TCCS - Chiều 3-9-2021, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Mạnh Quyền chủ trì họp thông tin về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố. Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành thành phố đã báo cáo, thông tin về tình hình, phòng dịch, cụ thể như sau:
1. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Mạnh Quyền thông tin về việc phân vùng phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Sau 3 đợt giãn cách và đặc biệt sau các đợt xét nghiệm diện rộng vừa rồi, có thể thấy dịch tập trung ở các quận nội thành và có sự lây lan mạnh, trong khi các quận huyện khác đã giảm nguy cơ. Tuy nhiên, nới lỏng giãn cách theo địa giới hành chính trong khu vực mật độ dân cư cao là khó khả thi.
Để không phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội toàn thành phố, giảm áp lực an sinh, sản xuất và áp lực lên hệ thống chính quyền các cấp. Quyết định các mức độ giãn cách cụ thể theo phân vùng phù hợp với mức độ nguy cơ của dịch và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất.
Căn cứ các yếu tố mức độ nguy cơ của dịch, đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất, thành phố thực hiện phân theo 3 vùng trên cơ sở tận dụng lợi thế địa lý, các con sông, kênh nước để tăng cường công tác phòng chống dịch; bảo đảm sản xuất, sinh hoạt; song song với hình thành các lớp để ngăn chặn lây lan và tập trung nhân lực, vật lực để phòng chống dịch ở khu vực nguy cơ cao; tập trung có trọng tâm để xử lý những đối tượng, khu vực có nguy cơ cao.
Thời gian thực hiện: Từ 06 giờ 00 ngày 06-9-2021 đến 06 giờ 00 ngày 21-9-2021.
Phân vùng 1: Là khu vực đô thị trung tâm với mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ. Hiện là vùng đỏ, nhiều đối tượng nguy cơ cao. Gồm 15 đơn vị hành chính:
- Toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận/huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Thanh Trì, Hoàng Mai.
- Một phần địa giới hành chính của 5 quận/huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín.
- Về giao thông kết nối vùng 2, vùng 3: Có 53 đường qua sông/kênh, trong đó, đóng cứng 30 đường kết nối không thuận lợi cho giao thông và lập chốt kiểm soát tại 23 vị trí. Lực lượng liên ngành tham gia chốt do Công an thành phố chủ trì phối hợp các lực lượng quân đội, thanh tra giao thông, y tế, chính quyền địa phương; thực hiện trực 24/24.
- Cơ chế vận hành: Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn với nguyên tắc “ai ở đâu, ở đó”, “người ở vùng nào, ở vùng đó” để khoanh vùng, xử lý, dập dịch triệt để tại khu vực “vùng đỏ” và “vùng cam”.
- Vận chuyển cung ứng lưu thông hàng hóa: Chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng bảo đảm không đứt gãy chuỗi cưng ứng hàng hóa, lương thực, thực phảm thiết yếu; bảo đảm an toàn lưu thông và cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân, đặc biệt tại các khu cách ly, phong tỏa. Đối với các quận có ít hệ thống phân phối sẽ bổ sung thêm các hình thức lưu động.
- An sinh xã hội: Thực hiện tốt an sinh xã hội, không để ai thiếu ăn, thiếu mặc giúp người dân an tâm phòng chống dịch. Tăng cường đội ngũ shipper vận chuyển hàng hóa thiết yếu theo đặt hàng của người dân.
Phân vùng 2: Phân cách bởi hệ thống Sông Hồng, Sông Đuống với vùng 1. Toàn bộ địa giới hành chính của 05 quận/huyện: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh.
Đẩy mạnh và duy trì sản xuất an toàn, có thể chia thành phân khu trong phân vùng để tổ chức thực hiện đảm bảo “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” trong vùng 2 cho các khu công nghiệp lớn vận hành thuận lợi.
- Cơ chế vận hành: Tại khu vực nguy cơ cao “vùng vàng” và nguy cơ thấp hơn “vùng xanh” điều chỉnh theo nguyên tắc Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn theo từng phân khu trong vùng cho phù hợp với cơ chế vận hành các khu vực đô thị, sản xuất công nghiệp theo mô hình mỗi cơ sở sản xuất là một pháo đài chống dịch hỗ trợ khu vực “vùng 1” bảo đảm khoa học và kiểm soát chặt chẽ phù hợp với tình hình dịch bệnh của địa phương.
Phân vùng 3: Vùng sản xuất nông nghiệp và các khu, cụm công nghiệp, có mật độ và sinh hoạt dân cư đặc trưng nông nghiệp, có phần đô thị hóa với mật độ dân cư thấp. Chủ yếu được chia bởi sông Nhuệ, sông Đáy.
Toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận/huyện: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên và một phần của 5 quận/huyện của phân vùng 1: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín.
- Cơ chế vận hành: Theo đặc điểm từng phân khu về sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và sản xuất nông nghiệp, áp dụng theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn theo từng phân khu trong vùng về sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và sản xuất nông nghiệp hỗ trợ khu vực “vùng 1” bảo đảm khoa học và kiểm soát chặt chẽ phù hợp với tình hình dịch bệnh của địa phương.
Cơ chế vận hành liên phân vùng: Mục tiêu siết chặt phân vùng 1. Kiểm soát luồng ra khỏi phân vùng 1 sang phân vùng 2 và phân vùng 3. Bảo đảm chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng liên phân vùng để không đứt gẫy sản xuất và tiêu thụ thông qua xét nghiệm thường xuyên theo cơ chế kết hợp công - tư.
Giảm thiểu tối đa người di chuyển liên vùng, kiểm soát chặt chẽ và chia sẻ áp lực chi phí xét nghiệm (test nhanh kháng nguyên, RT-PCR) khi có nhu cầu di chuyển liên vùng.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các quận, huyện, thị xã quyết định việc phòng chống dịch bệnh, tổ chức hoạt động sản xuất cho phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh tại phân vùng 2, phân vùng 3.
2. Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà thông tin về tình hình dịch bệnh.
Tính từ 18h ngày 2-9-2021 đến 12h ngày 3-9-2021 ghi nhận 43 mắc mới, trong đó có 6 ca cộng đồng, 29 ca tại khu cách ly và 8 người trong khu vực phong tỏa. Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4-2021 đến nay) Hà Nội ghi nhận 3.664 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.559 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly là 1.850 ca, 213 ca trong bệnh viện và 42 ca nhập cảnh. Qua công tác chủ động giám sát các ca ho, sốt ngoài cộng đồng đã phát hiện 162 ca dương tính với SARS-CoV-2.
Hiện tại, Hà Nội có 6 chùm ca bệnh phức tạp là các chùm ca bệnh tại phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) có 412 ca mắc; phường Văn Miếu có 113 ca mắc, Văn Chương (Đống Đa) có 89 ca mắc; phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai) có 46 ca mắc; xã Tân Lập (huyện Đan Phượng) có 17 ca mắc; chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình) có 16 ca mắc. Trong đó, Thanh Xuân Trung có số ca mắc cao nhất nhưng về cơ bản đã được kiểm soát.
Bà Trần Thị Nhị Hà cho biết, thành phố đã thành lập 3 tổ công tác chuyên trách do các đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố làm chỉ huy phụ trách từng lĩnh vực công tác, như xét nghiệm, cách ly, tiêm vắc xin, thu dung điều trị, hậu cần, cơ sở vật chất phục vụ các khu cách ly tập trung…
Về việc thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19, đã kích hoạt 2.000 giường bệnh cho 8 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế, trong đó có 500 giường bệnh cho bệnh nhân nặng, nguy kịch, 1.500 giường điều trị cho các bệnh nhân trung bình. Sở Y tế cũng đã nâng qui mô điều trị, cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân nhẹ không có triệu chứng lên 20.000 giường. Tính đến nay, đã tiếp nhận và điều trị 3.428 bệnh nhân; hiện, còn hơn 1.000 bệnh nhân đang điều trị và 53 bệnh nhân nặng. Sở Y tế cũng đã phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao xây dựng bài tập thể dục để hướng dẫn cho các bệnh nhân không triệu chứng và triệu chứng nhẹ để nâng cao sức khỏe.
Giám đốc Sở Y tế cũng cho biết, Hà Nội đã triển khai ký hợp đồng với các bệnh viện công lập, ngoài công lập thuộc trung ương và thành phố tham gia công tác xét nghiệm, nâng công suất xét nghiệm lên 200 nghìn mẫu/ngày. Theo đó, trong những ngày qua, thành phố đã tổ chức xét nghiệm tất cả khu vực phong tỏa 2 - 3ngày/lần, khu vực nguy cơ cao 5 - 7 ngày/lần theo đúng tinh thần của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, tổ chức xét nghiệm ở những khu vực tiếp giáp với khu vực nguy cơ cao, tiếp giáp khu vực phong tỏa, khu vực đông dân cư, khu tập thể cũ, chật hẹp…; thực hiện xét nghiệm cho các đối tượng nguy cơ như: shipper, lái xe công nghệ, người tiếp xúc với nhiều người, người bán hàng ở chợ, siêu thị…
Cùng với xét nghiệm, thành phố tiếp tục triển khai tiêm vắc-xin theo phân bổ của Bộ Y tế một cách nhanh nhất, sớm nhất và an toàn nhất cho người dân ở tất cả các địa phương theo hình thức cố định và lưu động. Hiện, Hà Nội đã tiêm chủng được khoảng 32% dân số. Thời gian tới, thành phố phấn đấu cam kết tiêm chủng đạt 150.000 mũi/ngày. Đồng thời, tiếp tục đề nghị Bộ Y tế phân bổ vắc xin để đạt độ bao phủ tiêm chủng.
Nhận định Hà Nội vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, song, theo Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà, việc thành phố triển khai thực hiện giãn cách thời gian qua là cơ hội để ngành y tế xét nghiệm sàng lọc diện rộng, bóc tách các ca F0, thực hiện tiêm chủng. Một số ca cộng đồng được ghi nhận ở địa bàn phức tạp như Thanh Xuân Trung, Văn Chương, Văn Miếu, nơi có nhiều khu tập thể cũ, sử dụng nhà vệ sinh chung, nhiều ngõ ngách, liên thông đan xen… thì việc xét nghiệm diện rộng, từ đó khoanh vùng, truy vết, phát hiện sớm ca bệnh là rất quan trọng.
Theo Giám đốc Sở Y tế, nguy cơ dịch bệnh của Hà Nội còn cao và khó lường, thể hiện ở việc lây nhiễm trong cộng đồng. Do Hà Nội là trung tâm giao lưu, dân cư cư trú, sinh hoạt đông, là nơi đặt nhiều trụ sở cơ quan, doanh nghiệp. Song, khi phát hiện F0, thành phố nỗ lực truy vết triệt để. Đồng thời, sắp tới, Hà Nội tiếp tục tổ chức xét nghiệm diện rộng theo dịch tễ, theo nhóm nguy cơ và nguy cơ cao.
Lãnh đạo Sở Y tế cho biết, “vùng xanh” vẫn có thể có các điểm nguy cơ, do đó, vẫn cần tổ xét nghiệm. Song song với đó, sẽ tổ chức xét nghiệm ở các “điểm nóng” bệnh viện, khu công nghiệm, siêu thị là nơi dễ phát hiện các ca trong cộng đồng; tổ chức tiêm vắc xin nhanh, kịp thời để Hà Nội sớm khống chế được dịch bệnh trong thời gian tới.
3. Giám đốc Công an thành phố Nguyễn Hải Trung: Dự kiến có 6 nhóm đối tượng được cấp giấy đi đường
Thông tin về việc cấp, quản lý, sử dụng giấy đi đường, Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an thành phố cho biết, Công an thành phố được phân chức năng cấp phát, quản lý, kiểm tra, kiểm soát xử lý về cấp giấy đi được cho cơ quan, tổ chức, cá nhân. Về việc cấp giấy đi đường, Công an thành phố Hà Nội đã báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt kế hoạch tổng thể, khi được phê duyệt sẽ phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Thành ủy công khai cụ thể, chi tiết.
Về đối tượng được cấp giấy đi đường, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết đang dự kiến có 6 nhóm đối tượng được cấp.
Nhóm 1: Các cá nhân thực hiện nhiệm vụ chính trị, công vụ, ngoại giao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội các cấp; cá nhân thực hiện công tác quản lý, thực hiện nhiệm vụ công vụ, trực chiến đấu, trực cơ quan, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác được được quy định tại Chỉ thị 16.
Nhóm này còn bao gồm cá nhân làm việc tại cơ quan, tổ chức ngoại giao, gồm: Cán bộ, nhân viên làm việc tại cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế. Các đối tượng này thực hiện theo thông lệ quốc tế, thông lệ ngoại giao quy định.
Nhóm 2: Cá nhân thực hiện nhiệm vụ công tác, công vụ, dịch vụ công ích thiết yếu, bao gồm: Cán bộ, công nhân viên, người lao động làm việc trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ công thiết yếu. Thẩm quyền cấp là Công an thành phố.
Nhóm 3: Cá nhân trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch, bao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp tham gia phòng, chống dịch; cá nhân khác được huy động tham gia hỗ trợ chống dịch tại các quận, huyện, thị xã.
Nhóm 4: Phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên các cơ quan báo chí, truyền thông phục vụ các nhiệm vụ chính trị, công vụ, ngoại giao; phục vụ đưa tin hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành phố; phóng viên, biên tập viên trực tiếp thực hiện tuyên truyền công tác phòng chống dịch; cán bộ thực hiện trực cơ quan.
Nhóm 5: Công dân của các trường hợp: Người thực hiện các dịch vụ y tế bắt buộc như đi cấp cứu, khám chữa bệnh và mua thuốc định kỳ, tiêm vaccine và xét nghiệm COVID-19, người chăm sóc người bệnh và người xuất viện. Đối tượng này chỉ cần giấy chứng minh và chứng minh thư/căn cước công dân.
Bên cạnh đó là người đi mua lương thực thực phẩm, yêu cầu bắt buộc là phải có thời gian đi mua cụ thể, giấy đi chợ; thẩm quyền cấp là công an phường, xã, thị trấn. Cá nhân đi sân bay có vé, cá nhân đi đến cơ quan ngoại giao có giấy hẹn của cơ quan ngoại giao, cá nhân đến tòa theo giấy triệu tập của tòa chỉ cần có chứng minh thư/căn cước công dân và xét nghiệm âm tính trong vòng 72h.
Nhóm 6: Tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ công vụ, công ích thiết yếu. Thẩm quyền cấp là Công an thành phố.
Về quy trình, có 2 loại quy trình gắn với từng nhóm đối tượng. Đối với nhóm 1, 3, 4, 5 sẽ có 4 bước. Bước 1, tổ chức, cá nhân liên hệ trực tiếp công an xã, phường, thị trấn hoặc qua cảnh sát khu vực. Bước 2 là công an xã, phường, thị trấn hướng dẫn tổ chức, cá nhân hướng dẫn thủ tục hồ sơ, tổ chức, cá nhân gửi văn bản đề nghị cấp giấy đi đường qua địa chỉ được cung cấp. Bước 3 là công an xã, phường, thị trấn căn cứ hồ sơ của tổ chức, cá nhân gửi để xét duyệt đồng ý hoặc không đồng ý và gửi mail thông báo cho tổ chức, cá nhân. Bước 4 là trưởng công an xã, phường, thị trấn duyệt, đóng dấu và trả kết quả thông qua cảnh sát khu vực hoặc công an xã, phường, thị trấn.
Với nhóm 2 và nhóm 6 cũng có 4 bước. Bước 1, các tổ chức, cá nhân liên hệ gửi hồ sơ cấp giấy đi đường về cơ quan chủ quản có liên quan (Sở Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng...). Bước 2 cơ quan chủ quan căn cứ đối tượng được quy định đồng ý hoặc không đồng ý, gửi email cho tổ chức cá nhân, gửi hồ sở về Công an thành phố. Bước 3, Công an thành phố chuyển giấy đi đường về cơ quan chủ quản. Bước 4, cơ quan chủ quản chuyển giấy đi đường cho tổ chức, cá nhân.
4. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Liêm: Các cơ quan báo chí cần tiếp cận nguồn thông tin chính thống, phản bác thông tin sai sự thật
Nêu một số lưu ý trong công tác thông tin, tuyên truyền, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Liêm đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục tuyên truyền, kêu gọi người dân thường xuyên khai báo y tế qua Bluzone và tokhaiyte, nhất là khi có biểu hiện ho, sốt, khó thở; đồng thời quét mã QRCode khi đến làm việc tại các cơ quan, tổ chức để phục vụ công tác truy vết.
Cùng với đó, tập trung tuyên truyền các chỉ thị, công điện của thành phố về công tác phòng, chống dịch bệnh; trong quá trình thông tin cần tiếp cận các nguồn tin chính thống, các văn bản chính thức được thành phố ban hành; phản bác thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố; phản ánh những vi phạm trong công tác phòng, chống dịch, nhất là trong việc cấp giấy đi đường.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Liêm cho biết thêm, đối với việc triển khai và vận hành tổng đài 1022, trong ngày hôm nay, Sở triển khai thêm 2 nhánh (nhánh 5 giải đáp về các vấn đề an sinh xã hội; nhánh 6 giải đáp yêu cầu giúp đỡ, hỗ trợ nhu yếu phẩm khi gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19). Thực tế cho thấy tổng đài 1022 đã phát huy hiệu quả rất tích cực, chỉ tính riêng nhánh 4 (nhánh kết nối đến Sở Thông tin và Truyền thông để phản ánh về vi phạm phòng, chống dịch COVID-19) đã tiếp nhận trên 6 nghìn cuộc gọi phản ánh của người dân. Trên cơ sở đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã chuyển đến các quận, huyện, thị xã để xử lý ngay các vấn đề người dân phản ánh.
Đặc biệt, tổng đài 1022 cũng kết nối với mạng lưới thầy thuốc đồng hành, với trên 300 bác sỹ sẵn sàng giải đáp, tư vấn, hỗ trợ người dân. Người dân khi có biểu hiện ho, sốt hãy gọi đến tổng đài 1022 (nhánh 3) để được tư vấn và hỗ trợ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Liêm nhấn mạnh.
5. Giám đốc Sở Giao thông vận tải Vũ Văn Viện:
Ngành giao thông tiếp tục phối hợp với Công an thành phố quản lý chặt chẽ việc ra, vào thành phố, trong đó tiếp tục thực hiện theo Chỉ thị 16 đối với 23 chốt kiểm soát của thành phố. Dự kiến sẽ chốt cứng 36 vị trí, mở 23 vị trí ra, vào thành phố để kiểm soát. Ngoài ra, ngành giao thông cũng phối hợp với ngành công thương để đảm bảo giao thông phục vụ cho cung ứng hàng hoá.
6. Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong:
Phát biểu kết thúc hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, trong đợt giãn cách thứ 3 vừa qua, thành phố đã nỗ lực cố gắng thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, bước đầu đã đạt được hiệu quả kiềm chế lây lan dịch bệnh.
Thành phố đã tập trung nguồn lực nâng cao năng của ngành y tế, đầu tư trang thiết bị cho các bệnh viện, mở rộng các khu điều trị, thu dung F0 thể nhẹ, nâng công suất lên 20.000 ở thời điểm hiện tại và 70.000 chỗ cách ly...
Thành phố đã nhận được sự vào cuộc của nhân dân, tham gia trực tiếp vào phòng chống dịch bệnh đã có sự chuyển biến tích cực, nhờ đó mới có được kết quả phòng chống dịch của thành phố như hôm nay. Các vùng xanh tăng lên, ca nhiễm trong cộng đồng có tỷ lệ ngày càng giảm, các ổ dịch mới xuất hiện có quy mô lớn, phức tạp đã được kiểm soát, nhất là ổ dịch ở Thanh Xuân Trung.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng cho biết, thành phố tiếp tục thực hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội, ban hành nhiều chính sách ngoài chính sách của Trung ương, Hội đồng nhân dân thành phố đã ban hành Nghị quyết 15 với 10 nhóm đối tượng ngoài các đối tượng được quy định tại Nghị quyết 68 của Chính phủ.
Ngoài ra, thành phố đã chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp tục rà soát các đối tượng khó khăn, trong đó giao Mặt trận Tổ quốc đang xây dựng để tiếp tục hỗ trợ thêm. Thành phố cũng giao Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố tiếp tục tính toán để hỗ trợ vòng thứ 2 cho các đối tượng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành y tế, các chuyên gia và nhận định tình hình thực tế cũng như đánh giá của lãnh đạo Trung ương, tuy đạt được kết quả như vậy nhưng nguy cơ vẫn còn rất cao, trong đó có một số ổ dịch phát sinh có nguy cơ lây nhiễm rất lớn. Lây nhiễm cũng đã xuất hiện trong chuỗi cung ứng, lái xe đường dài phía Nam ra Hà Nội, đội ngũ giao hàng, chợ dân sinh,…
“Mặc dù rất quyết tâm, quyết liệt nhưng vẫn còn hiện tượng ở một số địa bàn công tác chống dịch vẫn còn lơi lỏng, “chặt ngoài, lỏng trong”, vẫn còn hiện tượng lây trong khu cách ly,… khiến lãnh đạo Trung ương và người dân vẫn còn lo lắng. Bên cạnh đó, lượng người ra đường trong thời gian giãn cách vẫn còn rất đông, không đáp ứng được mục tiêu của việc giãn cách, vì vậy nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trên địa bàn vẫn còn rất cao”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tình hình thực tiễn, Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất với đề xuất của Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố về tiếp tục thực hiện giãn cách sau thời gian ngày 6-9-2021; giao Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố hoàn thiện để ban hành chỉ thị mới về công tác phòng, chống dịch.
Trong đó phân theo 3 vùng, vùng 1 có nguy cơ rất cao tiếp tục thực hiện theo Chỉ thị 16, còn lại 2 vùng sẽ áp dụng các biện pháp theo chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ. Các phương án cụ thể sẽ được Ủy ban nhân dân thành phố thông qua sớm nhất để công bố rộng rãi cho nhân dân biết, đồng chí Nguyễn Văn Phong nêu.
Cũng theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, do đây là việc chưa từng có tiền lệ nên thành phố xác định quyết tâm rất cao, siết chặt hơn nữa việc giãn cách trong khu vực nội thành, hạn chế đến mức tối đa lượng người ra đường. Thành phố đã giao Công an thành phố chủ trì việc cấp giấy đi đường, trên cơ sở tham khảo các tỉnh, thành khác và căn cứ vào thực tiễn của Thủ đô.
Nhấn mạnh một số mục tiêu ưu tiên trong thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, thành phố sẽ tập trung giãn cách xã hội thực chất, hiệu quả hơn; tăng cường đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng, nhất là đối với khu vực có nguy cơ cao, có giải pháp phù hợp từng địa bàn, đối tượng. Đồng thời, đẩy mạnh việc tiêm vắc xin bảo đảm an toàn, đúng đối tượng, cấp đến đâu tiêm ngay đến đó. Hiện tại, năng lực tiêm của Hà Nội vẫn còn dư với khả năng tiêm 200 nghìn mũi/ngày, nhưng cao điểm hiện nay mới đến 150 nghìn mũi/ngày.
Thành phố cũng tiếp tục chuẩn bị cao hơn một bước, trước một bước về năng lực thu dung, điều trị, trang thiết bị ngành y tế và đào tạo, củng cố lực lượng y bác sĩ, chủ động đáp ứng diễn biến dịch ở mức cao hơn. Tăng cường bảo đảm an sinh xã hội bằng nguồn lực của thành phố và xã hội hoá để chăm lo tốt hơn cho người dân, đặc biệt là người dân còn khó khăn.
Ngoài các công việc thường xuyên, thành phố sẽ tiếp tục quyết liệt hơn, tăng cường kiểm tra giám sát, nâng cao ý thức kỷ luật, kỷ cương trong phòng chống dịch từ thành phố tới tận thôn, tổ dân phố. Thành phố sẽ kiên quyết xử lý đơn vị chủ quan, lơi lỏng.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục đồng hành với thành phố để cùng khống chế, giảm thiểu dịch bệnh lây lan. Đồng thời giao Ban Tuyên giáo Thành uỷ, Sở Thông tin và Truyền thông theo dõi sát diễn biến thông tin trên báo chí và mạng xã hội để có trao đổi, định hướng, xử lý cho phù hợp; chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí để tuyên truyền có căn cứ, chính xác./.
Trung Duy (tổng hợp)
EVNNPC gửi tặng quà chia sẻ với đồng nghiệp khu vực phía Nam  (03/09/2021)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên