Huyện Phú Giáo chuyển địch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực
TCCS - Phú Giáo là một huyện nằm ở phía đông bắc tỉnh Bình Dương, cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 70km. Những năm qua, huyện Phú Giáo xác định nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ lực. Huyện mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với thực tế của địa phương; triển khai định hướng phát triển và hình thành các vùng trồng cây ăn trái chuyên canh, nhất là dọc theo dòng sông Bé, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo hướng hàng hóa.
Tính đến nay, toàn huyện có hơn 500 trang trại chăn nuôi, trồng trọt, tạo lợi thế đưa nền nông nghiệp của huyện đi lên theo hướng sản xuất lớn. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất được xem là định hướng phát triển bền vững, là hướng đi tất yếu của ngành nông nghiệp Phú Giáo. Trên địa bàn huyện, nhiều mô hình áp dụng công nghệ mới đã trở thành phổ biến, như công nghệ tưới tự động, nhà kính, một số quy trình sản xuất hiện đại như hữu cơ, VietGAP, GlobalGap cũng được áp dụng.
Huyện Phú Giáo là nơi tập trung nhiều khu, trang trại, hợp tác xã nông nghiệp lớn, như: Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái của Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I, Khu chăn nuôi bò sữa Anova, Khu sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Công ty Cổ phần Vinamit, Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Kim Long, Hợp tác xã ổi Thanh Kiên (xã Phước Hòa), trang trại gà công nghệ cao Phú An Khương ở xã An Bình. Bên cạnh đó là một số mô hình tiêu biểu, đem lại giá trị thu nhập cao, như mô hình trồng hoa lan của Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Thành, trồng dưa lưới trong nhà màng theo tiêu chuẩn VietGap của Tổ hợp tác dưa lưới Hùng Hoa. Ngoài ra, nhiều nhà vườn, trại chăn nuôi trên địa bàn đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để gia tăng giá trị sản phẩm, tiết kiệm chi phí, nhân công.
Cùng với việc lấy nông nghiệp làm ngành kinh tế mũi nhọn, huyện cũng thực hiện nhiều giải pháp để phát triển đa dạng các lĩnh vực kinh tế, phù hợp với tình hình thực tế tại mỗi địa phương. Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển địch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp. Có thể nhận thấy, lĩnh vực thương mại - dịch vụ được phát triển mạnh ở khu vực đô thị, những địa phương có vị trí giao thông thuận lợi như thị trấn Phước Vĩnh, xã Phước Hòa. Mới đây, huyện đã hoàn thành xây dựng trung tâm thương mại tại thị trấn Phước Vĩnh - tín hiệu khả quan để phát triển hạ tầng thương mại dịch vụ trên địa bàn. Tại các xã nông thôn, hệ thống chợ, cơ sở buôn bán nhỏ lẻ, cửa hàng tiện lợi cũng đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân.
Xác định phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là động lực quan trọng, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu tổng quát mà huyện Phú Giáo đặt ra là phát triển công nghiệp phải đi đôi với phát triển đô thị, dịch vụ và các khu dân cư theo quy hoạch. Đồng thời, từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, hoàn thành và giữ vững các tiêu chí nông thôn mới. Với sự quyết tâm cao, đầy tinh thần trách nhiệm cùng với những tiềm năng lợi thế của địa phương, kỳ vọng ngành công nghiệp huyện Phú Giáo sẽ có bước tiến nhanh và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, đóng góp đáng kể cho sự phát triển chung của địa phương.
Huyện Phú Giáo có quỹ đất nông nghiệp lớn, có khả năng chuyển đổi sang đất công nghiệp để hình thành các khu, cụm công nghiệp. Cùng với đó, trong quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp sẽ tạo ra nguồn nguyên liệu nông sản dồi dào phục vụ công nghiệp chế biến. Đồng thời, trên địa bàn huyện có trữ lượng lớn các khoáng sản phi kim loại như đá xây dựng, đất làm gạch ngói, có thể khai thác phục vụ sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các ngành gốm sứ, vật liệu xây dựng. Huyện đẩy mạnh đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư. Cùng với đó, huyện đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng công khai và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục; duy trì cơ chế đối thoại, tổ chức hội nghị kết nối cung cầu để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực, tiếp cận tốt các nguồn lực, khuyến khích thành lập các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường.
Xã Tam Lập được biết đến là địa phương đầu tiên của huyện Phú Giáo phát triển công nghiệp với việc hình thành và đưa vào hoạt động cụm công nghiệp Tam Lập 1, tại ấp Đồng Tâm. Từ một xã nghèo của Phú Giáo, xã Tam Lập đã và đang vươn lên mạnh mẽ, trở thành đầu tàu trong quá trình phát triển nền kinh tế đa dạng với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và công nghiệp, thương mại - dịch vụ”. Toàn xã hiện có 6 nhà máy đang hoạt động sản xuất, chế biến và 2 cơ sở tiểu thủ công nghiệp. Sản xuất, kinh doanh ở các doanh nghiệp ổn định, mức tăng trưởng bình quân hằng năm khoảng 12%.
Đối với một huyện nông nghiệp như Phú Giáo, việc xây dựng Cụm công nghiệp Tam Lập 1 là bước đột phá cho quá trình phát triển kinh tế của huyện. Hiện tại, ngoài Cụm công nghiệp Tam Lập 1 với diện tích trên 61ha đã đưa vào vận hành sản xuất, huyện Phú Giáo đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đưa vào quy hoạch 4 khu công nghiệp, 15 cụm công nghiệp vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cùng với đó, huyện sẽ tăng cường mời gọi đầu tư phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đã được phê duyệt.
Năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội của huyện đạt nhiều kết quả khả quan. Huyện thực hiện đạt và vượt kế hoạch 19/20 chỉ tiêu, trong đó có 11 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Thu nhập bình quân đầu người đạt 76,6 triệu đồng/người/năm, tăng 5,66%. Thu ngân sách vượt chỉ tiêu tỉnh giao. Trong đó, thu nội địa thực hiện trên 486.000 triệu đồng, đạt 135% dự toán thu điều chỉnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 12.406 tỷ đồng, tăng 20,38% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 5.816 tỷ đồng, tăng 6,68%. Năm 2024, huyện phấn đấu thu nhập bình quân đạt 84 triệu đồng/người/năm; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng từ 6 - 8% so với năm 2023; giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng từ 12 - 14%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng từ 20 - 22%…
Năm 2024, Ủy ban nhân dân huyện Phú Giáo xác định là “Năm chuyển đổi số, năm tập trung xây dựng cảnh quang môi trường”. Tiếp tục xây dựng, củng cố, kiện toàn bộ máy hành chính từ huyện đến xã, thị trấn; đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số, hoàn thành đầu tư Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) huyện. Tập trung phát triển kinh tế, tiếp tục mời gọi doanh nghiệp đến đầu tư phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện; đồng thời xác định phát triển theo hướng sinh thái trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, đô thị, dịch vụ, du lịch. Tập trung tạo nguồn lực từ việc sử dụng đất, công tác đền bù giải tỏa, phân bổ vốn theo thứ tự ưu tiên các công trình trọng điểm để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án trên địa bàn huyện.
Huyện Phú Giáo đề ra 20 chỉ tiêu chủ yếu để tập trung điều hành linh hoạt, hiệu lực hiệu quả và hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ mà Nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ và Hội đồng nhân dân huyện giao năm 2024, trong đó tập trung các giải pháp nâng cao thu nhập người dân lên 84 triệu đồng/người/năm; bảo đảm 10/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao bền vững; 1 xã đạt nông thôn kiểu mẫu; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt từ 95% trở lên; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đưa giá trị sản xuất nông nghiệp tăng từ 6 - 8%; hằng quý tổ chức gặp gỡ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, đưa giá trị sản xuất công nghiệp đạt từ 12 - 14%; tập trung và chủ động kêu gọi thu hút lĩnh vực thương mại - dịch vụ làm cho giá trị thương mại - dịch vụ tăng từ 20 - 22%; phấn đấu thu nội địa đạt và vượt nghị quyết đề ra; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 85%; Mỗi xã xây dựng ít nhất 1 sản phẩm OCOP; giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,5%; giải ngân vốn đầu tư công vốn tỉnh và địa phương đạt 100%, trung ương đạt 54%; khu ấp văn hóa đạt trên 90%./.
Huyện ủy Kim Sơn vận động các tôn giáo tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh  (05/10/2024)
Ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Ninh Bình và một số định hướng chính sách  (20/09/2024)
Hội Nông dân các cấp tỉnh Nam Định tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh  (05/09/2024)
Nông dân Vĩnh Phúc chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu  (18/08/2024)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm