TCCSĐT - Dự báo trong năm 2018, các nền kinh tế lớn trên thế giới sẽ tiếp tục phục hồi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu dường như vẫn đang diễn biến theo kịch bản thuận, chưa có các dấu hiệu cho thấy những khó khăn sẽ xuất hiện. Theo Viện nghiên cứu kinh tế Đức (DIW), kinh tế thế giới sẽ còn tăng trưởng trong hai năm 2018 và 2019 ở mức 4% mỗi năm.

Các nền kinh tế lớn trên đà hồi phục trong năm 2018

 
 Ảnh minh họa. Ảnh: Gettyimage

Các chuyên gia nhận định, kinh tế Mỹ trong năm 2017 có thể đạt mức tăng trưởng 2,3%; đến năm 2018 sẽ là 2,5% và năm 2019 là 2,4%. Kinh tế Mỹ vào quý III-2017 tăng trưởng 3,3%; khoảng 170.000 việc làm mới được tạo ra; tỷ lệ thất nghiệp vào tháng 11 chỉ ở mức 4,1%. Bên cạnh đó, tiêu thụ cá nhân cũng như đầu tư của các doanh nghiệp tăng mạnh, ngoại thương cũng có động lực tích cực, mức lương tăng đáng kể… Vào quý IV-2017, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã bắt đầu giảm cho vay một cách từ từ. Lý do chính là lạm phát thấp, lãi suất sẽ đi theo hướng ngược lại: tăng một cách từ từ. Giảm phát của ngân sách nhà nước sẽ tiếp tục mạnh thêm do giảm thuế bởi vào cuối năm 2017, Quốc hội Mỹ đã đồng ý với cải cách thuế do chính phủ đề xuất, sau khi Thượng viện phê chuẩn bản dự thảo vào đầu tháng 12; qua đó, các tổ chức và hộ gia đình có thu nhập cao sẽ hưởng lợi. Gánh nặng thuế đối với các doanh nghiệp cũng sẽ giảm xuống.

Theo dự báo trong năm 2018, đà tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ sẽ giữ vững, tiêu thụ cá nhân sẽ tăng lên đáng kể, kể cả khi trong cùng thời điểm đó, tỷ lệ tiết kiệm không giảm xuống.

Đối với Trung Quốc, suy giảm dư thừa nguồn cung sẽ “hãm phanh” sự mở rộng của nền kinh tế nước này. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc năm 2017 sẽ tăng 6,8%, dự báo trong năm 2018 và năm 2019 sẽ tăng khoảng 6,5%. Trong năm 2017, nhu cầu của các hộ gia đình và cá nhân có thể sẽ tăng thêm theo thu nhập. Áp lực từ chi phí và dư thừa nguồn cung vẫn còn tồn tại đã làm chậm lại nhịp độ đầu tư vào máy móc. Quy mô của nền kinh tế bị suy yếu do hậu quả của giảm xuất khẩu và tăng nhập khẩu làm xấu đi cán cân xuất nhập khẩu. Điều này sẽ tác động tới chỉ số quản lý mua hàng trong tương lai gần cho nhiều ngành kinh tế khác nhau. Trong ngành công nghiệp sản xuất, sự giảm tải của dư thừa nguồn cung trong các công ty nhà nước có mức nợ cao và thiếu năng suất vẫn tiếp tục và sẽ làm giảm tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2018.

Theo đánh giá của giới quan sát, GDP của Nhật Bản sẽ tăng 1,5% năm 2017, năm 2018 và năm 2019 sẽ là 1,2%. Nhân tố đầu tiên mang tới sự phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản chính là xuất khẩu, được hưởng lợi từ sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và một đồng yên yếu. Đứng đầu là xuất khẩu xe tải và đồ điện sang Mỹ và khu vực Đông Nam Á tăng mạnh. Trong thời điểm đầu tư của doanh nghiệp giảm xuống, chi tiêu của hộ gia đình và cá nhân không tăng. Thu nhập không tăng nhiều đã tác động đến tiêu dùng cá nhân. Cho tới nay, không một áp lực lạm phát ổn định nào được tạo nên mặc dù nền kinh tế Nhật Bản rất đa dạng với chính sách nới lỏng tiền tệ lỏng trong năm 2016. Trong tương lai gần, xuất khẩu của Nhật Bản sẽ phát triển theo hướng tích cực, đầu tư sẽ được tăng lên để tăng cường năng suất và đối phó với tình hình chi phí luôn gia tăng thông qua tự động hóa quá trình sản xuất.

GDP của khu vực Liên minh châu Âu (EU) được trông đợi sẽ tăng 2,4% trong năm 2017; 2,1% năm 2018 và khoảng 1,7% năm 2019. Tình hình thị trường lao động của EU tốt đẹp hơn cũng như việc nới lỏng điều kiện cho vay một lần nữa sẽ tăng nhu cầu trong nước của các quốc gia trong khối. Cả nhu cầu cá nhân cũng như đầu tư đã hỗ trợ nền kinh tế. Trong quý IV-2017, tiêu dùng cá nhân trong tiến trình tạo thêm việc làm đang tiếp diễn sẽ là nhân tố chính trong hồi phục kinh tế của toàn khu vực. Điều này có nghĩa là niềm tin của người tiêu dùng tại các nước thành viên hàng đầu đang tăng lên. Thu nhập trong thời điểm muộn hơn thuộc thời kì dự báo này sẽ tăng lên đáng kể so với các năm trước trong điều kiện thêm nhiều người có việc làm. Chỉ cùng với sự tăng nhẹ của giá cả, thu nhập của người lao động mới có thể tăng. Khối lượng vốn đang ít được sử dụng sẽ gây áp lực lên các hoạt động đầu tư. Tại một số nước EU, môi trường đầu tư nhờ các chính sách kinh tế được cải thiện một phần.

Trong khi đó, GDP của Nga được dự đoán sẽ tăng 1,9% trong năm 2017, 1,6% năm 2018 và 1,7% năm 2019. Sự tăng cường của sản xuất công nghiệp Nga đang chậm lại. Trong thời gian tới, các hoạt động tiêu dùng sẽ ổn định trong hoàn cảnh giá cả tăng và tỷ lệ thất nghiệp giảm. Ngân hàng Trung ương Nga đã giảm lãi suất cơ bản một lần nữa vào cuối tháng 10-2017 để ứng phó với tỷ lệ tăng giá đang giảm, đầu tư sẽ tăng lên dần dần. Các chuyên gia cho rằng, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Nga trong năm 2018 sẽ ở mức khiêm tốn. Theo đó, chỉ số quản lý mua hàng của các ngành công nghiệp sản xuất và dịch vụ vẫn sẽ nằm trên ngưỡng mở rộng, mặc dù trong thời gian gần đây nó đã bị giảm xuống.

Theo Michael Spence - Giáo sư kinh tế trường Đại học New York, chuyên gia cao cấp của Viện Hoover thuộc Đại học Stanford, với các nước phát triển, năm 2017 dường như là khoảng thời gian nhiều nền kinh tế đạt được sự tăng trưởng trong bối cảnh xuất hiện các căng thẳng, sự chia rẽ và phân cực về chính trị ở cả trong nước và quốc tế. Trong dài hạn, kinh tế thế giới có thể không bị ảnh hưởng nhiều bởi các vấn đề chính trị - xã hội. Trong thời gian tới, các nền kinh tế phát triển và đang phát triển sẽ nỗ lực hướng tới mô hình phát triển toàn diện, duy trì một nền kinh tế toàn cầu mở.

Tiến trình hòa bình Trung Đông khó có hồi kết

 
 Ảnh minh họa. Ảnh: Gettyimage

Trong những ngày qua, căng thẳng giữa Israel và Palestine tiếp tục leo thang khi Israel thúc đẩy dự luật “Jerusalem to lớn hơn” nhằm sáp nhập các khu định cư xây dựng trên phần đất mà người Palestine dự định làm thủ đô trong tương lai. Những diễn biến căng thẳng này cho thấy tiến trình hòa bình Trung Đông vẫn chưa có hồi kết.

Ngày 24-12, Bộ trưởng Nhà ở và xây dựng Israel Y. Galant đã phát động kế hoạch xây dựng 300.000 nhà định cư tại Đông Jerusalem. Phần lớn các tòa nhà mới sẽ được xây dựng trên khu vực nằm ngoài giới tuyến Xanh xác định các vùng lãnh thổ bị Israel chiếm đóng trong cuộc chiến năm 1967. Ngoài ra, ngày 25-12, Thứ trưởng Ngoại giao Israel T. Hotovely cho biết, nước này đang liên lạc với “ít nhất 10 quốc gia” về khả năng chuyển đại sứ quán của họ tới Jerusalem, sau khi Mỹ công nhận thành phố này là thủ đô của Israel.

Trong một phản ứng đầu tiên, Bộ Ngoại giao Palestine đã lên tiếng chỉ trích kế hoạch của Israel, đồng thời tuyên bố sẽ cân nhắc xem xét lại toàn bộ tiến trình hòa bình. Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) cũng cảnh báo các hậu quả nếu Israel hiện thực hóa dự luật “Jerusalem to lớn hơn”. Đảng Fatah của Tổng thống Palestine M. Abbas tuyên bố sẽ cân nhắc “việc xem xét lại toàn diện tiến trình hòa bình Palestine - Israel” trong cuộc họp sắp tới. Bên cạnh đó, Palestine sẽ tiến hành thêm các nỗ lực ngoại giao tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, thậm chí là tại Tòa án Hình sự quốc tế nhằm đáp trả động thái của Tổng thống Mỹ D. Trump chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đồng thời ra lệnh chuyển Đại sứ quán Mỹ về thành phố tranh chấp này.

Trong khi đó, cùng ngày, Tổng thống Guatemala J. Morales cho biết, ông đã ra chỉ thị dời Đại sứ quán của quốc gia Trung Phi này tại Israel đến Jerusalem sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Israel B. Netanyahu, vài ngày sau khi chính phủ của ông tuyên bố ủng hộ Mỹ trong cuộc tranh cãi về quy chế của thành phố này.

Israel và Palestine đã có những phản ứng trái chiều xung quanh trước quyết định này của Guatemala. Ngày 25-12, Thủ tướng Israel B. Netanyahu hoan nghênh quyết định của Guatemala chuyển đại sứ quán tới Jerusalem. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Palestine tuyên bố việc Guatemala quyết định chuyển đại sứ quán tới Jerusalem là hành động “bất hợp pháp và đáng xấu hổ”.

Liên quan đến việc Guatemala tuyên bố chuyển Đại sứ quán tới Jerusalem, ngày 25-12, hãng tin Sputnik dẫn lời chuyên viên cao cấp Boris Dolgov thuộc Trung tâm nghiên cứu Arab và Hồi giáo tại Viện nghiên cứu phương Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho rằng Guatemala là quốc gia hoàn toàn phụ thuộc vào Mỹ trong mọi lĩnh vực nên quyết định của quốc gia này về việc chuyển đại sứ quán ở Israel từ Tel Aviv tới Jerusalem là hoàn toàn dễ hiểu. Ông cũng dự đoán có thể sẽ có thêm những quốc gia phụ thuộc vào Washington “đi theo vết xe đổ” của Guatemala, song nhấn mạnh sẽ không có nhiều nước làm như vậy.

Vòng xoáy bất ổn trên chính trường Peru

 
 Hàng nghìn người dân Peru xuống đường phản đối lời xin lỗi của cựu Tổng thống A. Fujimori. Ảnh: Businessmonkeynews.com

Quyết định ân xá cựu Tổng thống Alberto Fujimori đã đẩy chính trường Peru vào những rối ren mới với những nghi ngờ quyết định này có sự thỏa thuận với các nhà lập pháp.

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Peru vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu khi ngày 27-12 tiếp tục có thêm 2 quan chức cấp cao nộp đơn từ chức, chỉ 3 ngày sau khi Tổng thống nước này P. Kuczynski ra lệnh ân xá cựu Tổng thống A. Fujimori. Như vậy, chỉ trong vòng vài ngày qua đã có 3 quan chức trong nội các của Tổng thống P. Kuczynski đệ đơn từ chức.

Cựu Tổng thống A. Fujimori, 79 tuổi, là một nhân vật gây nhiều tranh cãi tại Peru. Mặc dù không được nhiều người dân ủng hộ, song ông A. Fujimori cũng được xem là người đã giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng kinh tế cũng như những cuộc xung đột đẫm máu trong 10 năm tại nhiệm của mình. Ông A. Fujimori phải thi hành án tù đến năm 93 tuổi do trong giai đoạn nắm quyền lãnh đạo Peru từ năm 1990 đến năm 2000, ông  đã ra lệnh cho một biệt đội thực hiện 25 vụ ám sát hồi đầu những năm 90 nhằm trấn áp phong trào đối lập “Con đường sáng”. Ngoài ra, cựu lãnh đạo Peru cũng bị buộc tội tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Năm 2007, ông A. Fujimori bị kết án 6 năm tù vì hối lộ và lạm dụng quyền lực. Năm 2009, ông lĩnh án 25 năm tù vì tội tham nhũng và vi phạm nhân quyền và bị giam tại một nhà tù ở ngoại ô thủ đô Lima.

Việc các quan chức cấp cao trong chính phủ Peru từ chức diễn ra trong bối cảnh một cuộc khủng hoảng chính trị đang bao trùm quốc gia Nam Mỹ trước quyết định ngày 24-12 của Tổng thống P. Kuczynski vì lý do nhân đạo sau khi kết quả kiểm tra y tế cho thấy ông A. Fujimori đang mắc bệnh nan y ở giai đoạn cuối với nhiều biến chứng. Cựu Tổng thống A. Fujimori, người đang chịu án tù 25 năm với nhiều tội danh, từng 3 lần nộp đơn xin được ân xá vì lý do sức khỏe. Trong một bài đăng trên tài khoản Twitter trước đó, ông A. Fujimori cho biết bị mắc chứng loạn nhịp tim, khiến ông phải nhập viện nhiều lần mỗi năm. Tuy nhiên theo luật pháp Peru, các tù nhân bị kết tội giết người hay bắt cóc không được tha bổng trừ trường hợp bệnh giai đoạn cuối, do đó các yêu cầu này đều bị từ chối.

Nhiều ý kiến cho rằng, hành động ân xá cho ông A. Fujimori là thỏa thuận giữa Tổng thống P. Kuczynski với một số nhà lập pháp, trong đó có con trai và con gái của ông A. Fujimori là Keiko Fujimori và Kenji Fujimori - đều là thành viên của đảng Sức mạnh nhân dân (FP) đối lập, để giúp ông A. Kuczynski vượt qua cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Peru nhằm luận tội ông với những cáo buộc tham nhũng liên quan đến Tập đoàn xây dựng Odebrecht của Brazil, vốn là tâm điểm cuộc khủng hoảng tại Mỹ Latinh thời gian qua khi thừa nhận hối lộ giới chính trị gia khắp khu vực.

Trong một động thái khác, cựu Tổng thống A. Fujimori đã xin lỗi công khai trước người dân nhằm xoa dịu căng thẳng trong những ngày qua tại nước này trước quyết định ân xá trên. Tuy nhiên, việc hàng loạt quan chức cấp cao trong chính phủ Peru từ chức đang khiến chính trường quốc gia Nam Mỹ này càng trở nên rối ren.

Nước Nga trước bầu cử Tổng thống năm 2018

 
 Tổng thống Nga V. Putin - ứng cử viên được sáng giá nhất hiện nay trong cuộc đua vào Điện Kremlin năm 2018. Ảnh: Sputnik France

Chiến dịch tranh cử hướng tới cuộc bầu cử Tổng thống Nga vào tháng 3-2018 đã chính thức được khởi động sau khi danh sách các ứng viên tham gia cuộc bầu cử lần lượt được công bố. Với tỷ lệ ủng hộ lên đến 83,3%, đương kim Tổng thống Vladimir Putin vẫn là nhà lãnh đạo được người dân Nga đặt nhiều kỳ vọng để dẫn dắt xứ Bạch Dương trong 6 năm tới.

Ngày 23-12, đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền đã cam kết ủng hộ hoàn toàn đương kim Tổng thống V. Putin trong cuộc bầu cử năm 2018. Phát biểu trong đại hội thường niên của đảng, Chủ tịch và là Thủ tướng Nga, ông Dmitry Medvedev nhấn mạnh, đảng Nước Nga Thống nhất muốn “chiến thắng vượt trội” và sẽ “hỗ trợ bằng mọi khả năng” cho ông V. Putin.

Cùng ngày, Đảng Cộng sản Liên bang Nga đã chọn ứng cử viên đại diện cho đảng này là ông Pavel Grudinin - Giám đốc doanh nghiệp “Nông trang tập thể mang tên Lenin” ở ngoại vi Moscow. Quyết định chọn ông P. Grudinin, 57 tuổi, tham gia tranh cử tổng thống đã được đưa ra sau phiên họp toàn thể thường niên của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên bang Nga. Đây là một quyết định bất ngờ, bởi trong 5 cuộc bầu cử tổng thống trước đó, ứng cử viên của Đảng Cộng sản Liên bang Nga luôn là Chủ tịch Đảng Gennady Zyuganov.

Trong một diễn biến khác, ngày 25-12, với 12 phiếu thuận và 1 phiếu trắng, Ủy ban bầu cử trung ương Liên bang Nga đã thông qua quyết định chính thức cấm thủ lĩnh phe đối lập Alexei Navalny tham gia cuộc bầu cử Tổng thống Nga vào năm tới vì không đủ tư cách. Theo Ủy ban bầu cử trung ương Nga, ông A. Navalny đã từng bị kết án 5 năm tù treo vì phạm tội tham ô. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, ông A. Navalny cũng đã bị bắt giữ 3 lần và bị kết án tù 30 ngày vì tổ chức biểu tình không được phép.

Ngày 18-12-2017, chiến dịch tranh cử Tổng thống Nga đã chính thức bắt đầu. Trước đó, Hội đồng Liên bang Nga đã thông qua thời gian tổ chức bầu cử tổng thống vào ngày 18-3-2018. Tổng cộng 23 ứng cử viên đã thông báo ý định tranh cử, trong đó có Tổng thống V. Putin tranh cử tái nhiệm với tư cách ứng cử viên tự do, không theo danh sách đảng. Ngoài ra, những cái tên đáng chú ý trong danh sách tranh cử còn có lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do Nga Vladimir Zhirinovsky, lãnh đạo đảng Dân chủ Yabloko Grigory Yavlinsky... Theo thông tin được Ủy ban bầu cử trung ương Liên bang Nga công bố, bất kỳ công dân nào từ 35 tuổi trở lên, thường trú ở Nga ít nhất 10 năm đều đủ điều kiện tham gia tranh cử vào ghế tổng thống.

Theo quy định, các đảng ở Nga có 25 ngày, hạn chót 16-01-2018, để tổ chức hội nghị và nộp giấy tờ liên quan cho Ủy ban bầu cử trung ương Liên bang Nga. Đối với các ứng cử viên độc lập, hạn chót đến ngày 01-02-2018, phải thu thập được ít nhất 300.000 chữ ký của cử tri. Nếu ứng cử viên tranh cử theo danh sách đảng, đảng đó phải thu thập được tối thiểu 100.000 chữ ký của cử tri cho ứng cử viên.

Theo giới quan sát, ứng cử viên sáng giá nhất hiện nay trong cuộc đua vào Điện Kremlin vẫn là đương kim Tổng thống Nga V. Putin, khi kết quả thăm dò dư luận tiến hành ngày 26-12 cho thấy, hơn 80% cử tri khẳng định sẽ bỏ phiếu để nhà lãnh đạo Nga tiếp tục nắm quyền điều hành đất nước đến năm 2024. Trong khi đó, các đối thủ chính của đương kim Tổng thống V. Putin là lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do Nga V. Zhirinovsky và ứng cử viên Đảng Cộng sản Liên bang Nga Grudinin chỉ giành được lần lượt 8% và 7% số phiếu. Việc tranh cử với tư cách ứng cử viên tự do cũng thể hiện sự tự tin của nhà lãnh đạo Nga cho nhiệm kỳ tổng thống thứ tư. Và sự tin tưởng của người dân vào Tổng thống V. Putin, với mức tín nhiệm luôn trên 80% trong thời gian gần đây, đang tiếp thêm động lực cho nhà lãnh đạo Nga trên con đường khẳng định vị thế siêu cường của đất nước trong tương lai.

Vấn đề lịch sử thách thức quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc

 
 Ảnh minh họa. Ảnh: dailymail.co.uk

Hàn Quốc vừa đưa ra tuyên bố cho rằng vấn đề “phụ nữ mua vui” gây tranh cãi lâu nay giữa hai nước không thể được giải quyết bằng thỏa thuận song phương khiến Nhật Bản phản ứng mạnh mẽ. Động thái này khiến quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục diễn biến căng thẳng.

Trong một tuyên bố ngày 28-12, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố vấn đề “phụ nữ mua vui” gây tranh cãi lâu nay giữa Hàn Quốc và Nhật Bản không thể được giải quyết bằng thỏa thuận song phương năm 2015. Ông Moon Jae-in coi đây là một văn kiện mang tính chính trị mà không có được sự nhất trí của nạn nhân và người dân.

Trước đó ngày 27-12, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã ra thông báo không tín nhiệm thỏa thuận mà hai nước ký hồi tháng 12-2015 về vấn đề “phụ nữ mua vui”. Nhóm quan chức và chuyên gia Hàn Quốc có nhiệm vụ rà soát thỏa thuận này từ hồi tháng 8-2017 đã công bố báo cáo điều tra cho biết chính phủ lúc đó của cựu Tổng thống Park Geun-hye đã che giấu một phần của thỏa thuận nhằm tránh bị chỉ trích về những nhượng bộ bí mật với Nhật Bản, đồng thời không nỗ lực đầy đủ trong việc lắng nghe các nạn nhân trước khi ký kết thỏa thuận. Ngoài ra, nhóm quan chức và chuyên gia Hàn Quốc cũng xác nhận lời đồn đoán rằng, phía Hàn Quốc đã nhượng bộ quá nhiều trong quá trình thương lượng về vấn đề này. Sau khi báo cáo trên được công bố, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Wha cho biết Seoul sẽ có chính sách cuối cùng về vấn đề sau khi thu thập ý kiến của các nạn nhân, các nhóm ủng hộ họ và giới chuyên gia cũng như xem xét tác động trong quan hệ với Nhật Bản.

Nhật Bản đã có phản ứng mạnh mẽ trước việc Hàn Quốc ra thông báo không tín nhiệm thỏa thuận mà hai nước ký hồi tháng 12-2015 về vấn đề “phụ nữ mua vui”. Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho biết, thỏa thuận này đạt được sau một tiến trình thương lượng hợp pháp giữa chính phủ hai nước, đồng thời đề nghị Seoul thực thi thỏa thuận mà hai nước đã khẳng định sẽ giải quyết “triệt để và dứt điểm” vấn đề “phụ nữ mua vui”. Người đứng đầu ngành ngoại giao Nhật Bản tuyên bố mọi nỗ lực sửa đổi thỏa thuận này sẽ là hành động không thể chấp nhận được và khiến mối quan hệ Nhật - Hàn khó kiểm soát./.