinh tế nông thôn đồng thời góp phần vào công cuộc bảo tồn các giá trị truyền thống.

Theo đánh giá của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), các làng nghề của Hà Nội hiện có tới 47 nghề trên tổng số 52 nghề của toàn quốc. Trong đó, có hàng chục nhóm ngành nghề đang phát triển mạnh, như gốm sứ, dệt may, da giày, điêu khắc, khảm trai, sơn mài, mây tre đan, đúc đồng, chế biến nông sản, thực phẩm, dược liệu, cơ khí.

Tổng số lao động tham gia sản xuất trong các làng có nghề là hơn 1 triệu người (chiếm khoảng 46% tổng số lao động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp toàn thành phố), với hơn 700.000 lao động thường xuyên, trên 168.000 hộ sản xuất, trên 2.000 công ty cổ phần. Số lao động trong 297 làng nghề được công nhận là hơn 300.000 người, thu nhập bình quân của một lao động làm nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong các làng nghề cao hơn từ 2 đến 2,5 lần so với sản xuất nông nghiệp (thuần nông). 

Hiện nay, các làng nghề đã có đóng góp không nhỏ vào tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Tuy nhiên, làng nghề phát triển cũng đi kèm sức ép không nhỏ đối với môi trường của Hà Nội, khi ý thức của người dân làng nghề chưa cao, chưa hiểu rõ mức độ nguy hại do ô nhiễm môi trường trong các làng nghề gây ra. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa quá nhanh của Hà Nội đã khiến cho rất nhiều làng nghề Hà Nội trở thành “phố nghề”, “phường có nghề”.

Sản xuất làng nghề vẫn tập trung chủ yếu ở ngoại thành, với quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, trình độ thủ công, tổ chức sản xuất phân tán và chủ yếu là hộ gia đình. Hầu hết các cơ sở sản xuất nghề ở các làng nghề gặp khó khăn về mặt bằng sản xuất. Tình trạng phổ biến là sử dụng ngay nhà ở để làm nơi sản xuất, với quy mô sản xuất nhỏ, tự phát. Theo Sở Công Thương Hà Nội, quy hoạch các cụm làng nghề còn nhỏ lẻ (7,4ha/cụm), thậm chí có cụm diện tích 1ha, lại dàn trải, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Công tác quản lý, bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức. Hầu hết các xã không có cán bộ chuyên môn về môi trường, chỉ làm kiêm nhiệm. Chính bởi những nguyên nhân này đã tạo sức ép không nhỏ cho môi trường Thủ đô, là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường cục bộ tại một số khu vực nhất định có làng nghề và gần làng nghề. Có thể kể đến như làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm, dược liệu. Đây là loại hình làng nghề rất phổ biến ở Hà Nội, với các sản phẩm nổi tiếng, tập trung tại một số địa phương như các huyện: Thanh Trì, Thạch Thất, Phúc Thọ, Quốc Oai, Hoài Đức, Phú Xuyên, Thanh Oai, Ứng Hoà, Mỹ Đức… Thực trang cho thấy, các làng nghề sản xuất tinh bột, nấu rượu, nuôi và giết mổ gia súc có độ ô nhiễm rất cao. Định mức nước thải cho 1 tấn sản phẩm là 60-100m³. Hay các làng nghề dệt may, đồ da, vàng mã, các sản phẩm chủ yếu là sản xuất vải sợi, may quần áo và các đồ dùng khác, dệt thảm, may bạt, may cặp, may túi da. Trước đây, loại hình làng nghề này thường sản xuất nhỏ lẻ. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây đã hình thành nhiều tổ hợp, hợp tác xã, công ty sản xuất với quy mô lớn, mức độ ô nhiễm lớn. Các làng nghề ươm tơ, dệt nhuộm sử dụng một lượng nước lớn, nước thải tại nguồn thải trong dây chuyền sản xuất có độ màu rất cao, đã gây ô nhiễm nước mặt nặng nề.

Các làng nghề tại Hà Nội đang trong quá trình phát triển và đã phải trả giá cho những tác động xấu từ hoạt động sản xuất tới môi trường sống và sức khỏe cộng đồng. Hiện trạng môi trường và những tồn tại trong quản lý môi trường tại các làng nghề của Hà Nội hiện nay cho thấy, để phát triển các làng nghề bền vững trong tương lai gắn với phát triển Thủ đô xanh, sạch, đẹp cần thiết phải có những chính sách, biện pháp tổng hợp nhằm giải quyết  vấn đề ô nhiễm môi trường. 

Trước thực trạng này, việc giải quyết cấp bách tình trạng ô nhiễm môi trường trong các làng nghề và vùng lân cận nhằm bảo đảm phát triển các làng nghề theo hướng bền vững là vô cùng cần thiết. Để khắc phục những tồn tại trong quản lý môi trường làng nghề, thời gian qua, Hà Nội đã tích cực bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý và những quy định trong công tác bảo vệ môi trường làng nghề phù hợp với đặc thù của làng nghề. Nâng cao năng lực quản lý môi trường của chính quyền địa phương. Trong đó tăng cường các hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và trách nhiệm của các cơ quan chính quyền cấp xã, tổ tự quản thôn có làng nghề; chế tài xử phạt các hành vi gây ô nhiễm của cơ sở sản xuất nghề đối với chính quyền địa phương có làng nghề.

Thành ủy Hà Nội đã tăng cường, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm bảo vệ môi trường các làng nghề. Theo đó, thành phố đã ban hành các chương trình, chỉ thị, nghị quyết chuyên đề, quyết định đối với công tác bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường trong các làng nghề và bảo đảm nghiêm trong tổ chức thực hiện.

Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 31-5-2017 của Thành uỷ Hà Nội về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo thể hiện quyết tâm chính trị của thành phố trong việc bảo vệ môi trường gắn với phát triển bền vững Thủ đô, trong đó có bảo vệ môi trường các làng nghề. Nghị quyết xác định mục tiêu cụ thể đối với các làng nghề; công tác quy hoạch và xây dựng cụm công nghiệp làng nghề: “Quy hoạch để đưa các công đoạn sản xuất gây ô nhiễm tại các làng nghề ra khu sản xuất tập trung. Phải xây dựng hệ thống nước thải trước khi xả ra môi trường đối với số hộ có nghề có nguồn xả thải”. Điều tra, phân loại các làng nghề theo 8 loại hình sản xuất; thực hiện bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định tại Thông tư 31/2016/TT-BTNMT ngày 14-10-2016 của Bộ Tài nguyên môi trường. Đổi mới phương pháp quy hoạch theo phương pháp quy hoạch chiến lược hợp nhất giữa các bản quy hoạch kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường và quy hoach xây dựng của Hà Nội để tìm ra mục tiêu quy hoạch chung bảo đảm tính bền vững, có sự tham gia của cộng đồng và các nhà đầu tư. Sự phối hợp giữa các đơn vị với sự tham gia của cộng đồng trong công tác quy hoạch và quản lý quy họach chính là yếu tố thành công trong phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Trong số 176 cụm công nghiệp làng nghề được quy hoạch, đã có 49 cụm xây dựng hạ tầng, cấp phép hoạt động cho 5.870 dự án, bình quân đạt 800m2/dự án, trong đó có 2.000 dự án đã hoạt động.

Cùng với công tác quy hoạch làng nghề, Hà Nội thực hiện chủ trương khuyến khích ưu đãi tài chính cho các hoạt động liên quan đến cải thiện môi trường làng nghề. Kêu gọi các nguồn hỗ trợ tài chính từ các tổ chức, các quỹ bảo vệ môi trường cho việc đầu tư các công trình xử lý ô nhiễm và truyền thông môi trường; tổ chức các hội nghị “Tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ Bảo vệ Môi trường Hà Nội”. Có nhiều dự án trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, như Dự án xây dựng hệ thống thu gom và xử lý chất thải tại các làng nghề; xây dựng hệ thống hầm biogas xử lý chất thải của các trang trại chăn nuôi lợn tập trung cũng được quỹ hỗ trợ cho vay vốn.

Triển khai nghị quyết của Thành uỷ, bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 6136/QĐ-UBND ngày 31-8-2017 về “Phê duyệt đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”. Đề án xác định mục tiêu: Tăng cường mạnh mẽ thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong quản lý và phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội; hoàn thiện hệ thống quản lý môi trường nhằm tăng cường năng lực giám sát và khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề; ngăn chặn việc phát sinh các làng nghề gây ô nhiễm môi trường mới. Từ năm 2017 đến nay, nhiều nội dung của đề án đã được triển khai tích cực và đạt được những kết quả khả quan. Trong danh sách 235 làng nghề thuộc đề án đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt, nhiệm vụ được thực hiện trong 2 đợt, trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tiến hành đánh giá, phân loại đối với 228 làng nghề, (6 làng nghề còn lại đã mai một nên không tiến hành lấy mẫu để phân loại và có 1 làng nghề không được phê duyệt kinh phí thực hiện). Trong số 228 làng nghề tổ chức điều tra, khảo sát có 5 nhóm gồm: 25 làng nghề nhuộm, thuộc da; 155 làng nghề thủ công mỹ nghệ; 19 làng nghề chế biến nông sản thực phẩm; 1 làng nghề tái chế kim loại và 28 làng nghề khác.  

Theo kế hoạch đặt ra, Hà Nôi sẽ tập trung di chuyển các cơ sở trong làng nghề gây ô nhiễm ra các cụm công nghiệp tập trung. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã và đang tích cực phối hợp với các ngành chức năng triển khai các chương trình, tìm giải pháp cho vấn đề này. Hiện tại, các cơ quan chức năng của thành phố đang thúc đẩy tiến độ cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng 70 cụm công nghiệp đang hoạt động; đẩy nhanh tiến độ khởi công và xây dựng hạ tầng kỹ thuật 43 cụm công nghiệp thành lập trong giai đoạn 2018 - 2020; đồng thời kêu gọi, thu hút đầu tư vào 46 cụm công nghiệp còn lại theo quy hoạch; phấn đấu đến năm 2025, toàn thành phố có 159 cụm công nghiệp làng nghề, bảo đảm di dời các làng nghề gây ô nhiễm vào hoạt động trong cụm công nhiệp tập trung.  “Thành phố đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng (huyện Hoài Đức), công suất 8.000m3/ngày đêm, dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2022; hoàn thiện thủ tục xây dựng Nhà máy xử lý nước thải làng nghề Vân Canh (huyện Hoài Đức), cụm xử lý nước thải sinh hoạt, làng nghề xã Vân Hà (huyện Đông Anh); kêu gọi đầu tư xây dựng 8 dự án xử lý nước thải làng nghề tại các huyện: Quốc Oai, Mê Linh, Thường Tín, Mỹ Đức; kêu gọi đầu tư 48 cụm công nghiệp làng nghề tại các huyện: Phúc Thọ, Thạch Thất, Thường Tín, Phú Xuyên…, bảo đảm đến năm 2025, 100% làng nghề đủ điều kiện về bảo vệ môi trường” (1).

Trên cơ sở các nhiệm vụ được giao tại đề án, trong năm 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường  tập trung triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ. Trong đó, tiếp tục thực hiện công tác rà soát, đánh giá, phân loại làng nghề trên địa bàn thành phố theo quy định. Sở cũng sẽ chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức đào tạo theo chương trình bồi dưỡng chuyên sâu về môi trường cho công chức địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường cấp xã theo quy định. Sau khi kết thúc học viên sẽ được cấp chứng chỉ bồi dưỡng theo quy định của Bộ Nội vụ. Cùng với đó triển khai thực hiện các nhiệm vụ xử lý nước thải làng nghề. Về lâu dài, Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng đề cương, dự án nhiệm vụ “Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tích cực liên ngành, trực tuyến phục vụ quản lý, phát triển và bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội”  trình Ủy ban nhân dân thành phố giao sở, ngành liên quan thẩm định trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt làm cơ sở triển khai thực hiện giai đoạn 2021 - 2025. 

Mục tiêu đến hết năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ hoàn thành công tác rà soát, đánh giá, phân loại mức độ ô nhiễm môi trường đối với 100% làng nghề đã được công nhận trên địa bàn thành phố và bảo đảm đưa các tiêu chí về môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường vào quá trình thẩm định và xét công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP, ngày 12-4-2018, của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn.

Các làng nghề trên địa bàn thành phố đã tồn tại hàng trăm năm nay cùng sự hình thành, phát triển của các làng xã. Các làng nghề không chỉ có hoạt động kinh tế mà còn là văn hóa, phong tục, tập quán sản xuất gắn bó mật thiết với đời sống nhân dân. Vì vậy, việc thay đổi tư duy, phương thức sản xuất của các hộ dân trong các làng nghề theo xu hướng sản xuất sạch hơn, hạn chế ô nhiễm môi trường vì sự phát triển bền vững. Từ nhận thức đó, thành phố Hà Nội xác định việc tăng cường tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa, tầm quan trọng của môi trường sống, trên cơ sở này phát huy được mọi nguồn lực từ nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, làm cho mọi người nhận thức được một cách tự giác trong bảo vệ môi trường sống của chính mình. Tập trung tuyên truyền Quy định về bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội (ban hành kèm theo Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND ngày 24-10-2019 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội); khuyến khích các địa phương xây dựng hương ước, quy ước về bảo vệ môi trường, tiến tới triển khai thành quy định bắt buộc để bảo vệ môi trường các làng nghề.

Với quyết tâm chính trị của các cấp uỷ, chính quyền, sở, ngành  Hà Nội và sự đồng lòng chung sức của nhân dân, việc bảo vệ mội trường làng nghề, Hà Nội đã, đang và sẽ tiếp tục tạo được bước chuyển mới trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng ô nhiễm làng nghề, sớm đạt được mục tiêu đã đề ra, xây dựng Thủ đô Hà Nội xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại vì sự phát triển bền vững./.

----------------------

(1) Hoàng Sơn: Cấp bách xử lý ô nhiễm tại làng nghề, Trang Báo Hà Nội mới điện tử, ngày 25-3-2022, http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Doi-thoai/1027806/cap-bach-xu-ly-o-nhiem-tai-lang-nghe