TCCS - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, nhấn mạnh “Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác và sứ dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường và sức khẻe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”. Để đạt được mục tiêu này, việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường cần được đẩy mạnh hơn trong thời gian tới.

Toàn cảnh thành phố Ninh Bình_Nguồn: baoninhbinh.org.vn

Quan điểm của Đảng về bảo vệ môi trường

Nhiều năm qua, bảo vệ môi trường luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước ta quan tâm. Nhiều chủ trương, chính sách về bảo vệ môi trường đã được ban hành nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra. Từ thực tiễn và những vấn đề phát sinh do thực tiễn đặt ra, các nhiệm kỳ đại hội đảng thường xuyên tổng kết, bổ sung, hoàn thiện, phát triển các quan điểm về bảo vệ môi trường cho phù hợp với từng bối cảnh phát triển đất nước và thời đại, đồng thời ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về bảo vệ môi trường.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 3-6-2013, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, “Về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”, Bộ Chính trị chỉ đạo sơ kết và ban hành Kết luận số 56-KL/TW, ngày 23-8-2019, về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”, bổ sung quan điểm rất quan trọng: “… không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế…”.

Bên cạnh đó, quan điểm của Đảng về bảo vệ môi trường cũng được thể hiện xuyên suốt qua các kỳ đại hội đảng. Văn kiện Đại hội lần thứ IX, X, XI, XII, XIII của Đảng đề ra các mục tiêu cụ thể. Kế thừa và phát triển các quan điểm nêu trên của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIII đề ra quan điểm, chủ trương thể hiện tính chiến lược và quyết tâm chính trị rất cao của Đảng trong bảo vệ môi trường: “… Lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của nhân dân là mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường…”. Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17-11-2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, “Về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, xác định: “… đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước… bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường…”.

Như vậy, trong bất kỳ giai đoạn phát triển nào của đất nước, quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta luôn đặt vấn đề bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của nhân dân làm mục tiêu trong chiến lược phát triển đất nước, và luôn được bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với thực tiễn.

Thực trạng thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường ở tỉnh Ninh Bình thời gian qua

Những năm qua, công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường ở tỉnh Ninh Bình đã từng bước chuyển sang chủ động, mức độ ô nhiễm, suy thoái môi trường được hạn chế, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2021-2024, cấp tỉnh thẩm định và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt 173 báo cáo đánh giá tác động môi trường; xác nhận 3 kế hoạch bảo vệ môi trường;… cấp giấy phép môi trường cho 53 cơ sở/dự án. Cấp huyện xác nhận 51 kế hoạch bảo vệ môi trường, cấp giấy phép cho 25 cơ sở/dự án.

Công tác theo dõi, kiểm soát các nguồn thải lớn ra môi trường được quan tâm, áp dụng các công cụ quản lý tiên tiến. Tại Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Bình, đã lắp đặt và vận hành khai thác hệ thống hạ tầng truyền nhận dữ liệu quan trắc môi trường tự động, liên tục 24/24 giờ các nguồn thải trên địa bàn tỉnh. Hiện, hệ thống đang tiếp nhận dữ liệu quan trắc tự động, liên tục của 9 trạm quan trắc nước thải và 41 trạm quan trắc khí thải và truyền trực tiếp 24/24 giờ về hệ thống tiếp nhận quốc gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Qua theo dõi trên hệ thống quan trắc tự động, đã phát hiện nhanh các nguồn thải vượt giới hạn cho phép, có giải pháp khắc phục kịp thời, nhằm giảm thiểu tối đa gây ô nhiễm môi trường cho khu vực.  

Bên cạnh đó, hằng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh còn thực hiện giám sát chất lượng môi trường thông qua chương trình quan trắc định kỳ 4 lần/năm tại các điểm nhạy cảm, có nguy cơ ô nhiễm cao và các điểm tập trung nguồn thải lớn trên địa bàn tỉnh. Sở cũng đã thành lập đường dây nóng về bảo vệ môi trường, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tiếp nhận các thông tin phản ánh về các hoạt động gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh, xử lý kịp thời các hành vi gây ô nhiễm môi trường khi được phản ánh, không để xảy ra tình trạng gây ô nhiễm môi trường kéo dài.

Đến nay, đã có 143/143 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh tổ chức thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tập trung. Hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 từng bước được triển khai, nhân rộng chủ yếu tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, góp phần giảm khối lượng rác thải thu gom tập trung giảm ô nhiễm môi trường và chi phí vận chuyển rác thải, đồng thời tận dụng một phần chất thải để tái chế, tái sử dụng, mang lại lợi ích kinh tế cho các hộ gia đình.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 khu xử lý rác thải sinh hoạt, gồm khu xử lý chất thải rắn tại thung Quèn Khó, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp xử lý hơn 400 tấn/ngày; lò đốt rác thải sinh hoạt tại xã Kim Đông, huyện Kim Sơn xử lý khoảng 4-5 tấn/ngày cho các xã Kim Đông, Cồn Thoi; lò đốt rác thải tại xã Hồi Ninh, huyện Kim Sơn xử lý khoảng 4-5 tấn/ngày cho xã Hồi Ninh và xã Chất Bình, huyện Kim Sơn.

Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 9 đô thị, trong đó 2 đô thị là thành phố trực thuộc tỉnh (thành phố Ninh Bình, thành phố Tam Điệp) và 7 thị trấn thuộc 6 huyện của tỉnh. Tại các khu đô thị và khu dân cư tập trung phát sinh nhiều chất thải rắn sinh hoạt, xây dựng, nước thải sinh hoạt. Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu vực đô thị khoảng 71.200 tấn/năm, được thu gom, xử lý khoảng 66.400 tấn, đạt tỷ lệ khoảng 92,5%. Nhìn chung, môi trường tại các khu đô thị và khu dân cư tập trung có nhiều chuyển biến tích cực, rác thải sinh hoạt cơ bản được thu gom và xử lý.

Tỉnh Ninh Bình hiện có 5/7 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động (gồm khu công nghiệp Khánh Phú, khu công nghiệp Gián Kháu, khu công nghiệp Phúc Sơn, khu công nghiệp Tam Diệp I và khu công nghiệp Khánh Cư), với 62 cơ sở đang hoạt động. Trong đó 4/5 khu công nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định, đạt tỷ lệ 80%. Các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đều xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường trước khi xả ra môi trường. Bên cạnh đó, các khu công nghiệp không xây dựng khu vực lưu giữ tập trung chất thải rắn cho toàn khu, tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp có biện pháp thu gom, lưu giữ chất thải rắn và ký hợp đồng thuê đơn vị đủ chức năng vận chuyển xử lý theo quy định. Vì vậy, chất lượng môi trường tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã được cải thiện đáng kể, tình trạng xả thải vượt quy chuẩn Việt Nam, gây ô nhiễm môi trường đã giảm.

Tỉnh Nỉnh Bình có 8/13 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đạt tỷ lệ 61,53 %. Các doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung đã tự đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải bảo đảm đạt cột A quy chuẩn kỹ thuật về nước thải trước khi thải ra ngoài môi trường. Môi trường tại các cụm công nghiệp có chuyển biến rõ rệt: chủ đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp đã quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng về môi trường. Các cơ sở sản xuất tại các cụm công nghiệp đã đầu tư xây dựng các công trình về bảo vệ môi trường, bảo đảm xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam trước khi thải ra môi trường...

Hiện nay, tỉnh đã sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, hạn chế tác động xấu đến môi trường. Chất thải phát sinh chủ yếu do bao, gói, vỏ chai sau khi sử dụng, về cơ bản, các địa phương đã bố trí kinh phí để hợp đồng với đơn vị chức năng vận chuyển, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Tỷ lệ bao gói thuốc bảo vệ thực vật được vận chuyển, xử lý theo quy định đạt khoảng 70% (84/119 xã). Tuy nhiên, hầu hết các huyện mới chi bố trí kinh phí để vận chuyển cho các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.

Giai đoạn từ năm 2021 đến nay, các ngành chức năng của tỉnh đã thực hiện nhiều các cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, kiên quyết xử các cơ sở vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, xử phạt hoặc trình cơ quan có thấm quyền xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 5,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vấn đề phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh cũng đặt ra nhiều thách thức.

Thứ nhất, dân số tiếp tục gia tăng cùng với việc phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu du lịch sinh thái và tốc độ đô thị hóa, dịch vụ y tế, phát triển nông nghiệp sẽ phát sinh lượng lớn chất thải rắn trong khi hạ tầng xử lý rác thải hiện tại của tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu.

Thứ hai, ô nhiễm bụi tại các khu đô thị, khu dân cư tập trung do các hoạt động xây dựng kết cấu hạ tầng, tham gia của các phương tiện giao thông trên các tuyên đường.

Thứ ba, nước thải sinh hoạt tại các khu đô thị và dân cư tập trung phần lớn chưa được xứ lý, đổ ra nguồn tiếp nhận gây ô nhiễm môi trường nước mặt tại các sông chính trên địa bàn tỉnh; nguy cơ ô nhiễm môi trường tại Sông Đáy do dây là khu vực hạ lưu đang hứng chịu toàn bộ nước thải từ nguôn thượng lưu đổ về.

Thứ tư, hệ thống hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong đó bao gồm các công trình bảo vệ môi trường ở một số khu công nghiệp chưa được hoàn thiện và đồng bộ (còn 1/5 khu công nghiệp và 5/13 cụm công nghiệp).

Thứ năm, trong hoạt động khai thác khoáng sản vẫn còn ô nhiễm bụi, tiếng ồn do tình trạng rơi vãi vật liệu trên tuyến đường vận chuyển vẫn còn xảy ra; các giái pháp phun nước, vệ sinh tuyến đường đã thực hiện nhưng chưa triệt để và kịp thời, dẫn đến ô nhiễm bụi, tiếng ồn ảnh hưởng đến khu dân cư xung quanh.

Thứ sáu, phát triến kinh tế tuần hoàn đòi hỏi đầu tư lớn vào kết cấu hạ tầng, các mô hinh kinh doanh theo kinh tế tuần hoàn hiện chưa phổ biến; đa số các doanh nghiệp vẫn đang hoạt động theo mô hình kinh tế tuyến tính, tập trung vào việc tạo ra giá trị ngắn hạn.

Thứ bảy, các khu di sản thiên nhiên của Ninh Binh chủ yếu là núi đá kết họp với đất ngập nước, do vậy có nguy cơ tiềm ẩn lũ lụt khi xảy ra mưa lớn do biến đổi khí hậu, gây khó khăn về sinh kế cho người dân, ảnh hưởng đến hệ thống cây xanh, đa dạng sinh học, kết cấu hạ tầng giao thông, các di tích trong khu di sản.

Một số giải pháp để đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường

Tỉnh Ninh Bình đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm thực hiện hiệu quả chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường. Mặc dù vậy, để thực hiện có hiệu quả, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cần tăng cường phối hợp đồng bộ các giải pháp chính:

Một là, tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, bằng cách: 1- Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường, xác định việc phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm là nhiệm vụ trọng tâm, kiểm tra, giám sát các cơ sở lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải và khí thải tự động, liên tục; giám sát dữ liệu từ các cơ sở sản xuất lớn để bảo đảm tuân thủ các quy chuẩn môi trường. 2- Đẩy mạnh bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp, tiếp tục rà soát quy hoạch, ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp sạch, ít ô nhiễm; xây dựng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp; 3- Tuyên truyền và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, tiếp tục tổ chức các hội nghị tập huấn, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường cho cán bộ quản lý, doanh nghiệp và người dân một cách hiệu quả hơn. Các hoạt động này nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường; 4- Xây dựng và thực hiện có hiệu quả các đề án, kế hoạch bảo vệ môi trường, như tổng kết, rút kinh nghiệm Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nông thôn giai đoạn 2020 - 2025 của tỉnh, nhằm nâng cao chất lượng môi trường nông thôn và xây dựng cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn; 5- Tiếp tục tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo đảm hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Thực hiện tốt những biện pháp này, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tại tỉnh Ninh Bình, hướng tới phát triển bền vững và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Hai là, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường nhằm huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng và các tổ chức xã hội, hiểu rõ về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường; tổ chức các buổi tọa đàm, sinh hoạt câu lạc bộ và hội thi tìm hiểu pháp luật về bảo vệ tài nguyên môi trường, góp phần thay đổi hành vi của hội viên nông dân trong việc bảo vệ môi trường. Phát triển nhiều hơn các mô hình bảo vệ môi trường tại cộng đồng, như phong trào giữ gìn đường làng, ngõ xóm xanh - sạch - đẹp, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Thực hiện thường xuyên công tác vệ sinh môi trường, cải tạo và bảo vệ cảnh quan nông thôn được, góp phần nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân và cộng đồng tham gia công tác bảo vệ môi trường. Việc khai thác tối đa các nguồn đầu tư từ xã hội cho công tác bảo vệ môi trường cần được chú trọng hơn, đồng thời phát hiện và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong hoạt động bảo vệ môi trường. Áp dụng các biện pháp kinh tế trong bảo vệ môi trường, như thường xuyên thu phí bảo vệ môi trường theo quy định của Chính phủ, coi đây là công cụ kinh tế hữu hiệu để tạo nguồn lực quản lý và bảo vệ môi trường. Đồng thời, áp dụng các chế tài xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về xả thải, khuyến khích tham gia dịch vụ môi trường để thu gom và xử lý chất thải.

Ba là, tăng cường nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ: đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo vệ môi trường, đồng thời đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Cần có thêm các đề tài nghiên cứu nhằm dự báo và đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường, góp phần định hướng quy hoạch và bảo vệ tài nguyên của tỉnh. Thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo và tập huấn nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho cán bộ và người dân.

Bốn là, thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ mới về bảo vệ môi trường, đặc biệt là ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp và xử lý chất thải. Phối hợp với các trung tâm, cơ quan của Trung ương đóng trên địa bàn nghiên cứu, đào tạo nhân lực về bảo vệ môi trường, bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ trong công tác quản lý nhà nước về môi trường; tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng các đề tài khoa học, đưa ra các sáng kiến đem lại hiệu quả kinh tế cao thuộc lĩnh vực xử lý môi trường. Xác định việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực về môi trường là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, trên cơ sở đó, phối hợp với các cơ quan nghiên cứu tổ chức các buổi tọa đàm khoa học để thảo luận về các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường và nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Điều này thể hiện sự cam kết của tỉnh trong việc kết hợp giữa nghiên cứu khoa học và thực tiễn quản lý môi trường.

Năm là, cần tích cực hơn nữa trong việc mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, như chủ động tham gia các chương trình và dự án quốc tế nhằm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; phối hợp với các tổ chức quốc tế tổ chức các sự kiện, như Lễ phát động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường; đẩy mạnh phát triển du lịch xanh, tiếp tục triển khai các sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch đã được Liên hợp quốc đánh giá cao. Bên cạnh đó,  tiếp tục cụ thể hóa chính sách, pháp luật về gìn giữ đa dạng sinh học gắn với bảo vệ môi trường.

Sáu là, kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; xử lý hành vi vi phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo thẩm quyền; xem xét, giải quyết kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân có liên quan đến việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho cơ sở thu gom, vận chuyển hoặc đến điểm tập kết đúng quy định; hướng dẫn cộng đồng dân cư giám sát và công khai trường hợp không tuân thủ quy định về phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt.

Bảy là, bảo vệ nghiêm ngặt rừng tự nhiên, tích cực trồng rừng phòng hộ ven biển, rừng chắn sóng; bảo vệ các loài động thực vật hoang dã, quý hiếm; giảm tối thiểu việc sử dụng hóa chất trong canh tác nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Ngăn chặn việc dùng các phương tiện đánh bắt có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản, hải sản; nghiêm cấm việc chặt phá rừng ngập mặn ven biển…/.