Đồng vốn nhân văn sâu nặng nghĩa tình trên đất Kon Tum
TCCS - Kon Tum là tỉnh miền núi nằm ở phía bắc Tây Nguyên, có biên giới giáp với 2 nước bạn Lào và Cam-pu-chia. Toàn tỉnh hiện có hơn 540.000 người, với 28 dân tộc, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 53%. Trong những năm qua, công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh quan tâm, đặc biệt là từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22-11-2014, của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”.
Quyết tâm đưa đồng vốn chính sách đến người dân
Theo ông Lê Danh Thứ, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Kon Tum, từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững; giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới. Tỉnh ủy đã ban hành các văn bản chỉ đạo, xây dựng kế hoạch thực hiện. Qua đó, đã nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền các cấp, tạo được sự thống nhất trong nhận thức và hành động, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong triển khai tín dụng chính sách xã hội.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum cho biết, tỉnh bố trí 100% số chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã tham gia ban đại diện hội đồng quản trị NHCSXH cấp huyện; hiện có 102 điểm giao dịch xã, 1.677 tổ tiết kiệm và vay vốn thường xuyên được hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị, trụ sở làm việc; chỉ đạo thường xuyên bám sát các tiêu chí hộ nghèo, hộ cận nghèo và hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chủ động rà soát, bổ sung kịp thời vào danh sách những hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo của địa phương, bảo đảm các hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu được vay vốn từ NHCSXH.
Hằng năm, bên cạnh việc tranh thủ tối đa nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách xã hội từ Trung ương chuyển về, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo bố trí ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện để bổ sung nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; nguồn vốn cho vay được tăng lên hằng năm. Tính đến cuối năm 2019, tổng nguồn vốn đạt trên 2.538 tỷ đồng, tăng 1.093 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW. Trong đó, nguồn vốn ủy thác địa phương đã tăng thêm 58,404 tỷ đồng, tăng 691%, nâng tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương đến nay đạt 66,848 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách địa phương đã giúp cho 820 lượt hộ nghèo được vay vốn, 42 hộ tại vùng khó khăn vay vốn để sản xuất, kinh doanh, 24 lượt lao động vay vốn đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, tạo việc làm mới cho 345 lao động. Vốn tín dụng chính sách xã hội còn tham gia các dự án trồng cao su tiểu điền cho hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện Đắk Hà, Sa Thầy và thành phố Kon Tum; mô hình trồng cây cà-phê, rau, hoa, quả xứ lạnh tại huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Glei; mô hình nhóm hộ chăn nuôi bò sinh sản tại xã Văn Lem, huyện Đăk Tô; mô hình nhóm hộ trồng sâm dây tại huyện Tu Mơ Rông; dự án phát triển đàn trâu, bò để hỗ trợ giảm nghèo bền vững tại huyện Kon Rẫy, Sa Thầy, Đăk Hà.
Tính đến cuối năm 2019, trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai thực hiện 16 chương trình tín dụng chính sách xã hội, tăng 6 chương trình so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, với tổng dư nợ đạt trên 2.530 tỷ đồng, tăng 1.089 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng bình quân hằng năm đạt 11,38%; với trên 64 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ, tăng 4,205 hộ so với trước khi có Chỉ thị. Cùng với việc tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng chính sách xã hội cũng không ngừng được nâng lên. Theo đó, tỷ lệ nợ quá hạn đã giảm từ 0,65% xuống còn 0,28% hiện nay.
Giám đốc Lê Danh Thứ cho biết thêm, từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW đến nay, đã có 135.650 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp cho hơn 23 nghìn hộ thoát nghèo vươn lên làm giàu, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 26,11% xuống còn 17, 29% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020; 18/86 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Việc vay vốn tín dụng chính sách xã hội với thủ tục đơn giản, không phải thế chấp, lãi suất ưu đãi, nhận tiền vay, trả nợ, trả lãi tại điểm giao dịch xã đã giúp người dân dễ dàng, thuận lợi tiếp cận nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách; hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”, giảm chi phí cho các đối tượng vay vốn, góp phần làm chuyển biến nhận thức của hộ nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, giúp họ thay đổi tập quán sản xuất, xóa bỏ tự ti, mặc cảm, vươn lên thoát nghèo.
Đổi đời nhờ tín dụng chính sách xã hội
Những ngày cuối năm 2019, chúng tôi đến thăm gia đình ông A Đéc, người dân tộc Xơ-đăng ở làng Bring, xã Đăk Long, huyện Kon Plông. Ông hồ hởi khoe rằng, gia đình được vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn của NHCSXH huyện mua được 2 con trâu, đến nay, đàn trâu đã phát triển được 10 con. Không chỉ vượt qua nghèo đói mà nay gia đình ông đã xây được ngôi nhà cấp 4 kiên cố, khang trang, mua được ti vi, xe máy, cho con đi học, tái đầu tư và mở rộng trồng thêm 0,5ha lúa nước, trồng 2ha sắn. Ông nói: “ Mình cảm ơn Nhà nước nhiều lắm, đã cho vay vốn ưu đãi, gia đình mình đang gắng thoát nghèo rồi”. Còn ông Nguyễn Minh Thuận, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sa Bình, huyện Sa Thầy cho biết, là một trong những xã nằm trong vùng lòng hồ thủy điện Ya Ly và Plei Krông, những năm qua, nhờ đồng vốn của NHCSXH, rất nhiều hộ nghèo ở Sa Bình đã chuyển đổi cây trồng, phát triển chăn nuôi, nhất là nuôi bò, vươn lên thoát nghèo bền vững, trong đó có nhiều hộ là người dân tộc thiểu số.
Tu Mơ Rông là huyện thuộc diện 30a, nơi vùng sâu của tỉnh Kon Tum với trên 96% là người dân tộc thiểu số. Phó Bí thư Thường trực huyện ủy Võ Trung Mạnh cho biết, bà con sinh sống dưới chân núi Ngọc Linh có độ cao khoảng 2.600m, người dân nơi đây chủ yếu tập trung vào phát triển trồng cây dược liệu và nhờ vào nguồn vốn của NHCSXH là chủ yếu. Theo báo cáo, tổng dư nợ cho vay của NHCSXH huyện Tu Mơ Rông đến nay đạt trên 330 tỷ đồng, tăng 308 tỷ đồng so khi mới thành lập huyện năm 2003. Đến nay, NHCSXH huyện đã và đang triển khai thực hiện 15 chương trình tín dụng chính sách xã hội rất hiệu quả.
Dẫn chúng tôi đến thăm gia đình ông A Điện Trung cùng nhiều hộ bà con khác đang nuôi chí làm giàu từ cây sâm Ngọc Linh - một loại cây quý mà thiên nhiên đã ưu đãi ban tặng trên vùng đất này. A Điện Trung hiện là người dân tộc Xơ-đăng, được giao quản lý một khu vực trồng sâm trên dãy núi Ngọc Linh. Ông kể, gia đình tính trồng sâm từ cách đây 5 năm. Ban đầu, ông vay vốn 50 triệu đồng của NHCSXH để đầu tư cây sâm giống. “Việc đầu tư trồng sâm Ngọc Linh rất tốn kém cho nên từ hai năm nay, cả gia đình phải gom từ nhiều nguồn khác để đầu tư vào vườn sâm như: chăn nuôi, bán bò, thu cây dược liệu,… Nhưng tôi vẫn luôn biết ơn những đồng vốn ưu đãi đầu tiên mà NHCSXH đã cho vay”, ông Trung nói. Hiện vườn sâm của gia đình ông Trung đang tạo việc làm cho 12 lao động, đều là bà con dân tộc Xơ-đăng ở xã Ngọc Lây.
Cùng với sâm Ngọc Linh, trồng sâm dây cũng đang là một mô hình phát triển kinh tế mới mà nhiều hộ dân tại xã Ngọc Lây đang đầu tư trong mấy năm qua. Chị Y Bờ Lúc ở thôn Măng Rương 1 cũng khởi nghiệp từ vốn đầu tư ban đầu là 40 triệu đồng vay của NHCSXH để làm kinh tế từ năm 2017. Đến nay, vườn sâm dây đã cho thu hoạch và bán được trên 10 triệu đồng. Gom góp từ các nguồn chăn nuôi khác, chị cũng đã trả ngân hàng được 15 triệu đồng. Năm nay, chị Y Bờ Lúc dự tính sẽ đầu tư toàn bộ số tiền thu được từ bán sâm dây để trồng tiếp. “Đất trong rừng có sẵn, gia đình tôi có mấy anh chị em cùng làm. Nhưng giờ bí nhất là tiền để đầu tư nông cụ sản xuất, như máy bơm và ống để dẫn nước lên tưới cây. Cho nên, gia đình vẫn rất cần được vay thêm vốn ưu đãi của NHCSXH để mở rộng sản xuất”, chị Y Bờ Lúc cho biết.
Tại xã Ngọc Lây, hiện dự nợ là 10 tỷ đồng với 335 hộ vay. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nguyễn Minh Bình cho biết, khi NHCSXH nâng mức cho vay tối đa 100 triệu đồng, bà con rất phấn khởi và mong chờ nguồn vốn. “Nếu được vay thêm, hộ nghèo sẽ phát triển chăn nuôi, trồng cây dược liệu. Xã đã cử cán bộ đi gặp các hộ đang phát triển sâm Ngọc Linh và trồng sâm dây. Các hộ bây giờ cũng đang học hỏi nhau để triển khai bài bản”, ông Bình cho biết thêm.
Theo bà Thảo Thị Ngọc Lan, Trưởng Phòng Kế hoạch nghiệp vụ - tín dụng - NHCSXH tỉnh Kon Tum, vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp cho hầu hết người nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với thủ tục đơn giản. Thông qua nguồn vốn ưu đãi này đã giúp cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh bám đất, bám làng, thay đổi nhận thức từ sản xuất tự cấp, tự túc để phát triển các sản phẩm hàng hóa, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng trên đồng đất của mình.
Trên đường trở về thành phố Kon Tum, chúng tôi lại ghé vào thăm gia đình ông A Măn, người dân tộc Xơ-đăng ở làng Đăk Kan, xã Diên Bình, huyện Đăk Tô. Năm 2015, gia đình ông vay 30 triệu đồng từ chương trình tín dụng đối với đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Dùng tiền vay để trồng 2ha cà-phê. Nay đã trả hết gốc, ông vay thêm 50 triệu đồng mua 4 con bò giống lai. Ông A Măn phấn khởi: “Trước kia nhà tôi nghèo quá. May mà nhờ đồng vốn của NHCSXH nên nay kinh tế đã khá hơn nhiều. Tôi đã trả hết nợ, còn lãi mấy con bò, trồng thêm 7 sào cà phê đang phát triển rất tốt…”. Ánh mắt ông như ánh lên niềm vui về cuộc đổi đời đã đến với gia đình ông như một niềm tin không bao giờ tắt.
Không ít gia đình ở Kon Tum đã thoát nghèo, làm giàu nhờ nguồn vốn chính sách, có của ăn, của để, xây cất nhà cửa khang trang, giờ đây còn dư vốn lại gửi vào NHCSXH. Điển hình như bà Y Bi, dân tộc Ba-na ở làng Ko Hra Chót, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum. Vài năm trước, bà vay 30 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo. Số tiền đó bà mua 2 con bò về nuôi, đến nay đàn bò đã lên tới 16 con. “Trước đây, gia đình tôi khó khăn, vất vả, được NHCSXH cho vay tiền để nuôi bò. Nhờ chịu khó chăm sóc đàn bò mau ăn chóng lớn, lại sinh sản nhanh. Gia đình tôi không những đã trả hết nợ mà còn có của ăn của để, mỗi tháng còn gửi tiết kiệm vào NHCSXH cả triệu đồng ”, bà Y Bi phấn khởi tâm sự.
Với việc người dân tin tưởng và mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế, các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã phát huy hiệu quả trong việc góp phần thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội ở Kon Tum những năm qua. Giám đốc NHCSXH tỉnh Lê Danh Thứ cho biết: “Mạng lưới NHCSXH được phủ xuống tận các thôn, làng, thủ tục cho vay đơn giản, giải ngân kịp thời đã giúp người dân dễ dàng vay vốn, góp phần làm giảm tín dụng phi chính thống”. Trong năm 2018, Kon Tum có 25.043 lượt hộ được vay vốn, với số tiền 731 tỷ đồng; trong đó 8.168 lượt hộ nghèo, 2.371 lượt hộ cận nghèo, 2.687 lượt hộ mới thoát nghèo, 4.726 lượt hộ vay làm công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường, 4.418 lượt hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, 24 hộ được vay vốn chương trình nhà ở chính sách theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Đến Kon Tum hôm nay, cho dù ở nơi tít tắp vùng sâu, người dân không còn chỉ lo cho “cái bụng” như trước mà đã hướng đến có của ăn, của để, một phần là nhờ đồng vốn nhân văn của NHCSXH mang lại cho người dân. Ví như gia đình ông A Thi, người dân tộc Xơ-đăng ở làng Kon Tu Rốp 2, xã Pô Kô, huyện Đăk Tô. Nhờ vốn ban đầu của NHCSXH, mới ở tuổi 36, A Thi đã có trong tay 24ha cây công nghiệp và hồ nuôi cá; mỗi năm thu nhập khoảng 2 tỷ đồng và vừa được vinh danh là “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019”. Chia tay A Thi giữa trang trại cao su đang vào mùa thay lá. Trời Tây Nguyên trong xanh, nắng vàng rực rỡ, chúng tôi rất đỗi cảm phục bản lĩnh, trí tuệ và lòng quả cảm ở con người này. Xiết chặt tay tôi, trong ánh mắt của người nông dân chất phác này như chứa đựng một tình yêu sâu thẳm với đất và người nơi đây; ánh lên niềm tin về cuộc đổi đời sẽ nhanh đến với bà con đồng bào các dân tộc thiểu số trên vùng đất cực Bắc Tây Nguyên./.
Tín dụng ưu đãi của Nhà nước cho các đối tượng chính sách xã hội và đồng bào dân tộc thiểu số  (24/12/2019)
Tín dụng chính sách - nguồn lực quan trọng cho xây dựng nông thôn mới  (18/11/2019)
Vốn tín dụng chính sách - một trụ cột trong thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững tại Thái Bình  (13/11/2019)
Động lực mới giúp Hà Tĩnh giảm nghèo bền vững  (03/11/2019)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay