Tỉnh Ninh Bình: Hướng đến nền nông nghiệp sinh thái, tích hợp đa giá trị
TCCS - Với lịch sử và văn hóa lâu đời, vùng đất cố đô Ninh Bình đã và đang triển khai những bước đi chiến lược nhằm phát triển nền nông nghiệp sinh thái, tích hợp đa giá trị. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, đóng góp vào hình ảnh Đô thị Di sản Thiên niên kỷ như trong Quy hoạch của tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Tiềm năng phát triển nông nghiệp sinh thái, tích hợp đa giá trị tại tỉnh Ninh Bình
Tỉnh Ninh Bình được đánh giá là địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp sinh thái, tích hợp đa giá trị. Điều này không chỉ dựa trên các yếu tố về điều kiện tự nhiên mà còn nhờ vào các chính sách định hướng đúng đắn của tỉnh, văn hóa đặc sắc và tiềm lực du lịch lớn mạnh.
Ninh Bình có điều kiện tự nhiên thuận lợi với 5 tiểu vùng sinh thái đặc trưng: 1- Vùng đồi núi bán sơn địa rất thuận lợi để phát triển cây ăn quả, cây dược liệu như chè, bưởi, hoặc sâm Cúc Phương. Điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu đặc trưng tại đây hỗ trợ các mô hình nông nghiệp hữu cơ bền vững.; 2- Vùng trũng là nơi trồng lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ, kết hợp với nuôi trồng thủy sản (cá, tôm). Mô hình lúa - cá đã mang lại giá trị kép, vừa tăng hiệu quả sản xuất vừa bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên; 3- Vùng đồng bằng thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, với các loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao như dứa, rau sạch, hoa và cây cảnh; 4- Vùng ven đô phù hợp phát triển các mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái như vườn nho Hạ Đen, cánh đồng hoa, trang trại hữu cơ; 5- Vùng ven biển có tiềm năng nuôi trồng thủy sản bền vững, đặc biệt là ngao đạt chứng nhận ASC - tiêu chuẩn quốc tế về nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm, mang lại giá trị xuất khẩu cao. Tài nguyên thiên nhiên tại Ninh Bình, đặc biệt là đất ngập nước ở Vân Long hay rừng Cúc Phương, có đa dạng sinh học phong phú, là cơ sở cho các mô hình nông nghiệp gắn với bảo tồn và du lịch sinh thái.
Tỉnh Ninh Bình giàu tiềm năng văn hóa và du lịch, đây là điểm đến du lịch hàng đầu Việt Nam, với Quần thể Danh thắng Tràng An - Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, cùng nhiều địa danh nổi tiếng, như Tam Cốc - Bích Động, Hang Múa, và cố đô Hoa Lư. Lượng du khách lớn mỗi năm (ước tính hàng triệu lượt) là điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, tạo ra giá trị kinh tế vượt trội.
Các mô hình nông nghiệp du lịch đã bắt đầu phát huy hiệu quả, như: 1- Cánh đồng lúa Tam Cốc: kết hợp cảnh quan nông nghiệp và trải nghiệm chèo thuyền trên sông Ngô Đồng; 2- Vườn nho Hạ Đen: nơi du khách vừa tham quan, trải nghiệm hái nho, vừa thưởng thức các sản phẩm từ nho; 3- Đầm sen Hang Múa: kết hợp sản xuất sen hữu cơ và tổ chức hoạt động du lịch sinh thái. Sự gắn kết chặt chẽ giữa nông nghiệp và du lịch không chỉ nâng cao giá trị nông sản mà còn quảng bá thương hiệu nông nghiệp của tỉnh, thu hút du khách trong và ngoài nước.
Chính sách và định hướng hỗ trợ: Quy hoạch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặt trọng tâm vào phát triển kinh tế xanh, trong đó nông nghiệp sinh thái, tích hợp đa giá trị là một trụ cột chính. Tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ, như Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thúc đẩy phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc sản, xây dựng thương hiệu gắn với yếu tố văn hóa và bản sắc địa phương; khuyến khích sử dụng công nghệ số, công nghệ xanh trong sản xuất, chế biến và quản lý nông nghiệp; tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối thị trường trong nước và quốc tế, xây dựng chuỗi giá trị bền vững cho nông sản.
Tiềm năng nhân lực và cộng đồng: Người dân Ninh Bình, với truyền thống lao động cần cù, sáng tạo và sự thích nghi nhanh với các mô hình sản xuất mới, là nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp sinh thái. Các hợp tác xã, doanh nghiệp địa phương cũng tích cực tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp, kết hợp sản xuất với dịch vụ. Trong những năm qua, ngành nông nghiệp Ninh Bình đã khẳng định vai trò là “trụ đỡ” của nền kinh tế. Mặc dù tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế toàn tỉnh giảm dần, nhưng giá trị sản xuất và chất lượng sản phẩm lại không ngừng tăng lên. Các sản phẩm nông nghiệp nổi bật như lúa chất lượng cao, ngao ven biển Kim Sơn đạt chứng nhận ASC quốc tế và các sản phẩm OCOP đã góp phần gia tăng giá trị kinh tế và thu hút đầu tư. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn đối mặt với những hạn chế, như quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán; thiếu liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ; chưa tận dụng hết tiềm năng du lịch để quảng bá sản phẩm.
Thực trạng mô hình nông nghiệp sinh thái tại tỉnh Ninh Bình
Thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã triển khai nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với bảo vệ môi trường và khai thác giá trị du lịch, trong đó có một số mô hình tiêu biểu:
Đầm sen Hang Múa là nơi có sự kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp và du lịch trải nghiệm, nằm trong Quần thể Danh thắng Tràng An - Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Đây là một trong những điểm nhấn của du lịch tỉnh Ninh Bình, nổi bật với vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng và giá trị văn hóa đặc sắc. Trong những năm gần đây, đầm sen Hang Múa đã trở thành điển hình cho mô hình kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp và du lịch trải nghiệm, mang lại hiệu quả kinh tế và giá trị cộng đồng cao. Mô hình đầm sen Hang Múa được xây dựng trên cơ sở khai thác tiềm năng cảnh quan thiên nhiên, kết hợp với sản xuất nông nghiệp hữu cơ và phát triển du lịch trải nghiệm. Trong đó, hạt sen, củ sen được chế biến và tiêu thụ trực tiếp hoặc làm nguyên liệu cho các món ăn đặc sản. Lá sen được sử dụng trong y học cổ truyền và làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm thủ công. Hoa sen không chỉ là điểm thu hút khách du lịch mà còn được dùng để ướp trà sen - sản phẩm nổi tiếng của Ninh Bình. Một số sản phẩm OCOP từ sen đã đạt chuẩn OCOP 3 sao, góp phần quảng bá thương hiệu địa phương.
Từ mô hình đầm sen, tỉnh Ninh Bình phát triển du lịch trải nghiệm thông qua các hoạt động tham quan và chụp ảnh; trải nghiệm văn hóa; ẩm thực gắn với sen. Đầm sen nở rộ từ tháng 5 đến tháng 7 mỗi năm là thời điểm lý tưởng để du khách tham quan, chụp ảnh. Các tour du lịch được thiết kế để du khách có thể chèo thuyền giữa đầm sen, trải nghiệm không gian thiên nhiên và hiểu thêm về quy trình trồng sen. Du khách được tham gia các hoạt động, như hái sen, làm trà sen, chế biến món ăn từ sen dưới sự hướng dẫn của người dân địa phương. Các chương trình nghệ thuật dân gian, như biểu diễn nhạc cụ truyền thống, hát chèo được tổ chức định kỳ tại đầm sen. Các món ăn đặc trưng, như gỏi ngó sen, chè sen, xôi lá sen, canh sen được phục vụ trong các khu vực nghỉ chân quanh đầm.
Mô hình Đầm sen Hang Múa không chỉ tạo việc làm cho người dân địa phương mà còn nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ cảnh quan và phát triển du lịch bền vững. Lợi ích kinh tế từ hoạt động du lịch được tái đầu tư vào hệ thống thủy lợi và môi trường đầm sen, bảo đảm sự phát triển lâu dài của mô hình. Mô hình này đã chứng minh được tính hiệu quả trên nhiều khía cạnh: 1- Kinh tế kết hợp giữa nông nghiệp và du lịch giúp gia tăng giá trị kinh tế gấp 2 - 3 lần so với sản xuất sen đơn thuần. Lượng du khách tăng trưởng đều qua các năm, đặc biệt trong mùa sen nở; 2- Xã hội, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương, bao gồm cả người già và phụ nữ thông qua các hoạt động sản xuất và dịch vụ; 3- Môi trường, quy trình sản xuất hữu cơ và các biện pháp bảo vệ hệ sinh thái đầm sen giúp cải thiện chất lượng môi trường, bảo tồn cảnh quan tự nhiên.
Cánh đồng lúa Tam Cốc thu hút khách du lịch với khung cảnh đồng lúa gắn liền với Quần thể Danh thắng Tràng An. Cánh đồng lúa Tam Cốc, nằm trong Quần thể Danh thắng Tràng An - Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, là một trong những điểm đến hấp dẫn bậc nhất tại Ninh Bình. Với khung cảnh ngoạn mục của những cánh đồng lúa trải dài bên dòng sông Ngô Đồng uốn lượn qua các dãy núi đá vôi, Tam Cốc đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên độc đáo, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm.
Mô hình kết hợp nông nghiệp và du lịch tại đây được xây dựng dựa trên sự hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên và hoạt động sản xuất lúa nước truyền thống. Mỗi năm, vào mùa lúa chín (tháng 5 - 6), Tam Cốc trở thành điểm “check-in” nổi tiếng với sắc vàng óng ánh của lúa chín phủ khắp thung lũng. Du khách có thể tham gia các chuyến đò trên sông Ngô Đồng, tận hưởng không khí trong lành và ngắm nhìn vẻ đẹp của cánh đồng từ các góc nhìn độc đáo.
Ngoài giá trị du lịch, cánh đồng lúa Tam Cốc còn mang lại lợi ích kinh tế cho người dân địa phương. Mô hình này không chỉ góp phần bảo tồn phương thức canh tác truyền thống mà còn tạo việc làm và tăng thu nhập nhờ vào các dịch vụ du lịch gắn với hoạt động nông nghiệp. Đây là mô hình tiêu biểu về sự kết hợp giữa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và phát huy giá trị văn hóa của Ninh Bình.
Vườn nho Hạ Đen là sự kết hợp giữa sản xuất nho chất lượng cao và du lịch sinh thái, tại xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Với diện tích canh tác nho rộng lớn, nơi đây không chỉ cung cấp sản phẩm nho tươi đạt tiêu chuẩn cao mà còn trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách yêu thích trải nghiệm nông nghiệp.
Nho Hạ Đen được trồng theo phương pháp sinh thái, sử dụng kỹ thuật chăm sóc hiện đại để bảo đảm năng suất và chất lượng. Nho của vườn có hương vị ngọt thanh, quả to, màu sắc đẹp, đáp ứng nhu cầu thị trường cao cấp và được đánh giá là sản phẩm nông nghiệp đặc sắc của địa phương. Ngoài quả nho tươi, vườn còn phát triển thêm các sản phẩm từ nho như rượu vang, mứt nho và nước ép. Du khách đến vườn nho Hạ Đen không chỉ được tham quan, chụp ảnh giữa những giàn nho xanh mát mà còn được trực tiếp tham gia hái nho, tìm hiểu quy trình chăm sóc và chế biến sản phẩm. Đây là trải nghiệm thú vị, đặc biệt với những ai muốn khám phá cuộc sống nông thôn và tận hưởng không gian yên bình.
Mô hình vườn nho Hạ Đen là ví dụ điển hình cho sự kết hợp hài hòa giữa sản xuất nông nghiệp chất lượng cao và phát triển du lịch sinh thái, góp phần nâng cao giá trị kinh tế, quảng bá thương hiệu và bảo tồn bản sắc địa phương. Các mô hình này đã góp phần quảng bá sản phẩm nông nghiệp địa phương và tạo việc làm cho người dân. Tuy nhiên, quy mô và mức độ nhân rộng còn hạn chế.
Ba mô hình đầm sen Hang Múa, cánh đồng lúa Tam Cốc và vườn nho Hạ Đen, dù thành công trong việc kết hợp nông nghiệp với du lịch sinh thái, vẫn tồn tại một số hạn chế. Đầm sen Hang Múa có quy mô nhỏ, phụ thuộc vào mùa sen nở và thiếu đa dạng sản phẩm chế biến từ sen. Cánh đồng lúa Tam Cốc phụ thuộc vào mùa lúa chín, chưa tận dụng hết giá trị kinh tế từ lúa và phụ phẩm, trong khi một số hoạt động canh tác truyền thống gây ảnh hưởng môi trường. Vườn nho Hạ Đen có diện tích nhỏ, sản phẩm từ nho sức cạnh tranh hạn chế và chưa xây dựng thương hiệu mạnh. Cả ba mô hình đều cần cải thiện hạ tầng, đa dạng hóa sản phẩm và tăng cường kết nối thị trường để phát triển bền vững.
Một số khó khăn và thách thức trong phát triển nông nghiệp sinh thái tại tỉnh Ninh Bình
Nhận thức và tư duy sản xuất chưa đồng bộ. Phần lớn nông dân vẫn duy trì các phương thức canh tác truyền thống, phụ thuộc nhiều vào phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và các kỹ thuật sản xuất cũ. Điều này không chỉ làm tăng chi phí sản xuất mà còn gây tác động tiêu cực đến môi trường đất, nước và hệ sinh thái. Các phương thức sản xuất thân thiện với môi trường, như canh tác hữu cơ hay nông nghiệp tuần hoàn, chưa được người dân áp dụng rộng rãi do chi phí đầu tư cao và thiếu sự hỗ trợ kỹ thuật. Điều này dẫn đến việc các sản phẩm nông nghiệp chưa đạt được các tiêu chuẩn cao cấp để xuất khẩu hoặc phục vụ du lịch.
Bên cạnh đó, việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các hộ sản xuất, doanh nghiệp và các đơn vị tiêu thụ. Các sản phẩm nông sản của Ninh Bình dù chất lượng tốt nhưng thường chỉ tiêu thụ nội địa hoặc tại các chợ truyền thống, ít được xuất khẩu hoặc đưa vào các kênh bán hàng hiện đại. Dù tỉnh có lợi thế lớn về du lịch, nhưng việc khai thác nông nghiệp để phục vụ du lịch vẫn mang tính tự phát, thiếu sự đầu tư bài bản, khiến giá trị gia tăng từ nông nghiệp gắn với du lịch chưa cao.
Thiếu kết cấu hạ tầng và công nghệ. Hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Ninh Bình chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp sinh thái. Các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa được đầu tư đồng bộ. Vào mùa khô, nhiều khu vực thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Vào mùa mưa, tình trạng ngập úng tại các vùng trũng làm gián đoạn hoạt động sản xuất. Nông sản sau thu hoạch thường gặp vấn đề trong bảo quản do thiếu kho lạnh, nhà kho tiêu chuẩn. Điều này dẫn đến tình trạng hao hụt, giảm chất lượng và khó khăn trong việc đảm bảo chuỗi cung ứng. Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, quản lý và chế biến nông sản tại Ninh Bình mới chỉ dừng lại ở một số mô hình thí điểm như trồng lúa theo hướng hữu cơ hoặc sử dụng hệ thống IoT giám sát môi trường tại vườn nho Hạ Đen. Tuy nhiên, mức độ nhân rộng các mô hình này còn hạn chế, khiến hiệu quả chung của ngành nông nghiệp chưa đạt như kỳ vọng.
Những thách thức này đòi hỏi Ninh Bình cần có sự đầu tư đồng bộ vào kết cấu hạ tầng, chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn và các chương trình đào tạo nhằm thay đổi tư duy sản xuất của người dân. Chỉ khi giải quyết được những vấn đề trên, nông nghiệp sinh thái tại Ninh Bình mới có thể phát triển bền vững và khai thác tối đa tiềm năng vốn có của địa phương.
Hạn chế về quy mô sản xuất. Một trong những khó khăn lớn nhất của tỉnh Ninh Bình là diện tích đất nông nghiệp nhỏ, phân tán, không phù hợp để tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp tại tỉnh chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với các địa phương khác, chủ yếu là các cánh đồng nhỏ lẻ hoặc khu vực đất khó cải tạo như vùng trũng và ven biển. Hạn chế này khiến việc xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn gặp khó khăn, làm giảm hiệu quả kinh tế. Thêm vào đó, việc tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế. Các hộ nông dân phần lớn hoạt động riêng lẻ, không có liên kết với nhau hoặc với các doanh nghiệp lớn. Sự thiếu vắng của các doanh nghiệp đầu tàu trong sản xuất, chế biến và phân phối nông sản khiến việc mở rộng thị trường và nâng cao giá trị nông sản gặp nhiều khó khăn.
Định hướng và giải pháp phát triển nông nghiệp sinh thái tại tỉnh Ninh Bình trong thời gian tới
Việt Nam đang tự tin hướng đến khát vọng về một nền nông nghiệp sinh thái, tích hợp đa giá trị. Theo đó, nền nông nghiệp sinh thái chú trọng đến sự tương tác giữa các yếu tố môi trường, xã hội và kinh tế trong sản xuất lương thực, thực phẩm thông qua việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ thông minh và thân thiện với môi trường. Một số mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái đã được triển khai, hướng đến việc khai thác và sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả, giảm thiểu sự thất thoát, lãng phí và tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao và giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường sinh thái, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Tại tỉnh Ninh Bình, trong những năm qua, đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, hướng tới mô hình kinh tế các-bon thấp và tăng trưởng bền vững. Với vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, ngành nông nghiệp đang được định hướng phát triển thành nền nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, an toàn, đa giá trị, kết hợp với các lĩnh vực khác như du lịch và công nghiệp chế biến.
Quy hoạch của tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định rõ nông nghiệp sinh thái, đa giá trị là một trong những trụ cột phát triển. Các chính sách hỗ trợ, như chương trình OCOP, xúc tiến thương mại và ứng dụng công nghệ số đã tạo cơ hội lớn cho nông nghiệp tỉnh Ninh Bình. Tuy nhiên, để khắc phục một số khó khăn và thách thức đã nêu, tỉnh Ninh Bình cần áp dụng các định hướng và giải pháp sát thực, phù hợp với đặc thù địa phương, nhằm khai thác tối đa tiềm năng và giải quyết triệt để các hạn chế. Trong đó:
Cần quy hoạch sản xuất nông nghiệp sinh thái theo tiểu vùng: Tỉnh Ninh Bình cần xây dựng kế hoạch quy hoạch chi tiết theo từng tiểu vùng sinh thái, tận dụng lợi thế tự nhiên để phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc trưng: 1- Vùng đồi núi bán sơn địa: Phát triển cây ăn quả, cây dược liệu như chè, bưởi, sâm Cúc Phương, gắn với các khu bảo tồn như Vườn quốc gia Cúc Phương để kết hợp du lịch sinh thái; 2- Vùng trũng: Ưu tiên sản xuất lúa hữu cơ, kết hợp nuôi trồng thủy sản như cá, tôm trong mô hình lúa-cá. Đây là hướng đi phù hợp để nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm, giảm thiểu tác động môi trường; 3- Vùng đồng bằng: Tập trung vào rau, hoa, cây cảnh, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất để tạo ra các sản phẩm sạch, an toàn, phù hợp nhu cầu thị trường; 4- Vùng ven đô: Gắn phát triển nông nghiệp với du lịch sinh thái, tổ chức các mô hình trang trại hữu cơ, vườn cây ăn quả kết hợp dịch vụ trải nghiệm; 5- Vùng ven biển: Đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản đạt chứng nhận quốc tế, mở rộng diện tích trồng rừng ngập mặn để bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn.
Xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp: Tăng cường kết nối giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Hỗ trợ xây dựng các hợp tác xã kiểu mới với năng lực quản trị tốt, đóng vai trò trung gian trong tổ chức sản xuất và phân phối sản phẩm. Tạo dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng của tỉnh như lúa hữu cơ, ngao Kim Sơn, sản phẩm OCOP từ sen, hoa cúc, sâm Cúc Phương. Đẩy mạnh xác nhận chỉ dẫn địa lý, tem truy xuất nguồn gốc và đăng ký nhãn hiệu tập thể. Ngoài sản phẩm thô, phát triển thêm các sản phẩm chế biến sâu như trà sen, nước ép nho, đồ ăn chế biến từ lúa hữu cơ để gia tăng giá trị.
Đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp: Cải tạo hệ thống tưới tiêu ở các vùng trũng, bảo đảm cung cấp nước cho canh tác hữu cơ. Xây dựng các hồ chứa và hệ thống kênh mương hiện đại ở vùng đồi núi. Hỗ trợ xây dựng các kho lạnh, nhà xưởng đạt tiêu chuẩn để bảo quản và chế biến nông sản. Các cụm chế biến nên được đặt gần vùng sản xuất tập trung để giảm chi phí vận chuyển và tăng hiệu quả. Đầu tư thiết bị như nhà lưới, hệ thống giám sát IoT, blockchain truy xuất nguồn gốc. Mô hình này cần nhân rộng từ các thí điểm hiện tại (như vườn nho Hạ Đen) sang các sản phẩm khác.
Đào tạo và thay đổi tư duy sản xuất: Đào tạo nông dân về các phương pháp canh tác hữu cơ, tuần hoàn, kỹ thuật giảm phát thải và bảo vệ môi trường. Xây dựng các mô hình trình diễn để nông dân học tập và làm theo. Tạo các cuộc thi ý tưởng phát triển nông nghiệp sinh thái để khuyến khích người dân đưa ra các sáng kiến mới. Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, từ cung cấp đầu vào, kỹ thuật sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Gắn kết nông nghiệp với du lịch sinh thái: Tổ chức các tour du lịch trải nghiệm tại cánh đồng lúa Tam Cốc, đầm sen Hang Múa, vườn nho Hạ Đen. Du khách có thể tham gia các hoạt động, như hái sen, làm trà, thu hoạch nho, hoặc tham quan vùng nuôi trồng thủy sản. Tổ chức lễ hội gắn với các sản phẩm nông nghiệp, như lễ hội sen, lễ hội mùa lúa chín Tam Cốc, để thu hút khách du lịch và quảng bá sản phẩm. Phát triển du lịch làng nghề gắn với các sản phẩm nông sản đặc sản, như làng nghề chế biến nông sản ở Kim Sơn hoặc các làng nghề trồng hoa, cây cảnh tại Nho Quan.
Chính sách hỗ trợ mạnh mẽ. 1- Hỗ trợ tài chính: Tăng cường tín dụng ưu đãi cho các hộ dân, hợp tác xã chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ, tuần hoàn. Trợ cấp chi phí đầu tư ban đầu cho các mô hình nông nghiệp sinh thái mới. 2- Khuyến khích, thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất và chế biến nông sản theo hướng bền vững. Ưu đãi về thuế, đất đai cho các dự án nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn.
Xây dựng thị trường tiêu thụ ổn định. Hỗ trợ các hợp tác xã và doanh nghiệp địa phương đưa sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử như Voso, Lazada, Shopee. Xây dựng các gian hàng trực tuyến riêng cho nông sản Ninh Bình. Tổ chức các hội chợ nông sản tại các thành phố lớn trong nước và quốc tế. Mở rộng quan hệ đối tác với các nhà xuất khẩu. Nâng cấp các sản phẩm OCOP của tỉnh để đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và giảm phát thải. Khuyến khích tận dụng rơm rạ, lá sen, bã nho làm phân hữu cơ, thức ăn chăn nuôi, hoặc nguyên liệu chế biến sản phẩm giá trị gia tăng. Thúc đẩy sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thay thế các sản phẩm hóa học độc hại.
Các giải pháp trên không chỉ tập trung vào việc giải quyết những khó khăn hiện tại mà còn định hướng cho sự phát triển bền vững và lâu dài của nông nghiệp tỉnh Ninh Bình. Thông qua việc đầu tư đồng bộ, tận dụng lợi thế địa phương và đổi mới tư duy sản xuất, tỉnh Ninh Bình có thể xây dựng thành công mô hình nông nghiệp sinh thái, tích hợp đa giá trị, góp phần nâng cao đời sống người dân và phát triển kinh tế xanh./.
Phát triển du lịch xanh gắn với xây dựng nông thôn mới  (19/11/2024)
Phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Yên Mô  (19/11/2024)
Tỉnh Ninh Bình: Làng thêu Văn Lâm giữ gìn tinh hoa truyền thống  (19/11/2024)
Thu hút nguồn vốn FDI theo hướng thân thiện môi trường tại Ninh Bình  (18/11/2024)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm