TCCS - Trong thời gian qua, Hà Nội thực hiện chủ trương phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, tích cực hội nhập quốc tế. Đặc biệt, sau 4 năm gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách phát triển công nghiệp văn hóa, khẳng định hình ảnh Thủ đô hiện đại, sáng tạo, hội nhập.
Phát huy giá trị lịch sử ngàn năm văn hiến
Với truyền thống lịch sử hơn 1.000 năm Thăng Long, Thủ đô Hà Nội là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi lắng hồn núi sông ngàn năm, nơi kết nối những mạch nguồn lịch sử và tinh hoa của dân tộc Việt Nam, nơi hội tụ và tỏa sáng tinh thần yêu nước, yêu hòa bình, tình đoàn kết và khát vọng vươn lên, nơi sản sinh, tụ hội những anh hùng, hào kiệt của dân tộc.
Trải qua bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử, Thủ đô Hà Nội luôn phát huy vai trò là trái tim của cả nước, là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và sản sinh ra nhiều nhân tài kiệt xuất của đất nước.
Trên thế giới, hiếm có Thủ đô nào có lịch sử, truyền thống văn hóa hơn 1.000 năm tuổi (tính từ kinh đô của nhà nước Âu lạc vào đầu thế kỷ III TCN) như Thủ đô Hà Nội. Không chỉ vậy, Thủ đô Hà Nội được biết đến là “Thành phố di sản”, với quỹ di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng gồm 5.922 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 21 di tích và cụm di tích quốc gia đặc biệt; 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Hà Nội có những di sản văn hóa vật thể vô giá, đó là những dấu tích của thành quách, công trình kiến trúc tâm linh (đình, chùa, đền miếu, phủ…), tượng đài, công viên, vườn hoa, sông hồ…(1).
Hà Nội còn là “đất trăm nghề”, có số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước với trên 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có hơn 300 làng nghề thủ công truyền thống tiêu biểu, có khoảng 70 không gian sáng tạo và 1.095 lễ hội và sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang bản sắc văn hóa vùng đồng bằng sông Hồng, gắn liền với những câu chuyện lịch sử trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Được biết đến là “Thủ đô Anh hùng”, “Thành phố vì hòa bình”, “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”..., Hà Nội là thành phố đầu tiên của Việt Nam tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Đây chính là những tài sản vô giá để Thủ đô Hà Nội tiếp thêm sức sáng tạo, khẳng định giá trị lịch sử, được bạn bè quốc tế biết đến, phục vụ đắc lực cho tiến trình hội nhập văn hóa của cả nước, góp phần xây dựng Thủ đô “văn hiến - văn minh - hiện đại”.
Hành động, sáng tạo, phát triển
Mặc dù đối mặt với không ít khó khăn và thách thức, nhất là chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Hà Nội vẫn nỗ lực thực hiện các cam kết với UNESCO kể từ khi gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo năm 2019.
Cụ thể, thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, kế hoạch để thúc đẩy xây dựng Thành phố sáng tạo, tiêu biểu là Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22-2-2022, của Thành ủy, “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Kế hoạch số 102/KH-UBND, ngày 1-4-2022, của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, “Về thực hiện các sáng kiến gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đến năm 2025”, đồng thời phối hợp với các bên liên quan tổ chức nhiều chương trình, hoạt động nhằm hiện thực hóa các sáng kiến, cam kết với UNESCO.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng tổ chức nhiều cuộc thi gắn với thiết kế sáng tạo như “Thiết kế Không gian sáng tạo Hà Nội”, “Thiết kế Km số 0”, “Hà Nội sáng tạo”, “Thiết kế Nghệ thuật công cộng Hà Nội”, cũng như đưa vào hoạt động nhiều tuyến phố đi bộ - những không gian văn hóa sáng tạo, tổ chức lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại, Liên hoan sáng tạo và thiết kế Việt Nam.
Đáng chú ý, một trong những sáng kiến của thành phố Hà Nội tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đó là Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm 2023 (tháng 11-2023) với hơn 60 hoạt động văn hóa sáng tạo, mang tới nhiều trải nghiệm mới mẻ từ những di sản văn hóa dọc bên bờ sông Hồng qua các không gian nghệ thuật đặc sắc cho người dân. Đây là hoạt động thường niên của thành phố nhằm triển khai Kế hoạch số 102/KH-UBND, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, khẳng định vị thế tiên phong của Hà Nội ở tầm quốc gia, hội nhập với xu thế kinh tế sáng tạo quốc tế.
Đánh dấu năm thứ 3 tổ chức, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 đem lại cho người dân Thủ đô, khách du lịch trong và ngoài nước một sản phẩm văn hóa sáng tạo đa dạng, chất lượng, màu sắc, thể hiện nguồn nội lực dồi dào của Hà Nội. Thông qua lễ hội, Hà Nội khuyến khích hình thành cộng đồng sáng tạo, kết nối đa lĩnh vực công nghiệp văn hóa khác nhau như kiến trúc, mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn, thiết kế..., từ đó hình thành các nền tảng sáng tạo nhằm phát huy các nguồn lực văn hóa, đặc biệt văn hóa truyền thống của Hà Nội. Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 được tổ chức với chủ đề “Dòng chảy” tập trung vào 3 trụ cột chính: thiết kế, cộng đồng và sáng tạo, nhằm hướng tới dòng chảy huyết mạch kết nối giá trị lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội của Thủ đô. Đặc biệt, tuyến trải nghiệm của lễ hội nhấn mạnh vào sự kết nối hai bên bờ sông qua cầu Long Biên lịch sử, đồng thời làm nổi bật các giá trị văn hóa lịch sử tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, chính sách di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi nội đô đã và đang để lại những di sản công nghiệp giàu tiềm năng chờ được đánh thức.
Không chỉ vậy, lễ hội còn là cơ hội tạo ra những trải nghiệm mới khi biến di sản công nghiệp thành tổ hợp văn hóa sáng tạo, tạo ra dịch vụ, sản phẩm mới và thu hút đầu tư, thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô, hướng đến phát triển bền vững. Với tầm nhìn chuyển đổi này, Nhà máy xe lửa Gia Lâm là điểm nhấn của lễ hội năm nay - có tiềm năng trở thành tổ hợp văn hóa sáng tạo mới vô cùng hấp dẫn giới trẻ Thủ đô. Lễ hội diễn ra trong 10 ngày với hơn 60 hoạt động văn hóa, 4 công trình giới thiệu kiến trúc; hơn 20 trưng bày và triển lãm; 9 hoạt động giới thiệu nghệ thuật, chuỗi sự kiện cộng đồng, hội chợ sáng tạo được tổ chức tại tuyến địa điểm chính của lễ hội là Nhà máy xe lửa Gia Lâm, tháp nước Hàng Đậu và vườn hoa Vạn Xuân; ga Long Biên; ga Gia Lâm và các hoạt động, sự kiện văn hóa trên địa bàn các quận, huyện, thị xã tại Hà Nội (2)...
Bên cạnh đó, nhiều cuộc tọa đàm và hội thảo trong lĩnh vực thiết kế diễn ra trong sự kiện, như: Diễn đàn Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội, Hội thảo quốc tế “Thành phố sáng tạo Hà Nội - Xây dựng thương hiệu và phát triển nguồn lực”, Hội thảo “Công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi và bãi ven sông Hồng” và nhiều hội thảo, tọa đàm khác. Các cuộc tọa đàm, hội thảo này là nơi quy tụ các chuyên gia lĩnh vực sáng tạo và cộng đồng sáng tạo tham gia, cũng là nơi cộng đồng sáng tạo, giao lưu, kết nối, trao đổi thông tin và cùng nhau sáng tạo…
Ngoài ra, các hoạt động nghệ thuật, hoạt động trình diễn của cộng đồng với chủ đề “Dòng chảy” tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm là sự kết hợp sự sáng tạo trên nền tảng truyền thống và đương đại, hay “âm cảnh ga Hà Nội” là một sự sắp đặt âm thanh đặc sắc. Hoạt động Hội chợ thủ công nghệ thuật là nơi quy tụ nhiều người trẻ đang theo đuổi các ngành, nghề sáng tạo với những bản sắc riêng biệt của từng cá nhân, cùng các nhóm sáng tạo, các không gian sáng tạo, nghệ nhân của các làng nghề truyền thống tham gia, mang tới sân chơi cởi mở, kích thích sự sáng tạo cho đội ngũ thiết kế trẻ.
Đặc biệt trong khuôn khổ lễ hội, người dân Hà Nội và du khách có cơ hội khám phá không gian bên trong của tháp nước Hàng Đậu. Ăn sâu trong tiềm thức người dân Hà Nội với tên gọi “bốt” Hàng Đậu, công trình vốn không sử dụng từ nhiều năm qua đã được nhóm thiết kế dự án cải tạo thành một không gian nghệ thuật trưng bày, mang lại trải nghiệm mới lạ và sáng tạo với âm thanh, ánh sáng đầy quyến rũ. Lễ hội cũng là nơi các nghệ sĩ, các nhà sáng tạo giới thiệu nhiều tác phẩm mới độc đáo và ấn tượng, như triển lãm nghệ thuật đương đại “MAP 2023 - Chuyển động ngoại biên” - Heritage Space và nhiều trưng bày sắp đặt sáng tạo trong các lĩnh vực khác…
Khẳng định thương hiệu
Trên cơ sở những phần việc đã triển khai, trong thời gian tới, Hà Nội tăng cường nhiều hoạt động kết nối, xây dựng thành phố sáng tạo, như kiện toàn Ban điều phối, Ban chỉ đạo; xây dựng Đề án trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội, Trung tâm công nghiệp văn hóa Hà Nội; tổ chức Diễn đàn mạng lưới các thành phố sáng tạo khu vực Đông Nam Á; tham gia các hội nghị, diễn đàn thành phố sáng tạo toàn cầu và khu vực; đẩy mạnh công tác truyền thông; củng cố các không gian sáng tạo trên địa bàn… Cụ thể:
Một là, để các hoạt động này được triển khai thuận lợi, Hà Nội ưu tiên huy động nguồn lực văn hóa trong phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo”. Nhiệm vụ này được thực hiện theo lộ trình chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm, phát huy lợi thế của Thủ đô - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội hàng đầu của cả nước và đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội. Đồng thời, huy động nguồn lực gắn liền với việc quảng bá hình ảnh “Thành phố vì hòa bình”, nhằm bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế.
Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa mà Thủ đô đang có sẵn lợi thế như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, thủ công mỹ nghệ, phần mềm và các trò chơi giải trí, truyền hình và phát thanh, thời trang, du lịch văn hóa... Đặc biệt, kêu gọi, khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, sản xuất sản phẩm và dịch vụ văn hóa trên nhiều lĩnh vực như truyền thông, điện ảnh, phát thanh và truyền hình, phần mềm và các trò chơi trực tuyến, góp phần hình thành các tập đoàn công nghiệp văn hóa.
Ba là, duy trì, nâng cao chất lượng trang thông tin điện tử Hanoicreativecity.com và các kênh truyền thông trên mạng xã hội, tập trung vào thông điệp Hà Nội - Thành phố sáng tạo, được cộng đồng ghi nhận để tương tác với thanh niên - kết nối với nhịp đập văn hóa và sáng tạo của Hà Nội.
Bên cạnh đó, chính quyền thành phố Hà Nội chủ trương thành lập một bộ máy quản lý, tổ chức các sự kiện để phát triển công nghiệp sáng tạo, cũng như huy động nguồn lực cho “Thành phố sáng tạo”. Ðồng thời, sớm xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, nhất là chính sách ưu tiên, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo; khuyến khích khai thác, phát huy các tiềm năng, giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam, văn hóa Thăng Long - Ðông Ðô - Hà Nội...
Ngoài ra, các sở, ngành liên quan và ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã bám sát các nội dung trong hồ sơ ứng cử của thành phố Hà Nội gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, các cam kết và quy định của UNESCO, các nội dung hợp tác, thông tin đối ngoại của Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và thực tế tại thành phố Hà Nội cùng các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước, xác định rõ nội dung, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm phù hợp để triển khai thực hiện. Đồng thời, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, thống nhất giữa các sở, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện hiệu quả các nội dung đề ra. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị liên quan, phân công cụ thể nội dung, trách nhiệm; quy định rõ chế độ thông tin báo cáo tiến độ trong quá trình thực hiện các nội dung nêu trên.
Trở thành thành viên chính thức của Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO là cơ hội lớn để Hà Nội phát huy tiềm năng sáng tạo, biến sáng tạo thành nguồn lực phát triển Thủ đô. Vì vậy, việc khai thác nguồn lực văn hóa của Thủ đô một cách hiệu quả và bền vững không chỉ đóng vai trò tích cực trong việc phát triển văn hóa, mà còn cho tổng thể kinh tế - xã hội của thành phố trong lộ trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới./.
--------------------
(1) “Xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, sánh ngang tầm các thành phố hàng đầu khu vực”, báo Hà Nội mới điện tử, ngày 21-3-2023, https://hanoimoi.vn/xay-dung-thu-do-van-hien-van-minh-hien-dai-sanh-ngang-tam-cac-thanh-pho-hang-dau-khu-vuc-18259.html
(2) Kim Nhung: “Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023: Đánh thức di sản văn hóa dọc sông Hồng”, trang web Đài Tiếng nói Việt Nam, ngày 13-11-2023, https://vov.vn/van-hoa/le-hoi-thiet-ke-sang-tao-ha-noi-nam-2023-danh-thuc-di-san-van-hoa-doc-song-hong-post1058852.vov
Quận Hai Bà Trưng đẩy mạnh cải cách hành chính góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước  (25/10/2023)
Hà Nội nỗ lực cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh  (24/10/2023)
Công an Hà Nội chủ động đối phó với những nguy cơ, thách thức bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn thành phố  (24/10/2023)
Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, góp phần xây dựng Đảng bộ thành phố Hà Nội trong sạch, vững mạnh  (24/10/2023)
Khẳng định vai trò, vị thế của phụ nữ trong xây dựng, phát triển Thủ đô  (20/10/2023)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển