Vai trò các tôn giáo trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Kim Sơn
TCCS - Thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các tổ chức tôn giáo tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, trong phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Thời gian qua, đồng bào các tôn giáo huyện Kim Sơn luôn thể hiện trách nhiệm, tính chủ động của mình trong tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Vai trò của các tôn giáo trong xây dựng nông thôn mới ở Kim Sơn thời gian qua
Kim Sơn là huyện ven biển phía nam của tỉnh Ninh Bình, có diện tích tự nhiên 239,78 km2, gồm 23 xã, có 2 thị trấn, với dân số hơn 191 nghìn người; có 2 tôn giáo là Phật giáo và Công giáo; trong đó, đồng bào có đạo chiếm 52,29% dân số, đạo Công giáo chiếm tới 47,07% dân số. Giáo phận Phát Diệm nằm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và một phần của hai huyện Lạc Thủy, Yên Thủy của tỉnh Hòa Bình; tổng số có 79 giáo xứ, 361 giáo họ, 154 linh mục, riêng huyện Kim Sơn có 36 giáo xứ, 155 giáo họ, 72 linh mục; có xã đồng bào có đạo chiếm tỷ lệ tới gần 90%, có thôn, xóm 100% nhân dân theo đạo Công giáo. Đối với đạo Phật, trên địa bàn huyện có 30 chùa, 73 tăng, ni, tỷ lệ tín đồ phật tử chiếm 5,22% dân số.
Tín đồ theo đạo Công giáo và Phật giáo ở huyện Kim Sơn sống đan xen với nhau, mang tính thuần nhất, được thiết lập cố hữu trong cộng đồng dân cư, mang tính truyền thống và được cố kết từ lâu đời. Các tôn giáo trên địa bàn huyện Kim Sơn luôn thực hiện tốt phương châm “Tốt đời, đẹp đạo”, “Sống phúc âm trong lòng dân tộc”; chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương; thực hiện các hoạt động, sinh hoạt tôn giáo tuân thủ quy định của pháp luật, hiến chương, nội quy của Giáo hội.
Khi bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, huyện Kim Sơn có xuất phát điểm thấp, bình quân các xã chỉ đạt 4 tiêu chí/xã; năm 2010, thu nhập bình quân đầu người đạt 11,1 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn giai đoạn 2011 - 2015) là 16,46%; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, kinh tế và tổ chức sản xuất có nhiều chuyển biến, nhưng chưa bền vững, nguồn lực đầu tư còn hạn chế...
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh; Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy nan nhân dân huyện Kim Sơn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện hệ thống quản lý lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện từ huyện đến cơ sở. Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện chủ đề công tác hằng năm của Tỉnh ủy, Huyện ủy, tạo nên phong trào thi đua sâu rộng trên toàn huyện. Qua đó, tạo chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động, huy động sự tham gia tích cực của toàn xã hội, đặc biệt đã khơi dậy, phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong suốt quá trình triển khai, tạo nên sự đồng thuận, sức mạnh cộng hưởng trong xây dựng nông thôn mới.
Các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, nhà tu hành và các tín đồ tôn giáo tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Xứ, họ đạo bình yên - Chùa tinh tiến về an ninh trật tự”, “Xây dựng nông thôn mới” và đạt được nhiều kết quả tích cực; tạo sự đoàn kết giữa các tôn giáo, góp phần củng cố thế trận an ninh nhân dân, gắn với thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc. Các tổ chức tôn giáo tham gia xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong sinh hoạt văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương; đồng thời, nêu cao vai trò, trách nhiệm của mình trong đời sống xã hội, tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, các hoạt động an sinh xã hội. Qua đó, góp phần xây dựng khu dân cư văn hóa, thôn xóm văn hóa; đồng thời, thể hiện trách nhiệm, tính chủ động trong tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội của huyện Kim Sơn.
Những kết quả đạt được đáng nghi nhận
Cùng với các địa phương trong cả nước thực hiện Quyết định số 587/QĐ-TTg, ngày 18-5-2022, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025”, cán bộ và nhân dân trong huyện nói chung, đồng bào các tôn giáo ở huyện Kim Sơn nói riêng hăng hái tham gia cùng chung tay xây dựng nông thôn mới. Các tổ chức tôn giáo đã tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; vận động các hộ gia đình tín đồ các tôn giáo vươn lên phát triển kinh tế, áp dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất; tham gia đóng góp xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh.
Trong 12 năm triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, nhân dân đóng góp hơn 130 tỷ đồng, gần 100 nghìn ngày công lao động, hiến 89,9 ha đất, cải tạo vườn, ao... để làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa, khu vui chơi thể thao, dồn điền, đổi thửa, cải tạo thủy lợi nội đồng; xây dựng hàng chục km đường cây xanh, hơn 250km đường hoa. Từ nguồn đóng góp, ủng hộ của nhân dân và đầu tư của Nhà nước, nhiều hạng mục công trình đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng đạt hiệu quả cao, như hệ thống đường bê tông giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi nội đồng, trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc; trong đó, đồng bào Công giáo trong huyện đã đóng góp hàng chục nghìn ngày công lao động và hàng chục tỷ đồng để xây dựng và cải tạo đường giao thông nông thôn, tiêu biểu, như: Khu dân cư Dũng Thúy thuộc xứ Như Sơn, xã Xuân Chính đã hiến 600m2 đất, bà con giáo dân trong giáo họ đóng góp trên 500 triệu đồng và hơn 1.300 ngày công lao động, tháo dỡ trên 100 mét tường bao; giáo dân giáo xứ Như Sơn và xứ Xuân Hồi, xã Xuân Chính đã hiến 750m2 đất, đóng góp trên 300 triệu đồng để làm đường giao thông nông thôn; bà con giáo họ Thành Đức thuộc xứ Cách Tâm và giáo họ trị sở xứ Mông Hưu đóng góp xây dựng được 2 nhà văn hóa thôn, với tổng số tiền là 600 triệu đồng; bà con giáo dân xứ Dục Đức thuộc xóm 6 và xóm 7, xã Kim Định cùng nhân dân tham gia đóng góp trên 200 triệu đồng để bê tông hóa tuyến đường liên xã dài 200m đi qua địa bàn và xây dựng cây cầu liên thôn, trị giá 50 triệu đồng; giáo xứ Khiết Kỷ hiến đất làm đường giao thông hơn 100m2 đất...
Các chức sắc, tín đồ 2 tôn giáo và nhân dân đã chung tay xây dựng được 28 nhà đại đoàn kết, với số tiền hỗ trợ trên 1,5 tỷ đồng; trong đó, có 16 ngôi nhà ấm tình đoàn kết lương giáo, với số kinh phí hỗ trợ trên 700 triệu đồng. Phong trào lao động sản xuất ở các tôn giáo được duy trì, nhiều tín đồ tôn giáo sản xuất, kinh doanh phát triển, chăn nuôi giỏi, tiêu biểu, như mô hình trang trại tổng hợp thu lợi nhuận trên 1 tỷ đồng/năm; mô hình xen canh lúa - cá, cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Đặc biệt, các địa phương có tỷ lệ bà con giáo dân cao ở xã Xuân Chính, xã Chất Bình, nhân dân trồng một số loại cây thuốc nam, như Trạch tả, Bạch chỉ, Ngưu Tuất, Bạch Tuật trên đất gò vườn đem lại giá trị kinh tế từ 10 đến 15 triệu đồng/sào/năm, cao gấp 2 lần trên một đơn vị diện tích so với trồng rau màu. Kinh tế hộ gia đình ngày một phát triển ổn định, bà con có điều kiện tham gia tích cực vào các phong trào, các cuộc vận động, đem lại kết quả tốt đẹp được các cấp, các ngành từ tỉnh xuống cơ sở ghi nhận và biểu dương, khen thưởng.
Ngoài ra, các tổ chức tôn giáo tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội, hiến máu tình nguyện, hiến giác mạc, hiến mô, hiến tạng. Đến nay, trên địa bàn huyện Kim Sơn vận động được hơn 12.201 người đăng ký hiến giác mạc sau khi qua đời, với tổng số là 433 người đã hiến tặng giác mạc thành công, đem lại ánh sáng cho hơn 866 người có các bệnh về mắt được nhìn thấy ánh sáng, trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong phong trào đăng ký và hiến tặng giác mạc.
Giai đoạn từ năm 2016 đến nay, có tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện Kim Sơn cao và ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế của huyện năm 2021, đạt 8.930 tỷ đồng, năm 2022, đạt 9.660 tỷ đồng. Giai đoạn 2016 - 2021, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt 7,1 %/năm; năm 2022, đạt 8,2% (trong đó, nông, lâm, thuỷ sản tăng 1,7%; công nghiệp - xây dựng tăng 9,3%; dịch vụ tăng 12,6%); thu nhập bình quân đầu người hằng năm, tăng từ 25 triệu đồng (năm 2015) tăng lên 49,98 triệu đồng (năm 2020), đến năm 2022 là trên 57,2 triệu đồng; tỷ lệ nghèo đa chiều, giảm từ 11,71% (năm 2015), xuống còn 2,80% (năm 2020), đến năm 2022 là 1,24%. Phấn đấu đến năm 2025, giảm xuống còn dưới 1%.
Những kết quả đó đã cho thấy sự vào cuộc tích cực của đồng bào có đạo, chung tay bằng những việc làm cụ thể, gương mẫu đi đầu; phong trào xây dựng nông thôn mới được các tôn giáo hưởng ứng, lan truyền mạnh mẽ từ sự tham gia của chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo. Các tín đồ tôn giáo hiểu về mục đích, ý nghĩa chương trình, để từ đó hưởng ứng, góp công, góp sức, ủng hộ vật chất, hiến đất làm đường giao thông, bám vào từng tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới để thực hiện; trong đó, công việc đầu tiên là chung tay cải tạo hệ thống giao thông, thủy lợi, giúp thay đổi cơ cấu và năng suất mùa vụ trên địa bàn huyện.
Đến nay, có 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt tỷ lệ 100%); 9/23 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (như xã Thượng Kiệm, xã Lưu Phương, xã Quang Thiện, xã Yên Lộc, xã Đồng Hướng, xã Hồi Ninh, xã Kim Chính, xã Tân Thành, xã Kim Đông); 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (xã Đồng Hướng); 91 thôn, xóm đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 28 sản phẩm OCOP được công nhận; huyện Kim Sơn được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022 (hoàn thành trước 2 năm so với kế hoạch của tỉnh đề ra).
Tuy nhiên, việc tham gia trực tiếp của các tín đồ tôn giáo, các chức sắc, chức việc tôn giáo vào nội dung xây dựng kế hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới ở một số xã còn thụ động, vai trò chưa cụ thể. Việc xây dựng, sửa đổi quy ước, hương ước ở một số địa phương chưa kịp thời, chưa cập nhật đầy đủ những nội dung liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế và quy định của pháp luật.
Một số nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới
Một là, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, giúp đồng bào có đạo, các tôn giáo nhận thức sâu sắc và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo, nhất là Luật Tín ngưỡng tôn giáo. Hướng đến mục tiêu 100% các vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo nắm được nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và hưởng ứng tham gia thực hiện.
Hai là, trong quá trình xây dựng kế hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới của các cấp, cần công khai minh bạch và tranh thủ lấy ý kiến của các chức sắc, chức việc và tín đồ tôn giáo để phát huy vai trò của các tôn giáo trong xây dựng nông thôn mới. Nhân dân và các tín đồ tôn giáo là chủ thể trong thực hiện các kế hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới.
Ba là, phát huy vai trò của các chức sắc, chức việc trong các tôn giáo, trong tuyên truyền, vận động tín đồ chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt đường hướng chung của Giáo hội Công giáo Việt Nam “Sống phúc âm trong lòng dân tộc”, “Kính Chúa yêu nước”; nêu cao tinh thần “Tâm sáng hướng thiện”, thực hiện tốt đường hướng hoạt động của Giáo hội Phật giáo “Đạo pháp - dân tộc - chủ nghĩa xã hội”. Tích cực xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cả hệ thống chính trị cùng nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân ở vùng công giáo.
Bốn là, kiên quyết không để xảy ra các điểm nóng về tôn giáo, tạo được sự đồng thuận trong quá trình giải quyết các vấn đề liên quan đến tôn giáo.
Năm là, thường xuyên xây dựng, củng cố mối quan hệ gắn bó, đoàn kết giữa các tôn giáo và chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong huyện, vận động các chức sắc, chức việc tham gia vào các tổ chức chính trị - xã hội các cấp.
Sáu là, củng cố, bổ sung, xây dựng nội quy, quy ước an toàn về an ninh, trật tự ở các chùa, xứ, họ đạo. Vận động quần chúng nhân dân tự giác chấp hành các quy định của pháp luật, tham gia phòng, chống tội phạm, chủ động đề ra các biện pháp phòng ngừa, không để xảy ra tội phạm nghiêm trọng, không có tụ điểm phức tạp về an ninh, trật tự, làm giảm tội phạm ma túy, tệ nạn, vận động người phạm tội ra tự thú, tham gia cảm hóa, giáo dục quản lý người lầm lỗi, có ý thức bảo vệ môi trường sống an toàn.
Bảy là, các vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành phối hợp tìm hiểu, tham gia ý kiến với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội huyện trong công tác giám sát, phản biện xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại địa phương. Cùng với đó, triển khai các hoạt động giám sát theo chức năng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; giám sát việc thực hiện các quy hoạch trong xây dựng nông thôn mới./.
Công tác phát triển đảng viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Nho Quan, giai đoạn 2020 - 2025  (20/10/2024)
Kinh nghiệm thế giới trong xây dựng không gian xanh và một số kiến nghị chính sách cho Ninh Bình  (16/10/2024)
Huyện Phú Giáo chuyển địch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực  (08/10/2024)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm