TCCS – Nhận thức được tầm quan trọng của đội ngũ giáo viên trong phát triển, bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo, Hà Nội luôn coi trọng công tác nâng cao năng lực hướng đến chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo. Đó vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là giải pháp căn cơ của ngành nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao hướng tới xây dựng và phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo của Thủ đô.

Từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục toàn diện.  

Những năm qua, đội ngũ giáo viên của thành phố Hà Nội không ngừng được nâng cao về số lượng và chất lượng. Năm học 2020 – 2021 là năm thứ tám ngành giáo dục Thủ đô thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ, ngày 4-11-2013, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, “về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Sau tám năm triển khai Nghị quyết, thành phố Hà Nội thực hiện tốt nhiệm vụ về đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện, đạt được nhiều kết quả. Đặc biệt, công tác nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng hoàn thiện, đi vào chiều sâu, thực chất. Năng lực chuyên môn, phương pháp giảng dạy, kỹ năng tổ chức hoạt động ngoại khóa của đội ngũ giáo viên trên địa bàn thành phố ngày càng được nâng cao, hoàn thiện. Công tác bồi dưỡng chuyên môn định kỳ và bồi dưỡng đối với chương trình mới được tiến hành song song, đồng bộ. Thành phố Hà Nội tổ chức tập huấn đối với 100% số giáo viên chủ nhiệm các cấp khi áp dụng chương trình mới, bố trí đội ngũ giáo viên nhiều kinh nghiệm đảm nhận việc dạy học, tạo sự thuận lợi, hiệu quả trong công tác giảng dạy. Đến nay, tất cả giáo viên ở các bậc học trên địa bàn thành phố đều đạt chuẩn về trình độ đào tạo, kỹ năng. Năm học 2020 – 2021, Hà Nội là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với 159.000 cán bộ, giáo viên. Đội ngũ giáo viên tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra. Nhờ đó, chất lượng giáo dục đại trà tiếp tục được nâng cao, chất lượng giáo dục mũi nhọn đạt được nhiều thành tựu ấn tượng. Năm học 2020 – 2021 cũng là năm đầu ngành giáo dục thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, đặc biệt với nhiệm vụ phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.


Năm 2021, thành phố Hà Nội đã bồi dưỡng thường xuyên cho gần 74.000 cán bộ quản lý, giáo viên; đào tạo nâng chuẩn IELTS quốc tế cho hơn 3.600 giáo viên tiếng Anh và hơn 50.000 giáo viên dạy Chương trình giáo dục phổ thông mới. Về kế hoạch đào tạo nâng chuẩn đào tạo cho giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, thành phố dự kiến có gần 8.500 cán bộ quản lý, giáo viên sẽ được cử đi đào tạo, hoàn thành vào năm 2027, sớm hơn 3 năm so với yêu cầu.

(Nguồn: Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 của thành phố Hà Nội)
Ngoài công tác nâng cao chất lượng chuyên môn cho đội ngũ giáo viên, ngành giáo dục thành phố kết hợp tổ chức nhiều phong trào thi đua, giải thưởng nhằm khuyến khích đội ngũ giáo viên phát huy khả năng sáng tạo, tạo sự sinh động, sức hấp dẫn đối với mỗi bài giảng. Tiêu biểu như phong trào “Xây dựng Nhà trường văn hóa – Nhà giáo mẫu mực – Học sinh thanh lịch”, “Cô giáo – người mẹ hiền”, “Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”; “Nhà giáo Hà Nội đỡ đầu học sinh nghèo”, đặc biệt là giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”, “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, tạo không khí thi đua sôi nổi trong toàn ngành, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Công tác nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên kết hợp thực hiện các cuộc vận động phong trào giáo dục giúp chất lượng đội ngũ giáo viên trên địa bàn thành phố phát triển mạnh mẽ, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục toàn diện.

Chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên theo định hướng

Để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, ngành giáo dục Hà Nội tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại, đặc biệt bám sát Chỉ thị số 800/CT-BGDĐT, ngày 24-8-2021, của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, về Thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 – 2022 ứng phó với dịch COVID-19, tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo. Đặc biệt chú trọng đến công tác phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên theo định hướng đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu tổ chức, đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; hướng đến đào tạo đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục vững chuyên môn, có phẩm chất đạo đức tốt, có tâm huyết và trách nhiệm với nghề.

Với định hướng xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm giáo dục và đào tạo chất lượng cao hàng đầu trong cả nước, có uy tín ở khu vực và quốc tế, Hà Nội xác định phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn kết chặt chẽ với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô văn minh, văn hiến. Trong đó, giáo dục và đào tạo được coi là khâu đột phá trong việc tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tri thức, đặc biệt nhân lực phục vụ phát triển một số ngành công nghiệp có giá trị gia tăng lớn, sử dụng công nghệ cao, các ngành dịch vụ chất lượng cao của vùng, cả nước và khu vực. Quyết định số 3074/QĐ-UBND, ngày 12-7-2012, của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên, chuyên nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đề ra quan điểm phát triển giáo dục toàn diện: Tri thức - Thể chất - Nhân cách người Hà Nội thanh lịch - văn minh. Theo đó, ngành giáo dục Hà Nội cần chủ động tiếp cận xu thế phát triển giáo dục tiên tiến của thế giới; xây dựng mỗi cấp học, ngành học đều có các trường học tiên tiến chất lượng cao theo hướng hiện đại, tiến tới hội nhập khu vực và trên thế giới; tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, phát huy vai trò nòng cốt trong phát triển giáo dục đào tạo Thủ đô; huy động toàn xã hội chăm lo cho sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo Thủ đô... Điều này đòi hỏi Hà Nội cần phải quan tâm phát triển hơn nữa đến công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Đó là nhân tố quan trọng tạo nền tảng cho ngành giáo dục Hà Nội phát triển nhanh, bền vững, hướng đến xây dựng và phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo. Muốn vậy, ngành giáo dục Thủ đô cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, xây dựng kế hoạch và chiến lược đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan liên quan xây dựng quy hoạch tổng thể nâng cao chất lượng giáo viên nhằm giải quyết sự thiếu hụt giáo viên, bảo đảm sự phát triển liên tục, đồng đều của đội ngũ giáo viên, đồng thời tạo ra sự chủ động đối với các nhà quản lý giáo dục. Việc xây dựng kế hoạch, chiến lược đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phải bảo đảm tính mục đích, khoa học, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Công tác nâng cao chất lượng giáo viên phải được đánh giá dựa trên cơ sở năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, quá trình công tác,… để xác định chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp. Từ đó, xây dựng đội ngũ giáo viên có cơ cấu hợp lý, đạt hiệu quả về chất lượng. Dựa trên quy hoạch, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, các phòng giáo dục quận, huyện theo dõi quá trình đào tạo, bồi dưỡng của từng giáo viên tham gia quá trình đào tạo, bồi dưỡng. Đây là biện pháp quan trọng nhằm đánh giá trình độ chuyên môn trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng.       

Hai là, nâng cao năng lực chuyên môn, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên. Tiếp tục nâng cao năng lực, chuyên môn đối với đội ngũ giáo viên, từng bước chuẩn hóa về năng lực giảng dạy, nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng mềm giáo dục tiệm cận chuẩn quốc tế… Tiếp tục bồi dưỡng kỹ năng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19; nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ, năng lực hội nhập quốc tế, đổi mới chương trình dạy học, sách giáo khoa. Công tác bồi dưỡng, đào tạo nâng cao năng lực phải được tổ chức thường xuyên để bảo đảm giáo viên được cập nhật kiến thức mới của các địa phương khác, khu vực và thế giới. Ngoài ra, cần trang bị cho giáo viên các phương pháp giảng dạy mới để giáo viên có khả năng hướng dẫn học sinh phải tự học, phát huy kiến thức, kỹ năng, năng lực sáng tạo. Bên cạnh đó, cần gợi mở, đối thoại để rèn luyện phương pháp, kỹ năng giải quyết vấn đề, xử lý tình huống cho giáo viên.

Ba là, cải thiện chính sách đối với đội ngũ giáo viên. Thực hiện triệt để Nghị định số 115/2010/NĐ-CP, ngày 24-12-2010, của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch số 47/2011/TTLT-BGDĐT-BNV, ngày 19-10-2011, của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ về quy định trách nhiệm quản lý nhà nước đối với giáo dục, phụ cấp, chế độ khen thưởng, chính sách bảo hiểm xã hội đối với đội ngũ giáo viên. Đồng thời, Hà Nội cần xây dựng và bổ sung các chính sách riêng nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách đối với đội ngũ giáo viên trên địa bàn thành phố. Xây dựng cơ chế để thu hút nhân tài chất lượng cao, cơ chế thu hút không nên dừng lại về ưu đãi vật chất mà bao gồm cả điều kiện làm việc, cơ hội phát triển nghề nghiệp. Thu hút và sử dụng nguồn nhân lực giáo dục bằng các hình thức: Nâng mức khen thưởng, hỗ trợ kinh phí đào tạo chuẩn hóa, chính sách hỗ trợ giáo viên… Tiến hành cơ cấu lại bộ máy tổ chức ngành, xây dựng công tác quy hoạch đội ngũ giáo viên, bố trí hợp lý biên chế nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực mà thành phố hiện có. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, huy động tốt nguồn thu, tạo điều kiện bền vững cho việc chăm lo đời sống của giáo viên./.