Tăng khả năng chống chịu nền kinh tế Thủ đô trước các tác động tiêu cực, hướng đến tăng trưởng, phát triển bền vững
TCCS - Nền kinh tế Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất do tác động của đại dịch COVID-19 và những ảnh hưởng của kinh tế thế giới, nhưng những khó khăn, vướng mắc, trở ngại không thể khắc phục trong một sớm một chiều. Bài học của giai đoạn phòng, chống đại dịch COVID-19 cho thấy, chỉ có tăng khả năng chống chịu từ nội tại mới giúp nền kinh tế vượt qua được tác động tiêu cực.
Phát triển bền vững là “phát triển đáp ứng nhu cầu của hiện tại mà không làm hại khả năng của các thế hệ tương lai trong việc đáp ứng nhu cầu của họ”. Đây là một mục tiêu toàn cầu được thể hiện qua Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc, bao gồm 17 mục tiêu và 169 chỉ tiêu nhằm giải quyết các thách thức lớn về kinh tế, xã hội và môi trường trong sự phát triển của thế giới. Phát triển bền vững kinh tế được hiểu là sự phát triển nhanh, an toàn và chất lượng về mọi mặt của nền kinh tế, phải tạo ra được sự thịnh vượng chung dành cho tất cả mọi người chứ không chỉ tập trung vào số ít người trong phạm vi giới hạn cho phép của hệ sinh thái và cũng không xâm phạm tới những quyền cơ bản của con người.
Về nguyên tắc, phát triển bền vững là quá trình vận hành đồng thời ba bình diện phát triển: kinh tế tăng trưởng bền vững, xã hội thịnh vượng, ổn định, văn hóa đa dạng và môi trường trong lành, tài nguyên được duy trì bền vững. Do vậy, hệ thống hoàn chỉnh các nguyên tắc đạo đức cho phát triển bền vững bao gồm các nguyên tắc phát triển bền vững trong cả 3 lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường.
Theo Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24-1-2022, của Bộ Chính trị, “Về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, kinh tế trên toàn bộ địa giới hành chính của thành phố Hà Nội được nhìn nhận là khu vực kinh tế đô thị, trong đó có cả khu vực nông thôn. Trong những năm qua, kinh tế khu vực đô thị Hà Nội có sự phát triển khá nhanh và vững chắc, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thể nền kinh tế Thủ đô.
Tuy nhiên, mặc dù tốc độ đô thị hóa đã đạt được một số mục tiêu, nhưng việc phát triển nhanh và “nóng” đã tạo ra một số hệ lụy, như phát triển thiếu cân đối, không đồng bộ, đầu tư còn dàn trải, không tập trung… Việc quản lý đầu tư phát triển đô thị của thành phố còn những khó khăn, vướng mắc; trong đó, phải kể đến tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt phần lớn các quy hoạch còn chưa đáp ứng được tiến độ đề ra. Quy trình triển khai các quy hoạch cấp dưới phải cụ thể hóa nhiều nội dung của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được phê duyệt; trong đó có những nội dung chưa phù hợp với thực tiễn, mất nhiều thời gian trao đổi, thảo luận để đi đến thống nhất.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế tuy đạt mục tiêu nhưng chưa tạo ra đột phá, chưa phát huy tốt những thuận lợi và cơ hội của Thủ đô. Chất lượng tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội ngành còn chậm so với yêu cầu. Mô hình tăng trưởng của thành phố vẫn chưa rõ ràng, tăng trưởng vẫn thiên về thâm dụng nguồn vốn đầu tư (yếu tố vốn vẫn chiếm tới 44,6% trong tăng trưởng của giai đoạn), trong khi hiệu quả sử dụng vốn hạn chế (hệ số ICOR còn cao, ở mức 4,73 so với 4,23 của cả nước).
Để xác định kịch bản tăng trưởng trong thời gian tới, cần đánh giá đầy đủ các tác động cả tích cực và tiêu cực của nền kinh tế thế giới đối với nước ta; nâng cao năng suất lao động - đây được coi là phương thức căn bản nhất để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững, bởi điều này gắn liền với việc khởi tạo hai quá trình chuyển dịch cơ bản của nền kinh tế, bao gồm: chuyển dịch cơ cấu kinh tế, di chuyển nguồn lực từ các ngành có năng suất thấp sang các ngành có năng suất cao hơn nhằm sử dụng có hiệu quả nhất nguồn lực; tạo hiệu ứng kinh tế quy mô, khai thác lợi thế nhờ quy mô để tăng năng suất trong từng doanh nghiệp, từng ngành kinh tế.
Qua đại dịch COVID-19, có thể rút ra những bài học nhằm nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế thông qua việc hoán chuyển những rủi ro, thách thức từ bên ngoài trở thành cơ hội để phát huy vai trò kết nối, thu hút các dòng vốn đầu tư; bảo đảm an sinh xã hội là thước đo ổn định xã hội; tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách trên nguyên tắc: bám sát chương trình, kế hoạch hành động; chủ động, sáng tạo, linh hoạt đề ra những giải pháp khả thi, bám sát thực tiễn gắn với cụ thể hóa, cá thể hóa trách nhiệm… Muốn vậy, trong thời gian tới Hà Nội cần làm tốt một số nội dung sau đây:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, trong đó tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi của các cấp và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại, trong sạch, tận tụy, vì nhân dân phục vụ.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp sớm hoàn thiện, trình Chính phủ cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó đặc biệt chú trọng nội dung phân cấp, phân quyền phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ phát triển Thủ đô.
Thứ ba, hoàn thành lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065 với tư duy đổi mới, tầm nhìn đột phá, chiến lược, dài hạn, phát huy được mọi tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Tổ chức triển khai quy hoạch đô thị hiện đại và có bản sắc, mở rộng không gian phát triển, phát huy tiềm năng, thế mạnh của thành phố. Đồng thời, cần tập trung khai thác hiệu quả quỹ đất Hà Nội mở rộng, phát triển đô thị gắn với không gian kinh tế; triển khai xây dựng 5 đô thị vệ tinh phân kỳ thực hiện theo tiến độ, trước mắt tập trung kêu gọi đầu tư đồng bộ, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của 2 - 3 đô thị có tiềm năng (đô thị Hòa Lạc, Sóc Sơn, Phú Xuyên) để vừa tạo ra đơn vị ở cho người dân, góp phần giải tỏa cho đô thị trung tâm, giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, vừa thu hút đầu tư sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thứ tư, mô hình tăng trưởng thời gian tới vẫn cần dựa vào mở rộng quy mô các cơ sở sản xuất, thu hút đầu tư xây dựng và lấp đầy các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch; đồng thời, kết hợp hài hòa, hợp lý cả chiều rộng và chiều sâu nhằm bảo đảm khả năng huy động tối đa nguồn lực và nâng cao hiệu quả, hiệu suất và năng lực cạnh tranh; cơ cấu lại nền kinh tế, tận dụng tối đa lợi thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hiện đại hóa các ngành kinh tế, tạo ra các sản phẩm với hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao.
Thứ năm, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp chuyển đổi số quốc gia, triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg, ngày 6-1-2022, của Thủ tướng Chính phủ, “Về phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; tăng cường triển khai dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia.
Thứ sáu, phát triển Thủ đô theo hướng hiện đại, xây dựng đô thị thông minh, vùng nông thôn bền vững. Đầu tư phát triển hạ tầng (phần cứng và phần mềm) thông minh, phát triển giáo dục, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xây dựng chính quyền điện tử (quản trị thông minh)./.
Hà Nội đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong tiến trình hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng  (23/12/2023)
Kinh nghiệm của Nhật Bản trong thu hút lao động chất lượng cao: Hàm ý cho Thủ đô trong tiến trình hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng  (27/11/2023)
Hà Nội: Tâm thế mới, vóc dáng mới trong điều kiện mới  (26/11/2023)
Hà Nội: Chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, hội nhập  (25/11/2023)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay