TCCS - Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, nhận thức của cấp ủy, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tỉnh Bắc Ninh về vị trí, vai trò, tầm quan trọng về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Bắc Ninh đối với sự phát triển bền vững của tỉnh được nâng lên, đạt được một số kết quả bước đầu.

Một số kết quả đạt được

Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, thể chế hóa, cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết về xây dựng văn hóa, con người Bắc Ninh, trọng tâm là: Kế hoạch số 53-KH/TU, ngày 20-6-2014, về việc “Phổ biến, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Chương trình hành động số 64-CTr/TU, ngày 25-7-2014; Nghị quyết số 71-NQ/TU, ngày 29-8-2022, về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”.

Để Nghị quyết số 33 đi vào cuộc sống, các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị chú trọng triển khai học tập, quán triệt, thực hiện nghị quyết, với tỷ lệ cán bộ, đảng viên tham gia học tập đạt cao (cấp tỉnh đạt 98%; cấp huyện đạt 96%, cấp cơ sở đạt 94,3%). Cùng với đó, công tác tuyên truyền được chú trọng, với nội dung, hình thức phong phú, như qua hệ thống thông tin đại chúng, các buổi sinh hoạt chi bộ, chi đoàn, họp thôn, khu phố, băng rôn, khẩu hiệu... Báo Bắc Ninh đăng tải hơn 2.000 tin, bài, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh có hơn 2.500 tin, bài, phóng sự có nội dung tuyên truyền về phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao các cấp, các ngành tập trung triển khai các đề án, đề tài khoa học, tổ chức các hội thảo, phát động các phong trào thi đua, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ,… góp phần làm sáng tỏ cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn và đề xuất giải pháp để xây dựng văn hóa, con người Bắc Ninh. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy triển khai Đề tài khoa học “Giải pháp nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục đào đức, lối sống, truyền thống văn hóa, lịch sử cho thanh niên, học sinh tỉnh Bắc Ninh”, tổ chức Hội thảo khoa học "Một số giải pháp góp phần xây dựng chuẩn mực đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, học sinh đáp ứng mục tiêu xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2022”; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh triển khai nghiên cứu Đề tài khoa học “Con người Bắc Ninh- Truyền thống và đương đại”; Tỉnh Đoàn triển khai sâu rộng Cuộc vận động “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới”, phát động Phong trào “Xây dựng phong cách học sinh Bắc Ninh - Kinh Bắc”; Hội Nông dân tỉnh phát động phong trào thi đua “Nông dân Bắc Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới”; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tổ chức các chương trình văn hóa, văn học, nghệ thuật “Thi giọng hát hay Dân ca Quan họ Bắc Ninh”, “Đất học Kinh Bắc”...

Cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh luôn quan tâm, chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục nhân cách, đạo đức, gắn với giáo dục kiến thức văn hóa, góp phần định hướng, dẫn dắt sự hình thành và phát triển nhân cách, trách những suy nghĩ lệch lạc của giới trẻ, nhất là học sinh, sinh viên. Đến nay, 100% các cơ sở giáo dục đã triển khai thực hiện đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học”, “Văn hóa học đường”, “Trường học hạnh phúc”… Đặc biệt, Chương trình “Sữa học đường” tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, duy trì và nhận được nhiều kết quả tích cực, góp phần cải thiện thể lực, tầm vóc con người Bắc Ninh: Giai đoạn 2013 - 2017, có 512 lượt trường được triển khai, 257.588 trẻ thụ hưởng với tổng kinh phí khoảng 194,2 tỷ đồng; giai đoạn 2017 - 2020, mỗi tháng có từ 137.000 đến 210.000 trẻ được thụ hưởng, tổng kinh phí khoảng 420 tỷ đồng; năm học 2020 - 2021 và 2021 - 2022, toàn tỉnh có 431 đơn vị, với 223.000 trẻ được thụ hưởng, tổng kinh phí hơn 150 tỷ đồng.

Công tác xây dựng môi trường văn hóa, gắn với triển khai thực hiện các Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 89/89 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 8/8 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 16 khu dân cư được chọn để xây dựng mô hình thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; 665/730 thôn, làng, khu phố đạt danh hiệu Khu dân cư văn hóa.

Nhằm không ngừng nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, quảng bá hình ảnh con người Bắc Ninh gắn với tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức nhiều sự kiện chính trị, hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, như: Festival Bắc Ninh với chủ đề “Hào khí Bắc Ninh - Kinh Bắc”; Chương trình nghệ thuật “Về miền Quan họ” với chủ đề “Bên dòng Tiêu Tương” gắn với Lễ đón Bằng công nhận 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt; Chương trình Kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh và 185 năm thành lập tỉnh Bắc Ninh; Chương trình kỷ niệm 190 năm thành lập và 25 năm tái lập tỉnh; Festival “Về miền Quan họ” với chủ đề “Kết nối tinh hoa các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận”...

Nhằm xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định về “Chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cấp ủy các cấp”, Quy định “Các đồng chí Tỉnh ủy viên đi công tác cơ sở và dự sinh hoạt chi bộ”, Quy định “Lãnh đạo các cấp đối thoại trực tiếp với dân nhân”, Quy định “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên trước hết là Thường trực cấp ủy, Ủy viên Ban thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”; ỦY ban nhân dân tỉnh ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND về “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp”… Qua thực hiện, nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc từ cơ sở được các đồng chí cấp ủy viên, nhất là người đứng đầu, thường trực cấp ủy nắm bắt, chỉ đạo giải quyết kịp thời, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Bắc Ninh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật, như: Quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy chế xét duyệt danh hiệu nghệ nhân; chính sách hỗ trợ đối với diễn viên nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh; chế độ giải thưởng, khen thưởng đối với liên hoan, hội thi, hội diễn; cơ chế đãi ngộ đối với nghệ nhân dân ca quan họ Bắc Ninh, nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.... Đến nay, Bắc Ninh có 2 nghệ sĩ nhân dân, 21 nghệ sĩ ưu tú được Nhà nước phong tặng; ghi nhận, tôn vinh 203 nghệ nhân, trong đó có 10 nghệ nhân nhân dân, 42 nghệ nhân ưu tú được Nhà nước phong tặng và 151 nghệ nhân ở các lĩnh vực, loại hình di sản văn hóa phi vật thể.

Thực hiện cam kết với UNESCO, tỉnh triển khai thực hiện nhiều đề án, dự án, tập trung kinh phí đầu tư thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân ca quan họ Bắc Ninh - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đến nay, từ 44 làng quan họ gốc đã lan tỏa, phát triển được 150 làng quan họ thực hành (đợt 1, năm 2019); 369 câu lạc bộ dân ca quan họ Bắc Ninh tiêu biểu trong tỉnh và trên 140 câu lạc bộ dân ca quan họ Bắc Ninh ngoài tỉnh.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa được quan tâm, chỉ đạo. Tỉnh phê duyệt 4 đề án về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể gồm: (1) Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản tranh dân gian Đông Hồ giai đoạn 2014 - 2020, định hướng đến 2030”; (2) Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2013 - 2020”; (3) Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể Dân ca Quan họ Bắc Ninh và Ca trù giai đoạn 2013 - 2020”; (4) Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị Múa rối nước làng Đồng Ngư, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành”; lập hồ sơ khoa học hơn 40 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó, có 25 di sản phi vật thể tiêu biểu, hiện đang được bảo tồn và phát huy tốt; 16 di sản sản đang có nguy cơ mai một, thất truyền, cần bảo vệ khẩn cấp; 8 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 4 di sản được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hằng năm, hỗ trợ thực hiện tu bổ cho 60 - 75 di tích; kinh phí lên đến 60 - 70 tỷ đồng.

Nhằm phát triển công nghiệp văn hóa và thị trường văn hóa, Bắc Ninh xác định rõ từng lĩnh vực có nhiều tiềm năng, triển vọng phát triển, như: Du lịch văn hóa, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm và quảng cáo... Tỉnh Bắc Ninh đã đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành, khai thác nhiều công trình, kiến trúc quan trọng, có giá trị thẩm mỹ cao phục vụ công tác thông tin, triển lãm nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh Bắc Ninh đến với du khách và nhân dân, như: Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh; Trung tâm Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ; Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa môn nghệ thuật dân gian truyền thống Múa Rối nước Đồng Ngư; 11 “Nhà chứa quan họ”; công trình “Cung Quy hoạch kiến trúc”… Tăng cường công tác xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng các rạp chiếu phim phục vụ công chúng, tiêu biểu như: Dự án Lotte Cinema Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư 3,5 triệu USD tại Trung tâm thương mại Vincom Bắc Ninh, xây dựng tổ hợp vui chơi, giải trí trong đó có 1 rạp chiếu phim hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế; Tập đoàn DABACO xây dựng 3 trung tâm vui chơi, giải trí tại thành phố Bắc Ninh, thành phố Từ Sơn và thị xã Quế Võ, trong đó đầu tư 3 rạp chiếu phim hiện đại, phục vụ nhu cầu giải trí của nhân dân… Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp, như: Vincom, APEC, Mường Thanh, Phoenix, Le Indochina… và các khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn, là nơi lưu trú của gần 3 triệu lượt khách mỗi năm đến tham dự lễ hội, tham quan di tích và tham dự các sự kiện của tỉnh, với tổng thu từ nguồn khách ước đạt 1200 tỷ đồng/năm, du lịch tăng trưởng bình quân từ 15 - 20%/năm.

Để hội nhập quốc tế về văn hóa và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, Bắc Ninh đã chủ động, tích cực tham gia các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, toạ đàm, trao đổi quốc gia, khu vực và quốc tế; tham gia tích cực các hoạt động quảng bá văn hóa - du lịch của Tổ chức xúc tiến du lịch các thành phố châu Á - Thái Bình Dương (TPO) mà tỉnh Bắc Ninh là thành viên; đưa các nghệ sỹ Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh, một số nghệ nhân tham gia các chương trình giao lưu, giới thiệu, quảng bá về dân ca quan họ Bắc Ninh tại một số nước, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Cộng hòa Séc, Đức, Pháp…

Nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới

Để xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Bắc Ninh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh trong giai đoạn hiện nay, cần tập trung vào một số nhiệm vụ và giải pháp sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh phát triển toàn diện, bền vững. Trước hết, các cấp ủy, chính quyền phải xác định xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững là mục tiêu hàng đầu, là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục để giữ vững ổn định và tạo động lực cho sự phát triển; mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu cao vai trò gương mẫu, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 33 và Nghị quyết số 71-NQ/TU, ngày 29-8-2022, của Tỉnh ủy Bắc Ninh về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”.

Hai là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực hoạt động văn hóa. Thực hiện nghiêm túc các văn bản quy phạm pháp luật về văn hóa; ngăn chặn, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trong lĩnh vực văn hóa; tăng cường thanh tra nhà nước về quản lý văn hóa, xã hội. Phát huy vai trò, nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội trong việc tổ chức thực hiện và quản lý văn hóa.

Ba là, xây dựng, hoàn thiện các chuẩn mực giá trị phẩm chất, đạo đức người Bắc Ninh - Kinh Bắc. Chú trọng phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, thể dục thể thao để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nâng cao tầm vóc, trí tuệ, tuổi thọ, tâm hồn, tình cảm cao đẹp. Quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phong trào học tập suốt đời trong nhân dân. Bảo đảm công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Chấn chỉnh kịp thời việc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để thực hành các hoạt động mê tín dị đoan, gây mất an ninh trật tự.

Bốn là, đẩy mạnh bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống, cách mạng gắn với phát triển kinh tế, du lịch bền vững ở các địa phương; phát huy giá trị tốt đẹp trong văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo. Chú trọng triển khai các chương trình bảo tồn, phục dựng lễ hội dân gian truyền thống; các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, di sản đại diện của nhân loại.

Năm là, xây dựng môi trường và đời sống văn hoá phong phú, lành mạnh. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, phù hợp với điều kiện thực tiễn trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Quan tâm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có lợi thế của tỉnh. Xây dựng đời sống, lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh ở từng cơ quan, đơn vị, từng gia đình và mỗi cá nhân, đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu thiết thực, hiệu quả.

Sáu là, huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới. Đa dạng hóa các loại hình hoạt động văn học, nghệ thuật, đảm bảo sự hài hòa giữa truyền thống và hiện đại; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, làm phong phú đời sống văn hóa cộng đồng.

Bảy là, tăng cường và phối hợp chặt chẽ giữa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật với phát triển kinh tế; tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư, du lịch, thương mại, hợp tác đầu tư về văn hóa; tích cực tham gia các cuộc thi, hội thi, hội diễn văn hóa nghệ thuật, thể dục, thể thao... ở trong và ngoài nước. Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đối ngoại và ngoại giao văn hóa trên địa bàn tỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi để các nước, các tổ chức quốc tế, các cơ quan văn hóa, du lịch nước ngoài giới thiệu tiềm năng văn hóa, con người Kinh Bắc - Bắc Ninh./.