Nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số
TCCS - Hiện nay đã có trên 1,4 triệu khách hàng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả chương trình tín dụng ở khu vực này, các chuyên gia, chính quyền địa phương kiến nghị cần nâng mức cho vay, đẩy mạnh hướng dẫn kỹ thuật, bình xét vay vốn đúng đối tượng...
Vốn tín dụng đã làm thay đổi căn bản nhận thức của đồng bào
Có sự thay đổi lớn về nhận thức nên nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã biết tính toán để đồng vốn ngân hàng “sinh sôi nảy nở”. Câu chuyện của anh Lý A Phùa, dân tộc Mông, ở bản Ka Sin Chải, xã Tảo Ngảo, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu đã chứng minh điều đó.
Cũng như nhiều gia đình khác ở bản Ka Sin Chải, gia đình Lý A Phùa trước đây có đời sống khó khăn, năm nào cũng thiếu ăn dịp giáp hạt, con cái chịu cảnh bữa đói, bữa no. Tuy nhiên, từ khi vay được vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội cuộc sống của gia đình anh đã dần thay đổi. Anh Lý A Phùa kể: “Được sự tuyên truyền, vận động của tổ chức hội, đoàn thể, Trưởng bản, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn bản Ka Sin Chải, tôi đã đại diện cho gia đình làm thủ tục vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sìn Hồ với mong muốn mua một đàn dê về chăn nuôi sinh sản để thoát nghèo”. Số tiền 8 triệu vào thời điểm cuối năm 2013 đã giúp A Phùa mua được 3 con dê, chục con gà và vịt. Sau một thời gian sử dụng vay vốn thấy hiệu quả, đời sống gia đình được nâng lên anh lại mạnh dạn xin vay thêm 30 triệu đồng từ chương trình cho hộ nghèo vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để mua một con trâu sinh sản. Nhờ cần cù, chịu khó, đàn gia súc, gia cầm của anh đã phát triển lên 2 con trâu, 8 con dê và 50 con gà, vịt. Đến nay, gia đình anh Lý A Phùa đã có cuộc sống ấm no, con cái được đến trường và anh rất biết ơn nguồn vốn tín dụng ưu đãi này của Chính phủ.
Theo Ngân hàng Chính sách xã hội, hiện Ngân hàng có 8,2 triệu món vay của gần 6,6 triệu khách hàng đang còn dư nợ. Trong đó, có trên 1,4 triệu khách hàng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng, với doanh số cho vay là 135.964 tỷ đồng, doanh số thu nợ là 86.061 tỷ đồng và tổng dư nợ đạt 49.617 tỷ đồng, chiếm 24,8% tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội. Dư nợ bình quân một hộ đồng bào dân tộc thiểu số đạt 34 triệu đồng/bình quân chung là 30,4 triệu đồng.
Ngoài ra, đồng bào dân tộc thiểu số còn được thụ hưởng các chương trình cho vay dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số với tổng dư nợ là 2.342 tỷ đồng, với 163.694 hộ có dư nợ và trên 371 ngàn lượt hộ vay vốn.
Ông Dương Quyết Thắng - Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, trong những năm qua, điều kiện kinh tế - xã hội đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương đã luôn quan tâm dành các nguồn lực tài chính, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là một chủ trương đúng chuyển từ cấp phát “cho không” sang hỗ trợ có điều kiện thông qua tín dụng ngân hàng.
Cùng với việc tập trung ưu tiên nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số tại các xã vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo,... để người dân yên tâm sản xuất, kinh doanh, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, Ngân hàng Chính sách xã hội luôn ưu tiên và tạo mọi điều kiện thuận lợi về con người, cơ sở vật chất, chính sách đặc thù về công tác cán bộ, thi đua khen thưởng,... cho các phòng giao dịch cấp huyện còn nhiều khó khăn, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống để các đơn vị đó triển khai tốt các chương tín dụng chính sách xã hội, bảo đảm nguồn vốn đến đúng các đối tượng thụ hưởng.
Đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% số xã, phường, thị trấn trên toàn quốc một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, trong đó tập trung ưu tiên cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã làm thay đổi căn bản nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số từ mặc cảm, tự ti, sợ vay, không dám vay nay đã mạnh dạn vay vốn và tập sự làm ăn có hiệu quả; đồng thời, đã giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của cuộc sống trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số dần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm bệnh tật, thất học và các tệ nạn xã hội. Đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận nguồn vốn của Chính phủ để làm ăn, tạo việc làm, từng bước nâng cao trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh cũng như trình độ quản lý vốn để dần vươn lên thoát nghèo, làm giàu, góp phần ngăn chặn tệ nạn cho vay nặng lãi ở vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số... Đặc biệt, thông qua sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội đã tác động đến nhận thức, giúp đồng bào dân tộc thiểu số tự tin, dần nâng cao vị thế trong xã hội.
Theo Ngân hàng Chính sách xã hội, đến nay vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp hộ dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo, trong đó có trên 2 triệu hộ thoát nghèo, thu hút và tạo việc làm cho trên 162 nghìn lao động (trên 16 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); giúp trên 211 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là con em hộ dân tộc thiểu số được vay vốn phục vụ việc học tập; xây dựng hơn 1,3 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng hơn 215 nghìn căn nhà ở...
Tăng cường nguồn lực cho tín dụng đối với đồng bào dân tộc thiểu số
Các chuyên gia tài chính - ngân hàng và chính quyền địa phương và người dân đều khẳng định: Tín dụng chính sách xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục là công cụ kinh tế hữu hiệu và phải được nhận thức là một trong những công cụ quan trọng, tích cực để góp phần vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả hơn nữa, ngoài việc hướng dẫn về khoa học kỹ thuật cho người vay vốn, bình xét đúng đối tượng thì cần phải tăng cường hơn nữa nguồn lực về tài chính. Ông Giàng A Tính - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu cho biết, thời gian tới Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan chỉ đạo làm tốt công tác rà soát, bình xét đối tượng thụ hưởng chính sách. Theo đó, riêng với đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng thì ngoài những điều kiện theo quy định, phải lựa chọn đối tượng có phương án sử dụng vốn vay rõ ràng để bảo đảm nguồn vốn vay đầu tư vào đất sản xuất hoặc có sản xuất, kinh doanh thực sự để giảm thiểu rủi ro nguồn vốn tín dụng chính sách.
Bảo đảm nguồn vốn nhà nước đầu tư cho tín dụng chính sách xã hội để Ngân hàng Chính sách xã hội có điều kiện chủ động triển khai cho vay theo chương trình của Chính phủ, ông Giàng A Tính đề nghị bố trí nguồn vốn kịp thời đối với các chương trình tín dụng chính sách mới được ban hành để bảo đảm tính hiệu lực và hiệu quả của chương trình. Đồng thời, cần có chính sách tín dụng đặc thù cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi về mức cho vay, thời hạn cho vay, nguồn vốn do Chính phủ cấp,… để ưu tiên, khuyến khích đồng bào định canh, định cư tại chỗ, vừa giúp cho phát triển kinh tế bền vững, vừa giữ gìn bản sắc dân tộc.
Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đưa ra định hướng các mục tiêu và giải pháp cụ thể, như tập trung thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22-11-2014, của Ban Bí thư Trung ương Đảng, về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 852/QĐ-TTg ngày 10-7-2012; đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục ưu tiên tập trung nguồn vốn, cấp đủ nguồn vốn để giúp cho các địa phương, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống cơ bản khắc phục khó khăn, như đầu tư vào kết cấu hạ tầng, giao thông, xây dựng những chuỗi sản phẩm theo chuỗi giá trị đồng bộ (cung cấp con giống, bảo đảm ngăn chặn dịch bệnh, kỹ thuật nuôi trồng, tiêu thụ sản phẩm, tìm đầu ra cho sản phẩm...); đẩy mạnh tính cạnh tranh cho từng sản phẩm, nhất là sản phẩm mang tính đặc thù của từng địa phương, từng vùng, miền.
Về tín dụng chính sách xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đề nghị Chính phủ xem xét xây dựng, ban hành chính sách tín dụng đầu tư theo Đề án giảm nghèo của từng vùng, từng địa phương, với mức cho vay, thời hạn cho vay tối đa phù hợp với từng dự án sản xuất, kinh doanh được cấp có thẩm quyền phê duyệt mà không phụ thuộc vào quy định chung về thời hạn và mức cho vay. Với các dự án có tính khả thi, có hiệu quả thì mức vay có thể vượt mức tối đa quy định hiện nay (100 triệu đồng) và thời gian cho vay có thể trên 10 năm.
Các chuyên gia tài chính - ngân hàng cũng cho rằng, để tạo điều kiện ưu tiên nguồn vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số, đề nghị hình thành một nguồn vốn riêng và được cân đối bố trí từ Quốc hội để bảo đảm nguồn vốn cho vay đối với đồng bào dân tộc thiểu số được ưu tiên nhất, chủ động nhất, tránh trường hợp nguồn vốn không đáp ứng kịp thời khi các quyết định được ban hành. Nguồn vốn cho vay đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số được ngân sách nhà nước cấp 100% với lãi suất cho vay phù hợp, cụ thể, lãi suất cho vay đối với các đối tượng là hộ dân tộc thiểu số bằng 1/2 lãi suất cho vay đối với các đối tượng cho vay không phải là đồng bào dân tộc thiểu số tương ứng./.
Tín dụng chính sách ở Thanh Hóa “thẩm thấu” từ khi có Chỉ thị số 40  (17/10/2019)
Tiếp nối những ngọn lửa hồng ấm nghĩa tình  (16/10/2019)
Phóng sự: Tín dụng chính sách xã hội với đồng bào dân tộc thiểu số  (15/10/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay